Nuôi dưỡng những mảnh đời bất hạnh
Những ngày cuối tháng 4, dưới cái nắng nhẹ đầu hè, đến thăm Trung tâm Công tác xã hội và Bảo trợ xã hội tỉnh, chúng tôi bắt gặp những nụ cười hồn nhiên, tinh nghịch của các em nhỏ rồi một nhóm các cụ cao tuổi đang vui vẻ trò chuyện… mà không ai nghĩ rằng, đằng sau ấy là những hoàn cảnh, những số phận éo le.
Dẫn chúng tôi đi tham quan nơi ở, vui chơi, học tập và khu dưỡng lão tự nguyện của Trung tâm, bà Lê Thị Hồng Nhung - Phó Giám đốc Trung tâm Công tác xã hội và Bảo trợ xã hội tỉnh phấn khởi chia sẻ: "Ở Trung tâm đặc biệt này, mỗi người có một số phận, hoàn cảnh khác nhau, thế nhưng họ đều được sống trong tình thương, ân cần của cán bộ, nhân viên Trung tâm và được sẻ chia những vui buồn với những người có cùng cảnh ngộ. Mỗi trường hợp khi đến đây đều rất hoàn cảnh, rất thiệt thòi rồi, vì thế chúng tôi luôn muốn dành những gì tốt đẹp nhất để họ không bị mặc cảm, mà luôn có nghị lực và cảm nhận được niềm tin vào cuộc sống”.
Em Triệu Đức Mạnh là một trường hợp bị bỏ rơi tại cổng Trung tâm năm 2009, được Trung tâm nuôi dưỡng từ bé, được đặt tên và sống trong sự yêu thương của mọi người tại đây, nay em đã học lớp 9, Trường THCS Nguyễn Du, thành phố Yên Bái.
Chị Cù Thị Kim Chung - cán bộ Trung tâm, với thâm niên công tác gần 20 năm rơm rớm nước mắt kể lại: "Triệu Đức Mạnh được Trung tâm nuôi dưỡng từ khi lọt lòng được mấy ngày tuổi; quá trình chăm sóc, nuôi dưỡng rất vất vả, sức đề kháng không có, lớn lên mắt con rất kém và được đưa đi khám, chẩn đoán bị teo dây thần kinh thị giác dung giật nhãn cầu và được điều trị nên bây giờ con đã đỡ phần nào. Càng lớn con càng ngoan và tập trung học tập để bù đắp công dưỡng dục, từ lớp 1 đến lớp 9, con đều đạt học sinh tiên tiến. Ngay từ nhỏ, con đã bị bỏ rơi, thiếu tình thương của bố mẹ nên chúng tôi rất muốn bù đắp những thiệt thòi đó cho con. Ở đây chúng tôi như những người bố, người mẹ, người thân của con. Chúng tôi sẽ cố gắng hết sức để chăm sóc, giúp con phát triển bình thường để có tương lai tốt đẹp hơn!”.
Cũng như trường hợp em Triệu Đức Mạnh, những đứa trẻ mồ côi đang được nuôi dưỡng tại Trung tâm như hai chị em Lù A Tủa và Lù Thị Dua ở xã Nậm Có, huyện Mù Cang Chải hay em Trang A Vổng… đều đã trưởng thành và đi học chuyên nghiệp. Trong đó có em Hờ A Lao được tuyển thẳng vào Trường Sĩ quan Lục quân I, hiện đang công tác tại Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Lào Cai.
Được biết, tất cả các em khi đến độ tuổi đi học đều được Trung tâm tổ chức cho đi học ở các trường công lập, riêng trẻ khuyết tật về trí tuệ hoặc vận động được Trung tâm tổ chức các buổi dạy riêng với chương trình đặc biệt để các em có cơ hội phát triển về trí tuệ cũng như thể chất.
Anh Nguyễn Văn Cường - Trưởng phòng Quản lý chăm sóc chia sẻ: "Tôi không thể nhớ nổi mình đã chăm sóc, nuôi dưỡng biết bao trẻ em mồ côi. Chỉ biết rằng, tôi cùng các đồng nghiệp phụ trách bộ phận chăm sóc trẻ luôn chia ca, thay nhau túc trực 24/24 giờ để lo từng miếng ăn, giấc ngủ cho các em. Nhiều trẻ khi vào Trung tâm mới được vài tuổi nên việc chăm sóc đòi hỏi tỉ mỉ từng chút. Mỗi chị em ở Trung tâm đều phải kiên trì, gần gũi, coi trẻ như là con của mình để các em cảm nhận được sự ấm áp, được lớn lên như chính trong gia đình mình. Khi về mái nhà chung này, các em đã nhận được tình yêu thương của đội ngũ cán bộ Trung tâm, góp phần xoa dịu nỗi đau mất mát, xóa đi mặc cảm, giúp các em nỗ lực vươn lên trở thành người có ích cho xã hội”.
Nơi trao gửi yêu thương
Không chỉ trẻ mồ côi, người khuyết tật, Trung tâm cũng là ngôi nhà của những mảnh đời neo đơn không có ai phụng dưỡng, chăm sóc… Thay vì sống ở nhà và đau ốm chẳng biết nhờ cậy ai, tại đây, họ được lo từ bữa ăn, giấc ngủ, được chăm sóc sức khỏe và trên hết là tinh thần luôn thoải mái, vui tươi. Chứng kiến cuộc sống, trò chuyện với những số phận thiệt thòi đang được chăm sóc tại đây, chúng tôi mới thấy rõ được ý nghĩa thiết thực mà Trung tâm đang mang lại cho công tác bảo trợ xã hội, giúp đỡ những người yếu thế vượt qua những rào cản của cuộc sống, để họ phát triển, có cuộc sống như bao người bình thường khác.
Cán bộ Trung tâm giúp người già neo đơn phục hồi chức năng, chăm sóc sức khỏe.
Bà Bùi Thị Vượng - người già khuyết tật, năm nay đã 70 tuổi, là một trong những hoàn cảnh đáng thương, bà Vượng chia sẻ: "Tôi bị khuyết tật tay chân từ nhỏ, cuộc sống nghèo khó và gia đình neo người. Vào đây, tôi được chăm sóc, yêu thương và cảm nhận được tình cảm gia đình thân thiết. Tôi biết ơn các cán bộ, nhân viên chăm sóc và tất cả mọi người trong Trung tâm. May có sự giúp đỡ, sẻ chia nên tôi không còn buồn tủi như trước nữa. Tôi muốn sống vui vẻ cùng với mọi người nơi đây”.
Hay trường hợp của bà Nguyễn Thị Cát năm nay 90 tuổi ở xã Đại Minh, huyện Yên Bình - người già neo đơn không nơi nương tựa, vào Trung tâm được 20 năm, tại đây bà được cán bộ, nhân viên chăm sóc tận tình, chu đáo. Bà Cát xúc động nói: "Khi đặt chân đến Trung tâm, tôi đã cảm nhận được đó là tình cảm của gia đình, người thân trao gửi yêu thương cho nhau. Đến giờ, tôi yên tâm sống vui, sống khỏe đến hết phần đời còn lại”.
Nhiều năm nay, Trung tâm Công tác xã hội và Bảo trợ xã hội tỉnh đã trở thành ngôi nhà chung của những đối tượng yếu thế trong xã hội. Tại đây, những mảnh đời bất hạnh, không nơi nương tựa trên địa bàn toàn tỉnh được chăm sóc chu đáo, tận tình từ bữa ăn tới giấc ngủ, đảm bảo đầy đủ chế độ tiêu chuẩn theo đúng quy định.
Ông Phạm Công Quyết - Giám đốc Trung tâm cho biết: "Hiện Trung tâm đang chăm sóc, nuôi dưỡng và quản lý 150 đối tượng, trong đó có gần 70 trẻ em mồ côi, khuyết tật, phần lớn các em là người dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh, còn lại là người khuyết tật, người già neo đơn không có ai phụng dưỡng. Năm 2023, Trung tâm đã tiếp nhận mới 37 đối tượng vào chăm sóc, nuôi dưỡng, trong đó 2 người cao tuổi; 8 người khuyết tật; 3 đối tượng khẩn cấp và 24 đối tượng tự nguyện".
"Chúng tôi không ngừng nỗ lực để dành những điều tốt đẹp đến cho các đối tượng yếu thế, thực hiện chế độ làm việc theo ca, đảm bảo 24/24h trong quản lý, chăm sóc và phục vụ đối tượng. Bên cạnh đó, duy trì phương án bố trí lãnh đạo đơn vị trực tăng cường ngoài giờ hành chính và các ngày nghỉ, lễ, tết để kịp thời giải quyết những vấn đề phát sinh trong công tác quản lý đối tượng. Nhờ vậy, 95% các đối tượng yếu thế có sức khỏe từ trung bình trở lên. Cùng đó, chúng tôi luôn chủ động trò chuyện, lắng nghe tâm sự của các đối tượng để hiểu, chia sẻ và bù đắp phần nào những mất mát, thiệt thòi cả về vật chất và tinh thần, để họ được sống trong tình yêu thương, đùm bọc, không mặc cảm, tự ti”, ông Quyết nói.
Công việc tại Trung tâm rất đặc thù, ngoài những điều kiện được tuyển dụng vào làm việc theo quy định, điều quan trọng nhất là tình thương, tấm lòng nhiệt huyết của mỗi cán bộ để gần gũi, thông cảm và sẻ chia với những mảnh đời yếu thế, bất hạnh, giúp họ dần xóa bỏ những mặc cảm, tự ti, đó là sứ mệnh đặc biệt của ngôi nhà tình thương và sẻ chia.
Trần Minh