Xác định để xây dựng đời sống văn hóa (XDĐSVH), trước hết cần nâng cao nhận thức của người dân, Đảng ủy xã Phình Hồ đã tích cực tuyên truyền, giáo dục cho cán bộ, đảng viên và nhân dân về tầm quan trọng của việc XDĐSVH.
Các hình thức tuyên truyền được triển khai đa dạng hóa, phong phú thông qua hệ thống loa truyền thanh, các buổi sinh hoạt tập thể, các hội nghị, họp chi hội, đoàn thể; tuyên truyền trực tiếp từ đội ngũ các già làng, trưởng bản, người có uy tín trong cộng đồng… Từ đó, giúp người dân hiểu rõ lợi ích của việc XDĐSVH và tích cực tham gia thực hiện.
Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Phình Hồ - Sùng A Củ cho biết: "Đến nay, đồng bào Mông trong xã không còn tổ chức ma chay, cưới hỏi dài ngày; không thách cưới cao và hôn nhân cận huyết thống. Trong cuộc sống hàng ngày, bà con duy trì mặc trang phục truyền thống, làm nhà theo kiến trúc của người Mông; tổ chức các hoạt động sinh hoạt văn hóa cộng đồng mang đậm bản sắc dân tộc như: hát ví, hát đối, thổi sáo, thổi khèn, đánh quay, ném còn…”.
Cùng với đó, hầu hết các gia đình người Mông ở Phình Hồ đã biết vệ sinh, dọn dẹp nhà cửa sạch sẽ; làm chuồng trại chăn nuôi gia súc, gia cầm xa nhà; sử dụng nước hợp vệ sinh. Vào những dịp cuối tuần, cuối tháng, các bản đều tổ chức lao động vệ sinh các tuyến đường giao thông nông thôn; làm công trình "Thắp sáng đường quê”; cải tạo nâng cấp các công trình cấp, thoát nước…
Đặc biệt, thực hiện XDĐSVH mới, đồng bào đã cho con em đi học; thực hiện thăm khám sức khỏe định kỳ tại Trạm Y tế xã... Nhờ đó, 100% trẻ em 5 tuổi, học sinh tiểu học và THCS của xã được tới trường; 100% trẻ em dưới 6 tuổi được uống vitamin A và tiêm các loại vắc-xin phòng bệnh; 57% hộ gia đình có đủ công trình vệ sinh; nhiều bản đạt danh hiệu "Thôn văn hóa”...
Cùng với đổi thay nếp nghĩ, cách làm trong đời sống sinh hoạt, đến nay, bà con nhân dân xã Phình Hồ cũng đã từng bước thay đổi tư sản xuất, chuyển dần từ sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, tự cung, tự cấp sang sản xuất hàng hóa.
Cùng với trồng và chăm sóc tốt hơn 200 ha chè sạch Shan tuyết (sản phẩm OCOP 3 sao của huyện Trạm Tấu); duy trì trồng hơn 110 ha lúa nước, 25 ha lúa nương, 85 ha ngô, phát triển chăn nuôi đàn gia súc chính với số lượng hơn 2.000 con, bà con nhân dân còn biết phát huy tiềm năng của địa phương và các giá trị văn hóa dân tộc để phát triển du lịch. Đã có một số hộ làm homestay; xây dựng điểm check-in săn mây, ngắm cảnh, thưởng trà Shan tuyết; giới thiệu, quảng bá du lịch địa phương trên các trang mạng xã hội.
Nhờ tích cực thu hút đầu tư, đến nay, xã Phình Hồ đã hình thành được điểm cắm trại, săn mây độc đáo, nổi tiếng là "Lau Camping Phình Hồ” rộng 4,5 ha, mỗi năm thu hút hàng chục nghìn du khách tới tham quan, nghỉ dưỡng, tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương với mức thu nhập từ 5 -7 triệu đồng/người/tháng.
Bí thư Đảng ủy xã Phình Hồ Nguyễn Văn Hải cho biết: Phát huy kết quả đạt được, năm 2024, xã tiếp tục duy trì và mở rộng vùng chè Shan tuyết, sản xuất lúa gắn với du lịch sinh thái; quy hoạch phát triển các sản phẩm nông sản đặc trưng của địa phương như: gà đen, lợn đen, măng ớt...; đẩy mạnh các hoạt động văn hóa, thể thao gắn với thực hiện tốt các nội dung trong các phong trào xây dựng nông thôn mới, XDĐSVH ở khu dân cư.
XDĐSVH là một quá trình lâu dài, cần sự chung tay góp sức của cả cộng đồng. Với sự nỗ lực của cấp ủy, chính quyền địa phương và sự đoàn kết, đồng lòng của nhân dân, tin tưởng rằng, xã Phình Hồ sẽ tiếp tục đạt được kết quả cao hơn trong XDĐSVH, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân và xây dựng nông thôn mới trên địa bàn.
Hồng Oanh