Theo ông Hoàng Văn Thức, Cục trưởng Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường, hiện nay, mỗi ngày, cả nước thải ra gần 68.000 tấn chất thải rắn sinh hoạt. Lượng rác thải này gia tăng hàng năm, gây ra nhiều áp lực, thách thức không nhỏ trong quản lý chất thải rắn sinh hoạt.
Việc kiểm soát, quản lý chất thải rắn sinh hoạt còn nhiều hạn chế, dẫn đến nguy cơ gây ra tác động tiêu cực đến hệ sinh thái, môi trường sống và sức khỏe của người dân.
Vì vậy, theo ông Thức, Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 đã quy định nguyên tắc phân loại chất thải rắn sinh hoạt làm 3 loại, gồm chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế; chất thải thực phẩm và chất thải rắn sinh hoạt khác.
Luật cũng quy định về việc thu giá dịch vụ thu gom, vận chuyển xử lý chất thải rắn sinh hoạt thông qua khối lượng hoặc thể tích và các quy định khác nhằm hướng đến tăng cường tối đa việc tái chế và giảm tối đa chất thải rắn sinh hoạt phải xử lý và phát thải ra môi trường.
Để bảo đảm tính khả thi của cơ chế này, Luật đã quy định UBND cấp tỉnh quyết định việc phân loại cụ thể chất chất thải rắn sinh hoạt với thời hạn áp dụng chậm nhất là ngày 31/12/2024. "Chính sách trên được đánh giá là bước ngoặt quan trọng làm thay đổi cả mô hình quản lý chất thải rắn sinh hoạt cũng như việc vận hành triển khai trên thực tế”, ông Thức nói.
Để hướng dẫn, hỗ trợ triển khai hiệu quả công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành Thông tư số 02 năm 2022 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Bảo vệ môi trường, trong đó đã quy định cụ thể về yêu cầu kỹ thuật đối với phương tiện vận chuyển, điểm tập kết, trạm trung chuyển chất thải rắn sinh hoạt, công nghệ xử lý chất thải rắn sinh hoạt, giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt.
Bộ cũng đã ban hành hướng dẫn kỹ thuật về phân loại chất thải rắn sinh hoạt, quy định chi tiết 3 nhóm chất thải rắn sinh hoạt sẽ được phân loại cũng như cách xử lý với từng nhóm chất thải rắn sinh hoạt này.
Hiện nay, 63 tỉnh/thành phố toàn quốc đang triển khai mô hình thí điểm phân loại rác tại nguồn với mức độ khác nhau, lộ trình bắt đầu bằng việc xây dựng các mô hình điểm, từ đó nhân rộng thực hiện. Các địa phương sẽ chủ động triển khai theo thực tế hạ tầng của mỗi địa phương. Trong đó, thành phố Hải Phòng là một điểm sáng về vấn đề phân loại rác tại nguồn.
Tuy nhiên, theo đại diện Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường, việc triển khai phân loại rác tại nguồn là vấn đề khó khăn, nhiều thách thức, tại quốc gia phát triển như Nhật Bản hay Hàn Quốc cũng mất hàng chục năm để có thể triển khai thành công trên toàn quốc.
Tại Việt Nam, theo ông Thức, lộ trình phân loại rác tại nguồn liên quan đến vấn đề đầu tư nâng cấp hạ tầng kỹ thuật thu gom, vận chuyển, xử lý nên phải có thời gian và nguồn lực đầu tư. "Cơ quan trung ương và địa phương phải chung tay xây dựng nguồn lực phục vụ công tác phân loại chất thải rắn, tổ chức thu gom vận chuyển theo các công nghệ”, ông Thức nói.
Theo đại diện nhiều địa phương, khó khăn lớn nhất trong việc phân loại rác tại nguồn là việc đầu tư cơ sở hạ tầng, từ thu gom, vận chuyển đến xử lý. Dẫn đến thực tế, rác thải đã được phân loại nhưng sau đó vẫn đổ chung vào một chỗ, dẫn đến việc phân loại rác tại nguồn chưa bền vững.
Nhiều địa phương đề xuất, cần có nguồn lực riêng cho việc thúc đẩy phân loại rác tại nguồn, từ đó đầu tư đồng bộ các khâu từ phân loại, thu gom đến vận chuyển và xử lý.
Theo số liệu của Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường, mỗi ngày cả nước thải ra khoảng 68.000 tấn rác thải, trong đó khu vực đô thị thải ra hơn 38.000 tấn rác. Tỷ lệ thu gom toàn quốc đạt trên 88%. Phần lớn rác thải được thu gom đang được xử lý bằng phương pháp chôn lấp với khoảng hơn 76%. Trong đó nhiều khu vực chôn lấp chưa hợp vệ sinh, gây tốn tài nguyên đất và tăng nguy cơ ô nhiễm môi trường.
(Theo TPO)