Việt Hồng là địa phương nằm trên địa bàn Chiến khu Vần - một căn cứ địa cách mạng, là đầu não chỉ huy của Việt Minh, là địa bàn hoạt động của Đội Du kích Âu Cơ, đánh dấu sự hình thành của Đảng bộ tỉnh Yên Bái và thành lập Ban cán sự Đảng liên tỉnh Yên Bái - Phú Thọ.
Các sự kiện này đã góp phần quan trọng vào thắng lợi vĩ đại của dân tộc trong cuộc Tổng khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám năm 1945. Đã 79 năm trôi qua, các thế hệ nhân dân xã Việt Hồng vẫn luôn tin tưởng vào Đảng, không ngừng vươn lên, sẵn sàng góp sức, góp của xây dựng quê hương - vẫn tinh thần ấy như khi góp lương thực thực phẩm, tiền vàng, vũ khí cho căn cứ cách mạng. Nhờ đó mà bộ mặt nông thôn ở Việt Hồng đã có nhiều khởi sắc.
Những con đường đá sỏi gồ ghề đã thay bằng bê tông, nhựa trải phẳng lỳ kéo dài đến tận thôn xóm, đạt tỷ lệ 96%. Từ một xã nghèo, Việt Hồng nay đã có nhiều mô hình kinh tế hiệu quả, như:
nuôi cá tầm, vịt cổ xanh, nuôi trâu, lợn nái sinh sản, trồng tre măng Bát độ, trồng rừng,
du lịch cộng đồng… cho thu nhập lên tới cả nửa tỷ đồng/năm.
Xã có Hợp tác xã Nông nghiệp Việt Hồng với trên 200 thành viên liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm nông nghiệp, cung ứng các loại vật tư, máy móc phục vụ bà con ngay tại thôn, bản với giá cả hợp lý.
Mấy năm trở lại đây, Việt Hồng còn phát triển mạnh về du lịch, nhất là khi tour du lịch
"Theo dấu chân anh hùng” được ra mắt hồi tháng 5 năm nay. Những địa chỉ đỏ ở Việt Hồng được cải tạo, tu bổ, đầu tư thêm nhiều tư liệu, hiện vật lịch sử quý giá, trở thành nơi giáo dục truyền thống cách mạng, bồi đắp lý tưởng cách mạng sâu sắc cho thế hệ trẻ. Ngay gần đó, 2 homestay với các dịch vụ: nghỉ dưỡng, ăn uống, trải nghiệm cũng đã đi vào hoạt động ổn định.
Anh Hoàng Thanh Hiệp - chủ một homestay ở thôn Bản Vần chia sẻ: "Với sự hỗ trợ từ Nhà nước đã giúp gia đình tôi được tiếp thêm nguồn lực để xây dựng mô hình homestay vào năm 2021. Gia đình đã đầu tư 500 triệu đồng để xây dựng, sửa sang ngôi nhà sàn bằng gỗ có 2 phòng nghỉ khép kín và 1 phòng cộng đồng; đầu tư xây dựng các chòi phục vụ khách câu cá, trồng sen, hoa và nhiều cây xanh để tạo cảnh quan xanh, sạch, đẹp".
"Chúng tôi cũng quy hoạch chuồng trại để chăn nuôi gà, vịt, trồng rau xanh để du khách có thể tự tay lựa chọn thực phẩm cho bữa ăn của mình. Nhờ điểm đặc biệt này, trung bình mỗi năm, chúng tôi cũng đón được trên 2.000 khách, trong đó khoảng 50% là khách ngoại tỉnh, mang lại một nguồn thu nhập khá cho gia đình” - anh Hiệp nói.
Chị Phạm Anh Tươi cùng thôn cũng đã nhân rộng diện tích trồng sen Quan âm từ 0,2 ha lên 0,7 ha, vừa mang lại thu nhập khá cho gia đình, vừa tạo ra một điểm đến thu hút du khách.
6 tháng đầu năm nay, xã Việt Hồng đã đón gần 7.000 lượt khách, doanh thu ước đạt 5,3 tỷ đồng, bằng 94% kế hoạch năm. Cùng với phát triển kinh tế, người dân nơi đây cũng được quan tâm đầu tư về giáo dục, chăm sóc sức khỏe, cơ sở hạ tầng...
Hiện 100% người dân được sử dụng điện lưới quốc gia, được dùng nước hợp vệ sinh; trẻ em trong độ tuổi được đi học đầy đủ... Xã còn 1,86% hộ nghèo, 3,95% hộ cận nghèo, thu nhập bình quân đạt 53 triệu đồng/người/năm. Việt Hồng đã hoàn thành 12/19 tiêu chí của xã nông thôn mới nâng cao.
Ông Triệu Khánh Thiện - Chủ tịch UBND xã Việt Hồng cho biết: "Trong thời gian tới, xã sẽ ra nghị quyết chuyên đề phát triển du lịch gắn với việc bảo tồn, giữ gìn văn hóa truyền thống của dân tộc Tày, gắn với di tích lịch sử Chiến khu Vần trên địa bàn. Với lợi thế về nguồn nước, địa phương cũng sẽ lựa chọn một số mô hình phù hợp để phát triển nuôi cá tầm, lươn không bùn và nhân rộng mô hình nuôi vịt cổ xanh đáp ứng nhu cầu thị trường, nâng cao thu nhập, giải quyết việc làm cho lao động địa phương”.
Mỗi năm trôi qua lại thêm một lần Đảng bộ, chính quyền, nhân dân Việt Hồng tô thêm vào lịch sử vẻ vang của quê hương với những kết quả đã đạt được trên các lĩnh vực. Chiến tranh đã lùi xa, song những địa điểm, di tích lịch sử cách mạng vẫn còn đó như hun đúc, thôi thúc Việt Hồng tiếp tục chung sức, đồng lòng xây dựng quê hương, tiến tới đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và kiểu mẫu.
Hoài Anh