Theo chia sẻ của chị Cánh, khi tham gia Tổ TK&VV thôn năm 2017 và thuộc diện hộ cận nghèo, chị đã được vay 30 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Lục Yên. Toàn bộ số vốn vay này, gia đình chị đã đầu tư trồng 2 ha quế.
"Quyết định lựa chọn trồng cây quế ở thời điểm đó vì tôi thấy giá quế bán được cao. Hơn nữa, nghe mọi người trong thôn nói rằng trồng quế tuy lúc đầu vất vả nhưng được bóc tỉa dần và cho thu lâu dài hơn những loại cây trồng khác” - chị Cánh cho biết.
Đầu tư cho 2 ha quế cũng là mong muốn có thêm thu nhập bởi đồng thời gia đình chị vẫn chăm chỉ làm ruộng, làm đồi, chăm sóc 2 ha bồ đề, làm vỏ dao và chuôi dao. Đến năm thứ tư, 2 ha quế trồng từ nguồn vốn vay ưu đãi đã bắt đầu cho gia đình bóc tỉa và có thu nhập dù chưa nhiều. Gom góp các nguồn thu, đến năm 2021, hộ chị Cánh đã thoát khỏi diện hộ cận nghèo.
Đó cũng là thời điểm chị trả hết gốc và lãi vay cho Ngân hàng Chính sách xã hội theo đúng quy định. Đồng thời, chị tiếp tục vay vốn dành cho hộ thoát nghèo là 50 triệu đồng và cũng đầu tư toàn bộ cho việc trồng 3 ha quế. Với 2 ha bồ đề của gia đình đã trồng từ những năm trước, cách đây khoảng 3 năm, nhà chị Cánh cũng đã thu hoạch hết và chuyển toàn bộ diện tích đó sang trồng quế. Như vậy, tính đến thời điểm này, nhà chị có tất cả 7 ha quế, trong đó có 2 ha 7 năm tuổi và 5 ha 3 năm tuổi.
Chị Cánh so sánh giữa việc trồng quế và trồng bồ đề như thế này: "Cây bồ đề thì lớn rất nhanh, chăm sóc chủ yếu 2 năm đầu, sau 7 năm sẽ được thu hoạch và thu luôn một lần là hết. Cây quế thì lại khác, từ việc lớn chậm, chăm sóc cần nhiều công hơn, từ năm thứ 3 trở đi là có thể bóc tỉa cho thu nhập và cho thu nhiều lần, thu lâu hơn vì đời cây dài hơn”.
Giờ thì với 7 ha quế hiện có, hàng năm, nhà chị cũng đã có một nguồn thu ổn định. Sản phẩm quế thì chưa bao giờ phải lo đầu ra, chỉ là giá mua cao hay thấp vì có thương lái tìm đến tận nhà để thu mua sản phẩm.
"Mình ở nông thôn, làm nghề nông là chủ yếu thì cứ làm dần dần, đi dần dần, có cuộc sống như hôm nay cũng là rất phấn khởi” - chị Cánh hồ hởi.
Diện tích đất của gia đình chị đều đã trồng hết quế nên giờ cứ tập trung chăm sóc cho tốt. Trong tháng 8/2024, chị Cánh vừa tiếp tục vay thêm 20 triệu đồng từ chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn. Vốn vay này dùng để xây dựng nhà vệ sinh khép kín, sửa lại đường ống dẫn nước từ trong khe đồi của gia đình về chứa trong téc nước sinh hoạt ở nhà khoảng 300 mét.
Nhìn lại 7 năm được vay vốn ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện là sự thay đổi dần dần đối với cuộc sống của gia đình chị. Với gia đình chị Cánh, số tiền 100 triệu đồng đã vay là một số tiền lớn. Nếu không có nguồn vốn vay ưu đãi này thì chắc chắn gia đình chị sẽ phải đi vay ở các nơi có lãi suất cao hơn. Chấp hành tốt việc trả lãi, trả gốc tiền vay theo đúng quy định, chị cũng tích cực và đều đặn gửi tiền tiết kiệm hàng tháng từ 50.000 - 100.000 đồng.
Chị Hoàng Thị A Luyến - Tổ trưởng Tổ TK&VV thôn 4 cho biết: "Tổ TK&VV chúng tôi có 32 thành viên, dư nợ đến 15/8/2024 là trên 1,6 tỷ đồng. Tất cả thành viên đều đảm bảo trả gốc, trả lãi cho ngân hàng đầy đủ theo quy định cũng như tham gia gửi tiết kiệm hàng tháng. Các thành viên vay vốn đã đầu tư trồng quế, nuôi trâu, xây dựng công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn… đảm bảo sử dụng đồng vốn vay đúng mục đích, đạt hiệu quả”.
Nguồn vốn vay ưu đãi đã giúp gia đình có thêm thu nhập ổn định, bớt đi những khó khăn với thủ tục đơn giản và thuận tiện, chị Cánh nói rằng thật sự rất cảm ơn Đảng, Nhà nước, Chính phủ đã quan tâm đến đồng bào các dân tộc. Chị cũng bày tỏ lòng biết ơn đến Tổ trưởng Tổ TK&VV Hoàng Thị A Luyến đã luôn bên cạnh hỗ trợ chị và gia đình những năm qua.
Nguyễn Thơm