Yên Bái xây dựng đời sống văn hóa tạo động lực phát triển

  • Cập nhật: Thứ ba, 3/12/2024 | 7:51:56 AM

YênBái - Nhiều năm qua, Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” đã lan tỏa rộng khắp, tác động mạnh mẽ và mang đến những hiệu quả thiết thực, trở thành động lực để phát triển kinh tế - xã hội cho tỉnh miền núi Yên Bái.

Nét đẹp văn hóa của đồng bào dân tộc Thái Mường Lò được gìn giữ phát huy, góp phần phát triển du lịch ở địa phương.
Nét đẹp văn hóa của đồng bào dân tộc Thái Mường Lò được gìn giữ phát huy, góp phần phát triển du lịch ở địa phương.


Xây dựng đời sống văn hóa là một trong những chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước ta, có ý nghĩa chiến lược đối với sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hóa Việt Nam thời kỳ mới, thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng khẳng định: "Phát triển toàn diện, đồng bộ các lĩnh vực văn hóa, môi trường văn hóa, đời sống văn hóa phong phú, đa dạng, văn minh, lành mạnh; vừa phát huy những giá trị tốt đẹp của dân tộc, vừa tiếp thu tinh hoa văn hóa của nhân loại để văn hóa thực sự là nền tảng tinh thần, nguồn lực nội sinh và động lực đột phá cho phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế”. 

Thực hiện nhiệm vụ này, những năm qua, Yên Bái đã quan tâm triển khai và nâng cao chất lượng Phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” gắn với thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới và lồng ghép với các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Đồng thời, Yên Bái chú trọng đổi mới nội dung, phương thức hoạt động phù hợp với đặc điểm, tình hình ở cơ sở; thu hút ngày càng đông đảo các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia, tạo cơ chế quản lý đồng bộ, chặt chẽ để phong trào phát triển toàn diện và bền vững. 

Nhờ đó, một nếp sống mới, văn minh, tiên tiến từng bước được hình thành, từ vùng đô thị tới nông thôn và tới cả những địa bàn vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Bản Xéo Dì Hồ A, xã Lao Chải, huyện Mù Cang Chải là một trong số đó. Lạc hậu, nghèo đói và hủ tục đã từng đeo bám nơi đây. Kể từ khi các hộ trong bản cùng ký cam kết thực hiện nếp sống văn hóa, đời sống của người dân đã có sự phát triển vượt bậc. 


 Lờ A Thông - Bí thư Chi bộ bản Xéo Dì Hồ A, xã Lao Chải, huyện Mù Cang Chải thường xuyên tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện nếp sống văn hóa. 

Anh Lờ A Thông - Bí thư Chi bộ bản Xéo Dì Hồ A cho biết: "Nhiều năm qua, Chi bộ bản đã xác định rõ, thực hiện các nội dung Phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” là một trong những giải pháp để xây dựng nếp sống mới, cuộc sống mới. Bởi vậy, đảng viên là người tiên phong thực hiện trước, lấy mình làm gương cho bà con trong bản noi theo. Hàng loạt các quy ước, hương ước thôn bản cụ thể được thống nhất như: mỗi hộ gia đình có 1 hố rác thải, không vứt rác bừa bãi, nếu vi phạm phạt từ 30 - 80 nghìn đồng; không thả rông gia súc, nếu vi phạm phạt từ 100 - 200 nghìn đồng; không tảo hôn, không hôn nhân cận huyết thống, không thách cưới, nếu vi phạm phạt từ 200 - 500 nghìn đồng... Số tiền thu về được công khai với nhân dân và nhập vào nguồn quỹ thôn”. 

Nhờ đó, bản Xéo Dì Hồ A hôm nay đã có 97% số hộ xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh; mỗi một gia đình đều có 1 hố rác; không có người nghiện ma túy; tổ chức tang lễ, cưới hỏi theo đúng quy định mới; phụ nữ đến tuổi 18 mới xây dựng gia đình, không tảo hôn, không hôn nhân cận huyết thống; mỗi cặp vợ chồng cam kết sinh đẻ có kế hoạch từ 1 - 2 con để có điều kiện nuôi dạy tốt hơn; trẻ em được đi học đạt tỷ lệ 100%... Điều này đã tạo động lực cho nhân dân trong bản phấn khởi thi đua lao động sản xuất, phát triển kinh tế, xây dựng môi trường sống lành mạnh. Năm 2024, qua rà soát sơ bộ, tỷ lệ hộ nghèo đa chiều ở bản giảm còn 9%, thu nhập bình quân đầu người tăng lên 45 triệu đồng. 

Không chỉ ở Xéo Dì Hồ A, Yên Bái đang ngày càng có nhiều vùng quê đã đổi mới như thế. Với 5 nội dung gồm: đoàn kết giúp nhau xóa đói giảm nghèo, thực hiện nếp sống văn hóa kỷ cương pháp luật, xây dựng môi trường văn hóa, xây dựng thiết chế văn hóa thể thao, xây dựng tư tưởng chính trị lành mạnh, Phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” đã có tác động tích cực đến nhiều mặt của đời sống và xã hội, góp phần làm nên thành công trong xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh hiện nay. Từ việc thực hiện phong trào, 100% thôn, bản, tổ dân phố trong toàn tỉnh đã xây dựng được hương ước, quy ước. 

Trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 - 2025, xây dựng thôn, bản, tổ dân phố văn hóa là 1 trong 19 chỉ tiêu chủ yếu về phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh giai đoạn 2020 - 2025. Từ đây, ban chỉ đạo phong trào các cấp đã lấy chỉ tiêu này làm chỉ tiêu then chốt của việc thực hiện phong trào. Các xã, thị trấn chỉ đạo từng thôn, bản, khu phố sửa đổi, bổ sung hương ước, quy ước phù hợp với tình hình và xu thế phát triển mới; phổ biến, triển khai những tiêu chí của phong trào để nhân dân biết và thực hiện.

Trên 1.000 mô hình phòng, chống tội phạm được thành lập, trong đó nhiều mô hình hoạt động có hiệu quả được duy trì và phát huy tác dụng tốt, điển hình như: "Liên kết bình yên”, "Camera an ninh”, "Bóng điện an ninh”, "Liên kết thôn giáp ranh đảm bảo an ninh, trật tự”… Về thiết chế văn hóa, bằng cách Nhà nước hỗ trợ 1 phần kinh phí, nhân dân đóng góp tiền, ngày công và hiến đất, đến nay, toàn tỉnh đã có 1.493 nhà văn hóa, trong đó 161/173 xã, phường, thị trấn có nhà văn hóa, đạt 93%; 98% số thôn, bản, tổ dân phố có nhà văn hóa.


Yên Bái đã đưa nhiều mô hình, câu lạc bộ về xây dựng đời sống văn hóa vào thực tiễn cuộc sống. Trong ảnh: Người dân xã Sơn A, thị xã Nghĩa Lộ chăm sóc đường hoa. 

Tại các nhà văn hóa, nhân dân đã chủ động đầu tư một số dụng cụ thể thao phổ thông, dụng cụ thể thao truyền thống phù hợp với phong trào thể thao quần chúng ở địa phương. Các câu lạc bộ, đội nhóm văn nghệ, thể thao quần chúng được thành lập, duy trì hoạt động. Các giải thể thao, hội thi văn nghệ được quan tâm, tổ chức thường xuyên, thu hút đông đảo người dân tham gia, tạo không khí vui tươi, phấn khởi cũng như tăng cường sự đoàn kết, gắn bó giữa nhân dân. 

Tại các cơ quan, đơn vị, xã, phường, thị trấn, thôn, bản, tổ dân phố  đều có ý thức xây dựng cảnh quan môi trường xanh, sạch, đẹp bảo đảm theo quy định. Ngày càng có nhiều thôn, bản, tổ dân phố đã xây dựng đoạn đường hoa, khu bảo tồn cây xanh, bảo vệ rừng đầu nguồn, rừng trồng tái sinh, nghĩa trang liệt sĩ… Các doanh nghiệp sản xuất, hộ gia đình chăn nuôi đều ký cam kết xử lý môi trường bảo đảm theo quy định. Sức lan tỏa rộng khắp của Phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” còn tập trung vào việc giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình; chăm lo xây dựng gia đình hạnh phúc, hòa thuận, đoàn kết tương trợ cộng đồng; thực hiện tốt nghĩa vụ công dân, gương mẫu chấp hành hương ước, quy ước của địa phương. 

Các mô hình, câu lạc bộ như: "Gia đình hạnh phúc”, "Không sinh con thứ 3”, "Không tảo hôn, không thách cưới cao, không nghiện ma túy” rồi mô hình vệ sinh môi trường, cải tạo cảnh quan "Sáng - xanh - sạch - đẹp”, "Thôn, bản hạnh phúc”, "Trường học du lịch”, "Trường học hạnh phúc”… đang dần phổ biến và phát huy hiệu quả, từng bước làm thay đổi diện mạo quê hương, đem lại niềm vui, hạnh phúc cho nhân dân. Tất cả đã góp phần để 73% số xã toàn tỉnh được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới; tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 3 - 4%/năm.

Năm 2024, tỉnh Yên Bái có 84% số gia đình, 73% số thôn, tổ dân phố đạt chuẩn văn hóa; 17% số phường, thị trấn đạt đô thị văn minh; 90% số cơ quan, đơn vị và trên 70% số doanh nghiệp đã đăng ký và đạt chuẩn văn hóa giai đoạn 2023 - 2024. Những kết quả đạt được của phong trào đã góp phần xây dựng tư tưởng, đạo đức, lối sống và đời sống văn hóa lành mạnh trong xã hội; khơi dậy những truyền thống tốt đẹp của dân tộc như "Uống nước nhớ nguồn”, "Đền ơn đáp nghĩa”, tình làng nghĩa xóm... thiết thực nâng cao đời sống vật chất, tinh thần và chỉ số hạnh phúc cho nhân dân. Đây chính là động lực để Yên Bái thực hiện thắng lợi mục tiêu xây dựng tỉnh phát triển nhanh, bền vững theo hướng "Xanh, hài hòa, bản sắc và hạnh phúc”, trở thành tỉnh khá vào năm 2025 và nằm trong nhóm tỉnh phát triển hàng đầu của vùng trung du và miền núi phía Bắc vào năm 2030.
Hoài Anh

Tags Yên Bái xây dựng đời sống văn hóa động lực phát triển

Các tin khác
Ban Thường vụ Liên đoàn Lao động tỉnh Yên Bái và Ban Thường vụ Liên đoàn Lao động thành phố Cần Thơ ký kết phối hợp công tác, giai đoạn 2024 - 2028.

Chiều 2/12, Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh Yên Bái tổ chức Lễ ký kết Chương trình phối hợp công tác với LĐLĐ thành phố Cần Thơ, giai đoạn 2024 - 2028.

Ảnh minh họa

Theo quyết định của Chủ tịch nước, đối tượng và quà tri ân người có công vẫn giữ nguyên như năm 2024, gồm hai mức là 600.000 đồng và 300.000 đồng.

Chương trình truyền thông hành động vì trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS, nâng cao nhận thức phòng, chống HIV/AIDS được tổ chức tại Trường Phổ thông dân tộc nội trú THPT tỉnh.

Những năm qua, “cuộc chiến” phòng, chống HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh Yên Bái luôn có sự vào cuộc đồng bộ của các cấp, các ngành, các địa phương và sự tham gia của các tầng lớp nhân dân. Với nhiều giải pháp triển khai đồng bộ và hiệu quả, Yên Bái đã và đang từng bước khống chế tình trạng lây nhiễm HIV/AIDS trong cộng đồng, giúp đỡ người nhiễm HIV/AIDS ổn định sức khỏe, hòa nhập cuộc sống. Qua đó góp phần bảo đảm an sinh xã hội, giảm tác động của dịch bệnh đến sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Ảnh minh họa

Theo Trung tâm dự báo KTTV Quốc gia, khoảng ngày 5-6/12 khu vực Bắc Bộ có khả năng chuyển rét.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục