Theo kết quả rà soát đến cuối năm 2024, xã Đại Lịch có 1.151 hộ với 4.647 khẩu, trong đó số hộ nghèo còn 22 hộ, chiếm 1,91%; hộ cận nghèo còn 26 hộ, chiếm 2,26%; thu nhập bình quân của người dân đạt khoảng 60 triệu đồng. Triển khai Chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát của Chính phủ và kế hoạch của tỉnh, của huyện, Đại Lịch đã sớm thành lập Ban Chỉ đạo do đồng chí Bí thư Đảng ủy xã làm Trưởng ban.
Chủ tịch UBND xã Hoàng Đình Huân cho biết: "Thường trực Đảng ủy xã phân công mỗi hội, đoàn thể giúp đỡ 1 đến 2 hộ; giao thành viên Ban Chỉ đạo theo dõi, đôn đốc việc làm nhà của các hộ rõ địa chỉ; chỉ đạo Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị tuyên truyền rộng rãi, công khai, minh bạch đến toàn thể đoàn viên, hội viên, người dân về chương trình và kế hoạch của xã và phối hợp làm tốt công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách hỗ trợ”.
Cùng với tiêu chí "3 cứng”, xã đưa ra thứ tự ưu tiên hỗ trợ như hộ người dân tộc thiểu số, đối tượng bảo trợ xã hội, hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, hộ ở thôn đặc biệt khó khăn, hộ ở khu vực thường xảy ra thiên tai… Đối tượng làm nhà ở được rà soát và trình huyện xem xét đều đảm bảo đúng đối tượng, công khai, minh bạch trong việc hỗ trợ và phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của xã gắn với đặc điểm, bản sắc văn hóa, phong tục tập quán của người dân địa phương.
Trên cơ sở phê duyệt danh sách hộ gia đình xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn toàn huyện, Ban Chỉ đạo xã đã triển khai kế hoạch đến cơ sở với số lượng 8 nhà làm mới, trong đó hộ người có công và thân nhân người có công 2 nhà, hộ nghèo 5 nhà, hộ cận nghèo 1 nhà. Trong các điều kiện cần đảm bảo để hỗ trợ nhà ở, xã chú trọng yếu tố đất hợp pháp.
Đối với 3 hộ chưa có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, Ban Chỉ đạo xã yêu cầu làm rõ thực trạng, nhận thấy diện tích ở khu vực được quy hoạch đất ở không có tranh chấp nên đã hoàn thiện hồ sơ đề nghị huyện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Đơn cử như trường hợp của anh Phạm Văn Duân ở thôn Khe Đồng. Mảnh đất nơi anh chị đã cư trú nhiều năm trong ngôi nhà vách đất, không có tranh chấp. Được đưa vào diện xóa nhà dột nát với mức hỗ trợ 60 triệu đồng, anh vay mượn để xây nhà mới trị giá trên 200 triệu đồng. Trong quá trình làm, gia đình anh đã được xã hướng dẫn làm thủ tục, tạo điều kiện để hoàn thiện hồ sơ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Khi khởi công, gia đình được lực lượng dân quân và bà con trong thôn hỗ trợ đào móng, chuyển vật liệu.
Anh Duân chia sẻ: "Đã làm hơn một tháng, xong nhà rồi các anh ạ, gia đình chuẩn bị lắp cửa và xây nốt cái bếp là vào nhà mới! Tôi không nghĩ mình lại sớm có nhà xây kiên cố như vậy, cảm ơn Nhà nước, địa phương và mọi người đã giúp gia đình!”.
Trong quá trình xây nhà, cán bộ xã và thành viên Ban Chỉ đạo thường xuyên đôn đốc, theo dõi và hỗ trợ gia đình giải quyết những vướng mắc. Đoàn Thanh niên xã còn vận động quyên góp của đoàn viên, các nhà hảo tâm được 2 triệu đồng.
Thay mặt tuổi trẻ trong xã đến trao tặng kinh phí cho gia đình anh Duân đúng dịp kỷ niệm 94 năm Ngày thành lập Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh (26/3/1931 - 26/3/2025), Bí thư Đoàn xã Hoàng Thị Hải Yến chia sẻ: "Hưởng ứng chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước và kế hoạch của huyện, của xã với tinh thần "ai có gì giúp nấy”, chúng tôi đã vận động đoàn viên ủng hộ kinh phí để hỗ trợ các gia đình. Do các bạn đi làm ăn xa, lực lượng phân tán nên Đoàn xã chỉ đạo các chi đoàn vận động đoàn viên thanh niên có thời gian thì đến giúp, còn thống nhất phương thức quyên góp bằng tiền”.
Cùng với chủ động xây dựng kế hoạch hỗ trợ bằng ngày công, bằng tiền, các đoàn thể còn nắm bắt nhu cầu của gia đình để có quà tặng là những đồ dùng thiết yếu khi khánh thành, vào nhà mới.
Theo Ban Chỉ đạo xã, kế hoạch thực hiện từ tháng 2 và phấn đấu hoàn thành trước 31/5/2025. Đến cuối tháng 3, cả 8 hộ đã khởi công làm nhà, 2 hộ đã hoàn thành cơ bản và chờ ngày vào nhà mới. Với kết quả này, chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát ở Đại Lịch sẽ đảm bảo tiến độ và các mục tiêu đề ra.
Quang Tuấn