Những cô gái trẻ bảo tồn chữ thái cổ

  • Cập nhật: Thứ năm, 20/9/2007 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - Cũng với câu hỏi ấy, các em: Cửu, Nga, Lả là người ở xã Nghĩa Lợi và các em không phải là cán bộ, đều trả lời rằng: "Chúng em học vì chúng em trân trọng văn hoá của tổ tiên để lại".

Các bạn trẻ ở Nghĩa Lộ trao đổi, cùng học chữ Thái cổ.
Các bạn trẻ ở Nghĩa Lộ trao đổi, cùng học chữ Thái cổ.

Điều tra mới đây cho thấy, người biết chữ Thái cổ ở vùng Mường Lò, tỉnh Yên Bái chỉ còn khoảng chục người và tất cả đều ở tuổi từ 75 trở lên. Nhưng đọc thông viết thạo chữ Thái cổ ngoài ông Lò Văn Biến - người đang biên soạn giáo án và dạy chương trình bảo tồn chữ Thái cổ thì chỉ còn một người nữa nhưng ông này lại không có được khả năng sư phạm để truyền dạy cho người khác.

Ông Biến cho biết, xưa kia theo học chữ Thái chủ yếu học qua các thầy mo. Để học được chữ Thái chỉ cần mất chục ngày đối với người sáng dạ. Nhưng học thuộc hết tất cả chục chữ cái thì mỗi một chữ phải trả công cho thầy một bung thóc khoảng 12 đến 15kg. Dẫu vậy, người đi học rất ít và hầu hết là bỏ học giữa chừng. Sau khi hoà bình lập lại, việc học chữ chủ yếu là phong trào học chữ Thái mới và chữ quốc ngữ. Vì những lý do ấy mà chữ Thái cổ gần đây đang có nguy cơ thất truyền trong cộng đồng người Thái ở Mường Lò.

Giữa bối cảnh như vậy thì dự án bảo tồn chữ Thái cổ đã kịp đến với thị xã Nghĩa Lộ. Dự án có quy mô một lớp học gồm 40 học viên được chiêu sinh dựa trên các tiêu chí như: Có niềm say mê bảo tồn chữ Thái cổ; là cán bộ công chức hoạt động trong lĩnh vực văn hoá xã hội ở vùng đồng bào dân tộc Thái; có sự ưu tiên đối với những người là dân tộc Thái...

Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khác nhau nên lớp học chỉ có khoảng ba chục học viên đến học và đáng trân trọng là học viên lại chủ yếu là nữ. Có trường hợp như chị Xiêng, chị Xiềng là hai chị em cùng đi học. Chị Thỉnh là nông dân ở phường Trung Tâm cũng đã gác công việc làm ruộng và may mặc để tranh thủ đi học. Chị Minh - Chủ tịch UBND phường Cầu Thia; chị Yến là người Kinh, nhưng công tác ở xã Nghĩa Lợi - một xã có trên 95% đồng bào Thái cũng theo học...

Đáng mừng hơn khi lớp học triển khai được vài buổi thì có gần chục em là học sinh THPT biết tin cũng đã đến xin theo học. Mới đầu, ban tổ chức lớp học cũng còn băn khoăn chưa dám tiếp nhận, vì chương trình học phải tuân theo quy định của dự án. Nhìn các em rất mong muốn được học và lại đề xuất ý kiến sẵn sàng đóng góp để được học, khiến ông Biến rất cảm động và ông đã đề nghị Ban tổ chức lớp học mạnh dạn tiếp nhận, thế là lớp học có đủ 40 người. Trong số các em này còn có Nguyện, Hường là người Mường, nhà ở mãi tận xã Hạnh Sơn và xã Thanh Lương, huyện Văn Chấn cũng theo học. Hay trường hợp em Vàng Thị Thuý, 18 tuổi người Nùng ở Lục Yên đang làm việc tại Nghĩa Lộ cũng tham gia...

Ông Lò Văn Biến - thầy dạy lớp chữ Thái cổ này và anh Cường - cán bộ Phòng Văn hóa thông tin thị xã, lớp trưởng bộc bạch rằng: Khi bắt đầu triển khai, ban tổ chức lớp học rất lo lắng không biết mọi người có theo đến cùng hay không? Nhưng càng về sau thì sự nhiệt tình cứ như ngày một nhân lên. Đặc biệt là các em gái thuộc đối tượng học sinh phổ thông không chỉ tích cực học ở trên lớp mà ngày nghỉ nhiều em còn đến nhà thầy để học hỏi thêm.

Ông Biến tâm sự thêm rằng: "Ngày xưa học chữ Thái cổ ai cũng kêu khó. Nhưng bây giờ các cháu gái trẻ này học sáng dạ lắm! Bốn người đỗ loại xuất sắc của lớp là cháu Nghiệp, Nga, Cửu, Thỉnh đều là các cháu gái cả và chúng đều rất trẻ". Nói rồi ông Biến ôm đống sách quý trong tủ ra và giới thiệu: "Đây là cuốn "Quam tố mương", cuốn "Xống chụ xôn xao", cuốn "Xổng chụ xiết xương", cuốn "Ỏn pom ỏn oóc", cuốn "Bók mạy"...Từ nay về sau sẽ không lo con cháu mình không đọc được những sách quý này".

Một tin vui là, học sinh xuất sắc của lớp là Cầm Thị Nguyệt, nhà ở bản Viềng Công, xã Hạnh Sơn, huyện Văn Chấn sau khi học xong  trở về nhà đã sưu tầm và ghi chép lại được một số bài đồng dao, dân ca, chuyện kể dân gian Thái... Giáo sư, tiến sỹ Tô Ngọc Thanh - Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam đã gửi quà động viên kết quả sưu tầm. Đồng thời, cho biết tới đây sẽ nghiên cứu một giải pháp nào đó để phát triển công tác sưu tầm và bảo tồn văn hoá dân gian Thái ở vùng này.

Chia tay ông Biến, tôi tìm gặp Nhâm - cô gái Thái đang công tác ở Phòng VHTT thị xã để muốn biết: Động cơ nào để em đến với lớp học bảo tồn chữ Thái? Nhâm cho hay: "Em yêu văn hoá Thái của em và em là cán bộ văn hoá nên việc em đi học còn là trách nhiệm của mình trong công việc". Cũng với câu hỏi ấy, các em: Cửu, Nga, Lả là người ở xã Nghĩa Lợi và các em không phải là cán bộ, đều trả lời rằng: "Chúng em học vì chúng em trân trọng văn hoá của tổ tiên để lại".

Còn đối với hai em người Mường là Hường và Nguyện thì việc đến với lớp học còn có mục đích khác là mở rộng thêm sự hiểu biết về văn hoá của các dân tộc trong vùng đất Mường Lò. Mỗi người đều có một lý do để đến với lớp học, nhưng tất cả đều có tiếng nói chung là tình yêu đối với những giá trị văn hoá của tổ tiên để lại.

Được biết, thị xã Nghĩa Lộ đang hướng tới thành lập một câu lạc bộ văn hoá Thái để xã hội hóa và nâng cao hiệu quả công tác bảo tồn văn hoá Thái; từng bước xây dựng chương trình dạy chữ Thái cổ tại Trung tâm giáo dục thường xuyên; Trung tâm học tập cộng đồng... Đây chắc chắn sẽ là điều kiện tốt để văn hoá Thái mãi trường tồn và lan toả vào cuộc sống hôm nay và tương lai.

Hoàng Nhâm

Các tin khác

YBĐT - Trong những năm qua, Hội Chữ thập đỏ huyện Trấn Yên (Yên Bái) đã có nhiều đổi mới cả về nội dung lẫn hình thức trong công tác cứu trợ nhân đạo.

Rừng nguyên sinh Chế Tạo. (Ảnh: Thành Trung)

YBĐT - Khu bảo tồn loài sinh cảnh huyện Mù Cang Chải cách trung tâm tỉnh Yên Bái hơn 200 km, cách trung tâm huyện Mù Cang Chải 40 km, có độ cao từ 1.700m đến 2.500m so với mặt nước biển. Khu bảo tồn nằm trên địa bàn 5 xã: Chế Tạo, Nậm Khắt, Púng Lương, Lao Chải, Zế Xu Phình với tổng diện tích 20.293 ha, trong đó: 2 khu vực bảo vệ nghiêm ngặt rộng 15.128 ha; phân khu phục hồi sinh thái 5.164 ha… N

YBĐT - Anh Đinh Quốc Tuấn - Trạm trưởng Trạm Y tế xã Yên Hợp huyện Văn Yên (Yên Bái) cho biết: “Năm 2007, Yên Hợp là 1 trong 4 xã của huyện đăng ký đạt chuẩn quốc gia. Đến thời điểm này, xã đạt 75/90 điểm chuẩn. Từ giờ đến cuối năm, việc xã đạt chuẩn sẽ hoàn thành song về lâu dài lại không bền vững”. Vậy đâu là nguyên nhân ?

YBĐT - Thời gian qua, phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh (BVAN) Tổ quốc” được Công an tỉnh Yên Bái và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh thường xuyên phối hợp thực hiện. Ngay từ đầu năm, toàn tỉnh đã lựa chọn được 77 địa bàn đưa vào diện vận động tập trung, gồm: 48 địa bàn dân cư, 29 địa bàn doanh nghiệp.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục