Phát huy thành tích, góp phần xây dựng một xã hội học tập
- Cập nhật: Thứ ba, 25/9/2007 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Trung tâm Giáo dục thường xuyên (TTGDTX) tỉnh Yên Bái được thành lập tháng 9 năm 2002 theo Quyết định số 499/QĐ-UB ngày 27/9/2002 của Ủy ban nhân dân tỉnh Yên Bái, trên cơ sở sáp nhập Trung tâm Tin học - Ngoại ngữ và Trường phổ thông Lao động tỉnh.
Lãnh đạo Trường ĐHSP Hà Nội và Trung tâm trao bằng tốt nghiệp cho học viên lớp đại học.
|
Kể từ khi thành lập đến nay, Trung tâm luôn nhận được sự quan tâm chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh; sự giúp đỡ của các cấp, các ngành, trực tiếp là Sở GD&ĐT và đã thực sự trở thành một địa chỉ tin cậy của tất cả mọi người có nhu cầu học tập, nâng cao trình độ học vấn, chuyên môn, nghiệp vụ, góp phần xây dựng một xã hội học tập.
Trung tâm đã chú trọng đến công tác nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, cán bộ, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao về chất lượng đào tạo; xây dựng phong trào thi đua dạy tốt, học tốt; thực hiện tốt cuộc vận động “Nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục”; tích cực đầu tư và tạo điều kiện để cán bộ, giáo viên được học tập nâng cao trình độ. Bên cạnh đó, thường xuyên quan tâm đầu tư nâng cao năng lực quản lý, chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, giáo viên; tổ chức tốt phong trào thi đua, xây dựng một tập thể đoàn kết, thống nhất, dân chủ và kỷ cương.
Đơn vị cũng rất quan tâm và tạo điều kiện để các tổ chức đoàn thể hoạt động đạt hiệu quả cao; chú trọng động viên và đầu tư cho phong trào thể dục thể thao, văn hóa văn nghệ. Ban Chi ủy, lãnh đạo cơ quan luôn quan tâm đến cán bộ, giáo viên về tinh thần cũng như vật chất, giúp họ có cuộc sống ổn định và phát triển.
Ngay từ những ngày đầu thành lập, với điều kiện cơ sở vật chất còn thiếu thốn, Trung tâm đã chủ động liên hệ, phối hợp chặt chẽ với các đơn vị bạn; tích cực tham mưu, đề xuất với Sở GD&ĐT, UBND tỉnh hỗ trợ kinh phí và cũng đã dành nguồn kinh phí thỏa đáng để đầu tư cơ sở vật chất. Đến nay, Trung tâm đã có một hệ thống cơ sở vật chất, thiết bị phục vụ quản lý dạy - học hiện đại (2 phòng máy với 60 máy tính nối mạng ADSL, 6 máy chiếu Projecter, máy tính xách tay, máy tính màn hình tinh thể lỏng...).
Với điều kiện đó và được sự quan tâm chỉ đạo sát sao của tỉnh, của ngành, Trung tâm đã xác định rõ 3 nhiệm vụ chính là: tổ chức đào tạo, bồi dưỡng Tin học, Ngoại ngữ trình độ A,B,C; liên kết đào tạo đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp theo hình thức vừa học vừa làm; liên kết tổ chức các khóa tập huấn, cập nhật kiến thức, nâng cao trình độ cho cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân. Trên cơ sở đó lập kế hoạch đào tạo hàng năm, tham mưu đề xuất với ngành, với tỉnh để mở lớp.
Phát huy những thành tích đào tạo, bồi dưỡng và cấp chứng chỉ Tin học, Ngoại ngữ trình độ A,B,C (do Bộ GD&ĐT ban hành) cho cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân trên địa bàn của Trung tâm Tin học - Ngoại ngữ thuộc Sở GD&ĐT, Trung tâm đã không ngừng nâng cao chất lượng đào tạo. Mặt khác, chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn cho đội ngũ giáo viên Tin học, Ngoại ngữ; thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn, hội thảo để đội ngũ này được trao đổi và cập nhật phương pháp giảng dạy mới; tích cực đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị nghe, nhìn hiện đại, đáp ứng nhu cầu học tập và giảng dạy.
Đoàn đại biểu Giáo dục CHĐCN Lào tham quan tại Trung tâm.
Hình thức đào tạo, bồi dưỡng cũng rất đa dạng, phù hợp với mọi đối tượng, lứa tuổi và nhu cầu học khác nhau: học tại Trung tâm, học tại các đơn vị có nhu cầu đào tạo, học theo giờ hành chính, học ngoài giờ, đặc biệt là một số chương trình theo dự án: Dự án Tin học hóa các cơ quan Dân chính Đảng tỉnh, Đề án 112/CP... Số lượng học viên qua các năm tăng lên đáng kể cùng với chất lượng đào tạo ngày càng nâng cao và được khẳng định.
Năm năm qua, Trung tâm đã mở 120 lớp với trên 7.000 lượt người theo học, trong đó có 20 lớp đại học tại chức với trên 1.300 học viên, liên kết với các trường: Đại học Sư phạm, Đại học Thái Nguyên, Học viện Tài chính, Viện Đại học Mở Hà Nội, Đại học Quốc gia Hà Nội... với nhiều ngành, nghề khác nhau như: sư phạm, công nghệ thông tin, kinh tế nông lâm, ngoại ngữ, giao thông, xây dựng và duy trì sĩ số trên 98%. Hàng năm, Trung tâm tuyển mới từ 4 - 5 lớp đại học với số lượng 300 - 350 sinh viên; đào tạo bồi dưỡng Tin học, Ngoại ngữ cho CNCC - VC và nhân dân, hàng năm mở từ 15 - 20 lớp, số lượng 500 - 600 lượt người. Công tác liên kết bồi dưỡng kiến thức cho CBCC-VC được tổ chức thường xuyên, mỗi năm mở 5 - 7 lớp với số lượng 600 - 700 lượt người.
Công tác liên kết đào tạo để mở các lớp ĐH, CĐ, THCN hệ vừa học vừa làm là một nhiệm vụ rất quan trọng và cũng rất khó khăn. Trung tâm đã tích cực điều tra, khảo sát nhu cầu học tập của cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân. Trên cơ sở đó, hàng năm Trung tâm xây dựng kế hoạch đào tạo trình Sở GD&ĐT, UBND tỉnh để ra quyết định giao chỉ tiêu, kế hoạch cho đơn vị. Căn cứ vào quyết định đó, Trung tâm liên kết với các trường ĐH, CĐ, THCN để mở lớp. Quy trình mở lớp và công tác tuyển sinh được Trung tâm coi trọng và làm tốt từ khâu thông báo tuyển sinh cho đến khi trúng tuyển, gọi nhập học.
Trong công tác quản lý, đào tạo các lớp hệ vừa học vừa làm, Trung tâm đã không ngừng nghiên cứu, học hỏi và rút kinh nghiệm từ các đơn vị bạn trong và ngoài tỉnh để đưa ra những biện pháp quản lý phù hợp như: phát và quản lý thẻ học viên, cử giáo viên chủ nhiệm, sinh hoạt lớp theo định kỳ, kiểm tra sĩ số học viên hàng ngày trên lớp, gửi giấy báo kết quả học tập về gia đình hoặc về đơn vị có học viên công tác... Bên cạnh đó, việc quản lý giảng dạy của giảng viên các trường ĐH, CĐ và THCN cũng là một vấn đề cần được quan tâm.
Việc quản lý giờ giấc ra vào lớp, theo dõi tiến trình giảng dạy và đối chiếu với giấy báo giảng, xác nhận và thanh toán đúng với thực tế giảng dạy của giảng viên... đã được các bộ phận chuyên môn làm tốt. Công tác thi kết thúc học phần, thi tốt nghiệp được Trung tâm chỉ đạo và thực hiện rất nghiêm túc, đúng quy chế. Qua đó, chất lượng đào tạo các lớp hệ này được nâng lên rõ rệt; tỷ lệ tốt nghiệp đạt cao, trong đó tỷ lệ khá, giỏi chiếm trên 45%.
Nhiệm vụ liên kết đào tạo các khóa bồi dưỡng, tập huấn ngắn hạn từ 1 tuần đến 1 tháng là một trong ba nhiệm vụ trọng tâm của Trung tâm nhằm đáp ứng nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ thường xuyên cho cán bộ, công chức, viên chức. Hàng năm, Trung tâm mở từ 5 - 7 lớp với số lượng 500 - 650 học viên; thăm dò nhu cầu bồi dưỡng, tập huấn về nghiệp vụ cho cán bộ và liên kết với các cơ sở đào tạo theo đúng chuyên môn nghiệp vụ để mở lớp. Qua các đợt tập huấn này, cán bộ, công chức, viên chức được cập nhật những kiến thức mới và nâng cao trình độ trong lĩnh vực công tác.
Bên cạnh những thành tựu đã đạt được, Trung tâm cũng vẫn còn những tồn tại cần khắc phục trong thời gian tới như: tổ chức bộ máy, phân công trách nhiệm, quy định lề lối làm việc chưa thật hiệu quả; sự năng động, sáng tạo và linh hoạt trong công việc chưa cao; công tác tuyển sinh còn có những thiếu sót cả về tổ chức và quản lý; chất lượng đào tạo chưa đạt kết quả như mong muốn.
Tự hào với kết quả đã đạt được, nhận thức rõ những yếu kém là cơ sở để Trung tâm Giáo dục thường xuyên tỉnh Yên Bái đề ra giải pháp và xây dựng mục tiêu trong thời gian tới gồm: phối hợp điều tra, khảo sát nhu cầu học tập của mọi đối tượng trên địa bàn trong và ngoài tỉnh, từ đó xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng và đề xuất với tỉnh, ngành trong việc mở lớp; chú trọng công tác tuyên truyền, quảng cáo và tuyển sinh công khai, rộng rãi đến từng cơ quan, đơn vị, đặc biệt là các đơn vị ở vùng sâu, vùng xa; từng bước chuyên môn hóa các hoạt động của Trung tâm.
Bên cạnh đó, tiếp tục củng cố bộ máy tổ chức, có sự phân công trách nhiệm rõ ràng và phù hợp với năng lực cán bộ; chú trọng công tác phối hợp giữa các bộ phận trong giải quyết các vấn đề về chuyên môn, nghiệp vụ; xây dựng và bổ sung hoàn chỉnh các quy định về lề lối làm việc. Và tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị trường học; tích cực tham mưu, đề xuất với tỉnh, các ban, ngành, đoàn thể cùng với phát huy nội lực để không ngừng đáp ứng nhu cầu học tập và giảng dạy.
Nguyễn Kim Sơn (Giám đốc Trung tâm giáo dục thường xuyên tỉnh Yên Bái)
Các tin khác
YBĐT - Năm 2005 Khánh Hoà, huyện Lục Yên là một trong 2 xã của tỉnh Yên Bái được đầu tư thực hiện dự án " Phát triển tổng hợp cấp thôn và giáo dục hành động cộng đồng" do tổ chức Bánh mỳ cho thế giới tài trợ. Dự án đã tập trung hỗ trợ các hoạt động: Cải thiện điều kiện sinh sống, điều kiện làm việc và điều kiện sức khoẻ cho người dân.
YBĐT - Trạm Tấu là huyện vùng cao đặc biệt khó khăn của tỉnh Yên Bái với 12 xã, thị trấn, trên 80% là đồng bào Mông, địa hình chia cắt, giao thông đi lại khó khăn. Người dân còn hạn chế về trình độ học vấn nên hướng nông dân tới nền sản xuất hàng hoá, trong đó chú trọng áp dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất và phát triển kinh tế, phá vỡ tập quán canh tác lạc hậu, nâng cao trình độ sản xuất cho đồng bào là quyết tâm của Ban chấp hành nông dân huyện Trạm Tấu.
YBĐT - Độ tuần nay, cậu bé Tráng A Vánh háo hức nhiều sau mỗi chiều học trở về ngôi nhà Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Yên Bái. Các anh Tráng A Tống, Tráng A Mao, Tráng A Tu của Vánh và cả các bạn khác cũng vậy. Vánh đã thấy dọc đường đi học về những chiếc đèn lồng đo đỏ phơi sắc sặc sỡ ở các cửa hàng, những chiếc mặt nạ ngộ nghĩnh, những đồ chơi bày biện dọc con phố…
YBĐT - Đêm 23/9, Báo Yên Bái đã tổ chức vui trung thu 2007 cho các cháu thiếu niên, nhi đồng là con em của cán bộ công chức cơ quan.