Cựu chiến binh Dế Xu Phình - Bắt đất nhả vàng
- Cập nhật: Thứ tư, 26/9/2007 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Về Dế Xu Phình, một xã đặc biệt khó khăn của huyện vùng cao Mù Cang Chải(Yên Bái), tới thăm các mô hình kinh tế của những cựu chiến binh, mải mê ngắm những ngôi nhà xây xinh xắn nằm lẫn trong rừng cây bạt ngàn một màu xanh no ấm, nghe tâm sự của họ về những ngày đầu mới thành lập hội CCB, mở đường, vào rừng khai phá đất trống đồi núi trọc để quyết tâm bắt đất nhả vàng mới thấu hiểu ý chí, nghị lực không cam chịu đói nghèo của những người lính nơi đây.
Mô hình nuôi dê của một gia đình hội viên CCB trong xã.
|
Rời quân ngũ, trở về với cuộc sống đời thường, hành trang vào đời của người lính chỉ là chiếc ba lô con cóc và hai bàn tay trắng, nhiều người còn để lại một phần xương máu nơi chiến trường, mang trên mình chút thương tật, giảm khả năng lao động. Vì vậy cuộc sống của họ hầu hết là khó khăn, tình trạng thiếu đói giáp hạt xảy ra thường xuyên. Mong muốn giúp hội viên thoát nghèo, phát triển mở mang ngành nghề phụ luôn là nỗi trăn trở cho BCH hội CCB xã.
Bàn bạc thống nhất và đi đến quyết định phải thành lập một tổ hội để các hội viên có điều kiện phát triển kinh tế, vươn lên xoá đói giảm nghèo là con đường ngắn nhất xoá bỏ cách làm ăn manh mún lạc hậu tự túc tự cấp. Chỉ có 3 hội viên nhưng những người lính năm xưa đã mạnh dạn thống nhất lấy phát triển kinh tế hộ gia đình, thâm canh tăng vụ, đẩy mạnh chăn nuôi và phát triển kinh tế đồi rừng là phương châm hành động của Hội. Để từng bước tháo gỡ khó khăn, BCH hội đã đánh giá tình hình đời sống từng hội viên và xác định nguyên nhân đói nghèo dể tìm cách từng bước tháo gỡ cho các gia đình.
Lý thuyết thì vậy nhưng khi đi vào thực tế quả là không đơn giản, kinh nghiệm trồng rừng, phát triển chăn nuôi và làm kinh tế trang trại chưa có, có đất, sức lao động nhưng trồng cây gì, nuôi con gì cho hiệu quả ở một xã vùng cao với đặc thù khí hậu khắc nghiệt luôn làm cho BCH hội CCB xã trăn trở suy nghĩ.
Trên chiến trường, trong chiến đấu họ luôn là người tiên phong, xông pha nơi hòn tên mũi đạn, không nhẽ trong cuộc sống đời thường lại đầu hàng trước cái đói cái nghèo? Và rồi cái khó ló cái khôn, mỗi người một sáng kiến, một cách nghĩ, cách làm riêng để đi đến thống nhất với phương án trồng rừng kinh tế xen lẫn với cây lương thực ngắn ngày phục vụ phát triển chăn nuôi làm hướng đi chính. Người góp công, người góp của, không quản mưa nắng sớm hôm, từ chỗ chỉ với 3 hội viên rồi đến 13 hội viên cùng nhau khai phá diện tích đất đồi trọc với quyết tâm bắt đất nhả vàng.
Thiếu vốn, thiếu kinh nghiệm nên bước đầu triển khai đã không đạt hiệu quả như mong muốn, tỷ lệ sống của cây trồng đạt chưa được 50%, tâm lý một số hội viên hoang mang, chán nản muốn quay lại cách làm ăn manh mún phó mặc cho tự nhiên vốn có của đồng bào Mông bao đời nay.
Không để tình trạng kéo dài, BCH hội đã họp bàn rút kinh nghiệm, tìm nguyên nhân, cử người đi tham quan, tập huấn nâng cao nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ chủ chốt của Hội học tập kinh nghiệm ở những đơn vị bạn, mời cán bộ khuyến nông huyện về hướng dẫn kỹ thuật cho từng gia đình hội viên. Đồng thời tín chấp vay vốn thông qua huyện, Tỉnh Hội cho những gia đình hội viên có nhu cầu mở rộng phát triển kinh tế.
Cứ thế, tiếp tục chăm sóc theo hướng dẫn và kiến thức tập huấn, đời sống của các gia đình hội viên đã đi vào ổn định, đất đã không phụ người. 171 ha lúa nước một vụ bấp bênh với mức đầu tư phân bón, áp dụng đúng kỹ thuật trong gieo cấy đã cho năng suất bình quân đạt gần 50 tạ/ha. An ninh lương thực đã không còn là vấn đề với mỗi gia đình hội viên khi tháng ba ngày tám.
Kinh tế đồi rừng góp phần tăng thu nhập cho các gia đình hội viên. |
Phong trào phát triển kinh tế được đẩy mạnh tại các chi hội, nhiều hội viên đã vươn lên phát triển kinh tế với các mô hình kinh tế tổng hợp mức thu nhập gần trăm triệu đồng mỗi năm như gia đình hội viên Hảng Sa Kỷ chi hội Phình Hồ; mô hình nuôi dê của gia đình hội viên Hờ Vản Tồng chi hội Ma Lừ Thàng, mỗi năm xuất bán hàng tạ dê thương phẩm, các mô hình kinh tế đồi rừng tại các chi hội khác cũng đem lại nguồn thu đáng kể cho các gia đình hội viên CCB.
14 năm có lẽ chưa phải khoảng thời gian dài để tính chuyện làm giàu ở một xã nghèo như Dế Xu Phình, cũng chưa đủ để gặt hái những thành quả từ việc phát triển kinh tế tập thể khi hành trang của những người lính chỉ là 2 bàn tay trắng. Nhưng 14 năm ấy đã chứng tỏ những người lính năm xưa không cam chịu đói nghèo. Với số vốn ban đầu để thành lập hội chỉ có 500 ngàn đồng và 3 hội viên, thì nay quỹ hội đã có hơn 50 triệu đồng để hỗ trợ, giúp các hội viên không đủ khả năng vay vốn qua uỷ thác có điều kiện phát triển kinh tế.
Đời sống của các hội viên được nâng nên với thu nhập bình quân trên 900 ngàn đồng/người/tháng. Không những vậy, các mô hình kinh tế trang trại của các hội viên còn giải quyết công ăn việc làm ổn định cho hàng chục lao động địa phương với mức thu nhập bình quân đầu người từ 600 - 800 ngàn đồng/tháng. BCH hội và 13 hội viên CCB xã Dế Xu Phình luôn sát cánh bên nhau trong phong trào phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới, thắm tình đồng đội, nghĩa xóm, tình làng.
Thanh Tân
Các tin khác
YBĐT - Với 5 năm hoạt động, Trung tâm Giáo dục thường xuyên tỉnh Yên Bái đã liên kết với các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp mở các lớp đào tạo, bồi dưỡng nhằm nâng cao chất lượng đào tạo đại học và sau đại học thuộc nhiều ngành nghề, lĩnh vực khác nhau cho cán bộ, công chức, giáo viên cũng như nhân dân trong và ngoài tỉnh.
YBĐT - Trong vài năm trở lại đây, công tác đào tạo nghề ở Yên Bái đã có những bước tiến bộ đáng kể và dần đi vào ổn định. Tuy nhiên, cũng phải thẳng thắn nhìn nhận rằng, còn tồn tại những yếu tố lạc hậu so với thời cuộc, chậm phát triển so với yêu cầu thực tế đặt ra…
YBĐT - Ban tổ chức Đại hội đại biểu Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tỉnh Yên Bái lần thứ XII (nhiệm kỳ 2007-2012) cho biết, cùng với 12 tập thể sẽ có 12 cá nhân tiêu biểu trong phong trào Tuổi trẻ học tập và làm theo lời Bác được tuyên dương vào tối 15/10/2007.
YBĐT - Năm 2007, tổng kinh phí dành cho chính sách trợ giá, trợ cước của tỉnh Yên Bái là 14.227 triệu đồng. Trong 8 tháng đầu năm, nguồn kinh phí đã cấp đạt 7.763 triệu đồng (đạt 54,37% kế hoạch).