Đổi thay ở Suối Giàng

  • Cập nhật: Thứ năm, 27/9/2007 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - Trung tâm huyện lị Văn Chấn (Yên Bái) mới sáng sớm mà trời đã âm u, lớt phớt mưa. Chúng tôi lo lắng cho chuyến công tác tới Suối Giàng sẽ không thuận lợi. “Các cậu yên tâm, lên đến Suối Giàng là chúng ta đứng trên, mây mưa không đến được chân” - lời động viên của Chủ tịch UBND huyện Văn Chấn Hoàng Trung Năng đã phần nào xua tan nỗi lo lắng ban đầu của mọi người.

Tập thể dục giữa giờ của học sinh Trường Tiểu học xã Suối Giàng. (Ảnh: Thanh Miền)
Tập thể dục giữa giờ của học sinh Trường Tiểu học xã Suối Giàng. (Ảnh: Thanh Miền)

Sau 30 phút ngược dốc đoàn công tác đặt chân đến trung tâm xã nằm thanh bình ở độ cao hơn 1.000 m so với mặt nước biển. Tiếp chúng tôi là đồng chí Giàng A Tính - Bí thư Đảng ủy xã, tuy mới 44 tuổi nhưng đã có 28 năm làm công tác tại xã. Đồng chí cho biết, là một xã 100% dân tộc Mông, đời sống còn rất khó khăn, người dân sống chủ yếu dựa vào cây chè Shan tuyết hoặc sống du canh, du cư. Những năm 1980 là giai đoạn khó khăn nhất của người Mông Suối Giàng: chè không bán được, người dân đua nhau di cư sang các huyện lân cận như Trấn Yên, Văn Yên; người ở lại thì muốn phát hết gần ba vạn gốc chè Shan cổ thụ hàng trăm năm tuổi để làm nương.

Đứng trước nguy cơ ấy, Đảng bộ huyện đã chỉ đạo bằng mọi giá phải giữ được vùng chè. Cùng với việc tuyên truyền, giải thích cho dân hiểu giá trị của cây chè cổ thụ, huyện đã giao toàn bộ diện tích chè Shan cho người dân tự quản lý, kinh doanh. Qua nhiều thăng trầm, hôm nay, chè Shan Suối Giàng đã có thương hiệu trên thị trường trong và ngoài tỉnh Yên Bái. Hiện Suối Giàng có gần 300 ha chè Shan, xã phấn đấu đến năm 2010 trồng mới 100 ha chè cành đưa tổng diện tích chè toàn xã lên 400 ha. Cùng với cây chè, Đảng bộ xã đẩy mạnh khai hoang ruộng nước, vận động nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Với 41 ha lúa nước, 80 ha lúa nương, 160 ha ngô, sắn, Suối Giàng đã đảm bảo một phần nguồn lương thực tại chỗ; số hộ nghèo giảm xuống còn 54%, bình quân thu nhập đạt 1,9 triệu đồng/người/năm.

Trong hướng đi của mình, Đảng bộ xã xác định, phát triển giáo dục là ưu tiên hàng đầu bởi muốn phát triển kinh tế phải có trình độ, có kiến thức. Thực hiện chủ trương đó, Đảng bộ, các tổ chức hội, đoàn thể xã cùng vào cuộc, vận động con em đến trường. Xã phối hợp với Tỉnh hội Phụ nữ, Hội Nông dân tỉnh... mở lớp xóa mù cho nhân dân và từng bước phổ cập tiểu học, THCS cho cán bộ xã. Hiện nay, xã có một trường mầm non với 7 lớp, 193 cháu; tiểu học 13 lớp, 310 học sinh; THCS 7 lớp, 210 học sinh, có chỗ ở nội trú cho học sinh ở xa và hàng năm đều hỗ trợ lương thực cho các em.

Mới đây, UBND tỉnh vừa phê duyệt dự án quy hoạch Suối Giàng thành một khu du lịch sinh thái, văn hóa. Đó vừa là cơ hội và cũng là thách thức lớn đối với Đảng bộ và nhân dân xã. Với đặc trưng về du lịch sinh thái, văn hóa, đầu tư sở hạ tầng du lịch ở đây cần phải gắn với phong tục, tập quán của người dân.

Du khách đến với Suối Giàng không nhất thiết phải ở những khách sạn sang trọng, bởi lẽ lên đến vùng cao là họ muốn cùng sống với người dân bản địa, cùng ăn, cùng uống, cùng sinh hoạt... để tìm hiểu phong tục tập quán và lối sống. Muốn vậy, cần có sự quan tâm của các ngành hữu quan trong việc đào tạo nguồn nhân lực cho du lịch, người dân cần được tập huấn, tham quan học hỏi cách làm du lịch cộng đồng. Bên cạnh đó, Suối Giàng cũng cần đẩy mạnh xây dựng đời sống văn hóa mới. Có như vậy mới thu hút được du khách, tạo bước đột phá mới trong phát triển kinh tế ở Suối Giàng.

Anh Dũng

Các tin khác
Mô hình nuôi dê của một gia đình hội viên CCB trong xã.

YBĐT - Về Dế Xu Phình, một xã đặc biệt khó khăn của huyện vùng cao Mù Cang Chải(Yên Bái), tới thăm các mô hình kinh tế của những cựu chiến binh, mải mê ngắm những ngôi nhà xây xinh xắn nằm lẫn trong rừng cây bạt ngàn một màu xanh no ấm, nghe tâm sự của họ về những ngày đầu mới thành lập hội CCB, mở đường, vào rừng khai phá đất trống đồi núi trọc để quyết tâm bắt đất nhả vàng mới thấu hiểu ý chí, nghị lực không cam chịu đói nghèo của những người lính nơi đây.

Lễ bế giảng và phát bằng tốt nghiệp cho các học viên lớp đại học tiếng Anh hệ tại chức, khóa học 2004 - 2007.

YBĐT - Với 5 năm hoạt động, Trung tâm Giáo dục thường xuyên tỉnh Yên Bái đã liên kết với các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp mở các lớp đào tạo, bồi dưỡng nhằm nâng cao chất lượng đào tạo đại học và sau đại học thuộc nhiều ngành nghề, lĩnh vực khác nhau cho cán bộ, công chức, giáo viên cũng như nhân dân trong và ngoài tỉnh.

Giờ thực hành của học sinh học nghề tại Trường công nhân kỹ thuật Yên Bái.

YBĐT - Trong vài năm trở lại đây, công tác đào tạo nghề ở Yên Bái đã có những bước tiến bộ đáng kể và dần đi vào ổn định. Tuy nhiên, cũng phải thẳng thắn nhìn nhận rằng, còn tồn tại những yếu tố lạc hậu so với thời cuộc, chậm phát triển so với yêu cầu thực tế đặt ra…

YBĐT - Ban tổ chức Đại hội đại biểu Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tỉnh Yên Bái lần thứ XII (nhiệm kỳ 2007-2012) cho biết, cùng với 12 tập thể sẽ có 12 cá nhân tiêu biểu trong phong trào Tuổi trẻ học tập và làm theo lời Bác được tuyên dương vào tối 15/10/2007.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục