Khắc phục khó khăn để đào tạo nghề
- Cập nhật: Thứ năm, 4/10/2007 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Cùng với các trung tâm dạy nghề ở thành phố Yên Bái và các huyện thị, năm học 2006 - 2007, Trường trung cấp nghề Yên Bái (Trường Công nhân kỹ thuật cũ) đã khắc phục khó khăn để làm tốt công tác đào tạo nghề hệ trung cấp và sơ cấp cho người lao động trên địa bàn tỉnh.
Học sinh khoa cơ khí của trường trong giờ thực hành. (Ảnh Minh Hằng)
|
Bước vào năm học, trường gặp không ít khó khăn trong công tác tuyển sinh do thị trường lao động có tay nghề chưa phát triển, điều kiện kinh tế của người học còn thiếu thốn. Nhu cầu và quan niệm của nhân dân về học nghề còn hạn chế, chưa thoát khỏi sự bao cấp của Nhà nước. Việc học làm thợ để có nghề hay nhất thiết phải học đại học - cao đẳng mới có nghề chưa được người lao động nhận thức đúng đắn, thiếu sự hướng nghiệp từ khi còn học phổ thông.
Không ít đơn vị sử dụng lao động chưa đòi hỏi cao về tay nghề, có khi chỉ tuyển lao động phổ thông (nhất là với doanh nghiệp xây dựng) để giảm chi phí sản xuất. Kinh phí dành cho công tác tuyển sinh cũng hạn hẹp, hình thức tuyển sinh còn đơn điệu, chính vì vậy, sức hút của người học đối với các nghề mà trường đào tạo thấp, có chăng chỉ tập trung vào nghề điện, lái xe, hàn, sửa chữa động cơ và chủ yếu là nghề học ngắn hạn.
Cùng với đó, cơ sở vật chất phục vụ cho đào tạo nghề của trường còn thiếu và chưa đồng bộ. Năm 2006, nhà trường được đầu tư 2 tỷ đồng mua sắm trang thiết bị khá hiện đại nhưng chủ yếu cho việc dạy nghề cơ khí. Nhiều máy móc hiện đại như: máy đột dập liên hoàn, máy cắt tôn thủy lực, máy hàn đa năng..., nhưng khi ra nghề nguồn nhân lực này khó có đủ trình độ để làm việc ở các doanh nghiệp lớn, khu công nghiệp hoặc đi xuất khẩu lao động.
Nghề lái xe đang thu hút được nhiều người theo học. |
Định mức chi phí cho nguyên vật liệu thực hành và từng nghề cụ thể cũng thấp hơn thực tế rất nhiều; việc đầu tư trang thiết bị dạy các nghề khá hấp dẫn là: sửa chữa ô tô, vận hành máy thi công, nghề lái xe lại chỉ đang được dần bổ sung. Đội ngũ giáo viên có 80 người, chiếm trên 86% tổng số cán bộ công chức của trường nhưng còn thiếu về số lượng. Thầy cô giáo đều có trình độ đại học, cao đẳng, tuy nhiên kỹ năng truyền đạt trong quá trình thực hành còn hạn chế.
Trước nhưng khó khăn đó, Trường trung cấp nghề Yên Bái đã tranh thủ thuận lợi, phối hợp chặt chẽ với các ngành và địa phương các cấp để triển khai tuyển sinh theo chỉ tiêu tỉnh giao. Năm học 2006-2007, Trường có 53 lớp đào tạo với 12 nghề thuộc các khoa điện-điện tử, giao thông, xây dựng và cơ khí.
Trường duy trì số lượng 1.644 học sinh, trong đó có 1.138 học sinh tuyển mới (891 học sinh ngắn hạn, 247 học sinh dài hạn). Chủ động khắc phục khó khăn về cơ sở vật chất, trường đã tạo đủ chỗ ở cho học sinh ở xa, đối tượng chính sách và học sinh là con em đồng bào vùng cao, dân tộc thiểu số. Việc ăn uống, sinh hoạt văn hóa của học sinh nội trú được nhà trường quan tâm đảm bảo chế độ theo quy định của Nhà nước.
Công tác đào tạo được Ban giám hiệu chỉ đạo sát sao từ kế hoạch, khối lượng, nội dung giảng dạy đến việc quản lý phân công đội ngũ. Các quy định của trường, của ngành được thực hiện đầy đủ, có chương trình môm học, bài giảng được giáo viên biên soạn luôn đảm bảo tính pháp lý, được khoa - tổ chuyên môn và ban giám hiệu phê duyệt. Trong giảng dạy, việc điều chỉnh giữa lý thuyết cơ sở, lý thuyết nghề, thực hành nghề đã từng bước thực hiện.
Ngoài những trang thiết bị giảng dạy được Nhà nước đầu tư, các khoa tổ đã tự tạo thêm các mô hình học cụ mới nên 80% số giờ dạy trên lớp giáo viên sử dụng trang thiết bị và học cụ tạo điều kiện để học sinh dễ tiếp thu bài học. Hoạt động hội giảng được tổ chức hàng năm ở cấp khoa, tổ và cấp trường với đông đảo thầy cô giáo tham gia. Năm học vừa qua có 75% giáo viên tham gia hội giảng cấp trường đạt loại giỏi, 25% đạt khá; dự thi hội giảng toàn quốc, trường có 2 giáo viên đoạt giải nhì, 1 giáo viên đạt khuyến khích.
Đối với học sinh, nhà trường luôn đôn đốc đảm bảo đủ số giờ lên lớp và thường xuyên duy trì sinh hoạt ngoại khóa; tổ chức bình xét đánh giá hạnh kiểm học sinh theo tháng, theo học kỳ đã góp phần uốn nắn học sinh thực hiện tốt kỷ luật học tập tại trường. Số học sinh xếp loại hạnh kiểm khá tốt đạt 96%; tỷ lệ học sinh lên lớp và tốt nghiệp đạt 100%, số tốt nghiệp loại khá giỏi là 5,2%. Trong tổng số 1.022 học sinh tốt nghiệp ra trường có 175 học sinh hệ dài hạn, còn lại là ngắn hạn, góp phần thực hiện mục tiêu đào tạo nghề cho khoảng 6.800 lao động của tỉnh Yên Bái trong năm nay.
Trường trung cấp nghề cũng đã đề ra những giải pháp nhằm đổi mới chương trình đào tạo, điều chỉnh thời gian đào tạo, đầu tư trang thiết bị, vật tư phục vụ việc dạy và học. Đồng thời, trường rà soát các nghề đào tạo cho phù hợp thị trường, nâng cao chất lượng tuyển sinh, phấn đấu hoàn thành kế hoạch tỉnh giao đào tạo 1.310 học sinh trong năm học 2007-2008 này.
Minh Quang
Các tin khác
YBĐT - Thực hiện chương trình phối hợp giữa Ban Dân vận và Ủy ban Dân số - Gia đình & Trẻ em tỉnh Yên Bái về tuyên truyền, giáo dục công tác dân số gia đình và trẻ em, chúng tôi lên Phình Hồ, một xã vùng cao đặc biệt khó khăn của huyện Trạm Tấu.
YBĐT - Chúng tôi đến thăm gia đình ông Phạm Văn Chiềm ở thôn Hồng Phong, thị trấn Mậu A, huyện Văn Yên (Yên Bái), khi ông đang dọn vào căn nhà mới.
YBĐT - Được sáp nhập vào thị xã Nghĩa Lộ (Yên Bái) từ năm 2004, công tác Đoàn và phong trào thanh niên của xã Nghĩa An tiếp tục được đẩy mạnh với nhiều hoạt động vì sự phát triển của cộng đồng.
YBĐT - Thời gian này, lên Mù Cang Chải (Yên Bái), đâu đâu chúng tôi cũng bắt gặp bà con các dân tộc đang nô nức thi đua lập thành tích chào mừng ngày kỷ niệm 50 năm thành lập Đảng bộ huyện (18/10/1957-18/10/2007).