Nam Cường nghĩa nặng ơn sâu

  • Cập nhật: Thứ tư, 10/10/2007 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - Từ khi ông Phạm Huy Thiết hy sinh năm 1969, bà Tỵ một lòng một dạ thủy chung với người đã khuất và ở vậy nuôi con một mình. Trước đây gia đình bà sinh sống trong một căn nhà tranh vách đất ở trên triền đồi cao, xa đường, xa dân. Cuộc sống của cả gia đình chỉ trông vào 4 sào ruộng với mảnh vườn chè mấy trăm mét vuông nên rất chật vật.

Năm 2002, xét thấy hoàn cảnh khó khăn, UBND xã Nam Cường đã cấp cho gia đình bà 100m2 đất mặt đường ở khu dân cư tập trung đông đúc. Chị Phạm Thị Minh Hồng, con gái út của bác không có việc làm ổn định còn được xã tiếp nhận vào làm nhân viên văn phòng UBND xã đã mấy năm nay. Ngoài việc chăm lo cuộc sống vật chất, xã cũng rất quan tâm đến phần hương khói của các liệt sỹ ở nghĩa trang. Bà Tỵ bảo rằng: Nếu có thời gian rỗi rãi, cháu ra thăm Nghĩa trang liệt sỹ được xây dựng khang trang và đẹp lắm, cháu ạ!

Nói theo thuật phong thủy thì Nghĩa trang liệt sỹ xã Nam Cường nằm ở vị trí "đắc địa". Trên một quả đồi cao khoảng ba chục mét, liền kề sân vận động, sát cạnh với trụ sở UBND xã, khu nghĩa trang rất thuận tiện cho việc người ra vào thăm viếng anh linh các liệt sỹ. Nhìn tổng thể một ngôi mộ liệt sỹ ở đây mới thấy ý tưởng của người thiết kế có con mắt rất tinh tế, tài hoa. Đó là anh Nguyễn Huy Hàm, Phó chủ tịch Hội CCB xã Nam Cường - người đã giành giải nhất trong cuộc thi thiết kế mộ liệt sỹ của xã Nam Cường. Đứng bên cạnh tôi trước mộ liệt sỹ Ngô Phan Thanh, anh Hàm tâm sự:

Từng là người lính nên tôi đã dày công nghiên cứu, tìm tòi để thiết kế ngôi mộ trong nghĩa trang liệt sỹ của xã với thông điệp: "Mỗi ngôi mộ liệt sỹ là một tư thế hiên ngang, hùng dũng và phong cách giản dị, điềm đạm như thời các anh còn sống. Mỗi dãy mộ liệt sỹ như một hàng quân oai phong như thời các anh đứng trong hàng ngũ của đồng đội. Nòng súng lưỡi lê thể hiện tinh thần chiến đấu của người lính. Lá cờ đỏ sao vàng thể hiện ý chí, khát vọng giành độc lập, tự do cho Tổ quốc của người chiến sỹ. Bánh xe lịch sử ý muốn nói sự ra đi của các anh là không bao giờ uổng, mà đó chính là sự tiếp nối lịch sử phát triển của dân tộc ta như một dòng chảy không ngừng.

Nhành lúa vàng óng thể hiện mạch nguồn sống của quê hương Việt Nam đã từng nuôi dưỡng các anh và nay lại ôm trọn các anh trong giấc ngủ ngàn thu. Bát hương hình bông sen nở thể hiện tâm hồn các anh mãi thanh tao như tâm hồn người Việt. Còn khóm hoa mẫu đơn thể hiện tấm lòng thủy chung son sắt của những người vợ, người mẹ mãi mãi bên cạnh hương hồn, anh linh các liệt sỹ".

Anh Đỗ Ngọc Lân, Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch HĐND xã Nam Cường tâm sự: Chúng tôi xác định, ngôi mộ liệt sỹ cũng như ngôi nhà của người đang sống nên phải có sự đầu tư thật sự nghiêm túc. Mặt khác, vì mộ liệt sỹ liên quan đến vấn đề tâm linh nên càng phải tổ chức hết sức công phu và chu đáo. Các liệt sỹ đã hy sinh vì dân, vì nước. Công lao ấy con cháu trả ân, trả nghĩa muôn đời cũng không hết. Bởi thế, chúng tôi tổ chức một cuộc thi chặt chẽ với hy vọng tìm ra một thiết kế ý nghĩa nhất cho nghĩa trang liệt sỹ này, để đáp lại lòng mong đợi của nhân dân xã nhà.

Sau khi có mẫu thiết kế, xã đã vận động nhân dân đóng góp xây dựng, tu bổ nâng cấp nghĩa trang liệt sỹ của xã; đồng thời tổ chức phát động phong trào "Toàn dân tham gia làm đẹp nghĩa trang liệt sỹ". Chỉ 1 tháng sau khi phát động, nhân dân đã tự nguyện đóng góp được 36 triệu đồng (trung bình mỗi gia đình ủng hộ 50.000 đồng). Cùng với nguồn vốn đầu tư của trên, nguồn ngân sách của xã và hơn 1.000 ngày công lao động của các cựu chiến binh, đoàn viên thanh niên, hội viên phụ nữ, thân nhân các gia đình liệt sỹ và người dân trong xã, đến nay công trình nâng cấp nghĩa trang liệt sỹ đã hoàn thành với số tiền trị giá 220 triệu đồng.

Anh Lân cũng cho biết: Xã Nam Cường có 44 liệt sỹ và 17 thương bệnh binh. So với các xã khác, tuy con số đó không nhiều nhưng chúng tôi luôn cho rằng, chăm lo chu đáo các thân nhân liệt sỹ, thương bệnh binh không những bằng vật chất, bằng sự ưu tiên, ưu đãi, mà còn phải chú trọng đến cả phần nhang khói, tâm linh để làm yên lòng người đã khuất và góp phần giáo dục thế hệ trẻ hôm nay. "Thay" cho các liệt sỹ mẫu mộ mới, Đảng bộ và nhân dân xã Nam Cường muốn "khoác" cho các anh một "tấm áo" đàng hoàng, trang trọng để tương xứng với công lao và sự cống hiến của các anh cho đất nước, quê hương và đó cũng là món quà để "tặng" các anh trong dịp 60 năm ngày thương binh - liệt sỹ.

Nghe anh Lân nói, tôi liên tưởng ngay đến những câu đối ở nghĩa trang liệt sỹ xã Nam Cường được viết ra bằng chính tình cảm, tấm lòng và sự tri ân sâu sắc của những người dân nơi đây. Đó là câu "Hy sinh tuổi xuân cho Tổ quốc/ Liệt sỹ tên anh nhớ ngàn thu" ở cổng nghĩa trang; "Nghĩa cả anh hùng vì Tổ quốc/ Ơn sâu liệt sỹ giữ non sông" ở đài tưởng niệm. Còn ở trước ta luy hai bên khu mộ liệt sỹ, người quản trang xã Nam Cường đã dày công trồng cỏ, cắt tỉa dòng chữ "Máu đào các liệt sỹ tô thắm cờ Tổ quốc" lồng trên nền cờ đỏ sao vàng và cờ búa liềm trông rất hài hòa và bắt mắt.

Trước khi về xã công tác, tôi được Phòng Nội vụ - Lao động - Thương binh và Xã hội thành phố Yên Bái cung cấp cho thông tin: 100% gia đình thương binh liệt sỹ ở xã Nam Cường có mức sống từ trung bình khá trở lên; không còn hộ chính sách nào phải sống trong nhà tạm, nhà tranh, nhà dột nát. Từ năm 2003 đến nay xã đã xây dựng quỹ "Đền ơn đáp nghĩa" với nguồn đóng góp tự nguyện của nhân dân được 20 triệu đồng; Nghĩa trang liệt sỹ xã Nam Cường là một trong những nghĩa trang đẹp nhất, hoành tráng nhất ở thành phố và tỉnh Yên Bái hiện nay.

Từ những "thông tin biết nói" đó, tôi mới ngẫm ra một điều: ở Nam Cường, đối với thương binh liệt sỹ không những được chú trọng quan tâm phần "xác" mà phần "hồn" của các anh cũng được chăm lo vẹn toàn, chu đáo. Phẩm chất anh hùng LLVT nhân dân của xã Nam Cường đã biểu lộ mạnh mẽ trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, nay lại được tiếp tục giữ gìn, phát huy và tỏa sáng từ những việc làm ân nghĩa, thủy chung đối với người đã khuất vì nghĩa lớn như thế, là điều rất đáng trân trọng.

Nguyễn Văn Hải (Dự thi viết về Đất và người Yên Bái)

Các tin khác

YBĐT - 9 tháng qua, Trạm Y tế xã Phình Hồ, huyện Trạm Tấu (Yên Bái) đã khám chữa bệnh cho 955 lượt người; tiêm phòng đủ 7 loại vắc-xin như: sởi, ho gà, bạch hầu, lao, viêm não, viêm gan… cho trẻ em dưới 6 tuổi.

Công an TP Yên Bái có mặt kịp thời giải quyết tai nạn giao thông xảy ra khu vực phường Hồng Hà.(Ảnh Quang Trung)

YBĐT - Trong những ngày qua, toàn thể cán bộ, chiến sỹ Công an thành phố Yên Bái đang sôi nổi thi đua rèn luyện công tác, học tập và làm theo tấm gương đạo đức Chủ tịch Hồ Chí Minh.

YBĐT - Ở một xã nghèo với 100% hội viên là người Mông như Chế Cu Nha, huyện Mù Cang Chải (Yên Bái) thì vấn đề hỗ trợ hội viên phát triển kinh tế luôn là hàng đầu.

YBĐT - Quê tôi ở miền xuôi, nhưng Nghĩa Lộ là nơi tôi cất tiếng khóc chào đời. Một cánh đồng thơm nồng hương lúa, một Ngòi Thia lấp lánh rêu non, một cây cầu vắt ngang dòng suối, một bếp lửa ấp iu nồng đượm và mỗi điệu xòe thấm đẫm tình thân... Tất cả, tất cả đã nuôi lớn tâm hồn tôi cùng với bao lớp người đã từng sinh ra, lớn lên và gắn bó với mảnh đất anh hùng này. Dù đi đâu, Nghĩa Lộ trong tôi vẫn là niềm tự hào, kiêu hãnh và yêu đằm thắm đến lạ thường.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục