Nghĩa Lộ phố ngày ấy - bây giờ
- Cập nhật: Chủ nhật, 7/10/2007 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Quê tôi ở miền xuôi, nhưng Nghĩa Lộ là nơi tôi cất tiếng khóc chào đời. Một cánh đồng thơm nồng hương lúa, một Ngòi Thia lấp lánh rêu non, một cây cầu vắt ngang dòng suối, một bếp lửa ấp iu nồng đượm và mỗi điệu xòe thấm đẫm tình thân... Tất cả, tất cả đã nuôi lớn tâm hồn tôi cùng với bao lớp người đã từng sinh ra, lớn lên và gắn bó với mảnh đất anh hùng này. Dù đi đâu, Nghĩa Lộ trong tôi vẫn là niềm tự hào, kiêu hãnh và yêu đằm thắm đến lạ thường.
Ngay từ thuở Hùng Vương dựng nước, Nghĩa Lộ đã có tên và là một trong những địa bàn cư trú của cư dân Lạc Việt. Trải qua mấy ngàn năm lịch sử, nhân dân các dân tộc Nghĩa Lộ không chỉ cần cù trong lao động, sáng tạo độc đáo trong văn hóa mà còn có truyền thống đoàn kết, anh dũng đấu tranh chống giặc ngoại xâm, bảo vệ bản làng và bảo vệ độc lập chủ quyền của đất nước.
Tự hào lắm quê tôi, từ những năm 1075, mảnh đất này đã có biết bao dân binh theo Thái úy Lý Thường Kiệt chống quân xâm lược Tống; năm 1258 đến năm 1285, cả hai lần giặc Nguyên Mông sang xâm lược nước ta, nhân dân các dân tộc nơi đây đã anh dũng theo lãnh binh Hà Chương, Hà Bổng đánh cản bước tiến của giặc về phía kinh thành, rồi lại hăng hái giúp đỡ, ủng hộ nghĩa binh của tướng Trần Nhật Duật đánh đuổi ngoại xâm.
Mùa xuân năm 1872, giặc Cờ Vàng do tướng Dịp Tài tràn sang cướp phá, với lòng yêu nước, quyết giữ lấy bản làng, nương rẫy, nhân dân lại nhất tề đứng lên theo thủ lĩnh Cầm Hánh, một người anh hùng của bản Thái thân yêu đã cầm quân đánh giặc. Trong những trận giao tranh ác liệt đó, dân mường còn nhắc mãi tên của Đội Nhất, Cầm Hiệp, Cầm Tú... những chiến binh đã chiến đấu kiên cường và anh dũng hy sinh trên đất mẹ Mường Lò.
Cuối thế kỷ XIX, thực dân Pháp xâm lược nước ta, chúng đánh chiếm Nghĩa Lộ, phong trào chống Pháp do Nguyễn Quang Bích trực tiếp chỉ huy đã được đồng bào các dân tộc hết lòng ủng hộ. Tại Nghĩa Lộ, giặc Pháp đã xây dựng căn cứ quân sự khá kiên cố, chúng xây đồn lính Khố xanh, đồn Nghĩa Lộ phố, đồn Nghĩa Lộ đồi (trên núi Pú Chạng) và xây Căng Ka-rô (nhà tù Nghĩa Lộ) để làm công cụ trừng phạt, đàn áp những người chống đối và giam giữ tù chính trị.
Từ năm 1930, Căng Nghĩa Lộ đã trở thành nhà tù cấp Đông Dương và chỉ tính đến tháng 6 năm 1931, nhà tù đã giam giữ 161 lượt phạm nhân chính trị. Tháng 2 năm 1945, thực dân Pháp lại chuyển gần 100 tù chính trị từ Căng Bá Vân, Thái Nguyên về Căng Nghĩa Lộ. Tại đây, Chi bộ nhà tù được thành lập, đồng chí Trần Huy Liệu làm Bí thư. Chỉ trong thời gian ngắn, các đồng chí đã bắt liên lạc với bên ngoài và được bà con phố Nghĩa Lộ tận tình giúp đỡ về thuốc men, lương thực, thực phẩm, quần áo, giấy bút và cung cấp tin tức thường xuyên với nhà tù.
Những người dân phố sớm được giác ngộ và giàu lòng yêu nước ấy là những ông Giáo An, ông Cả Nho, ông Chắt Ngạc, cụ xếp Thiệu, ông Lâm Hiệp, cô Thông, cô Xuân, cô Duyên... và rất nhiều những tiểu thương, nông dân bí mật hoạt động, nuôi giấu cán bộ. Ngày 17/3/1945, một cuộc bạo động nổi dậy phá Căng đã nổ ra, 9 chiến sĩ hy sinh, 11 đồng chí thoát ra ngoài được nhân dân che chở và được tổ chức cách mạng đưa đón về chiến khu an toàn, trong đó có đồng chí Trần Huy Liệu, Trần Đức Sắc...
Từ đó, phong trào đấu tranh ở Nghĩa Lộ đã nổi lên như sóng cồn, nhân dân các dân tộc cùng lực lượng vũ trang từ chiến khu Vần tiến đánh các đồn lính Bảo An, bắt sống tên Tri phủ Đặng Phạm Lộc, thu được nhiều súng đạn và lương thực. Ngày 8 tháng 7 năm 1945, chính quyền cách mạng lâm thời của địa phương được ra mắt trước niềm vui sướng, tự hào của đồng bào các dân tộc.
Như vậy, Nghĩa Lộ là nơi đầu tiên của tỉnh Yên Bái và vùng Tây Bắc giành được chính quyền. Đặc biệt, sau khi Chính phủ ra sắc lệnh tổ chức “Tuần lễ vàng”, nhân dân phố Nghĩa Lộ đã nô nức hưởng ứng, bao nhiêu đồ trang sức, tiền, bạc được tự nguyện mang ra ủng hộ cách mạng với khẩu hiệu: “Hãy lấy vàng rửa hận cho Tổ quốc”, “Hãy đem vàng đổi lấy Tự do”. Có gia đình ủng hộ tới 5 lạng vàng như cha con ông Trần Văn Triện, vậy là chỉ trong một ngày đã quyên góp được 11 lạng vàng, 22 lạng bạc, 20.000 đồng Đông Dương... Những hy sinh, đóng góp không nề hà ấy đã góp phần làm nên chiến thắng Nghĩa Lộ ngày 18/10/1952, mở màn cho Chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng năm 1954.
Hòa bình lập lại trên miền Bắc xã hội chủ nghĩa, miền Nam bước vào cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược, nhân dân các dân tộc Nghĩa Lộ lại đóng góp sức người sức của cho tiền tuyến lớn. Bao lớp trai tráng lên đường đánh giặc, ở hậu phương ngô lúa vẫn lên xanh, người Nghĩa Lộ vẫn một niềm lạc quan tin tưởng vào ngày mai chiến thắng. Ghi nhận những chiến công, những đóng góp đó, ngày 3/11/2004, Chủ tịch nước đã ký quyết định phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang thời kỳ chống Pháp cho nhân dân và lực lượng vũ trang thị trấn (phố Nghĩa Lộ cũ), nay là thị xã Nghĩa Lộ.
Trở về Nghĩa Lộ phố anh hùng, người Nghĩa Lộ vẫn hồn hậu, nồng say như thuở nào đón các anh bộ đội về cùng giải phóng bản mường. Nghĩa Lộ đang vươn lên và tỏa sáng trong tư thế của một thị xã văn hóa, một trung tâm kinh tế - thương mại du lịch, trục động lực phía tây của tỉnh Yên Bái.
Núi Pú Chạng, Pú Lo như những chú voi phục khổng lồ vẫn cần mẫn chắt dồn màu mỡ cho cánh đồng lớn thứ nhì vùng Tây Bắc. Đồng Mường Lò ăm ắp lúa ngô, những giống mới năng suất cao luân canh tới ba, bốn vụ. Gạo ngon Mường Lò đến khắp miền đất nước, giữa thành phố Yên Bái hay giữa lòng thủ đô Hà Nội, mỗi khi gặp những quầy bán gạo cắm cái biển “Gạo Nghĩa Lộ”, lòng tôi lại rưng rưng một cảm xúc đến khó tả. Hàng thổ cẩm dệt từ bàn tay khéo léo của người con gái Thái bây giờ đã trở thành hàng hóa. Chị Lù Thị Pầng, một phụ nữ Thái năng động đã mở một cửa hàng giới thiệu sản phẩm ở phố Hàng Than, Hà Nội và thu hút được nhiều khách du lịch nước ngoài.
Chợ Mường Lò giữa trung tâm phố núi luôn đầy ắp hàng hóa, lương thực, thực phẩm, sản vật. Những quả sơn tra ửng hồng đôi má từ Trạm Tấu, Mù Cang Chải chở về thơm lừng phố chợ; những nhãn lồng Văn Chấn, cam ngọt Thượng Bằng La và những trái cây Nam Bộ... đã cùng về dâng mật cho cuộc sống tươi vui. Đường nội thị và các ngả đường làng, ngõ xóm phong quang, sạch sẽ, nhân dân hồ hởi đóng góp làm đường bê tông, làm nhà văn hóa.
Về Nghĩa Lộ phố hôm nay, chỗ đồn bốt giặc năm xưa đã mọc lên một quần thể di tích lịch sử vừa lộng lẫy, vừa trang nghiêm. Ngôi mộ chung của 9 liệt sĩ cảm tử phá Căng vượt ngục năm ấy nay tỏa rạng như bông hoa 9 cánh chung một nhụy đài vươn cao giữa trời quê xanh ngát, một tượng đài chiến thắng Nghĩa Lộ kiêu hãnh, một bức phù điêu, một nhà bia ghi danh hơn 800 liệt sĩ đã quyết tử cho Nghĩa Lộ hồi sinh. Đây nữa, một Bảo tàng, một Khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh càng làm cho Nghĩa Lộ thêm đầm ấm, thủy chung...
Người Nghĩa Lộ vẫn giỏi giang trong lao động, luôn ước muốn vươn xa tìm kế sách làm giàu, đóng góp xây dựng quê hương. Tâm hồn người Nghĩa Lộ vẫn sáng đẹp như nước suối, hoa rừng, tần tảo sớm hôm, mồ hôi thẫm đất nhưng vẫn ngọt ngào câu khắp, dẻo bước điệu xòe. Nghĩa Lộ, một miền quê anh hùng trong kháng chiến nay đang là một trong những điểm đến đầy hứa hẹn cả về tiềm năng kinh tế cũng như tiềm năng văn hóa mang đậm bản sắc riêng có của xứ sở miền Tây.
Nguyễn Thị Thanh
Các tin khác
YBĐT - Mặc dù đã được dự báo từ trước song lũ về quá nhanh, lưu lượng nước quá lớn, dòng suối ngòi Thia, ngòi Lung hung dữ hơn bao giờ hết, mực lũ tại suối Lung được đánh giá là lớn nhất, hung dữ nhất trong vòng hơn ba mươi năm qua.
YBĐT - Do ảnh hưởng của cơn bão số 5, mưa lớn kéo dài, nước ở suối Ngòi Thia và ngòi Lung dâng cao làm 5 nhà dân bị cuốn trôi, 24 hộ dân ở các phường Pú Trạng, xã Nghĩa Lợi, xã Nghĩa Phúc (thị xã Nghĩa Lộ) phải di dời; hai đầu mố cầu Lung bị sạt lở nghiêm trọng, 200 ha ngô ngập úng nặng, 15 ha diện tích ao cá mất trắng...
YBĐT - Tháng 9 chỉ số giá tiêu dùng chung trên địa bàn tỉnh Yên Bái tiếp tục tăng ở mức 0,61% so với tháng trước. Tuy nhiên mức tăng này đã giảm so với tháng trước (1,22) nhưng vẫn cao hơn chỉ số giá tiêu dùng của cả nước (0,51%).
YBĐT - Cơ quan BHYT đã kiểm tra và xuất toán hàng triệu đồng chi phí khám bệnh không đúng quy định ở trạm y tế này. Tình trạng bệnh nhân định kỳ đi KCB hoặc gửi sổ để lấy thuốc không phải là ít, trong khi còn có cán bộ y tế lạm dụng kê đơn thuốc, chỉ định dịch vụ y tế không hợp lý, gây khó khăn cho công tác quản lý, thu chi quỹ KCB của BHYT…