Trường mầm non chuẩn quốc gia đầu tiên trên cao nguyên Mù Cang Chải
- Cập nhật: Thứ tư, 17/10/2007 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Trường mầm non Hoa Lan tiền thân là nhà trẻ Liên cơ sáp nhập với trường mẫu giáo thành Trường mầm non Mù Cang Chải, cơ sở vật chất chỉ là cái chõng tre, cái giường cũi gỗ trong những gian nhà kho kín mít của ngành thương nghiệp cho mượn, mái lợp giấy dầu khét lẹt, mỗi trận gió Lào hừng hực thổi về thì cô, trò được tôi luyện như những viên gạch chịu lửa. Cả hội đồng vẻn vẹn chỉ có 10 giáo viên đều chưa qua trường lớp đào tạo, khó khăn chồng chất khó khăn.
Ảnh Thu Hạnh.
|
Năm 2003 cùng với sự phát triển của đất nước, của ngành giáo dục và đào tạo, được sự giúp đỡ của Huyện ủy, UBND huyện, Trường mầm non chính thức mang tên Trường mầm non Hoa Lan và được đầu tư gần 1 tỷ đồng để bước đầu xây dựng một khu trường mới với tổng diện tích trên 2500m2. Sang năm 2005 đầu tư tiếp hơn 1,3 tỷ đồng để hoàn thiện nốt hai khu nhà cao tầng với 7 phòng học, 6 phòng làm việc, 2 phòng chức năng cùng các trang thiết bị hiện đại. Sân chơi đã có cầu trượt, đu quay, cầu thăng bằng... đỏ, vàng, xanh rực rỡ. Phòng nhạc, múa được trang bị tăng âm, cat-xét, loa đài, gương phản chiếu... giờ hát múa sôi động tiếng hát của trẻ thơ hòa lẫn tiếng nhạc vọng vào rừng cây, vách núi.
Cùng với sự đầu tư về cơ sở vật chất phòng Giáo dục và đào tạo Mù Cang Chải đã tạo điều kiện đưa đội ngũ giáo viên đi đào tạo, từng bước chuẩn hóa và trên chuẩn để đáp ứng yêu cầu của sự phát triển. Các cô giáo chưa có bằng cấp lần lượt được cử đi học, lực lượng chưa chuẩn tiếp tục được đào tạo và nhà trường được nhận tiếp các cô giáo trẻ vừa tốt nghiệp ở các trường đào tạo chính quy, có kiến thức hiện đại, tiên tiến và lòng yêu nghề mến trẻ.
Năm 2005 cô giáo Nguyễn Thị Mai Tình được đề bạt làm Hiệu trưởng nhà trường kiêm Bí thư chi bộ; cô giáo Đoàn Thị Phúc làm Phó hiệu trưởng, bộ máy quản lý được củng cố, chất lượng quản lý điều hành đã xóa nhanh việc chỉ đạo dập khuôn, máy móc, thiếu năng động sáng tạo, chồng chéo nhau trong công việc, phát huy cao độ tính dân chủ, hoạt động phối hợp giữa các tổ chức đoàn thể và vai trò của quần chúng được phát huy để mọi người cùng có trách nhiệm tham gia, hiến kế cho sự phát triển của nhà trường. Công đoàn, tổ nữ công đã xây dựng được một tổ ấm yêu thương đoàn kết giúp đỡ nhau như tình ruột thịt, coi công việc trường như việc nhà, nhà trường trở thành mái ấm thứ hai của các cô...
Chất lượng toàn diện được nâng cao từng bước, uy tín của nhà trường ngày càng mở rộng trong cộng đồng xã hội, các cháu đến trường ngày một thêm đông, thu hút cả những thôn bản xung quanh bà con người Mông, người Thái dắt trẻ đến trường. Nhớ ngày đầu sáp nhập, số trẻ cả ba lớp không đủ 100 cháu, đến năm học 2005-2006 đã tăng lên 6 lớp với 165 em đã vượt quá khả năng tiếp nhận của Trường.
Trả lời câu hỏi của tôi về chất lượng dạy và học chị Tình cười rất tươi, song đôi mắt vẫn chứa ẩn bao lo toan:
-Cũng được cấp trên đánh giá đúng mức anh ạ. Có nhiều đấy nhưng trước những tồn tại của ngành giáo dục và đào tạo hiện nay mình cũng phải tự xem xét lại mình một cách nghiêm túc, dám chấp nhận sự thật. Hội đồng chúng tôi đang làm những việc cụ thể để ủng hộ phong trào "Hãy nói không với tiêu cực" nhưng cũng còn nhiều bất cập lắm.
Những câu cuối cùng chị nói nhỏ hơn, chậm hơn và tôi hiểu điều chị còn trăn trở nhưng thực tại vẫn là thực tại dù chị có khiêm tốn chẳng muốn nói ra. Suốt những năm qua phong trào thi đua "Hai tốt" luôn được nhà trường duy trì và có chất lượng. Các cuộc hội giảng, hội thi các cấp thu hút 100% cô giáo tham gia, các chuyên đề khoa học trong giảng dạy, chăm sóc, dinh dưỡng được Hội đồng giám khảo công nhận và đưa vào sử dụng có hiệu quả tích cực cả về kinh tế và giáo dục, như đề tài của các cô Mai Tình, Đoàn Thị Phúc, Nguyễn Thị Thắm... Nhiều giáo viên đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh từ 3 đến 5 năm liên tục như cô giáo Đoàn Thị Phúc, Nguyễn Thị Thắm. Tổng số lượt người đạt danh hiệu giáo viên giỏi cấp huyện lên tới 41, cấp tỉnh tới 19 lượt, một con số đáng trân trọng đối với trường vùng cao miền núi, mà nổi lên như các cô giáo Nguyễn Thị Liên, Nguyễn Thị Thạch, Lê Thị Dung.
Với lòng yêu nghề mến trẻ, cô Lê Hải Yến đã đưa những hoạt động bề nổi của nhà trường trở thành đơn vị dẫn đầu ở khu vực và toàn tỉnh. Những ngày tết của các cháu được tổ chức vui chơi bổ ích mang đậm nét truyền thống, những hội thi "Bé đẹp - bé khỏe", "Bé khỏe - bé ngoan", "Bé đọc kể diễn cảm"... được tổ chức rất thành công và để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp trong các bậc phụ huynh, chính quyền địa phương và cả xã hội. Chế độ dinh dưỡng, ăn uống của các cháu được nhà trường hết sức coi trọng. Với tài chế biến, nấu nướng và lương tâm như người mẹ hiền các cô giáo Sùng Thị Lỳ, Nguyễn Thị Nhuận đã tạo được những bữa cơm ngon, đủ chất cho các cháu để khắc phục nhanh sức khỏe các cháu ở kênh B đủ tiêu chuẩn lên kênh A, đến nay diện ở kênh B chỉ còn dưới 10%.
Cả tập thể giáo viên dưới sự lãnh đạo của một ban giám hiệu tài năng, sáng tạo, có trình độ trên chuẩn và cùng tạo điều kiện cho 100% giáo viên được chuẩn hóa và vào biên chế, các cô đều yên tâm và say mê với sự nghiệp chăm sóc, dạy dỗ các mầm non của đất nước trên miền rẻo cao xa xôi này. Đó chính là cái gốc để hơn 10 năm qua Trường mầm non Hoa Lan liên tục đạt danh hiệu trường tiên tiến xuất sắc cấp tỉnh, chi bộ Đảng trong sạch vững mạnh, công đoàn và tổ nữ công liên tục là đơn vị lá cờ đầu và được Công đoàn Bộ Giáo dục và Đào tạo tặng bằng khen. Và điều vinh dự nhất là, vào tháng 3/2006, Trường mầm non Hoa Lan chính thức được công nhận là trường chuẩn quốc gia.
Vũ Quang Trung (Bài dự thi Đất và người Yên Bái)
Các tin khác
YBĐT - Đã gần một tháng, kể từ khi ngôi nhà của chị Hoàng Thị Duyên ở thôn Lem, xã Phú Thịnh, huyện Yên Bình họ chập điện gây cháy hoàn toàn. Gia đình chị đã nghèo, nay xảy ra hoả hoạn lại càng khó khăn hơn. Nhưng cũng trong lúc này, tinh thần tương thân tương ái, lá lành đùm lá rách của bà con làng xóm lại phát huy cùng với sự giúp đỡ của các cấp các ngành, đặc biệt là Hội Chữ thập đỏ xã và huyện đã tiếp sức cho gia đình chị vượt lên khó khăn.
YBĐT - Cùng với đẩy nhanh phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, lĩnh vực văn hóa - xã hội đã được Đảng bộ, chính quyền thị xã Nghĩa Lộ (Yên Bái) xác định là nhiệm vụ trọng tâm chỉ đạo thực hiện. Vì vậy, lĩnh vực này đang có những chuyển biến rõ nét, là động lực và góp phần để thị xã thực sự trở thành trung tâm kinh tế - văn hóa trong tương lai.
YBĐT - Huyện vùng cao Mù Cang Chải có trên 90% dân số là đồng bào dân tộc Mông, sinh sống ở 14 xã, thị trấn; trong đó, có gần 16.000 đoàn viên, thanh niên. Những năm qua, nhờ tích cực đổi mới nội dung, hình thức hoạt động, nên tỷ lệ thu hút tập hợp thanh niên vào Đoàn, hội ở vùng cao này luôn đạt mức gần 75%.
YBĐT - Ngày 15/10 - ngày làm việc thứ hai Đại hội đại biểu Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tỉnh Yên Bái khoá XII (nhiệm kỳ 2007 - 2012), các đại biểu tập trung nghe báo cáo BCH khoá XI, đề án xây dựng BCH tỉnh đoàn khoá XII, thảo luận thông qua đề án, đề cử đại biểu tham gia BCH khoá mới, bầu ban kiểm phiếu.