Người tốt vùng cao

  • Cập nhật: Thứ sáu, 19/10/2007 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - Những cơn mưa do hoàn lưu bão số 5 cứ sầm sập đổ xuống, đèo Khau Phạ chìm trong màu trắng của nước. Vừa lên được đỉnh đèo thì đám đất đá bị nước xói từ trên núi đổ sập xuống phía sau. Đi thêm vài ki lô mét nữa đã thấy một đống bùn đất cùng mấy cây to đổ rạp trên mặt đường, thế là “tiến thoái lưỡng nan”.

Trong ô tô nhìn ra ngoài, chỉ thấy cây rừng chao đảo, thi thoảng lại có vài cục đá đơn lẻ rơi lộp độp phía trước và sau xe. Tìm vội được chỗ tránh khả dĩ bớt nguy hiểm, chúng tôi chờ cứu viện. Giữa lúc mưa to gió lớn, vẫn thấy có một số người mặc quần áo bảo hộ đi đi, lại lại. Họ dọn cành lá, gạt những viên đá và khơi thông rãnh tiêu nước ven đường. Có người còn đứng sát mép ta luy âm, phía dưới là vực sâu hun hút, điều khiển cho máy xúc san gạt đất đá. Ngồi bên cạnh tôi, Giàng A Hồng cho biết: “Đó là những người Mông, hai mươi ba ki lô mét đường đèo này họ tham gia xây dựng và bảo dưỡng đấy”.

Đã nghe chuyện người Mông mở đường lên xã Chế Tạo của huyện Mù Cang Chải; Tà Xi Láng, Làng Nhì của huyện Trạm Tấu... bây giờ chứng kiến cảnh đội gió mưa giữ cho đường thông suốt thì lại càng cảm phục. Đang miên man với chuyện đường thì có người gõ cửa xe nhờ cứu giúp một khách du lịch bị thương do đá rơi. Giàng A Hồng hăng hái lội bộ ngược lên đỉnh đèo hàng cây số, băng bó vết thương cho nạn nhân và dìu về. Quên cả cái lạnh, anh cười hồn nhiên: “Mình là thầy thuốc mà!”.

Đêm đó, chúng tôi về tới Tú Lệ. Vừa đói vừa rét, vội đi tìm chỗ ăn nghỉ. Do tắc đường mà lượng khách dừng lại ở thị tứ này khá đông, nhà nghỉ không còn chỗ. Đã khuya, cả đoàn tìm đến nhà ông Hà Đoàn - Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc xã để nghỉ nhờ. Đang ngủ trong chăn ấm, ông bật dậy ra mở cửa. Vui vẻ đón khách, giục vợ con chuẩn bị chăn đệm theo đúng phong tục của người Thái. Trò chuyện thân tình như người quen bao ngày gặp lại, rồi chủ nhà lấy bình rượu nấu bằng gạo đặc sản nếp Tan mời đủ mỗi người 2 ly gọi là cho ấm cái bụng.

Giấc ngủ mau chóng đến sau chuyến đường trường vất vả. Trong yên tĩnh của núi rừng, dường như mỗi chúng tôi còn được ru bằng tình của người vùng cao nồng hậu.

Đem chuyện này kể lại với vợ con, tôi không quên kể thêm về nỗi vất vả mất người, mất nhà phải sống trong cảnh màn trời, chiếu đất của đồng bào bị bão lũ ở Trạm Tấu, Văn Chấn. Vợ tôi nói trong giọng ngậm ngùi:

- Đồng bào vùng cao tốt thật nhưng cũng gian khổ nhiều. Tình cảm “Lá lành đùm lá rách”, nhà ta cũng nghe theo lời kêu gọi của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc mà đóng góp ít nhiều, giúp bà con qua cơn hoạn nạn!

Nam Hà

Các tin khác

YBĐT - Hiện nay toàn tỉnh Yên Bái có hơn 3.000 người tiêu biểu trong đồng bào các dân tộc, tôn giáo, trong đó hơn 250 người là các vị chức sắc, giáo dân và đại diện khu dân cư có đạo.

Một buổi xuống cơ sở của chị Đoàn Thị Minh Chiến.

YBĐT - Lúc mà những người phụ nữ khác đang quây quần bên gia đình, thì cũng chính là thời gian nữ cảnh sát khu vực Đoàn Thị Minh Chiến cùng với tổ dân phố Tân Dân 1 – Phường Minh Tân, thành phố Yên Bái tổ chức họp bàn về những biện pháp đảm bảo trật tự an ninh ở khu dân cư.

YBĐT - Xoá đói giảm nghèo luôn là vấn đề hàng đầu của một xã vùng cao như Pá Lau huyện Trạm Tấu (Yên Bái) khi mà cho đến năm 2007 này, tỉ lệ hộ nghèo ở đây vẫn chiếm đến 67%.

YBĐT - Kỷ niệm 77 năm Ngày thành lập Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam (20/10/1930 - 20/10/2007), Hội Phụ nữ huyện Trấn Yên đã tổ chức lễ kỷ niệm và đón nhận Huân chương Lao động hạng Ba mới được Nhà nước trao tặng.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục