Thôn văn hóa ở xã anh hùng
- Cập nhật: Thứ tư, 24/10/2007 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Trong tổng số hơn 700 thôn, bản, tổ dân phố văn hóa ở tỉnh Yên Bái hiện nay, thôn Vằm, xã Thượng Bằng La (xã Anh hùng lực lượng vũ trang) ở huyện Văn Chấn đang là một điển hình tiêu biểu trong phát huy yếu tố nội lực, vượt khó vươn lên thực hiện tốt phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa".
Khúc nhạc vùng cao.
|
Cách đây hơn chục năm, cũng như các thôn bản vùng cao khác của tỉnh Yên Bái, đời sống kinh tế - văn hóa xã hội ở thôn Vằm còn rất nhiều khó khăn, cái đói, cái nghèo luôn là nỗi ám ảnh trong mỗi gia đình. Trong khi đó trình độ dân trí thấp và không đồng đều, nhiều tập tục lạc hậu vẫn còn tồn tại là một trong những yếu tố chính ảnh hưởng rất lớn tới mọi mặt đời sống của nhân dân.
Nhận thấy tác dụng thiết thực và toàn diện của phong trào, thôn Vằm là một trong những thôn đầu tiên của huyện Văn Chấn hưởng ứng thực hiện. Qui ước văn hóa của thôn đã được nhân dân thảo luận, bàn bạc dân chủ, gắn chặt các tiêu chí của phong trào với các điều kiện phát triển kinh tế - xã hội thực tế của địa phương, do đó, đã phát huy tốt tác dụng định hướng các mục tiêu phát triển kinh tế và xây dựng đời sống văn hóa cơ sở.
Chính quyền thôn cùng các đoàn thể quần chúng đã khẩn trương vào cuộc, vận động nhân dân hưởng ứng thực hiện các nội dung xây dựng thôn văn hóa. Trong các mục tiêu cấp bách thì mục tiêu phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo được ưu tiên tập trung mọi nguồn lực để thực hiện. Nhiều giải pháp đã được triển khai đồng bộ như: vận động nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi (đưa các giống cây mới có giá trị kinh tế cao như chè Bát Tiên, sắn cao sản, lúa lai, cây công nghiệp... vào thay thế các cây trồng cũ); thâm canh tăng năng suất cây trồng vật nuôi; vận động các đoàn thể đứng ra tín chấp để vay vốn Ngân hàng và các quỹ tín dụng giúp các hộ nghèo đầu tư cho sản xuất; áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất và chăn nuôi...
Toàn thôn có trên 100 hộ với gần 500 nhân khẩu, trong đó dân tộc Tày chiếm 80%, dân tộc Kinh chiếm 15%, còn lại là các dân tộc khác. Tìm cách thoát nghèo và xây dựng tốt đời sống văn hóa cơ sở là bài toán khó và là nỗi trăn trở thường trực của chính quyền, các đoàn thể và nhân dân trong thôn. Và mọi chuyển biến chỉ thực sự có hiệu quả từ năm 1996, khi phong trào xây dựng thôn, bản văn hóa được phát động trong toàn tỉnh Yên Bái. |
Chỉ sau một thời gian ngắn đã mang lại hiệu quả đáng khích lệ. Các giống cây trồng, vật nuôi mới đã tạo thành một cơ cấu kinh tế mang tính bền vững và hiệu quả, phù hợp với thực tế của địa phương, năng suất lúa liên tục đạt từ 10-12 tấn/ha. Các loại cây ngắn ngày như: ngô, khoai tây, cà chua, đậu đỗ các loại được
bà con đưa vào gieo trồng xen giữa 2 vụ lúa. Đây là nguồn thu đáng kể của mỗi gia đình hàng năm. Bên cạnh đó, nhân dân cũng tích cực đẩy mạnh thâm canh cây chè, cây công nghiệp, phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm và thủy sản.
Nhờ vậy, nhiều gia đình đã thoát khỏi đói nghèo và vươn lên khá giàu. Nếu như năm 2000, thu nhập bình quân đầu người trong thôn chỉ đạt 1,8 triệu đồng/người/năm thì đến nay đã đạt trên 5 triệu đồng. Trong thôn không còn hộ đói, số hộ nghèo chỉ còn 2%, số hộ khá giàu chiếm trên 80%..
Nhiều gia đình đã mua được máy xay xát, xe công nông để kết hợp làm dịch vụ tăng thu nhập, 100% gia đình trong thôn có phương tiện nghe nhìn, trên 80% hộ có xe máy; nhiều hộ đã sử dụng điện thoại, nhà cửa được tu sửa hoặc xây dựng mới khang trang, sạch đẹp và vẫn giữ được nét văn hóa nhà sàn truyền thống. Đây có thể khẳng định được những nỗ lực vượt bậc của nhân dân thôn Vằm là yếu tố nội lực đã được chủ động phát huy tốt, làm thay đổi cơ bản diện mạo đời sống kinh tế của các hộ gia đình.
Bên cạnh đó, các tiêu chí về văn hóa, xã hội cũng được chính quyền và các đoàn thể chú trọng vận động nhân dân thực hiện. Do làm tốt công tác dân số kế hoạch hóa gia đình nên từ năm 2003 đến nay trong thôn không có người sinh con thứ 3. Các hoạt động y tế, chăm sóc sức khỏe của nhân dân luôn đảm bảo tốt, không để xảy ra dịch bệnh trên địa bàn thôn.
Từ năm 2002 đến nay thôn Vằm luôn có từ 70 đến 85% số hộ đạt tiêu chuẩn gia đình văn hóa, năm sau cao hơn năm trước. 100% trẻ em trong độ tuổi đi học được đến trường, tỷ lệ lên lớp ở các cấp học hàng năm luôn đạt trên 90%. Các hoạt động văn hóa - thể thao cũng được quan tâm đẩy mạnh. Thôn có một đội văn nghệ, một đội bóng đá, một đội bóng chuyền thường xuyên họat động và phục vụ nhân dân, tham gia tại các hội thi, hội diễn của huyện và xã đạt kết quả cao. Các môn thể thao truyền thống như: kéo co, đẩy gậy, bắn nỏ, ném còn...
Với những thành tích đã đạt được, trong nhiều năm liền, thôn Vằm đều được ủy ban Mặt trận Tổ quốc huyện cấp giấy chứng nhận đạt danh hiệu khu dân cư tiên tiến. Năm 2002, thôn Vằm đã được UBND huyện Văn Chấn công nhận thôn văn hóa. Năm 2005, tổng kết 5 năm thực hiện phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" thôn Vằm đã vinh dự được ủy ban nhân dân tỉnh tặng bằng khen và là thôn duy nhất đại diện cho hơn 2000 thôn, bản của tỉnh Yên Bái được Ban chỉ đạo phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" Trung ương tặng bằng khen thành tích 5 năm (2000 - 2005).
Đỗ Quân
Các tin khác
YBĐT - Xã Thượng Bằng La, huyện Văn Chấn (Yên Bái) có 518 ĐVTN đang tham gia sinh hoạt tại 17 chi đoàn nông thôn và 4 chi đoàn nhà trường. Những năm qua, tuổi trẻ xã Thượng Bằng La đã phát huy truyền thống vẻ vang của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, xung kích sáng tạo, xung phong tình nguyện tích cực góp phần cùng Đảng bộ và nhân dân địa phương phát triển kinh tế - xã hội, đẩy mạnh các phong trào và chương trình hành động cách mạng của tuổi trẻ.
YBĐT - Để đảm bảo đồng vốn vay đến tay người nghèo, Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện Trạm Tấu (Yên Bái) đã phối hợp chặt chẽ với các đoàn thể đảm bảo thực hiện hợp đồng ủy thác, bàn giao dư nợ hộ nghèo thông qua các tổ chức chính trị - xã hội.
YBĐT - "Hai không, một giảm" và "Ba quản" là mô hình trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc (ANTQ) đã được phường Pú Trạng - thị xã Nghĩa Lộ (Yên Bái) thực hiện khá hiệu quả trong thời gian qua.
YBĐT - Trạm Tấu giải quyết việc làm cho 325 lao động. Tỷ lệ sinh con thứ 3 ở thị xã Nghĩa Lộ giảm còn 2,69%