Bất cập trong xây dựng Nhà văn hóa cơ sở
- Cập nhật: Thứ sáu, 6/6/2008 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Hiện nay, tại nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Yên Bái, nhà văn hóa cơ sở vẫn chưa phát huy hết tác dụng và việc xây dựng, phát triển nhà văn hóa cơ sở đang tồn tại nhiều bất cập.
Nhà văn hóa phố Hào Gia từ lâu đã trở thành quán lẩu!
|
Xuất phát từ nhu cầu thực tế của nhân dân về hội họp, sinh hoạt câu lạc bộ, phong trào văn hóa, văn nghệ - thể dục thể thao, nhà văn hóa cơ sở đã ra đời và đã khẳng định được vai trò của hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở trong sự nghiệp đổi mới và phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương trên cả nước, phục vụ kịp thời các nhiệm vụ chính trị, phát triển và nâng cao chất lượng phong trào văn hóa, văn nghệ, thể thao quần chúng ở cơ sở.
Tuy nhiên, thực tế hiện nay, tại nhiều nơi, nhà văn hóa cơ sở vẫn chưa phát huy hết tác dụng và việc xây dựng, phát triển nhà văn hóa cơ sở đang tồn tại nhiều bất cập.
Hiện nay cả tỉnh có 911 nhà văn hóa trong đó có 21 nhà văn hóa xã, 890 nhà văn hóa làng, thôn, bản, khu phố. Hầu hết các nhà văn hóa cơ sở đều được các địa phương triển khai với phương thức Nhà nước và nhân dân cùng làm. |
Đã từ lâu, nhà văn hóa của các tổ dân phố thuộc phố Hào Gia, phường Đồng Tâm, thành phố Yên Bái được “cách điệu” để biến thành một quán lẩu phục vụ nhu cầu ẩm thực của mọi người. Đây có lẽ là nhà văn hóa độc nhất vô nhị được trang trí cầu kỳ từ bên trong đến bên ngoài với rất nhiều dây hoa nhựa sặc sỡ và các phên rào đan tết từ ống trúc. Và đây có lẽ cũng là nhà văn hóa duy nhất trên cả nước thờ... thần tài - thần lộc! Những trang thiết bị cơ bản của nhà văn hóa được ẩn thật kỹ trong khuôn khổ ngôi nhà để chủ nhà trang hoàng cửa hàng cho bắt mắt thực khách.
Theo giải thích của những cán bộ tổ dân phố nơi đây, sở dĩ nhà hàng này được phép kinh doanh tại nhà văn hóa của tổ dân phố là do trong quá trình xây dựng nhà văn hóa, chủ nhà hàng đã góp vốn xây dựng với điều kiện được kinh doanh trong vòng 10 năm, trong thời gian này, nếu tổ dân phố có nhu cầu họp thì nhà hàng sẽ tạm ngừng hoạt động để người dân họp. Và nhà văn hóa này được thiết kế và trang hoàng theo ý muốn của chủ nhà hàng. Về sau, chủ nhà hàng không sử dụng nhà văn hóa này mà cho một nhà hàng lẩu thuê lại với giá 1 triệu đồng/tháng.
Nếu chỉ tính giá thuê nhà như hiện nay thì 10 năm hết hạn hợp đồng, nhà hàng cũng đã có thể thu về số tiền gần gấp đôi so với số vốn bỏ ra xây dựng nhà văn hóa. Tuy nhiên, phương án này lại được đa số người dân đồng tình vì cho rằng, mỗi tháng chỉ họp tổ dân phố hoặc chi bộ 1, 2 lần thì để sử dụng làm nhà hàng cũng không sao. Nhà hàng đứng ra xây dựng nhà văn hóa thì người dân sẽ phải đóng góp ít hơn.
Thật là ngô nghê quá: Nhà văn hóa đâu chỉ có dùng để họp? Và lợi ích kinh tế đã khuất phục lợi ích văn hóa. Điều này cũng dễ hiểu nhưng đáng tiếc là người dân đã hiểu quá đơn giản về vai trò của nhà văn hóa, một thiết chế văn hóa cơ sở. Điều này cũng khiến chúng ta nhìn nhận lại việc sử dụng nhà văn hóa tại nhiều địa phương.
Nhà văn hóa Bản Bay, xã Nghĩa Phúc thị xã Nghĩa Lộ đã xuống cấp nghiêm trọng. |
Thực tế cho thấy, nhiều địa phương cơ sở đã xây dựng được nhà văn hóa và duy trì các hoạt động, sinh hoạt, hội họp thường xuyên, đã hình thành các loại hình câu lạc bộ, có phong trào văn hóa, văn nghệ - thể dục, thể thao phát triển... hoạt động nhà văn hóa phong phú, lành mạnh đã góp phần giảm và đẩy lùi các hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan, các tệ nạn xã hội ở địa phương, khơi dậy và phát huy vai trò làm chủ văn hóa của nhân dân, thông qua các hoạt động văn hóa tăng thêm tình đoàn kết, gắn bó giữa các thành viên trong cộng đồng dân cư và xã hội. Bởi vậy, với nhiều người dân thì nhà văn hóa thực sự là một nơi sinh hoạt cộng đồng đầy ý nghĩa.
Dù việc xây dựng nhà văn hóa cơ sở đang trở thành phong trào mạnh tại nhiều địa phương nhưng có một thực tế là hiện nay, việc xây dựng nhà văn hóa cơ sở chưa có sự thống nhất chung về quy mô xây dựng, hình thức, diện mạo... nên công năng sử dụng, hiệu quả, hoạt động chưa đồng đều. Chẳng hạn, nhà văn hóa phường Đồng Tâm, dù được đầu tư xây dựng với số vốn hơn 730 triệu đồng và quy mô từ 300 – 400 chỗ ngồi cùng sân chơi rộng 1.500m2 nhưng hiệu quả sử dụng lại quá lãng phí.
Ngoài một vài hoạt động hội, họp và thỉnh thoảng cho thuê làm lớp học thì nhà văn hóa này vẫn thường xuyên đóng cửa im ỉm. Và sân chơi với diện tích lý tưởng ấy lại chưa được đầu tư đồng bộ với quy mô nhà, nên nó biến thành vườn rau của những hộ dân xung quanh. Thêm vào đó, đường giao thông không thuận lợi cũng là một yếu tố cản trở đối với hiệu quả hoạt động của nhà văn hóa này. Quỹ đất hạn chế cũng là một yếu tố khiến việc xây dựng nhà văn hóa cơ sở gặp khá nhiều khó khăn. Tại một vài nơi, nhà văn hóa cơ sở được xây dựng tại những nơi đầu thừa, đuôi thẹo, diện tích nhỏ hẹp và không có sân chơi cho các hoạt động văn hóa thể thao ngoài trời, chẳng hạn như nhà văn hóa Tân Dân của phường Minh Tân hay nhà văn hóa Quang Trung của phường Đồng Tâm. Bên cạnh đó, do kinh phí hạn chế nên hầu hết các trang thiết bị của các nhà văn hóa cơ sở còn thiếu thốn.
Nhiều nhà văn hóa phải tận dụng những bàn ghế cũ thải loại của các trường phổ thông, nhiều nơi chưa có tăng âm, loa đài và tủ sách. Và có một thực tế là tại nhiều nhà văn hóa cơ sở, dù có tủ sách thì cũng chỉ là những sách báo đã quá cũ và không còn sức hấp dẫn nên nó chỉ tồn tại mang tính hình thức mặc cho lớp bụi thời gian phủ dày lên các trang sách cũ. Tại nhà văn hóa khu phố Đoàn Kết, phường Đồng Tâm, thành phố Yên Bái, hầu hết sách đã quá cũ và báo đều của năm 2007.
Nhà văn hóa là nơi diễn ra các hoạt động tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, đường lối, chính sách pháp luật của Đảng, Nhà nước, nơi hội họp, sinh hoạt văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao của cộng đồng dân cư. Thông qua hoạt động ở cơ sở, nhân dân có thể tiếp thu kịp thời những chủ trương đường lối, chính sách, pháp luật, những tiến bộ KHKT, góp phần quan trọng phát triển kinh tế - xã hội, giữ gìn, phát huy nét đẹp văn hóa truyền thống trong quan hệ ứng xử, giao tiếp...
Nhưng đáng tiếc, do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan nên nhà văn hóa cơ sở vẫn tồn tại nhiều bất cập và hạn chế. Bên cạnh đó, do chưa có thiết kế mẫu cho từng nhà văn hóa và các thiết chế hoạt động cụ thể, thêm nữa tỷ lệ huy động nguồn vốn trong dân quá cao đã ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động cũng như tốc độ xây dựng các công trình này.
Có thể nói, thành công trong công tác tổ chức, hoạt động của các nhà văn hóa cơ sở sẽ là một yếu tố quan trọng tạo nên thắng lợi của cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”. Vì lẽ đó, đã đến lúc các cấp, các ngành và chính quyền địa phương cần nhìn nhận lại việc xây dựng các thiết chế hoạt động để các nhà văn hóa cơ sở phát huy tác dụng và mỗi nhà văn hóa cơ sở thực sự trở thành khu vui chơi giải trí đáp ứng nhu cầu thực tế về hưởng thụ, sáng tạo văn hóa của mọi tầng lớp nhân dân.
Phương Lan - Hoàng Hà
Các tin khác
Vào thời điểm này, Bộ GD-ĐT đang chỉ đạo các vụ chức năng triển khai ngay trong hè những giải pháp nhằm giảm tải chương trình - sách giáo khoa (SGK) để áp dụng cho năm học mới.
YBĐT - Đi đôi với phát triển kinh tế, 5 năm qua, việc xây dựng đời sống văn hóa đã được phường Tân An, thị xã Nghĩa Lộ (Yên Bái) rất chú trọng.
Tối 5-6, Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam tổ chức phát động cuộc vận động “Toàn xã hội chăm sóc và phát huy vai trò người cao tuổi”, nhân kỷ niệm 67 năm Ngày truyền thống người cao tuổi Việt Nam (6-6-1941 - 6-6-2008).
YBĐT - Ngay từ những ngày đầu thành lập vào giữa năm 2005, Ban vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá" thôn Ngòi Khang, xã Bảo Ái, huyện Yên Bình (Yên Bái) đã tích cực vào cuộc với phong trào toàn dân toàn kết xây dựng đời sống văn hoá, thúc đẩy việc xây dựng làng văn hoá Ngòi Khang.