Yên Bái: Chú trọng quy hoạch, đào tạo, sử dụng cán bộ nữ

  • Cập nhật: Thứ năm, 2/10/2008 | 12:00:00 AM

YênBái - Yên Bái là tỉnh miền núi, có 30 dân tộc cùng chung sống, trong đó người dân tộc thiểu số chiếm gần 51% dân số toàn tỉnh. Chính vì vậy, công tác quy hoạch, đào tạo, sử dụng cán bộ nói chung và cán bộ nữ, nữ người dân tộc thiểu số nói riêng luôn được quan tâm làm tốt và đạt những kết quả nhất định.

Từ đầu nhiệm kỳ 2005 - 2010, nhờ làm tốt công tác đánh giá quy hoạch cán bộ, đến nay, Yên Bái đã xây dựng được đội ngũ cán bộ hợp lý hơn về cơ cấu nữ, dân tộc thiểu số, vùng miền, độ tuổi và chất lượng.

Thực hiện Nghị quyết 42-NQ/TW của Bộ Chính trị về công tác quy hoạch cán bộ lãnh đạo quản lý thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước cùng hướng dẫn của Ban Tổ chức Trung ương, đến tháng 5/2007, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Yên Bái đã xây dựng xong quy hoạch cán bộ A1 của tỉnh. Cán bộ đưa vào dự nguồn quy hoạch đều bảo đảm tiêu chuẩn, đáp ứng tình hình cụ thể của địa phương.

Các cấp ủy, các sở, ban, ngành đã chủ động đưa vào nguồn quy hoạch cán bộ trẻ, tỷ lệ cán bộ nữ, cán bộ người dân tộc thiểu số đạt yêu cầu đề ra. Riêng đối với đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số, để đạt yêu cầu về trình độ, từng bước chuẩn hóa cán bộ, tỉnh đã coi trọng việc đào tạo, bồi dưỡng bằng nhiều hình thức như: tập trung, tại chức, dài hạn, ngắn hạn và qua thực tiễn công tác.

Xác định hệ thống trường phổ thông dân tộc nội trú là nơi tạo nguồn cán bộ dân tộc thiểu số, những năm qua, Yên Bái đã quan tâm nâng cấp về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên và ban hành thêm chế độ, chính sách cho học sinh. Ngoài việc thực hiện đúng chế độ, chính sách của Trung ương, tỉnh còn hỗ trợ 15 kg gạo/tháng/học sinh cho các học sinh học ở các trường trung học phổ thông của 2 huyện Trạm Tấu và Mù Cang Chải; có chính sách cử tuyển con em người dân tộc thiểu số đi học các trường chuyên nghiệp theo nhu cầu, địa chỉ và có kế hoạch quản lý, sử dụng khi ra trường.

Bên cạnh đó, tỉnh đã có nhiều chính sách về đào tạo, bồi dưỡng, thu hút cán bộ nói chung và có những quy định riêng về chính sách đối với cán bộ nữ, cán bộ dân tộc thiểu số.

Đối với cấp tỉnh, nếu như số cán bộ dân tộc thiểu số có 743 người thì cán bộ nữ là 590 người, chiếm 79,4%. Khối Đảng, đoàn thể, tỷ lệ nữ chiếm 44,4%, trong đó tỷ lệ nữ người dân tộc thiểu số là 13,5%; khối Nhà nước, tỷ lệ nữ là 53,5% thì tỷ lệ nữ người dân tộc thiểu số là 12,1%.

Đối với cấp huyện, thị, thành phố, số cán bộ dân tộc thiểu số có 2.720 người, trong đó nữ là 1.892 người, chiếm 69,5%. Khối Đảng, đoàn thể, tỷ lệ nữ là 35,4%, tỷ lệ dân tộc thiểu số chiếm 26,2%; khối Nhà nước, tỷ lệ nữ là 70,4%, tỷ lệ dân tộc thiểu số là 22,5%.

Riêng đối với cấp xã, phường, thị trấn, tỷ lệ nữ có trình độ tham gia đội ngũ cán bộ chủ chốt rất hạn chế. Đây cũng là một khó khăn trong công tác quy hoạch, tạo nguồn cán bộ nữ và nữ người dân tộc thiểu số ở cơ sở mà tỉnh Yên Bái xác định cần phải có chiến lược cụ thể trong thời gian tới.

Trước mắt, tỉnh đã có đề án đào tạo, bồi dưỡng cho cán bộ công chức xã, phường, thị trấn là người dân tộc thiểu số giai đoạn 2006 - 2010; tổ chức soạn thảo chương trình, tài liệu bồi dưỡng cho thường trực HĐND cấp xã nhiệm kỳ 2004 - 2009; biên soạn tài liệu tiếng dân tộc Thái phục vụ công tác giảng dạy cho cán bộ, công chức tại địa phương.

Tuy nhiên, việc đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sử dụng cán bộ là người dân tộc thiểu số, cán bộ nữ dù đã được quan tâm song vẫn chưa chủ động được về nguồn để thay thế kịp thời khi có yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra.

Nguyên nhân chủ yếu do việc tạo nguồn cán bộ nói chung và cán bộ nữ, nữ dân tộc thiểu số nói riêng, nhất là ở cơ sở còn nhiều trở ngại. Vì hoàn cảnh kinh tế, phong tục tập quán, trẻ em gái người dân tộc thiểu số ít được đào tạo về chuyên môn, dài hạn; một số ít được học trường dân tộc nội trú, qua đào tạo trình độ đại học, trung cấp đều ưu tiên bố trí công tác ở cấp huyện, cấp tỉnh.

Để có thể chủ động được nguồn cán bộ nữ cũng như cán bộ nữ người dân tộc thiểu số, cần làm tốt công tác quy hoạch, tạo nguồn, đào tạo, bồi dưỡng, phát triển đội ngũ cán bộ ngay từ cơ sở ở các lĩnh vực, ngành nghề, cơ cấu với số lượng hợp lý, chú trọng chất lượng; xây dựng quy hoạch cán bộ nữ  trong quy hoạch tổng thể về cán bộ, chú ý tỷ lệ nữ cán bộ dân tộc thiểu số; tăng chế độ đãi ngộ, khuyến khích về vật chất và tinh thần đối với các học viên nữ nói chung, học viên nữ người dân tộc thiểu số nói riêng; có chính sách luân chuyển cán bộ nữ, nữ dân tộc thiểu số để nâng cao trình độ năng lực, kiến thức thực tiễn...

Và một điều quan trọng là, bản thân cán bộ nữ, nữ dân tộc thiểu số cũng cần chủ động nâng cao hơn nữa nhận thức về giới, có kế hoạch học tập không ngừng, nâng cao kiến thức, năng lực công tác, phẩm chất đạo đức, bản lĩnh chính trị... để khẳng định vị thế của mình trong xã hội.

Hải Anh

Các tin khác

YBĐT - Xã Suối Quyền, huyện Văn Chấn (Yên Bái) có 262 hộ với 1.497 nhân khẩu. Hệ thống giao thông nông đi lại trong xã còn gặp nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo chiếm trên 70%, điều đó đã ảnh không nhỏ đến hoạt động trong công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi.

YBĐT - Đến nay đã có 30 trường đạt chuẩn, trong đó bậc học mầm non 7/9 trường, bằng 77,8%; bậc tiểu học 20/47 trường, bằng 45,6%; bậc trung học cơ sở 3/22 trường và trung học phổ thông chưa có trường đạt chuẩn.

Ông Đoàn Nguyên Đức và ông Nguyễn Thành Trung trong chuyến bay đầu tiên của chiếc Beechcraft King Air 350 - Ảnh: TPO

Sau khoảng 5 tháng có mặt tại Việt Nam, chiếc máy bay của ông Đoàn Nguyên Đức, Chủ tịch câu lạc bộ bóng đá Hoàng Anh Gia Lai, đã chính thức được phép hoạt động sau khi hoàn tất đủ mọi thủ tục cần thiết.

Trong số những sản phẩm sũa này liệu có melamine?

YBĐT - Thời gian gần đây, trên các phương tiện thông tin đại chúng liên tục đề cập đến vấn đề sữa bột có chứa chất melamien, một loại chất gây sỏi thận ở trẻ nhỏ. Hiện các bà mẹ có con nhỏ đang rất hoang mang tự hỏi không biết những sản phẩm sữa trên thị trường Yên Bái có chứa chất melamine và trong suốt thời gian qua đã có bao nhiêu trẻ em ở Yên Bái sử dụng nguồn thực phẩm có độc tố này?

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục