Nỗi niềm của những người làm công tác dân số
- Cập nhật: Thứ sáu, 6/2/2009 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Xã Trung Tâm là một xã vùng cao, nằm xa trung tâm nhất của huyện Lục Yên (Yên Bái). Nơi đây chủ yếu là đồng bào Dao trắng sinh sống, dân trí không đồng đều nên đời sống kinh tế, xã hội gặp rất nhiều khó khăn. Thực trạng đó làm cho công tác dân số - KHHGĐ ở đây còn nhiều nan giải, mặc dù cấp ủy, chính quyền địa phương đã nỗ lực đưa ra nhiều giải pháp.
Theo chân chị Nguyễn Thị Phương – cán bộ chuyên trách dân số xã Trung Tâm đi triển khai chương trình hoạt động năm 2009, chúng tôi mới thấm thía được những vất vả của những người làm công tác này. Mặc dù trời mưa và lạnh thế, nhưng chị vẫn phải liên tục chạy ngược, chạy xuôi liên lạc với các cộng tác viên, phổ biến kế hoạch tổ chức kỷ niệm Ngày dân số Việt Nam. Xã có 13 thôn bản, hầu hết mỗi thôn bản đều có 1 cộng tác viên nhưng lại phân bố rải rác xa trung tâm, điện thoại thì nhiều nhà chưa có nên mỗi khi có việc, chị lại phải lặn lội đến từng thôn để thông báo với các chị em. Những thôn ở gần thì còn đỡ, với những thôn bản nằm xa trung tâm, xa đường lớn như: thôn Ngòi Thìu, Khe Hùm, Vạn Thìu... thì vất vả vô cùng. Thế nhưng, các chị vẫn phải đi vì nếu chỉ 1 thôn không được triển khai thực hiện thôi thì bao nhiêu cố gắng của cả xã sẽ trở nên vô nghĩa.
Với những người làm công tác dân số vùng cao thì trở ngại về địa hình, đường sá chưa phải là lớn nhất. Điều đáng ngại nhất lại ở chính các đối tượng cần phải tuyên truyền, vận động. Dân số ở đây có đến 75% là người dân tộc Dao trắng, trình độ dân trí vốn đã thấp, lại thêm các phong tục, tập quán lạc hậu đã ăn sâu, bám rễ từ bao đời nay. Người Dao quan niệm càng đẻ nhiều, càng đông con đông cháu càng tốt và quan trọng nhất là phải có con trai để thờ cúng tổ tiên. Vì vậy, KHHGĐ, không sinh con thứ 3 với họ nghe lạ lắm. Với những người làm công tác dân số thì việc vận động những đối tượng này quả rất gian nan.
Chị Nông Thị Vụ – cộng tác viên dân số thôn Sài Lớn kể rằng, thôn chị có trường hợp sinh đến con thứ 12, khi các chị đến nhà vận động, anh chồng không những không cho vào nhà tiếp chuyện mà còn nói đẻ bao nhiêu con là quyền của họ và người khác không được phép can ngăn. Vận động một hai lần không được, chị lại cố gắng đến lần thứ 3, thứ 4 mà vẫn chẳng ăn thua gì. Nếu như cứ để họ tự do sinh đẻ vô kế hoạch như thế thì không chỉ ảnh hưởng đến việc thực hiện chỉ tiêu của xã mà chính bản thân và gia đình họ phải gánh chịu hậu quả nặng nề nhất. Đời sống kinh tế vốn đã khó khăn, lại đông con nhiều cháu thì biết bao giờ mới khá? Đấy là chưa kể đến việc nuôi dạy con cái vì có 1 đến 2 thì còn tập trung nuôi dạy cho tốt được, chứ đông thì ăn còn chẳng đủ nói gì đến chuyện học hành. Xuất phát từ chính những trăn trở của mình, những cán bộ và cộng tác viên dân số lại động viên nhau cố gắng thuyết phục. Với phương châm “mưa dầm thấm lâu”, những đối tượng này chắc chắn sẽ dần dần hiểu KHHGĐ là vì lợi ích của chính họ.
Tận tụy, tâm huyết với công tác dân số, KHHGĐ, những cán bộ, cộng tác viên công tác dân số còn phải gánh vác trọng trách làm ăn và phát triển kinh tế gia đình. Hầu hết đội ngũ cộng tác viên là những người tự nguyện tham gia, bản thân họ sống bằng chính sức lao động, với ruộng vườn, nương rẫy; việc tham gia công tác dân số đã chiếm rất nhiều thời gian, nhất là khi có các chiến dịch trong khi đó thù lao cho cả tháng trời chỉ được 50 ngàn đồng, cộng thêm 80 ngàn nếu kiêm luôn y tế thôn bản. Số tiền trợ cấp ít ỏi đó chẳng phụ giúp thêm được là bao so với những buổi phải nghỉ việc nhà để tham gia công tác. Do đó mà nhiều cộng tác viên chưa thực sự nhiệt tình với công việc, dẫn đến những yếu kém trong thực hiện các chính sách dân số ở xã Trung Tâm.
Ở thôn Sâm Dưới, hiện nay trưởng thôn phải kiêm luôn những phần việc về dân số do không tìm được người thích hợp để đào tạo, nên công tác dân số còn rất nhiều khó khăn. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn có những chị dù việc nhà thì vất vả, lại bận bịu con mọn nhưng vẫn nhiệt tình tham gia như chị: Vi Thị Lạnh ở thôn Khe Lạnh, Nông Thị Tiên thôn Khe Vầu, Chu Thị Hạnh ở thôn Làng Thìu. Đây là những thôn mạnh nhất, thực hiện tốt nhất công tác dân số KHHGĐ của xã.
Để công tác dân số ở cơ sở, nhất là với các xã vùng cao, vùng sâu, vùng xa như xã Trung Tâm luôn đạt hiệu quả nếu chỉ dựa vào đội ngũ cán bộ chuyên trách và cộng tác viên thôi chưa đủ. Phải huy động sự tham gia đồng bộ của chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể tại địa phương, nhất là sự phối kết hợp giữa Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên... trong việc lồng ghép tuyên truyền, vận động. Đồng thời, phải có kinh phí đầu tư cho các chương trình dân số KHHGĐ. Hiện nay, hầu hết nguồn kinh phí chỉ dựa trên sự phân bổ của Nhà nước vốn đã rất hạn hẹp. Các xã nên có phần kinh phí riêng để đầu tư cho công tác này, đồng thời hỗ trợ thêm thù lao cho đội ngũ cộng tác viên dân số để họ yên tâm và nhiệt tình hơn với công việc. Đây cũng chính là những mong mỏi, đồng thời là kiến nghị của tất cả những người đang làm công tác dân số vùng cao.
Đi cùng với các chị cán bộ và cộng tác viên dân số tại xã Trung Tâm, chúng tôi mới hiểu thêm rằng, tại sao công tác dân số của ta còn nhiều khó khăn, lạc hậu đến thế? Tại sao đến giờ vẫn còn những người sinh đến con thứ 9, thứ 10 vẫn còn rất nhiều trẻ ốm yếu vì thiếu áo mặc, cơm ăn? Đó chính là vì công tác dân số - KHHGĐ đã phát huy hiệu quả nhưng chưa đồng đều và triệt để mà xã Trung Tâm là một ví dụ điển hình.
Mai Thu
Các tin khác
Theo Bộ GD&ĐT, thí sinh có thể nộp hồ sơ và lệ phí đăng ký dự thi đại học, cao đẳng từ ngày 10/3 đến 10/4/2009 theo hệ thống của Sở GD&ĐT. Từ ngày 11/4 đến hết ngày 17/4, thí sinh nộp trực tiếp tại trường tổ chức thi.
YBĐT - Năm 2002, mô hình nội trú dân nuôi đầu tiên của huyện Văn Chấn (Yên Bái) được xây dựng tại xã Suối Giàng. Sau khi tổ chức tổng kết, đánh giá kết quả một năm thực hiện, Văn Chấn đã xác định mô hình này cần thiết phải nhân ra diện rộng, nhất là đối với những xã vùng khó khăn và đặc biệt khó khăn bởi đây là giải pháp tích cực góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục ở vùng cao.
YBĐT - Xã Phan Thanh, huyện Lục Yên (Yên Bái) là xã vùng cao, chủ yếu là người dân tộc thiểu số, làm ruộng là chính nên đời sống của bà con còn gặp rất nhiều khó khăn. Năm 2008, Hội Nông dân xã Phan Thanh đã thực hiện ủy thác với Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) huyện Lục Yên, giám sát cho vay tại 6/8 thôn bản. Trong đó, Hội có nhiệm vụ kiểm tra điều kiện vay vốn của người vay khi nhận hồ sơ để xác định đúng đối tượng; tổ chức bình xét thông qua các tổ tiết kiệm và vay vốn; lập danh sách đề nghị vay vốn Ngân hàng CSXH gửi UBND xã xác nhận.
Trước thông tin Trung Quốc thông báo về việc đã tìm thấy vi khuẩn đường ruột gây chết người có tên E.Sakazakii trong hơn 9,6 tấn sữa bột dành cho trẻ em nhập khẩu từ Công ty Thực phẩm Vị Toàn thuộc Tập đoàn thực phẩm Đỉnh Tân (Đài Loan) được vận chuyển sang Hồng Công cuối năm 2008, TS. Nguyễn Thị Khánh Trâm, Phó cục trưởng Cục An toàn vệ sinh thực phẩm (Bộ Y tế) cho biết, các sản phẩm sữa của Công ty Thực phẩm Vị Toàn (Đài Loan) bị phát hiện có khuẩn E.Sakazakii hiện chưa được phép lưu hành ở Việt Nam.