Mô hình nội trú dân nuôi ở Văn Chấn: Giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục vùng cao
- Cập nhật: Thứ năm, 5/2/2009 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Năm 2002, mô hình nội trú dân nuôi đầu tiên của huyện Văn Chấn (Yên Bái) được xây dựng tại xã Suối Giàng. Sau khi tổ chức tổng kết, đánh giá kết quả một năm thực hiện, Văn Chấn đã xác định mô hình này cần thiết phải nhân ra diện rộng, nhất là đối với những xã vùng khó khăn và đặc biệt khó khăn bởi đây là giải pháp tích cực góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục ở vùng cao.
Mô hình nội trú dân nuôi là một loại hình đào tạo đem lại hiệu quả cho giáo dục vùng cao. (Ảnh: Thanh Chi)
|
Ông Hà Kim Nhăng - Trưởng phòng Giáo dục & Đào tạo huyện Văn Chấn cho biết: “Toàn huyện có 18 xã vùng cao và vùng đặc biệt khó khăn, giao thông kém phát triển, dân cư phân bố không tập trung, nhiều thôn, bản cách trường, lớp từ 5 đến 10 ki-lô-mét lại bị địa hình đồi núi, khe, suối chia cắt đã khiến học sinh gặp nhiều khó khăn khi đến trường. Hơn nữa, đời sống của nhân dân còn nghèo, nhiều gia đình phải huy động cả con em phụ giúp việc lao động... Đây là những nguyên nhân chính ảnh hưởng đến tỷ lệ huy động học sinh ra lớp và cũng là lý do mà học sinh vùng cao nghỉ học, bỏ học”.
Để khắc phục tình trạng đó, nhiều năm qua, ngành giáo dục - đào tạo huyện Văn Chấn đã xây dựng mô hình nội trú dân nuôi. Để bảo đảm thành công, huyện đã chọn xã Suối Giàng xây dựng mô hình điểm. Kiên trì trong tổ chức thực hiện, chất lượng công tác giáo dục của xã đã có chuyển biến rõ nét. Năm học 2002 - 2003, tỷ lệ huy động trẻ trong độ tuổi đến trường được nâng lên; có mô hình nội trú dân nuôi nên tỷ lệ học sinh chuyên cần, học sinh có học lực khá, tỷ lệ lên lớp, chuyển cấp đều tăng so với năm học trước. Nhận thấy mô hình nội trú dân nuôi phát huy hiệu quả tốt trong việc nâng cao chất lượng giáo dục vùng cao, Văn Chấn đã quyết định nhân rộng mô hình này.
Với mô hình nội trú dân nuôi, học sinh không phải đi lại xa, không chịu ảnh hưởng của thời tiết, hoàn cảnh gia đình... và có thời gian tập trung dành cho việc học nhiều hơn. Thông qua các hoạt động tập thể, giao lưu với thầy cô, bạn bè đã tạo ra cho các em có nhiều cơ hội phát triển về khả năng giao tiếp, ngôn ngữ tiếng Việt, nhất là đối với những học sinh tiểu học giúp các em tự tin hơn, mạnh dạn hơn trong quá trình học tập cũng như trong cuộc sống, trong sinh hoạt. Ở môi trường nội trú, các thầy, cô giáo còn chủ động bố trí thời gian phụ đạo, giúp đỡ các em học tập.
Quan trọng nhất là các em có điều kiện khai thác, sử dụng hiệu quả sách giáo khoa, tài liệu trong thư viện cũng như các thiết bị thí nghiệm dùng chung của nhà trường. Môi trường tập thể, dưới sự hướng dẫn của thầy, cô giáo, học sinh được tham gia hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao... đã tạo một không khí vui tươi, lành mạnh, làm cho các em thêm yêu trường, yêu lớp và tích cực, chăm chỉ, có ý thức phấn đấu hơn trong học tập. Hiện nay, tổng số học sinh tiểu học của Văn Chấn có trên 13 ngàn em, trong đó học sinh nữ chiếm trên 47%, học sinh là người dân tộc thiểu số hơn 70%. Và hiện nay, mô hình này đã có ở 10 xã của huyện với 1.553 học sinh các cấp.
Mô hình nội trú dân nuôi ở huyện Văn Chấn đã góp phần huy động tối đa số trẻ ra lớp, làm giảm hẳn tỷ lệ bỏ học, nâng cao tỷ lệ chuyên cần của học sinh. Chất lượng học sinh vùng cao ngày càng được nâng lên, chấm dứt tình trạng học sinh lên lớp mà không biết đọc, biết viết. Mô hình này đã góp phần quan trọng trong việc duy trì phổ cập tiểu học và thực hiện mục tiêu phổ cập giáo dục trung học cơ sở. Đến nay, Văn Chấn đã huy động được 97,8% số trẻ 6 tuổi vào lớp 1, duy trì kết quả phổ cập giáo dục tiểu học - chống mù chữ ở 31/31 xã, thị trấn, trong đó có 26 đơn vị được công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi. Mô hình nội trú dân nuôi đã làm giảm hẳn các lớp ghép ở các điểm lẻ tại các xã, thôn, bản vùng cao và kinh phí phụ cấp cho các lớp ghép đã giảm đáng kể. Mô hình này cũng chính là hoạt động xã hội hóa giáo dục, trong đó Nhà nước và nhân dân cùng tham gia công tác giáo dục; chính quyền và nhân dân đóng góp ngày công, vật liệu xây dựng nhà nội trú; các phụ huynh góp gạo cho con đi học; Nhà nước phân công đội ngũ thầy cô giáo, trang bị cơ sở vật chất, thiết bị dạy học, sách giáo khoa...
Mô hình nội trú dân nuôi là một loại hình đào tạo, là giải pháp tích cực đem lại hiệu quả cho giáo dục vùng cao, vùng đồng bào dân tộc nhằm nâng cao chất lượng giáo dục không những ở vùng cao Văn Chấn mà còn ở các huyện vùng cao khác trong tỉnh Yên Bái. Huyện Văn Chấn mong muốn Nhà nước sẽ có những trợ giúp thiết thực đối với loại hình trường nội trú dân nuôi như: đầu tư nhà ở, nhà bếp, công trình vệ sinh cho học sinh nội trú; phụ cấp cho giáo viên quản lý học sinh và cả trợ cấp lương thực cho các em trong các tháng giáp hạt đối với học sinh của các gia đình nghèo...
Thu Thảo
Các tin khác
YBĐT - Xã Phan Thanh, huyện Lục Yên (Yên Bái) là xã vùng cao, chủ yếu là người dân tộc thiểu số, làm ruộng là chính nên đời sống của bà con còn gặp rất nhiều khó khăn. Năm 2008, Hội Nông dân xã Phan Thanh đã thực hiện ủy thác với Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) huyện Lục Yên, giám sát cho vay tại 6/8 thôn bản. Trong đó, Hội có nhiệm vụ kiểm tra điều kiện vay vốn của người vay khi nhận hồ sơ để xác định đúng đối tượng; tổ chức bình xét thông qua các tổ tiết kiệm và vay vốn; lập danh sách đề nghị vay vốn Ngân hàng CSXH gửi UBND xã xác nhận.
Trước thông tin Trung Quốc thông báo về việc đã tìm thấy vi khuẩn đường ruột gây chết người có tên E.Sakazakii trong hơn 9,6 tấn sữa bột dành cho trẻ em nhập khẩu từ Công ty Thực phẩm Vị Toàn thuộc Tập đoàn thực phẩm Đỉnh Tân (Đài Loan) được vận chuyển sang Hồng Công cuối năm 2008, TS. Nguyễn Thị Khánh Trâm, Phó cục trưởng Cục An toàn vệ sinh thực phẩm (Bộ Y tế) cho biết, các sản phẩm sữa của Công ty Thực phẩm Vị Toàn (Đài Loan) bị phát hiện có khuẩn E.Sakazakii hiện chưa được phép lưu hành ở Việt Nam.
Thông tin trên vừa được Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Nguyễn Xuân Phúc thông báo tại cuộc họp báo thường kỳ Chính phủ chiều 4/2.
YBĐT - Thực hiện Nghị quyết số 05 ngày 13/11/2007 của Huyện ủy Mù Cang Chải (Yên Bái) “Về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục giai đoạn 2007-2010 và định hướng đến năm 2015”, UBND huyện đã xây dựng chương trình hành động thực hiện với mục tiêu đến năm 2015 có 100% xã, thị trấn đều có 3 trường độc lập cho ba cấp học: mầm non, tiểu học và trung học cơ sở.