Yên Bái: Bảo trợ xã hội và những hạn chế cần khắc phục

  • Cập nhật: Thứ tư, 11/3/2009 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - Năm 2008, đợt rét đậm, rét hại kéo dài đầu năm và cơn bão số 4 đã gây thiệt hại lớn về người, tài sản, hoa mầu ở hầu hết các địa phương trong tỉnh, ước thiệt hại trên 100 tỷ đồng. Chính vì vậy, công tác cứu trợ đột xuất của tỉnh được thực hiện ở nhiều tháng trong năm. Những hoạt động cứu trợ này đã góp phần đáng kể làm vơi bớt khó khăn của người dân Yên Bái trong lúc thiên tai, bão lũ.

Một hoạt động nổi bật trong công tác cứu trợ thường xuyên năm qua phải nói đến, đó là cuộc rà soát đối tượng bảo trợ và người tàn tật trên địa bàn tỉnh. Để đẩy mạnh thực hiện chính sách trợ giúp các đối tượng bảo trợ xã hội theo Nghị định 67/NĐ-CP ngày 13/4/2007 của Chính phủ, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch rà soát đối tượng bảo trợ và người tàn tật trên địa bàn tỉnh, đồng thời chỉ đạo các huyện, thị xã, thành phố triển khai thực hiện tốt việc rà soát các đối tượng bảo trợ xã hội theo tinh thần Nghị định.

Theo kết quả rà soát, đến 30/4/2008, toàn tỉnh có 10.542 đối tượng thuộc diện bảo trợ xã hội, trong đó tại cộng đồng có 10.467 đối tượng. Đây là cơ sở quan trọng để tỉnh dự toán nguồn ngân sách cần bổ sung và chỉ đạo các huyện, thị, xã, phường hướng dẫn các đối tượng hoàn thiện hồ sơ, thẩm định, ra quyết định trợ giúp. Tính đến tháng 10/2008, toàn tỉnh đã có 7.774/10.467 đối tượng thuộc diện bảo trợ xã hội được hưởng trợ cấp xã hội thường xuyên tại cộng đồng, đạt tỷ lệ 74,3%.

Thông qua chính sách này, mỗi tháng đối tượng được trợ giúp từ 120.000 đến 300.000 đồng. Ngoài ra, các đối tượng được hưởng các trợ giúp khác như: miễn giảm học phí, dạy nghề, cấp bảo hiểm y tế, khi chết được hỗ trợ mai táng phí. Trước năm 2007, thuộc diện bảo trợ xã hội được trợ cấp xã hội mới có 4.055 đối tượng, nay tăng lên 7.774 - đây là kết quả của sự quan tâm chỉ đạo thực hiện quyết liệt của các cấp uỷ Đảng, chính quyền địa phương trong công tác trợ giúp các đối tượng bảo trợ xã hội. Đồng thời, hệ thống các văn bản pháp quy về chính sách bảo trợ xã hội thời gian qua đã được hoàn thiện từ cấp trung ương đến cấp tỉnh giúp cho các địa phương có căn cứ tổ chức thực hiện có hiệu quả các chính sách bảo trợ xã hội.

Mặc dù công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách đã được quan tâm đúng mức nhằm đưa thông tin chính sách đến với người dân, tuy nhiên trên thực tế, số đối tượng thuộc diện hưởng trợ cấp xã hội theo Nghị định 67/2007/NĐ-CP chưa được hưởng đa phần nằm ở vùng sâu, vùng xa, nhận thức còn hạn chế. Một bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số không biết tiếng Kinh, chính điều này làm cho các đối tượng thuộc diện bảo trợ xã hội không chủ động được trong việc đề nghị xét hưởng trợ giúp. Mặt khác, địa bàn rộng, địa hình phức tạp, đi lại gặp nhiều khó khăn  ảnh hưởng đến việc thông tin về chính sách và công tác lập hồ sơ cũng bị hạn chế. Riêng nhóm đối tượng người cao tuổi, từ 85 tuổi trở lên không có lương hưu, trợ cấp BHXH khó xác định điều kiện được hưởng, do đối tượng là đồng bào dân tộc thiểu số, không có chứng minh thư, không có hộ khẩu cũng như giấy tờ khác để chứng minh năm sinh của mình. Những yếu tố này đã ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả của công tác bảo trợ xã hội.

Cũng phải kể đến biến động về tổ chức trong thời gian chia tách phòng nội vụ - lao động, thương binh và xã hội và gần đây là việc sáp nhập một phần Ủy ban dân số - gia đình và trẻ em huyện, thị xã, thành phố, cán bộ đảm nhiệm công việc bị thay đổi, điều này cũng ít nhiều ảnh hưởng đến quá trình chỉ đạo, đôn đốc thực hiện việc trợ cấp cho đối tượng bảo trợ xã hội ở các xã.

Theo đánh giá của Sở Lao động- Thương binh và Xã hội, nhiều huyện, thị chưa chủ động thực hiện đúng theo Hướng dẫn số 384/SLĐ TBXH-STC về việc hướng dẫn thực hiện chính sách trợ giúp đối tượng bảo trợ xã hội của tỉnh Yên Bái của liên Sở Lao động - TB&XH và Tài chính. Còn có hiện tượng đối tượng có quyết định đã được UBND ký duyệt nhưng không có kinh phí để chi trả, thậm chí còn làm chậm, tạm dừng việc xét duyệt trợ cấp cho các hồ sơ đối tượng bảo trợ xã hội mới tăng thêm. Cấp tỉnh cân đối, bố trí ngân sách chưa đảm bảo đúng tiến độ và phân bổ cho các địa phương chưa hợp lý. Cấp huyện, thị xã, thành phố chủ động trong xét duyệt thì lại không chủ động được về nguồn kinh phí. 

Công tác quản lý, chi trả trợ cấp bảo trợ xã hội hiện không có kinh phí quản lý, không có phí chi trả, do đó, các địa phương không có điều kiện tổ chức tốt công tác quản lý đối tượng cũng như thực hiện chi trả cho nhóm người có công hoặc đối tượng bảo hiểm xã hội. Việc chi trả trợ cấp bảo trợ xã hội cũng bộc lộ những yếu kém, đó là: hồ sơ quản lý đối tượng bảo trợ xã hội không đầy đủ, thiếu thống nhất, thậm chí bị thất lạc, quản lý, theo dõi chi trả không đồng bộ, thiếu khoa học.

Hầu hết ở các địa phương, đối tượng bảo trợ xã hội không được cấp sổ lĩnh trợ cấp hàng năm, thực hiện chi trả theo danh sách, không theo dõi bằng phiếu lĩnh tiền hàng tháng. Những hạn chế đã và đang tồn tại này đòi hỏi cần phải được khắc phục để công tác bảo trợ xã hội được thực hiện có hiệu quả nhất, đem lại lợi ích thiết thực cho người dân.

P.V

Các tin khác

Bộ GD-ĐT quy định, thí sinh dự thi vào ngành công an không quá 20 tuổi, học sinh có cha hoặc mẹ là người dân tộc thiểu số không quá 22 tuổi.

Theo tin từ Bộ Y tế cho biết, trong năm 2009, Bộ sẽ tăng cường công tác thanh, kiểm tra việc mua sắm trang thiết bị y tế (TTBYT) tại các đơn vị trong ngành, liên quan đến việc chấp hành các quy định đấu thầu; tiến hành xử lý nghiêm các gói thầu mua sắm thiết bị không hiệu quả, sai chủng loại xuất xứ...

Riêng tháng 2, số người bị thủy đậu gia tăng, lên đến gần 200 bệnh nhân và số bệnh nhân đang ngày một gia tăng trong tháng 3.

Đồng chí Hoàng Thương Lượng cùng đoàn công tác kiểm tra thực tế các mặt hàng thực phẩm tại các chợ trong TP Yên Bái.

YBĐT - Ngày 9/3/2009, đoàn giám sát của Quốc hội do đồng chí Hoàng Thương Lượng - Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Yên Bái làm trưởng đoàn làm việc với Sở Y tế, cơ quan chịu trách nhiệm chính về quản lý về chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục