Mất cân bằng giới thực trạng báo động

  • Cập nhật: Thứ sáu, 13/3/2009 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - Hiện nay, mất cân bằng về giới đã trở thành một thực trạng đáng báo động gây ảnh hưởng lớn đến đời sống kinh tế - xã hội của cả nước. Yên Bái cũng không nằm ngoài thực trạng này. Nhằm tìm hiểu đâu là nguyên nhân và các giải pháp khắc phục tình trạng trên trên địa bàn tỉnh Yên Bái, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với đồng chí Lương Kim Đức - Phó giám đốc Sở Y tế, Chi cục trưởng Chi cục Dân số/KHHGĐ tỉnh.

- Thưa đồng chí, mất cân bằng về giới là gì?

 Tỷ số giới tính khi sinh là số trẻ em trai sinh ra trên 100 số trẻ em gái sinh ra, tỷ số này bình thường là từ 103 đến 107, nghĩa là 103 đến 107 trẻ nam sinh ra so với 100 trẻ gái sinh ra, nếu tỷ số này lớn hơn 107 tức là mất cân bằng giới tính theo chiều hướng nam nhiều hơn nữ. 

- Thực trạng mất cân bằng giới tính hiện nay trong cả nước nói chung và tỉnh Yên Bái nói riêng đang diễn ra như thế nào?

Theo kết quả điều tra mới nhất về các vấn đề nóng của dân số Việt Nam do Quỹ Dân số Liên hiệp quốc (UNFPA) thực hiện thì năm 2007, cứ 112 bé trai ra đời mới có 100 bé gái được sinh ra, trong khi đó, tỷ lệ này năm 2006 là 110/100. Điều đặc biệt là, năm 2006 chỉ có 19 tỉnh, thành phố có tỷ lệ giới tính khi sinh là 110/100 thì năm 2007 danh sách này đã lên tới 35 tỉnh. Đối với tỉnh Yên Bái, tính đến hết năm 2007, không có tên trong danh sách những tỉnh có tỷ lệ mất cân bằng giới tính khi sinh. Theo điều tra giới tính trẻ em mới sinh từ năm 2005  đến năm 2008 trên địa bàn tỉnh do Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh thực hiện thông qua thống kê của các trạm y tế và cán bộ chuyên trách dân số xã, phường, thị trấn thì tỷ số giới tính của tỉnh năm 2005 là 105, năm 2006 là 104, năm 2007 là 105, năm 2008 là 111. Như vậy, nếu thống kê này chính xác thì tỉnh Yên Bái đã có tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh theo hướng nam nhiều hơn nữ.
Nếu mất cân bằng giới tính khi sinh duy trì trong thời gian dài, hậu quả sẽ rất nghiêm trọng, gây ảnh hưởng đến sự ổn định, trật tự an toàn xã hội và hạnh phúc gia đình. Nhiều nam thanh niên, đặc biệt ở các vùng nghèo, thu nhập thấp sẽ khó có thể tìm được vợ, một số trẻ em gái sinh ra không được chăm sóc, giáo dục có thể bị buôn bán và bị lạm dụng...

- Nguyên nhân dẫn đến tình trạng mất cân bằng giới tính?

Nguyên nhân chính và chủ yếu nhất vẫn là quan niệm “trọng nam khinh nữ”,  đã ăn sâu trong tâm lý của nhiều bậc cha mẹ nên phải cố bằng được để có con trai. Phần lớn những người này lại chịu áp lực từ chính những phụ huynh của mình. Mặt khác, suy nghĩ “có con trai giúp người phụ nữ củng cố vị trí trong gia đình” và “sinh sản cũng là nhiệm vụ duy trì nòi giống” đã ăn sâu vào tiềm thức phụ nữ các dân tộc thiểu số.

Bên cạnh đó, việc lạm dụng lựa chọn giới tính trước khi sinh cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc mất cân bằng giới tính. Siêu âm được xem là hình thức lựa chọn tốt nhất. Nhiều phụ nữ khi mang thai, nếu kết quả siêu âm là con gái, họ sẵn sàng phá bỏ để đợi lần sau. Điều này khiến cho tỷ lệ nạo phá thai ngày càng gia tăng. Thực tế, trong Pháp lệnh Dân số và Nghị định 104 của Chính phủ, việc phá thai và lựa chọn giới tính thai nhi đã bị nghiêm cấm nhưng hành vi này vẫn được thực hiện dưới vỏ bọc dễ được chấp nhận “thực hiện kế hoạch hoá gia đình” hoặc vin vào cớ “thai nhi có dị tật bẩm sinh”.
Cùng với đó là nguyên nhân công tác tuyên truyền giáo dục chưa được đẩy mạnh nhất là tuyên truyền chính sách về DS-KHHGĐ, quy định xử phạt vi phạm hành chính về DS-KHHGĐ, Luật Bình đẳng giới...

- Vậy xin đồng chí cho biết các giải pháp nhằm hạn chế việc mất cân bằng giới ở tỉnh Yên Bái hiện nay?

Để giải quyết vấn đề mất cân bằng giới tính khi sinh như đã nêu ở trên thì việc quan trọng nhất là phải xác định được những yếu tố tác động đến nó từ đó đề xuất các giải pháp ngăn chặn hữu hiệu; tiếp tục theo dõi các số liệu về mất cân bằng giới tính khi sinh cũng như thu thập các số liệu đầy đủ về trẻ em trai, trẻ em gái sinh tại các cơ sở y tế để nắm chắc tình hình giới tính khi sinh.

Đẩy mạnh công tác truyền thông phổ biến Luật Bình đẳng giới, Pháp lệnh Dân số liên quan đến nghiêm cấm các hành vi lựa chọn giới tính khi sinh, để làm cho mỗi người dân ý thức được vị thế của phụ nữ, xoá bỏ dần mặc cảm sinh con gái và định kiến “trọng nam khinh nữ”.

Tăng cường kiểm tra giám sát, đặc biệt là việc lạm dụng kỹ thuật siêu âm để chẩn đoán giới tính trước sinh. Xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm Luật, Pháp lệnh và các hành vi buôn bán phụ nữ trẻ em, lạm dụng trẻ em gái.

Tiếp tục củng cố, ổn định bộ máy tổ chức cán bộ chuyên trách công tác dân số các cấp theo tinh thần Thông tư 05 của Bộ Y tế, đồng thời đảm bảo chế độ chính sách cho đội ngũ cán bộ chuyên trách và cộng tác viên DS-KHHGĐ cơ sở để họ yên tâm, nhiệt tình công tác.

Bên cạnh đó, cần cung cấp đầy đủ các dịch vụ KHHGĐ, đảm bảo tính liên tục của dịch vụ này bởi đây là một trong những giải pháp quan trọng của công tác dân số.

Nghiên cứu xây dựng các chính sách nhằm nâng cao vị thế của phụ nữ, tuyên truyền nêu gương những gia đình thực hiện tốt KHHGĐ, sinh con một bề là gái.

- Xin cảm ơn đồng chí! 

Ngọc Sơn (thực hiện)

 

Các tin khác

Ông Ngô Kim Khôi, Vụ phó Vụ Giáo dục Đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho biết, năm 2009, hồ sơ đăng ký dự thi ĐH, CĐ vẫn gồm 16 mục như năm trước, duy có một thay đổi nhỏ: dưới dòng “Bộ GD&ĐT” không còn ghi chữ “Sở” nữa để hồ sơ có giá trị toàn quốc. Bộ GD&ĐT phát hành và các Sở nhân bản.

YBĐT - Sáng 12/3/2009, lực lượng vũ trang tỉnh Yên Bái tổ chức Lễ ra quân Huấn luyện năm 2009 và phát động phong trào thi đua đột kích. Tới dự có Đại tá Nguyễn Văn Tuấn - Phó chủ nhiệm Hậu cần Quân khu II, chỉ huy các đơn vị trực thuộc.

YBĐT - Trong những năm qua, công tác khuyến học ở huyện Văn Chấn (Yên Bái) đã giành được nhiều kết quả đáng khích lệ. Đó là, từ huyện xuống đến các xã, thị trấn và các thôn bản đã tập trung làm tốt công tác tuyên truyền, vận động các bậc phụ huynh cho con em đến trường; tạo điều kiện cho các em được tham gia học tập; đảm bảo tỷ lệ chuyên cần, học hết lớp hết cấp; tỷ lệ học sinh do hoàn cảnh khó khăn hàng năm bỏ học giảm.

YBĐT - Với địa thế tương đối thuận lợi, xã Phúc An (huyện Yên Bình - Yên Bái) giáp với hồ Thác Bà và một xã thuộc tỉnh Tuyên Quang nên kinh tế- xã hội địa phương đã có những bước phát triển khá. Song, tình hình an ninh trật tự địa bàn diễn biến phức tạp cũng đòi hỏi chính quyền và nhân dân nêu cao tinh thần đấu tranh phòng chống các loại tội phạm, xây dựng và giữ vững địa bàn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục