Hồng Ca: Gian nan công tác dân số

  • Cập nhật: Thứ sáu, 13/3/2009 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - Trong những năm qua, cùng với kết quả đạt được về phát triển kinh tế, xã hội, công tác dân số/kế hoạch hoá gia đình (DS/KHHGĐ) ở xã Hồng Ca (huyện Trấn Yên - Yên Bái) cũng đã đạt được những kết quả đáng khích lệ. Tỷ lệ các cặp vợ chồng sử dụng các biện pháp tránh thai được tăng dần theo hàng năm, đến nay đã đạt 70, 35% (829 cặp vợ chồng); tỷ lệ tăng dân số giảm xuống còn 1,68%; có 12/16 thôn không có người sinh con thứ 3.

Tuy nhiên, công tác DS/KHHGĐ, chăm sóc sức khoẻ bà mẹ và trẻ em xã Hồng Ca trong những năm qua cũng còn gặp rất nhiều khó khăn. Tỷ suất sinh thô hàng năm ở mức cao (23,23%o); số người sinh con thứ 3 trở lên chiếm 25,98% và tập trung chủ yếu 3 thôn có đồng bào Mông sinh sống. Trong khi đó, đời sống của nhân dân nơi đây còn gặp rất nhiều khó khăn vì toàn xã có tới 303 hộ nghèo với 1187 khẩu; tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em dưới 5 tuổi ở mức cao (25%); tỷ lệ tử vong trẻ em dưới 5 tuổi là trên 4,7% (năm 2006 tử vong 10/ 117 trẻ sinh ra, năm 2007: 9/92 trẻ, năm 2008: 6/127 trẻ). Cùng với đó, tình trạng bỏ học ở trẻ em, chiếm 2,3%...

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, về chủ quan là do trình độ dân trí, nhận thức của một bộ phận đồng bào dân tộc, đặc biệt là người Mông còn nhiều hạn chế; tư tưởng thích có nhiều con, có con trai nối dõi tông đường; tình trạng tảo hôn chưa được ngăn chặn quyết liệt nên cũng là một trong những nguyên nhân cơ bản dẫn đến tình trạng đẻ sớm, đẻ dày gây cản trở đến đời sống kinh tế- xã hội của xã.

Về nguyên nhân khách quan, năm 2007- 2008 là giai đoạn mà công tác dân số tỉnh nói chung và của xã Hồng Ca nói riêng gặp rất nhiều khó khăn, do cơ cấu bộ máy ngành dân số có sự thay đổi và nhiều bộ phận chuyên môn bị chia tách về các sở, ban, ngành khác. Từ tỉnh đến các huyện, thị, thành phố, công tác dân số đã được kiện toàn, song, ở tuyến xã, phường hiện nay vẫn chưa thực sự rõ ràng. Ngoài việc hiểu chung chung của cán bộ chuyên trách, cộng tác viên về quyền lợi, trách nhiệm đối với công việc thì tâm lý, lòng nhiệt tình với nhiệm vụ còn bị ảnh hưởng và chưa thật sự yên tâm; việc tuyên truyền, vận động nhân dân cũng từ đó mà giảm sút. Một vấn đề cần đề cập tới đó là, một số bộ phận người dân đã tỏ ra không hiểu hay cố tình không hiểu Pháp lệnh Dân số, cho rằng ngành dân số đã bị giải thể và tự ý làm trái với những quy định của Pháp lệnh. Đây là một nguyên nhân cơ bản dẫn đến tình trạng tăng sinh, nhất là sinh con thứ 3 trong 2 năm trở lại đây có chiều hướng gia tăng.

Để vấn đề DS/KHHGĐ không còn là gánh nặng, gây ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế, xã hội địa phương, đồng thời nâng cao nhận thức, sự hiểu biết của người dân, đặc biệt là đồng bào người Mông, trong thời gian tới, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa Ban DS/KHHGĐ, Trạm Y tế xã, các đoàn thể, các trưởng thôn, cán bộ chuyên trách, công tác viên dân số, y tế thôn, bản để tập trung thực hiện tốt việc tổ chức ký cam kết giữa các cặp vợ chồng với thôn, bản để thực hiện KHHGĐ và không sinh con thứ 3; duy trì 13/16 thôn không có người sinh con thứ 3; tổ chức tuyên truyền đến các nhóm đối tượng bằng nhiều hình thức, tin, bài trên hệ thống truyền thanh, tư vấn nhóm nhỏ những chủ trương, chính sách dân số của Đảng, Nhà nước về sự tác động ảnh hưởng gia tăng dân số; cung cấp đầy đủ kiến thức về chăn sóc sức khỏe sinh sản (CSSKSS) và KHHGĐ. Đặc biệt chú ý đến tư vấn, vận động tại hộ gia đình, lập danh sách đối tượng đăng ký thực hiện dịch vụ; cung cấp kịp thời, đầy đủ, an toàn 3 gói dịch vụ như: làm mẹ an toàn, phòng chống viêm nhiễm đường sinh sản và các biện pháp tránh thai hiện đại; phấn đấu trong đợt I của chiến dịch tuyên truyền vận động lồng ghép dịch vụ CSSKSS/KHHGD sẽ có 3 ca đình sản, 70 ca đặt vòng, 15 trường hợp sử dụng thuốc tránh thai... Các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ, bà mẹ đang mang thai cần tích cực hưởng ứng và thực hiện tốt chính sách dân số, quan tâm CSSKSS và thực hiện tốt chính sách dân số; các đoàn thể và các nhà trường cần có sự kết hợp chặt chẽ để tuyên truyền, vận động ngay từ học sinh để họ ý thức được trách nhiệm của mình đối với việc thực hiện DS/KHHGĐ...

Trần Ngọc

Các tin khác

YBĐT - Thời gian qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố Yên Bái đã tích cực, chủ động làm tốt công tác tuyển quân để đưa những công dân ưu tú lên đường làm nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc.

YBĐT - Trong những năm qua, diễn biến của đại dịch HIV/AIDS trên địa bàn thị xã Nghĩa Lộ (Yên Bái) tương đối phức tạp. Số lượng người nhiễm HIV/AIDS tăng nhanh, trong đó đối tượng bị nhiễm là phụ nữ, thanh niên chiếm tỷ lệ khá cao.

YBĐT - Hiện nay, mất cân bằng về giới đã trở thành một thực trạng đáng báo động gây ảnh hưởng lớn đến đời sống kinh tế - xã hội của cả nước. Yên Bái cũng không nằm ngoài thực trạng này. Nhằm tìm hiểu đâu là nguyên nhân và các giải pháp khắc phục tình trạng trên trên địa bàn tỉnh Yên Bái, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với đồng chí Lương Kim Đức - Phó giám đốc Sở Y tế, Chi cục trưởng Chi cục Dân số/KHHGĐ tỉnh.

Ông Ngô Kim Khôi, Vụ phó Vụ Giáo dục Đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho biết, năm 2009, hồ sơ đăng ký dự thi ĐH, CĐ vẫn gồm 16 mục như năm trước, duy có một thay đổi nhỏ: dưới dòng “Bộ GD&ĐT” không còn ghi chữ “Sở” nữa để hồ sơ có giá trị toàn quốc. Bộ GD&ĐT phát hành và các Sở nhân bản.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục