An toàn lao động - Bức tranh chưa sáng

  • Cập nhật: Thứ năm, 19/3/2009 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - Qua điều tra các vụ TNLĐ, phần lớn người sử dụng lao động đều đổ lỗi cho người lao động “không chấp hành quy trình, quy phạm kỹ thuật an toàn”. Tuy nhiên nhìn từ các nhà quản lý và người lao động mới thấy hết sự thiếu trách nhiệm của doanh nghiệp trong việc tuyển và sử dụng lao động.

Doanh nghiệp "nhờn thuốc"

Hàng năm, ngành lao động - thương binh và xã hội (LĐTBXH) của tỉnh vừa chủ động vừa tăng cường phối hợp với các ngành chức năng có nhiều hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật lao động tại các doanh nghiệp và trên các phương tiện thông tin đại chúng của tỉnh. Đồng thời chỉ đạo các doanh nghiệp tuyển và sử dụng lao động phải tổ chức huấn luyện quy trình quy phạm kỹ thuật an toàn, phòng chống cháy nổ cho người lao động.

Hoạt động liên ngành còn quan tâm đến công tác hướng dẫn nghiệp vụ công tác bảo hộ lao động (BHLĐ), tiến hành thanh tra, kiểm tra và lập biên bản kiến nghị các doanh nghiệp có biện pháp khắc phục những nguy cơ tiềm ẩn dễ xảy ra tai nạn lao động (TNLĐ). Hoạt động về công tác an toàn lao động tập trung cao điểm vào những ngày hưởng ứng Tuần lễ Quốc gia ATVSLĐ và phòng chống cháy nổ.

Đây là điểm nhấn nâng cao nhận thức và hành động của quần chúng để làm tốt công tác BHLĐ. Những hoạt động trên phải chăng chưa đủ “liều” khi các vụ TNLĐ vẫn chưa được kiềm chế? Theo số liệu thống kê của Sở LĐTBXH và Liên đoàn lao động tỉnh, 5 năm qua (2004-2008) toàn tỉnh đã xảy ra 229 vụ TNLĐ, làm chết 36 người, bị thương nặng 172 người, bị thương nhẹ 16 người.

Ông Lê Văn Lương – Chánh thanh tra Sở LĐTBXH tỉnh cho biết: “Số vụ TNLĐ trên còn khiêm tốn, khi trên địa bàn tỉnh có 656 doanh nghiệp đang quản lý, sử dụng trên 21 nghìn lao động thì việc các doanh nghiệp ngoài nhà nước khi xảy ra TNLĐ không chấp hành khai báo là điều khó tránh khỏi”.

Nghìn lẻ kiểu sai phạm

Qua điều tra các vụ TNLĐ, phần lớn người sử dụng lao động đều đổ lỗi cho người lao động “không chấp hành quy trình, quy phạm kỹ thuật an toàn”. Tuy nhiên nhìn từ các nhà quản lý và người lao động mới thấy hết sự thiếu trách nhiệm của doanh nghiệp trong việc tuyển và sử dụng lao động.

Trước hết các doanh nghiệp lợi dụng cung lớn hơn cầu về lao động bằng cách giảm chi phí đầu tư cải thiện điều kiện làm việc và môi trường lao động, giảm chi phí cho công tác BHLĐ... Đây là nguyên nhân dẫn đến các vụ TNLĐ nghiêm trọng. Năm 2004 ở Công ty TNHH Thành Đạt chỉ trong 42 ngày, máy cưa đĩa đã “lấy” đi ngón tay, bàn tay của hai công nhân Hoàng Tùng Nam và Nguyễn Văn Khánh. Tại Công ty TNHH Thương mại và Sản xuất Hùng Đại Dương năm 2005 đã xảy ra vụ TNLĐ khai thác đá làm công nhân Phạm Văn Vĩ ngã rơi tự do từ độ cao 12 mét, gây tử vong.

Đến năm 2007 lại xảy ra vụ TNLĐ nặng đối với công nhân khai thác đá Nguyễn Chí Thanh. Điều đáng nói, 13 vụ TNLĐ chết người và bị thương nặng của năm 2008 đều xảy ra ở các doanh nghiệp có bề dày hoạt động BHLĐ. Nguyên nhân chủ yếu là thiếu sự kiểm tra, đôn đốc của an toàn vệ sinh viên và chưa có phương án thi công an toàn.

Mặt khác qua điều tra khảo sát ở 304 doanh nghiệp của Sở LĐTBXH và LĐLĐ tỉnh vào tháng 12 năm 2008 cho thấy: Trên 70% các doanh nghiệp ngoài nhà nước không thành lập hội đồng BHLĐ và mạng lưới an toàn vệ sinh viên. Các doanh nghiệp bỏ ngoài danh sách 4.539 lao động không tham gia BHXH; nợ đọng BHXH kéo dài 1 tỷ 233 triệu đồng, làm cho người lao động không được hưởng các chế độ ốm đau, thai sản và TNLĐ... Không hiểu người sử dụng lao động nghĩ gì?

Thay lời kết

Thực tế cho thấy, doanh nghiệp nào quan tâm đến công tác BHLĐ thì ở đó có môi trường văn hóa công nghiệp an toàn, nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp. Do đó để bức tranh an toàn lao động lành mạnh cần có sự phối hợp đồng bộ của cơ chế 3 bên: Nhà nước – doanh nghiệp – người lao động. Đối với cơ quan quản lý nhà nước cần tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả chương trình quốc gia về công tác BHLĐ, tương xứng với sự phát triển đa dạng của các loại hình doanh nghiệp thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa – hiện đại hóa và hội nhập quốc tế; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra quan hệ lao động trong doanh nghiệp, kiên quyết xử lý các doanh nghiệp cố tình vi phạm an toàn lao động.

Đối với doanh nghiệp, cần nâng cao nhận thức và chuyển biến về hành động trong công tác BHLĐ, thiết lập quan hệ lao động hài hoà về lợi ích cho người lao động, vừa bảo đảm tính pháp lý vừa bảo đảm tính nhân văn sâu sắc. Đối với người lao động, tổ chức công đoàn là người đại diện, do đó, hoạt động công đoàn phải hướng về cơ sở, lấy doanh nghiệp làm địa bàn hoạt động, lấy người lao động làm đối tượng đẩy mạnh công tác tuyên truyền pháp luật lao động, chăm lo bảo vệ lợi ích hợp pháp cho người lao động, tạo động lực cho phong trào “Xanh – sạch - đẹp, bảo đảm an toàn vệ sinh lao động” phát triển cả bề rộng và chiều sâu.

Phí Quang Thái

Các tin khác

Từ ngày 1/1/2009 đến hết 30/4/2009 tỉnh Yên Bái sẽ tiến hành điều tra cơ bản, toàn diện, thống kê chính xác số người nghiện trên toàn địa bàn tỉnh, đảm bảo 100% người nghiện ma túy được đưa vào danh sách, có hồ sơ theo dõi quản lý với nhiều thông tin liên quan.

Các bộ ytế huyện Yên Bình lấy máu xét nghiệm HIV.

YBĐT - Tính đến tháng 02/2009, Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS tỉnh Yên Bái phối hợp với các đơn vị trên địa bàn tổ chức điều trị bằng thuốc kháng virus ARV cho 190 trường hợp trong đó có 56 nữ, 7 trẻ em dưới 13 tuổi.

Học sinh đang làm bài thi vào lớp 10 năm 2008

Chỉ tiêu vào lớp 10 công lập giảm hơn 1.100 em trong khi số học sinh tốt nghiệp THCS tăng gần 4.300 em so với năm ngoái. Cuộc chạy đua vào lớp 10 công lập ở TPHCM được dự báo sẽ khốc liệt hơn.

Việc đảm bảo thông tin nhằm phối hợp chặt chẽ giữa các lực lượng là nhiệm vụ hàng đầu khi thiên tai xảy ra.

YBĐT - Ngày 18/3, Sở Thông tin Truyền thông tổ chức hội nghị triển khai phương án bảo đảm thông tin liên lạc phục vụ công tác phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn năm 2009 trên địa bàn toàn tỉnh.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục