Về nơi "Chấn động địa cầu"

  • Cập nhật: Thứ sáu, 27/3/2009 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - Tôi chỉ biết đến một Điện Biên Phủ "Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu" qua những trang sử thuở đến trường. Nhưng ấn tượng về Điện Biên càng thêm sâu đậm hơn khi tôi được tận mắt chứng kiến nơi ghi dấu những chiến tích hào hùng của cha ông để rồi càng tự hào với truyền thống, với con người nơi đây đang nỗ lực cho một Điện Biên cất cánh bay lên!

Đồi Him Lam, nơi có trận đánh mở màn Chiến dịch Điện Biên Phủ nay đã thành Khu du lịch sinh thái Him Lam.
Đồi Him Lam, nơi có trận đánh mở màn Chiến dịch Điện Biên Phủ nay đã thành Khu du lịch sinh thái Him Lam.

Mùa này, hoa ban trắng nở rộ khắp phố phường, đồi núi, làng bản ở Điện Biên. Nóng lòng ngược thời gian về với quá khứ hào hùng xưa, tôi tìm đến Đồi A1, cứ điểm quan trọng nhất trong hệ thống phòng tuyến 5 quả đồi phía đông bảo vệ khu trung tâm Mường Thanh. Nơi đây, thực dân Pháp bố trí nhiều binh lực, hoả lực mạnh với hệ thống công sự, trận địa kiên cố, vững chắc.

Trận tiến công cứ điểm Đồi A1 là một trong những trận oanh liệt nhất của quân và dân ta trong Chiến dịch Điện Biên Phủ. Cán bộ, chiến sĩ ta đã nêu gương chiến đấu hi sinh, dũng cảm, ngoan cường tranh chấp với địch từng ụ súng, từng đoạn chiến hào. Sau 39 ngày đêm chiến đấu liên tục, ta đã 3 lần tổ chức tấn công đánh bại 30 đợt phản kích của địch; để 4 giờ 30 phút sáng 7/5/1954 ta đã làm chủ hoàn toàn cứ điểm A1. Những lô cốt Cây Đa Cụt, hầm trú ẩn của quân Pháp, rồi hầm chỉ huy kiên cố nhất cứ điểm A1… đều bị tiêu diệt. Chiếc xe tăng hiện đại "Bazeille" bị hạ gục vẫn đứng đó giờ là vật cho du khách trèo lên chụp ảnh lưu niệm.

Đứng trên nắp hầm chỉ huy kiên cố nhất của Pháp, tôi phóng tầm mắt về phía xa xa nơi có tấm biển "Khu vực giành giật quyết liệt giữa ta và địch liên tục từ ngày 30.3 đến 6.5.1954". Giáp hầm là hố bộc phá khổng lồ như một chiếc ao cạn. Đây là chiếc hố do các chiến sĩ Nguyễn Phú Xuyên Khung, Nguyễn Điệt và Nguyễn Văn Bạch giật nổ khối bộc phá nặng 960 kg vào lúc 20 giờ 30 phút ngày 6/5/1954. Sức nổ đã tiêu diệt một đại đội địch, sóng xung kích làm cho số quân địch còn lại choáng váng. Thừa cơ, Trung đoàn 174 đánh chiếm toàn bộ cứ điểm A1 lúc 4 giờ 30 phút ngày 7/5/1954. Tiếng nổ long trời lở đất của khối bộc phá ngàn cân còn là hiệu lệnh tổng công kích đợt cuối cùng của Chiến dịch. Nhưng để có được hiệu lệnh quan trọng ấy, Đội trưởng Nguyễn Phú Xuyên Khung, người đã được Bác Hồ tặng tấm áo lụa giản dị vẫn đang trưng bày trong Bảo tàng Điện Biên Phủ, chỉ huy Đội công binh 83 và một phân đội bộ binh Tiểu đoàn 255 (Trung đoàn 174 - Đại đoàn 316) đã phải đào một đường hầm từ ngoài vào sát hầm chỉ huy của địch trong suốt 15 ngày đêm, bất chấp hiểm nguy dưới làn mưa bom, bão đạn.

Đã có bao chiến sĩ anh dũng hy sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc? Tôi tự hỏi và lặng lẽ đứng trên đỉnh Đồi A1, trước nấm mộ của 4 chiến sĩ Trung đoàn 174 (Đại đoàn 316) và Trung đoàn 102 (Đại đoàn 308) chiến đấu hy sinh vào rạng sáng 1/4/1954. Anh Tiến Dũng, đồng nghiệp của tôi ở Báo Điện Biên đứng cạnh cũng không khỏi xúc động: "Biết đâu mỗi tấc đất ta đứng đây, phía dưới là cũng một chiến sĩ vô danh đang yên nghỉ. Bởi nơi này, cứ mỗi lần đào đất sửa chữa tôn tạo di tích người ta lại bắt gặp hài cốt của những người lính năm xưa!". Cùng các đồng nghiệp vào viếng Nghĩa trang liệt sĩ Điện Biên, những nén hương thơm được thắp lên thay cho lời tri âm các liệt sĩ. Những anh hùng Tô Vĩnh Diện, Bế Văn Đàn, Phan Đình Giót… cùng biết bao chiến sĩ vô danh đã ngã xuống cho "Mường Thanh, Hồng Cúm, Him Lam/ Hoa mơ lại trắng, vườn cam lại vàng". Liếc trên những tấm bảng vàng ghi tên liệt sĩ của các tỉnh hy sinh tại Điện Biên, tôi dừng lại ở Yên Bái. Các chiến sĩ Trần Văn An, Lù Văn Cằn, Hoàng Văn Bàn… và không thể kể hết, họ thuộc nhiều dân tộc ở Yên Bái đã mãi nằm lại với Điện Biên.

Mường Phăng, huyện Điện Biên, nơi đặt Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ rất đông du khách trong và ngoài nước tới thăm. Gian khó suốt "56 ngày đêm khoét núi ngủ hầm, mưa dầm cơm vắt" của Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Tổng tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam, kiêm chỉ huy trưởng Chiến dịch Điện Biên Phủ và Bộ chỉ huy Chiến dịch  năm xưa vẫn còn tái hiện nguyên vẹn: lán làm việc của Đại tướng; hội trường, nơi diễn ra các hội nghị của Bộ chỉ huy triệu tập; nhà tác chiến, nơi giao ban hàng ngày; lán cơ quan tham mưu… đều đơn sơ bằng tranh tre, nứa lá. Hầm xuyên núi làm nơi trú ẩn và làm việc đều chỉ được kè,  chống bằng cây rừng. Từng hốc đất đào sâu vào cạnh hầm trở thành bàn làm việc của Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Bộ chỉ huy. Bếp Hoàng Cầm giản dị toả khói trên mặt đất dưới tán cây rừng giữ bí mật cho Bộ chỉ huy trong suốt Chiến dịch. Có đến đây, vào bảo tàng, lên Đồi A1, thăm hầm bê tông kiên cố của tướng Pháp Đờ Cát mới thấy chiến thắng đâu phải bằng súng to, hầm chắc? Dù vật chất thiếu thốn, vũ khí thô sơ nhưng với lòng căm thù giặc, dũng cảm và tài trí, ta đã thắng súng to, cối lớn của địch lập nên chiến công lừng lẫy.

Giờ thì Điện Biên đã đổi thay nhiều lắm! Những thông tin: tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân giai đoạn 2006 - 2008 ước đạt bình quân 10,7%; thu nhập bình quân đầu người năm 2008 ước đạt 486 USD; Điện Biên đang có cơ cấu kinh tế nông lâm nghiệp chiếm trên 39%, công nghiệp - xây dựng trên 24% và dịch vụ trên 36%; tỉnh đang tiếp tục giảm tỷ trọng nông lâm nghiệp, phát triển mạnh công nghiệp và dịch vụ, đặc biệt đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn đưa Điện Biên trở thành thành phố du lịch từ đồng nghiệp cho thấy điều đó. Theo kế hoạch, lễ kỷ niệm 55 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2009) tới đây được tổ chức kết hợp với kỷ niệm 100 năm thành lập tỉnh và 60 năm thành lập Đảng bộ tỉnh. Chuẩn bị cho những ngày lễ lớn, Điện Biên đang tập trung hoàn thành và khởi công 10 nhóm danh mục công trình trọng điểm, trong đó có dự án trùng tu, tôn tạo di tích lịch sử Điện Biên Phủ giai đoạn II đồng thời diễn ra các hoạt động như Tuần Văn hoá - Du lịch Điện Biên và Ngày hội Văn hoá - Thể thao các dân tộc Tây Bắc tại tỉnh Điện Biên.

Khu du lịch sinh thái Him Lam nằm ở  địa danh năm xưa quân ta đánh trận mở màn hoàn hảo cho cả Chiến dịch Điện Biên Phủ những ngày này đông khách hơn. Cả một khu nghỉ dưỡng sinh thái rộng lớn trị giá tới 400 tỷ đồng với nhiều nhà nghỉ sang trọng, nhà sàn mang đậm bản sắc Tây Bắc sơn thuỷ, hữu tình cùng nhiều dịch vụ thể thao, bể bơi, ăn uống, sinh hoạt văn hoá văn nghệ cuốn hút du khách trong và ngoài nước đến với Điện Biên. Ngay bên đầu cầu Mường Thanh, nơi tấp nập dòng người qua lại, những chiếc xe lu đang chạy đều đều thảm những mét đường bê tông nhựa láng bóng. Xa xa, một phiên chợ quê đang họp trong thanh bình.

Tôi chợt nhớ khoảng thời gian ngắn ngủi ban trưa các nhà báo trò chuyện với một du khách người Pháp trước cửa Bảo tàng Điện Biên Phủ, ông Serre Pierre tâm sự: "Tôi không hiểu sao, ngày xưa một đất nước Việt Nam đang yên ổn đến vậy người Pháp lại sang xâm lược? Tới đây, tôi mới thấy tinh thần chiến đấu của người Việt Nam thật to lớn: vũ khí thô sơ mà vẫn chiến đấu và chiến thắng. Tôi yêu Việt Nam! Tôi không muốn có chiến tranh và muốn mãi là bầu bạn của Việt Nam. Đã ba lần tôi tới du lịch tại Việt Nam và đây là lần đầu tiên tôi tới Điện Biên Phủ để hiểu sâu sắc thêm về mảnh đất này".

Trên đường tới biên giới Việt - Lào thăm cửa khẩu Tây Trang là cánh đồng Mường Thanh trải rộng đang ngắt xanh màu lúa, thấp thoáng những thiếu nữ Thái đang cần mẫn bón, chăm. Một nhà máy xi măng bề thế đang được xây dựng để mở rộng cung cấp sản phẩm sang thị trường Lào. Gặp gỡ, trò chuyện với các chiến sĩ biên phòng trẻ đang vượt lên gian khó nơi biên giới, trong tôi bỗng hiện lên hình ảnh gặp ban chiều: bên hầm Đờ Cát, một tiểu đội dân quân tự vệ đang huấn luyện sẵn sàng chắc tay súng vì sự bình yên của Tổ quốc. Một thế hệ cháu con đang nâng niu, gìn giữ và phát huy thành quả độc lập tự do mà cha ông đã giành lại, để Điện Biên ngày một rạng rỡ, non nước thêm vẻ vang với năm châu!  

 

Với các vũ khí thô sơ này, quân và dân ta đã làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ lẫy lừng.

 

Dấu tích hố bộc phá “ngàn cân” do quân ta đánh gần hầm chỉ huy của Pháp trên Đồi A1, hiệu lệnh tổng công kích đợt cuối cùng giải phóng Điện Biên.

Minh Đức

.

Các tin khác

YBĐT - Trong hai ngày 25 – 26/3 Đoàn công tác của Bộ Lao động - Thương bình và Xã hội đã có buổi làm việc tại Yên Bái về chương trình hỗ trợ các huyện nghèo, hướng dẫn các huyện xây dựng Đề án giảm nghèo theo Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP ngày 27/12/2008 của Chính phủ.

Lễ khởi công xây dựng tháp chuông và đền thờ các anh hùng liệt sĩ tại khu di tích lịch sử ngã ba Đồng Lộc đã được UBND tỉnh Hà Tĩnh, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tổ chức sáng 26-3.

Người lao động trong lĩnh vực xây dựng cơ bản và xây dựng giao thông có tỷ lệ mất việc làm cao nhất.

YBĐT - Qua thống kê của 144 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, đã có 1.113 lao động bị mất việc làm do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế, trong đó, 376 lao động bị mất việc làm, 737 lao động nghỉ chờ việc.

Cán bộ phụ nữ phường Minh Tân (TP Yên Bái) thường xuyên đến các gia đình tuyên truyền phòng phống HIV/AIDS.

YBĐT - Để đấu tranh hiệu quả với hiểm họa ma tuý, mại dâm, HIV/AIDS, Hội Phụ nữ thành phố đã chỉ đạo triển khai tới 17/17 hội cơ sở, xây dựng kế hoạch đấu tranh phòng chống tệ nạn xã hội. Đặc biệt, từ năm 2003 đến nay, thực hiện Nghị quyết liên tịch số 01 giữa Bộ Công an và Hội LHPN Việt Nam về “Phụ nữ tham gia quản lý giáo dục con em trong gia đình không vi phạm pháp luật”, các cấp hội đã vận động 100% hội viên đăng ký xây dựng gia đình theo 4 chuẩn mực “No ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc” và “ Quản lý giáo dục con em, người thân trong gia đình không mắc tệ nạn xã hội và vi phạm pháp luật”.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục