Tích Cốc: Bước chuyển trong công tác dân số
- Cập nhật: Thứ tư, 15/4/2009 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Có đến với Tích Cốc, một trong những xã khó khăn nhất của huyện Yên Bình (Yên Bái) với 47% là đồng bào người Dao và 39% người Tày cư trú, chúng tôi mới thực sự hiểu sâu hơn về những nỗ lực vượt khó, không cam chịu đói nghèo, lạc hậu của cấp ủy Đảng, chính quyền và nhân dân nơi đây, nơi mà chỉ mấy năm trước, khi nghĩ tới là người ta lại tặc lưỡi vì sự xa xôi, cách trở, đói nghèo.
“50.000 đồng⁄tháng là số tiền hỗ trợ cho cộng tác viên thôn, bản, 380.000 đồng⁄tháng là đối với cán bộ chuyên trách dân số xã. Nếu như chỉ trông chờ vào số tiền hỗ trợ thì không đủ ăn đâu! Lòng nhiệt tình, tâm huyết với nghề cả đấy. Chúng tôi - những người làm công tác dân số của xã Tích Cốc của huyện Yên Bình này, chỉ mong muốn người dân nơi đây có đời sống ấm no, con cháu được chăm sóc và học hành chu đáo” - chị Nông Thị Hồng, cán bộ chuyên trách dân số xã cho biết. Có đến với Tích Cốc, một trong những xã khó khăn nhất của huyện Yên Bình với 47% là đồng bào người Dao và 39% người Tày cư trú, chúng tôi mới thực sự hiểu sâu hơn về những nỗ lực vượt khó, không cam chịu đói nghèo, lạc hậu của cấp ủy Đảng, chính quyền và nhân dân nơi đây, nơi mà chỉ mấy năm trước, khi nghĩ tới là người ta lại tặc lưỡi vì sự xa xôi, cách trở, đói nghèo.
Ông Vương Trọng Phục- Phó bí thư Thường trực Đảng ủy xã cho biết: “Công tác dân số được coi là nhiệm vụ trọng tâm thúc đẩy kinh tế địa phương vươn lên, đồng thời nâng cao dân trí và chăm sóc toàn diện đối với các cháu nhỏ”. Trước đây, những tập tục lạc hậu, quan niệm trọng nam khinh nữ, luôn mong muốn có nhiều con, đặc biệt là con trai để nối dõi tông đường và tăng nguồn lao động là một thực trạng phổ biến không dễ thay đổi. Những gia đình không có con trai, hoặc ít con thì coi như gia đình đó không có phúc và bị điều tiếng, họ hàng coi thường, chê trách. Đó cũng giai đoạn khó khăn nhất và ấn tượng nhất đối với những người làm công tác dân số. Ngày nắng cũng như ngày mưa, hàng tuần, hàng tháng, đội ngũ cộng tác viên thôn, bản ngoài việc bám sát nhiệm vụ tuyên truyền vận động bà con nhân dân sử dụng các biện pháp tránh thai và thực hiện việc sinh đẻ có kế hoạch và thực hiện tốt Pháp lệnh Dân số thì việc đến tận hộ gia đình, nhất là các đối tượng sinh con một bề để tư vấn trực tiếp, kịp thời rất quan trọng. Bên cạnh đó, phải chú trọng đến chất lượng và hình thức tuyên truyền, thuyết phục để người dân nghe và làm theo. Để làm được việc đó, đòi hỏi người cộng tác viên trước tiên phải hiểu phong tục, tập quán, hay như nét ăn, nét ở của người dân cư trú ở các thôn, bản khác nhau. Ví như, đồng bào Dao ở thôn 4, thôn 5 thì vận động thế nào, đồng bào Tày thì tuyên truyền ra sao? Những gia đình nào vướng mắc? hay trong quá trình tuyên truyền gặp khó khăn thì đội ngũ công tác viên phải nhanh chóng báo cáo lại với cán bộ chuyên trách không nhất thiết phải giao ban mới thực hiện. Có như vậy, mới tìm ra cách tháo gỡ và công tác DS⁄KHHGĐ xã mới đạt hiệu quả. Chị Hồng cho biết thêm: “10 năm làm cán bộ chuyên trách dân số xã, tôi cũng phần nào hiểu những khó khăn, vất vả của những làm công tác dân số. Nhiều bận đến các hộ gia đình tuyên truyền, người hiểu và thông cảm thì không sao, những người không hiểu, hoặc cố tình không hiểu thì chuyện bị mắng mỏ và đuổi khéo là bình thường. Tuy vậy, nhiều người dân, nhất là người phụ nữ nhiều lúc cũng khổ lắm và thường xuyên bị sức ép tâm lý từ phía gia đình nhà chồng.
Với những cách thức tuyên truyền hiệu quả, nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng của người dân, cùng với lòng yêu nghề, hăng say, không ngại khó, tất cả vì cuộc sống của nhân dân, sự chăm sóc đủ đầy đối với thế hệ trẻ của xã vùng ven hồ Thác Bà này đã cho những kết quả đáng khích lệ trong công tác dân số⁄KHHGĐ. Chỉ tính riêng trong năm 2008, toàn xã đã có 220 ca đặt vòng, 26 ca triệt sản, 20 trường hợp sử dụng bao cao su, 80 trường hợp sử dụng thuốc uống tránh thai và trong 3 tháng đầu năm 2009 đã có 20 ca đặt vòng, 15 trường hợp sử dụng biện pháp tránh thai, 20 trường hợp sử dụng thuốc tránh thai... Tình trạng sinh con thứ 3 cũng giảm hẳn và năm 2008 chỉ có 1 đến 2 trường hợp, chủ yếu là những hộ gia đình sinh con một bề.
Tuy nhiên, những trường hợp sinh con thứ 3 hoặc một số hạn chế trong công tác DS⁄KHHGĐ trong thời gian qua là do trong 2 năm 2007- 2008, công tác dân số xã Tích Cốc cũng gặp phải một số trở ngại do bộ máy tổ chức của ngành có sự thay đổi và chia tách. Có những nguồn tin gây ảnh hưởng đến tâm lý những người làm công tác dân số. Chẳng hạn, cơ quan dân số sẽ bị giải thể hoặc chuyển chức năng về trạm y tế xã, cán bộ chuyên trách dân số sẽ có biên chế và yêu cầu phải có bằng trung cấp trở lên.
Nhưng đến tháng 2⁄2009 thì Trung tâm DS⁄KHHGĐ huyện Yên Bình mới ra mắt và công tác dân số xã vẫn không có gì thay đổi và hoạt động độc lập. Đồng thời, nguồn hỗ trợ cho cán bộ chuyên trách, cộng tác viên dân số còn quá ít và đó cũng là những mong muốn từ những người làm công tác dân số xã Tích Cốc để công tác dân số⁄KHHGĐ đạt kết quả cao, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho nhân dân.
Trần Ngọc
Các tin khác
Năm 2009, Chính phủ đã quyết định tăng thêm 5 tỷ đồng so với năm 2008, lên tới 30 tỷ đồng, để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh.
YBĐT - Phường Pú Trạng có địa bàn rộng, dân cư thưa so với các phường, xã khác của thị xã Nghĩa Lộ, hơn nữa lại giáp ranh với 2 xã của huyện Trạm Tấu và Văn Chấn. Xác định rõ tính chất, đặc thù địa bàn nên công tác bảo đảm an ninh trật tự luôn được chính quyền, Công an phường coi trọng và có những biện pháp triển khai hiệu quả.
YBĐT - Những năm qua, sự nghiệp y tế của tỉnh Yên Bái đã có bước phát triển đáng ghi nhận. Trong thành tựu chung đó có sự đóng góp không nhỏ của HĐND. Với trách nhiệm là cơ quan dân cử ở địa phương, HĐND tỉnh Yên Bái đã đưa ra những quyết sách phù hợp và tăng cường giám sát để kiến nghị những giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sự nghiệp y tế phát triển.
Ba ngày tới, nắng nóng tràn ngập trên mọi miền đất nước, tại Hà Nội nhiệt độ cao nhất 33 độ C. Khu vực TP HCM, người dân cần đề phòng mưa rào và dông lúc chiều tối.