Nghĩa Lợi làm gì để hoàn thành chỉ tiêu giảm sinh?
- Cập nhật: Thứ tư, 15/4/2009 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Cách trung tâm thị xã Nghĩa Lộ (Yên Bái) chưa đầy 2 km, song xã Nghĩa Lợi vẫn là một trong những xã nghèo của thị xã Nghĩa Lộ. Chính những yếu tố đó đã làm cho công tác dân số/KHHGĐ ở Nghĩa Lợi gặp nhiều trở ngại lớn. Năm nào cũng vậy, Nghĩa Lợi có 3 - 4 trường hợp sinh con thứ 3 trở lên, song dường như Đảng bộ, chính quyền nơi đây vẫn chưa tìm ra lời giải cho công tác dân số.
Cán bộ chuyên trách dân số xã đang tư vấn với người dân các biện pháp KHHGĐ.
|
Toàn xã có 10 thôn, bản với 3.561 nhân khẩu chủ yếu là đồng bào dân tộc Thái, những phong tục tập quán lạc hậu trong việc sinh đẻ là rào cản lớn gây trở ngại cho đội ngũ những người làm công tác dân số cũng như những trở ngại trong phát triển kinh tế xã hội của địa phương.
Xác định công tác Dân số/KHHGĐ là nhiệm vụ trọng tâm trong việc phát triển kinh tế - xã hội, xoá đói giảm nghèo, xã đã cử đồng chí Phó chủ tịch UBND xã làm Trưởng ban dân số, 1 đồng chí cán bộ chuyên trách nâng cao nghiệp vụ cho 10 cộng tác viên dân số, đồng thời phối hợp với cán bộ y tế thôn bản vận động nhân dân thực hiện tốt công tác dân số. Cán bộ làm công tác dân số đến từng nhà cấp phát các dụng cụ tránh thai, tờ rơi, hay tranh thủ những lúc làm đồng, chị em tâm tình trao đổi, phân tích điều hay lẽ thiệt của việc đông con.
Ban dân số xã còn phối hợp với Hội phụ nữ xã tổ chức các chiến dịch truyền thông dân số lồng ghép với các hoạt động phát triển kinh tế thông qua các hình thức như tập hợp các chị em có hoàn cảnh khó khăn, con nhỏ, diện đông con thành lập các tổ dự án vay vốn phát triển kinh tế gia đình, tham gia dự án dinh dưỡng tổng hợp để vừa có kiến thức phát triển kinh tế, kiến thức chăm sóc nuôi dạy con nhỏ theo phương pháp khoa học. Với mỗi cách làm đều đem lại những lợi ích thiết thực vừa góp phần xoá đói giảm nghèo cho các chị em phụ nữ, vừa nâng cao nhận thức cho các hộ gia đình còn mang nặng tư tưởng lạc hậu trong quan niệm sinh đẻ, KHHGĐ.
Bên cạnh đó trong các buổi sinh hoạt nhóm, tổ, đội ngũ cộng tác viên dân số xã còn lựa lời vận động những gia đình diện đông con tham gia đình sản để tập trung phát triển kinh tế gia đình.
Tuy nhiên, nói như chị Hà Thị Vân - Chủ tịch Hội phụ nữ xã, từng gắn bó hơn 10 năm với công tác dân số xã thì những những giải pháp trên chỉ là trên sách vở, lý thuyết còn thực tế thì công tác dân số/KHHGĐ ở xã vẫn còn nhiều khó khăn và vướng mắc. Bởi với đặc thù của một xã thuần nông, 98% là đồng bào Thái, phong tục tập quán bao đời của người dân dường như đã trở thành cố hữu trong mỗi gia đình, không chỉ những gia đình thuộc thế hệ trước mà những gia đình trẻ như hiện nay cũng vậy. Các đối tượng thường né tránh hoặc viện lý do để tránh tiếp xúc với những người làm công tác dân số.
Chính vì thế mà các chiến dịch chăm sóc sức khoẻ sinh sản /KHHGĐ hàng năm của xã không cao. Trong tổng số 687 phụ nữ có chồng trong độ tuổi sinh đẻ thì chưa đầy 40% tỷ lệ phụ nữ áp dụng 1 trong 4 biện pháp tránh thai hiện đại. Kế hoạch trong năm 2008 xã phải hoàn thành chỉ tiêu 4 ca đình sản nữ song con số thực hiện chỉ đạt 1 ca duy nhất. Với những khó khăn đó, trong những năm vừa qua, tình trạng sinh con thứ 3 trở lên ở xã vẫn khá nhiều. Một số thôn đã gần 10 năm liền không có người sinh con thứ 3 như thôn Bản Xa, Phán Hạ, Xà Ghèn thì mấy năm trở lại đây lại có người vi phạm chính sách này. Từ đầu năm đến nay đã có 2 trường hợp sinh co thứ 3 trở lên, còn những hộ xa trung tâm, không khai báo thì con số này có thể hơn nữa.
Do vậy, để công tác dân số/KHHGĐ ở Nghĩa Lợi đạt hiệu quả thì Đảng bộ, chính quyền xã không chỉ dừng lại ở biện pháp tuyên truyền, mà cần phải có những hành động cụ thể như động viên, khích lệ kịp thời những hộ thực hiện tốt chính sách dân số, kiên quyết xử phạt thích đáng những đối tượng vi phạm chính sách dân số. Bên cạnh đó, đội ngũ cán bộ làm công tác dân số của xã phải thường xuyên gần gũi với người dân, nắm bắt tâm, tư nguyện vọng của người dân, vận động giải thích để các hộ dân, nhất là các cặp vợ chồng trẻ hiểu và thực hiện đúng Pháp lệnh Dân số. Tăng cường sự phối hợp trong công tác tuyên truyền với các tổ chức đoàn thể....
Có như vậy, công tác dân số của Nghĩa Lợi mới dành hiệu quả cao và ổn định quy mô dân số có điều kiện phát triển kinh tế, xoá đói giảm nghèo.
Thanh Tân
Các tin khác
YBĐT - Có đến với Tích Cốc, một trong những xã khó khăn nhất của huyện Yên Bình (Yên Bái) với 47% là đồng bào người Dao và 39% người Tày cư trú, chúng tôi mới thực sự hiểu sâu hơn về những nỗ lực vượt khó, không cam chịu đói nghèo, lạc hậu của cấp ủy Đảng, chính quyền và nhân dân nơi đây, nơi mà chỉ mấy năm trước, khi nghĩ tới là người ta lại tặc lưỡi vì sự xa xôi, cách trở, đói nghèo.
Năm 2009, Chính phủ đã quyết định tăng thêm 5 tỷ đồng so với năm 2008, lên tới 30 tỷ đồng, để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh.
YBĐT - Phường Pú Trạng có địa bàn rộng, dân cư thưa so với các phường, xã khác của thị xã Nghĩa Lộ, hơn nữa lại giáp ranh với 2 xã của huyện Trạm Tấu và Văn Chấn. Xác định rõ tính chất, đặc thù địa bàn nên công tác bảo đảm an ninh trật tự luôn được chính quyền, Công an phường coi trọng và có những biện pháp triển khai hiệu quả.
YBĐT - Những năm qua, sự nghiệp y tế của tỉnh Yên Bái đã có bước phát triển đáng ghi nhận. Trong thành tựu chung đó có sự đóng góp không nhỏ của HĐND. Với trách nhiệm là cơ quan dân cử ở địa phương, HĐND tỉnh Yên Bái đã đưa ra những quyết sách phù hợp và tăng cường giám sát để kiến nghị những giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sự nghiệp y tế phát triển.