An toàn vệ sinh lao động: Những con số chưa "an"
- Cập nhật: Thứ hai, 20/4/2009 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Xác định bảo đảm an toàn lao động là nhiệm vụ hàng đầu trong quá trình sản xuất nên nhiều doanh nghiệp đã tổ chức huấn luyện an toàn vệ sinh lao động - phòng chống cháy nổ (ATVSLĐ - PCCN) cho công nhân lao động. Hàng năm, các doanh nghiệp xây dựng kế hoạch tài chính để mua sắm dụng cụ, sửa chữa, lắp đặt các thiết bị an toàn, các phương tiện bảo vệ cá nhân; phục vụ công tác tuyên truyền, kẻ vẽ panô, áp phích, nội quy, quy trình quy phạm sử dụng vận hành máy móc, thiết bị; khám sức khỏe định kỳ, bồi dưỡng độc hại...
Công nhân Công ty liên doanh Canxi Cacbonat YBB đóng gói sản phẩm.
|
Tuy nhiên, bên cạnh những đơn vị thực hiện nghiêm công tác bảo hộ lao động (BHLĐ) thì còn không ít đơn vị, doanh nghiệp chưa chú trọng cũng như xem nhẹ công tác BHLĐ, ATVSLĐ-PCCN.
Thực trạng đáng lo ngại
Theo thống kê của ngành lao động - thương binh & xã hội tỉnh Yên Bái, trong năm 2008, toàn tỉnh xảy ra 40 vụ tai nạn lao động (TNLĐ) nặng làm chết 5 người (4 người chết do phương tiện vận tải đường bộ, 1 người chết do sạt lở trong khi khai thác khoáng sản), 35 người bị thương nặng (những vụ TNLĐ nhẹ các đơn vị không thông báo). Trong tổng số 40 vụ TNLĐ này được phân loại theo những nguyên nhân sau: 4 vụ không sử dụng phương tiện bảo vệ cá nhân (PTBVCN) hoặc PTBVCN không tốt, 1 vụ chưa được huấn luyện an toàn lao động, 5 vụ không có quy trình hoặc biện pháp làm việc an toàn, 18 vụ do khách quan khó tránh, 7 vụ do nguyên nhân chưa kể đến.
Tổng số ngày nghỉ vì TNLĐ lên tới 1.250 ngày, trung bình mỗi vụ phải nghỉ hơn 31 ngày; tổng số tiền chi cho các khoản vì TNLĐ là 392 triệu đồng, bình quân mỗi vụ chi phí hết 9,8 triệu đồng. Điều đáng quan tâm hơn là, những con số trên mới chỉ được tổng hợp ở 122/1.011 đơn vị trong diện phải báo cáo và 8.793 người tham gia báo cáo trong tổng số 59.390 lao động.
Về thực hiện các quy định BHLĐ, qua thanh tra tại 19 doanh nghiệp, có 10 doanh nghiệp đã lập hội đồng và xây dựng kế hoạch BHLĐ; 9 doanh nghiệp còn lại chưa thành lập hội đồng và chưa xây dựng kế hoạch BHLĐ. Bên cạnh đó, có 1.199/3.548 lao động (gần 34%) chưa được huấn luyện định kỳ về công tác ATVSLĐ; trong số 1.376 lao động đang làm công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động, bắt buộc phải được huấn luyện và cấp thẻ an toàn lao động thì còn tới 514 lao động ở 4 doanh nghiệp chưa được huấn luyện và cấp thẻ.
Các doanh nghiệp được kiểm tra có sử dụng 102 thiết bị và các chất có yêu cầu nghiêm ngặt về ATVSLĐ mới chỉ có 2 doanh nghiệp đã đăng ký với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội. Ở lĩnh vực khai thác mỏ, cả chỉ huy, thợ nổ mìn và những người có liên quan đến vật liệu nổ công nghiệp của các doanh nghiệp hầu hết chưa được huấn luyện theo nội dung Thông tư số 02/2005/TT-BCN ngày 29/3/2005 của Bộ Công nghiệp.
Với công tác phòng chống cháy nổ, mặc dù năm qua không có đơn vị nào để xảy ra sự cố cháy nổ lớn nhưng có tới 8/19 doanh nghiệp được thanh tra còn chủ quan, xem nhẹ như chưa có hồ sơ phòng cháy chữa cháy, phương án chữa cháy, kế hoạch hoặc chưa trang bị phương tiện, kể cả có trang bị nhưng còn thiếu hoặc đã hết hạn sử dụng. Công tác khám sức khỏe định kỳ cho người lao động chỉ có 6/19 doanh nghiệp thực hiện; việc trang bị tủ thuốc, túi thuốc, phương tiện cấp cứu cũng chưa được các đơn vị quan tâm, đặc biệt là các công trường khai thác có nguy cơ về tai nạn lao động.
Cần phát huy vai trò của tổ chức công đoàn
Theo ông Lê Văn Lương - Chánh thanh tra Sở Lao động - Thương binh & Xã hội tỉnh Yên Bái, vấn đề trì trệ nhất hiện nay vẫn là "Nhận thức của cả người sử dụng lao động lẫn người lao động chậm chuyển biến, còn xem nhẹ, coi thường công tác ATVSLĐ - PCCN. Thực tế ở nhiều doanh nghiệp không huấn luyện ATVSLĐ nhưng vẫn sử dụng người lao động; điều kiện làm việc thiếu an toàn nhưng vẫn tổ chức sản xuất; người lao động chủ quan, khinh thường, không sử dụng phương tiện bảo vệ cá nhân, không thực hiện đúng quy trình, quy phạm an toàn máy móc, thiết bị. Bên cạnh đó, thiếu đầu tư cho việc nâng cấp, cải tạo, lắp đặt các thiết bị an toàn và điều kiện làm việc an toàn cho người lao động; màng lưới an toàn vệ sinh viên hoạt động kém hiệu quả; công tác tuyên truyền về ATVSLĐ còn hạn chế, hình thức... Với chức năng, vai trò của mình thì nhiều công đoàn cơ sở còn thụ động, phụ thuộc. Tuy là thành viên hội đồng BHLĐ nhưng thiếu giám sát, kiểm tra, đôn đốc, nhắc nhở, đề xuất. Mặt khác, việc xử lý vi phạm chưa đủ mạnh, chủ yếu mới dừng ở mức độ răn đe".
Để công tác ATVSLĐ có bước chuyển biến tích cực trong nhận thức và trong hành động, các cấp, các ngành, nhất là các cơ quan chức năng, tổ chức công đoàn cần đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, trách nhiệm, nghĩa vụ của người sử dụng lao động và người lao động đối với việc chấp hành, thực hiện pháp luật lao động. Bên cạnh đó, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát thực hiện các chính sách, chế độ về BHLĐ; xử lý nghiêm và mạnh tay đối với các vi phạm ATVSLĐ-PCCN; củng cố, xây dựng đội ngũ an toàn vệ sinh viên có kiến thức, am hiểu pháp luật lao động, có tinh thần trách nhiệm, có khả năng tuyên truyền, vận động và tham gia với người sử dụng lao động; phải phát huy năng lực và vai trò của hội đồng BHLĐ. Đặc biệt, cần phải đẩy mạnh phát triển công đoàn doanh nghiệp ngoài Nhà nước để làm tốt chức năng đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng và hợp pháp cho người lao động.
Đại Việt
Các tin khác
YBĐT - Trong lực lượng công an nhân dân (CAND) có lẽ Cảnh sát hình sự (nay gọi là Cảnh sát điều tra về trật tự xã hội) luôn chiếm được sự tin yêu của quần chúng nhân dân. Ít nhiều “bụi bặm”, phong trần , giỏi võ thuật, dũng cảm, chấp nhận hi sinh là “chất” của lính hình sự…
YBĐT - Những năm qua, Đảng uỷ, chính quyền xã Đại Phác (huyện Văn Yên - Yên Bái) đã đề ra nhiều biện pháp giữ gìn an ninh trật tự (ANTT) ở địa phương. Việc tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật Nhà nước, quy chế của địa phương được chú trọng tăng cường. Do vậy, tình hình an ninh nông thôn luôn được giữ vững, quy chế dân chủ ở cơ sở được phát huy, số vụ việc vi phạm pháp luật đều giảm, an ninh nông thôn được đảm bảo.
YBĐT - Ở vùng đất anh hùng Chiến tranh đã lùi xa hơn 30 năm, trong cuộc sống ấm no, hạnh phúc hôm nay, Đảng bộ và nhân dân huyện Văn Yên (Yên Bái) luôn ghi công những người con quê hương đã hy sinh cả cuộc đời, một phần sương máu trong hai cuộc kháng chiến trường kỳ để đem lại độc lập, tự do cho quê hương, đất nước.
Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) vừa cho biết, tổng số tiền dành mua thuốc cho điều trị trong năm 2008 lên đến 7,6 ngàn tỷ đồng, tăng 26,2% so với năm trước, tiền mua thuốc ngoại nhập chiếm 63,3% (tương đương 4,81 nghìn tỷ đồng).