Lao đao mất việc

  • Cập nhật: Thứ sáu, 24/4/2009 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - Đã hơn một năm nay, Nhà máy Sản xuất phân lân hữu cơ vi sinh thuộc Công ty Vật tư tổng hợp Vinashin (Công ty Vật nông nghiệp trước đây) rơi vào tình trạng sản xuất ngưng trệ, đồng nghĩa với việc hơn 30 công nhân nơi đây không có việc làm.

Sản xuất giấy đế xuất khẩu ở Công ty cổ phần Chế biến nông lâm sản thực phẩm Yên Bái.
Sản xuất giấy đế xuất khẩu ở Công ty cổ phần Chế biến nông lâm sản thực phẩm Yên Bái.

Trước đây, Công ty Vật tư nông nghiệp tỉnh Yên Bái vốn là một doanh nghiệp hoạt động hiệu quả, đã từng nhận được nhiều bằng khen, cúp vàng thương hiệu trong và ngoài nước. Nhưng trong tình hình suy thoái kinh tế hiện nay, Công ty không thoát khỏi vòng ảnh hưởng. Nhiều đơn vị của Công ty đã phải ngừng hoạt động, chỉ còn Trung tâm Chăn nuôi chất lượng cao là đơn vị duy nhất hiện vẫn còn duy trì được sản xuất. Sản xuất ngưng trệ khiến nhiều lao động không có việc làm.

Theo số liệu ban đầu, hiện Công ty có tới 420/509 lao động không có việc làm hoặc không có việc làm thường xuyên. Hết quý I năm 2009, nợ bảo hiểm xã hội của Công ty vào khoảng 2,6 tỷ đồng, nợ lương cán bộ công nhân trên 800 triệu đồng. Để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, năm 2008, tỉnh Yên Bái đã trao quyền quản lý Công ty cho Tập đoàn Công nghiệp tàu thuỷ Việt Nam Vinashin, song sự thay đổi này cũng chưa làm cho bức tranh ảm đạm của Công ty thêm màu tươi sáng.

Bà Đặng Thị Quý - công nhân Nhà máy Chế biến thức ăn chăn nuôi cao cấp Bình Sơn thuộc Công ty Vật tư tổng hợp Vinashin ngậm ngùi: “Cả hai vợ chồng tôi đều là công nhân công ty, kinh tế gia đình trước nay đều phụ thuộc vào đồng lương, giờ không có việc làm, con cái lại đang đến tuổi ăn học, cuộc sống hiện tại quả rất khó khăn. Chúng tôi chỉ còn biết ngày ngày trông ngóng sớm có việc làm trở lại, song không biết sẽ phải chờ đến bao giờ nữa”. Trước khó khăn của đơn vị cũng như của người lao động, theo lãnh đạo của Công ty Vật tư tổng hợp Vinashin thì Công ty cũng đang trông chờ nhiều vào những chính sách ưu đãi của Chính phủ dành cho doanh nghiệp và người lao động.

Không nằm ngoài ảnh hưởng của suy giảm kinh tế, cùng với đặc thù làm việc theo thời vụ khiến nhiều lao động của ngành giao thông vận tải hiện cũng rơi vào tình cảnh thiếu việc làm. Đã có thâm niên 25 năm công tác và 12 năm giữ cương vị là tổ trưởng đội xây lắp tổng hợp - Công ty cổ phần Xây dựng giao thông Yên Bái, nhưng ba tháng nay chị Hoàng Thị Thao không có việc làm, cuộc sống của chị vốn đã khó khăn nay càng thêm chật vật.

Chị Thao cho biết: “Sau khi nghỉ việc, ở nhà, kinh tế của gia đình rất khó khăn. Đi tìm tạm việc khác làm cũng không dễ dàng gì. Tôi hiện đã xin đi làm thợ xây nhưng vì không làm lâu dài nên họ không nhận”. Cũng như chị Thao, khoảng 50 lao động của Công ty cổ phần Xây dựng giao thông Yên Bái hiện không có việc làm.

Nhiều lao động thuộc Công ty Xây dựng quản lý đường bộ 2 cũng đang đối mặt với nguy cơ mất và thiếu việc làm. Cuộc sống của người công nhân lao động gần như chỉ trông chờ vào đồng lương, không có việc, đồng nghĩa với việc họ mất đi nguồn thu nhập chính, đời sống càng thêm phần khó khăn.

Địa bàn thành phố Yên Bái hiện có 384 doanh nghiệp, chiếm 60% số doanh nghiệp toàn tỉnh. Theo kết quả khảo sát của Phòng Lao động - Thương binh & Xã hội thành phố tại 65 doanh nghiệp thì trong số 6.000 lao động đã có trên 400 lao động nghỉ chờ việc và mất việc. Con số thực tế sẽ còn cao hơn nhiều. Đây cũng là tình trạng của nhiều đơn vị, doanh nghiệp khác trên địa bàn toàn tỉnh.

Sản xuất giấy đế xuất khẩu là một trong những ngành chịu tác động rõ nét của suy giảm kinh tế, trong đó Xí nghiệp Giấy Văn Yên, thuộc Công ty cổ phần Hapaco Yên Sơn đóng trên địa bàn huyện Văn Yên hiện đang phải sản xuất cầm chừng với công suất chỉ bằng 3/4 so với trước, công nhân thiếu việc làm là điều tất yếu. Tổng số 600 lao động tại 27 nhà máy sản xuất giấy đế đang phải sản xuất cầm chừng. Con số người lao động mất và nghỉ chờ việc làm tại các doanh nghiệp trên địa bàn toàn tỉnh lên tới cả ngàn người.

Theo Quyết định số 30/2009/QĐ-TTg ngày 23/2/2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc hỗ trợ đối với lao động mất việc làm do suy giảm kinh tế, thì trong năm 2009, doanh nghiệp gặp khó khăn do suy giảm kinh tế mà phải giảm số lao động hiện có từ 30% trở lên hoặc từ 100 lao động trở lên (không kể lao động thời vụ có thời hạn dưới 3 tháng) và sau khi đã sử dụng các nguồn của doanh nghiệp mà vẫn chưa có khả năng thanh toán tiền lương, đóng BHXH và tiền trợ cấp mất việc làm hoặc tiền trợ cấp thôi việc cho số lao động đã giảm thì được Nhà nước cho vay để thanh toán. Thời hạn vay tối đa là 12 tháng. Mức vay tối đa bằng số kinh phí để thanh toán tiền nợ lương, đóng BHXH và trợ cấp mất việc làm hoặc trợ cấp thôi việc phải trả cho người lao động bị mất việc làm, lãi suất vay là 0%.

Đối với người lao động bị mất việc  làm tại doanh nghiệp mà chủ doanh nghiệp bỏ trốn trong năm 2009, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ứng ngân sách địa phương trả cho người lao động có trong danh sách trả lương của doanh nghiệp khoản tiền lương mà doanh nghiệp còn nợ người lao động. Nguồn tạm ứng từ ngân sách địa phương được hoàn trả từ nguồn thu khi thực hiện xử lý tài sản của doanh nghiệp theo quy định của pháp luật.

Người lao động bị mất việc làm trong năm 2009 và người lao động đi làm việc ở nước ngoài bị mất việc làm do doanh nghiệp gặp khó khăn phải về nước trước thời hạn còn được hưởng các chính sách: vay vốn từ Quỹ quốc gia về việc làm thuộc chương trình mục tiêu quốc gia về việc làm để tự tạo việc làm; vay vốn ưu đãi học sinh, sinh viên trong thời gian 12 tháng kể từ ngày mất việc để học nghề; vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội như đối tượng chính sách trong thời gian 12 tháng kể từ ngày người lao động bị mất việc làm hoặc người lao động về nước. Chính sách tức thời này của Chính phủ thêm điều kiện và cơ hội cho doanh nghiệp cũng như người lao động cải thiện tình hình hiện nay.

 P.V

Các tin khác
Bệnh viện Đa khoa thành phố Yên Bái đầu tư máy siêu âm màu hiện đại phục vụ công tác khám chữa bệnh.

YBĐT - Tiết kiệm chống lãng phí; tự huy động đầu tư nhiều trang thiết bị khám, chữa bệnh; tạo dựng uy tín với người bệnh; chủ động nguồn nhân lực trong tuyển dụng, đào tạo, giữ chân và thu hút bác sĩ; đời sống cán bộ, nhân viên cải thiện rõ rệt là những nét nổi bật của Bệnh viện Đa khoa thành phố Yên Bái sau 2 năm thực hiện tự chủ một phần về tài chính.

Trung tâm Dự báo KTTV Trung ương cho biết, khoảng ngày 25/4, khả năng có một khối không khí lạnh nhỏ từ phía bắc ảnh hưởng đến thời tiết các tỉnh miền Bắc và Bắc Trung Bộ.

Cán bộ chuyên trách dân số tuyên truyền kiến thức phòng chống xâm hại trẻ em cho các phụ nữ xã Ngọc Chấn.

YBĐT - Là một trong những xã vùng sâu, khó khăn của huyện Yên Bình song những năm qua, Ngọc Chấn luôn làm tốt công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em. Tuy nhiên, với vụ việc một bé gái 13 tuổi bị xâm hại tình dục vào thời điểm tháng 1 năm 2009 thì địa phương cần nhìn nhận nghiêm túc hơn về công tác này.

YBĐT - Để hạn chế tối đa những thiệt hại do mưa lũ gây ra, ngay từ đầu mùa mưa bão năm 2009, các cấp chính quyền huyện Văn Yên đã chủ động xây dựng các phương án phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn (PCLB -TKCN), chuẩn bị đầy đủ vật tư và phương tiện dự phòng khi có tình huống xấu xảy ra.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục