Chuyện kể của chiến sĩ điện biên năm xưa

  • Cập nhật: Thứ hai, 4/5/2009 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - Được Ban liên lạc chiến sỹ Điện Biên thành phố Yên Bái giới thiệu, chúng tôi tìm gặp Ông Phạm Văn Xiển, thương binh hạng 2/4 đang trú tại tổ 25, phường Nguyễn Phúc (thành phố Yên Bái) - người đã trực tiếp chỉ huy một số trận đánh trong chiến dịch Tây Bắc, chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử năm 1954. Ở cái tuổi 81 nhưng ông vẫn khoẻ mạnh, minh mẫn và nhanh nhẹn…

Sinh năm 1929 trong một gia đình nông dân nghèo, hiếu học tại xã Xuân Mỹ, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh, quê hương giàu truyền thống cách mạng, năm 1948 ông Xiển tình nguyện lên đường nhập ngũ và được cử đi đào tạo sỹ quan tại Thanh Hoá. Năm 1951 ra trường được điều về Đại đoàn 304 công tác và là một trong 51 cán bộ quân đội được Bộ Quốc phòng tập trung bồi dưỡng kiến thức văn hoá để chuẩn bị gửi sang Liên Xô đào tạo cán bộ cao cấp quân đội.

Song, do tình hình chiến sự, cả nước tập trung sức người, sức của cho chiến dịch Tây Bắc và chiến dịch Điện Biên, Bộ Quốc phòng quyết định hoãn lại, chuyển toàn bộ lực lượng chi viện cho chiến trường, ông được điều bổ nhiệm làm Chính trị viên phó tiểu đoàn 564, Trung đoàn 165, Đại đoàn 312. Sau thời gian tập trung huấn luyện tại Phú Thọ, năm 1952 đơn vị hành quân lên tập kết lên Điện Biên làm công tác chuẩn bị chiến đấu…

Hỏi chuyện ông về phương châm tác chiến, những trận đánh trong chiến dịch mà ông trực tiếp chỉ huy và những kỷ niệm sâu sắc của người chỉ huy trên chiến trường hồi đó? Ông Xiển đưa tay trái nâng nhẹ cánh tay cụt của mình rồi chậm rãi kể: “Lúc đó, căn cứ vào cục diện chiến trường và tương quan lực lượng để bảo đảm cho chiến dịch toàn thắng, Bộ Chỉ huy chiến dịch của ta quyết định thay đổi phương châm tác chiến mới, chuyển từ "Đánh nhanh, thắng nhanh" sang "Đánh chắc, tiến chắc" với 5 nhiệm vụ cơ bản là: Lui quân về vị trí tập kết rồi dàn trận theo phương án mới; kéo pháo ra bố trí lại trận địa, cho pháo vào hầm đề phòng pháo của địch phản kích và oanh tạc; các đơn vị bộ binh bố trí trận địa mới; tập trung làm đường kéo pháo theo tuyến mới, bí mật tiến sát tập đoàn cứ điểm của địch; đào hầm hào giao thông đánh vào từng đồn, từng cứ điểm tránh thương vong cho bộ đội.

Trong đó, thực hiện theo 6 phương án chiến đấu là: Bao vây địch; đánh dần từng bước; đánh từng đồn, từng cứ điểm; tiêu diệt địch từ các căn cứ ngoại vi của các phân khu vào trung tâm; đánh thọc sâu vào sở chỉ huy của địch và tiến đến là tổng công kích tiêu diệt toàn bộ. Đơn vị ông sau khi được lệnh của Trung đoàn, Ban Chỉ huy đã họp xây dựng quyết tâm đánh địch và chỉ huy bộ đội ngày làm công tác chuẩn bị, trinh sát, xác định mục tiêu địch để chập choạng tối là hành quân, bí mật tập kích vào các đồn, các cứ điểm của địch và để bảo đảm bí mật, tránh thương vong cho bộ đội tờ mờ sáng lại phải lui quân về khu vực tập kết. Cứ liên tục như vậy trong suốt thời gian dài".

Đang kể bỗng nhiên giọng ông Xiển trùng xuống: "Ngày 04/5/1954, ngày mà tôi không bao giờ quyên được. Hôm đó, đơn vị được lệnh của cấp trên bằng mọi cách phải chỉ huy tiến công tiêu diệt Đồn 105, đây là một trong những đồn quan trọng đặc biệt của địch, án ngữ Sân bay Mường Thanh, chặn các mũi tiến công của quân ta vào khu trung tâm chỉ huy đầu não của địch.

Chập choạng tối hôm đó, đơn vị đang tổ chức hành quân thì đồng chí Tiểu đoàn trưởng bị trúng mảnh đạn pháo của địch và hy sinh. Cho anh em đưa đồng chí về tuyến sau để đơn vị mai táng, tôi đến các trung đội, tiểu đội động viên anh em bình tĩnh, quyết tâm bám sát mục tiêu để chiến đấu. Trận đó đơn vị tiêu diệt gọn Đồn 105 thì trời đã rạng sáng.

Thấy tình hình nguy hiểm bất lợi, tôi nhanh chóng ra lệnh lui quân để bảo toàn lực lượng. Biết Đồn 105 đã bị quân ta tiêu diệt, Sở Chỉ huy của địch điên cuồng phản công, bắn hàng loạt đại bác liên tiếp vào đội hình đơn vị, mỗi loạt từ 50 đến 60 quả. Lúc đó vào khoảng 7 giờ sáng ngày 05/5/1954, đang chỉ huy đơn vị, lợi dụng địa hình, địa vật vừa phòng tránh sự phản công quyết liệt bằng pháo của địch, vừa bí mật lui quân về khu tập trung bí mật để bảo toàn lực lượng thì một loạt đại bác bắn tới tấp vào đội hình, tôi cùng 8 đồng chí trong đơn vị bị thương.

Khi đó trời đã sáng hẳn, không thể tiếp tục lui quân được, anh em đành để thương binh nằm tại bờ ruộng, các chiến sỹ cởi áo may ô quấn tạm cầm máu chờ trời tối đưa chúng tôi về Bệnh viện Hỏa tuyến để cấp cứu; có đồng chí đã hy sinh trên đường chuyển thương. Tôi bị nhiều mảnh đạn đại bác găm nát cẳng tay, lại để lâu máu ra nhiều, vết thương bị hoại tử nên không thể phẫu thuật được, buộc phải cưa cụt phần cẳng tay để điều trị.

Sau hai tháng nằm viện, tôi trở về đơn vị cũ. Năm 1955, khi thương tật của tôi đã ổn định, đơn vị động viên tôi về địa phương để tiện cho việc an dưỡng, chăm sóc. Tôi tình nguyện tham gia đoàn công tác cải cách ruộng đất tại tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh, năm 1956 thi đỗ vào Trường Đại học Kinh tế, năm 1960, tốt nghiệp ra trường, tôi được về công tác tại Bộ Tài chính, rồi được điều động lên công tác tại Sở Tài chính tỉnh Yên Bái. Đến năm 1971, do yêu cầu của tổ chức, tôi được điều chuyển công tác sang làm Phó chủ tịch UBND thị xã Yên Bái, đến năm 1984 được Nhà nước cho nghỉ chế độ..."

Trên 30 năm công tác, 59 tuổi Đảng và trải qua 3 cuộc kháng chiến, ông Xiển được Đảng, Nhà nước và địa phương trao tặng 2 Huân chương Chiến công, 2 Huân chương Kháng chiến hạng nhất và nhiều phần thưởng cao quý khác. Hiện nay, ông Xiển đang sống trong gia đình đầm ấm, hạnh phúc, 4 người con của ông đều đã trưởng thành, công tác tại Hà Nội và Yên Bái; các cháu nội, ngoại đều đã khôn lớn và thành đạt.

Hàng ngày, ngoài công việc gia đình, ông luôn tích cực tham gia các hoạt động của tổ dân phố, Ban liên lạc Chiến sỹ Điện Biên, Hội Cựu chiến binh và Hội Người cao tuổi.  Nói về ông Phạm Văn Xiển, ông Nguyễn Văn Chi, Trưởng Ban liên lạc Chiến sỹ Điện Biên thành phố Yên Bái cho biết: "Ông Xiển là người không ngại khó, ngại khổ, suốt đời phấn đấu hy sinh cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, ở cương vị nào ông cũng luôn phấn đấu vươn lên bằng nghị lực của người lính; về nghỉ hưu, tuy tuổi cao, sức yếu nhưng ông vẫn giữ được tác phong, phẩm chất "Bộ đội Cụ Hồ" nhiệt tình, trách nhiệm và tâm huyết với các hoạt động của Hội, của địa phương, luôn được đồng đội, bạn bè và nhân dân tin yêu, kính trọng”.

Ông Xiển thực sự là tấm gương sáng để lớp lớp các thế hệ con cháu học tập, noi theo.

Thanh Năm

Các tin khác
Cán bộ các xã huyện Trạm Tấu trao đổi kinh nghiệm sử dụng nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn. (Ảnh: Quỳnh Nga)

YB§T - Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư” - một cuộc vận động có ý nghĩa to lớn mang tính toàn dân, toàn diện, toàn quốc với phương châm “Lấy sức dân chăm lo cho dân, lấy đoàn kết làm động lực”. Đó là một nhận định khái quát không những có ý nghĩa về đổi mới công tác mặt trận mà còn thể hiện phương pháp cách mạng mang tính chiến lược để thực hiện công tác vận động quần chúng trong giai đoạn cách mạng hiện nay.

TS. Nguyễn Trần Hiển, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho biết, WHO vừa công nhận phòng thí nghiệm Việt Nam đạt tiêu chuẩn cấp III/IV tại Viện vệ dịch tễ Trung ương đủ năng lực xét nghiệm cúm A/H1N1. Và chỉ cần sau 48 giờ là có kết quả.

Hướng đi của bão số 1.

Sáng nay (4-5), bão số 1 với sức gió cấp 8 đang cách bờ biển các tỉnh Nam Trung Bộ khoảng 380km. Dự báo, sáng 6/5, bão đổ bộ vào phía Đông Bắc quần đảo Trường Sa và mạnh lên.

Hành khách đeo khẩu trang phòng dịch cúm A tại ga tàu điện ngầm ở Hongkong ngày 2/5.

Danh sách bệnh nhân cúm A (H1N1) trên thế giới tiếp tục dài thêm. Ngày 2/5, Italy đã xác nhận trường hợp nhiễm cúm A (H1N1) đầu tiên ở nước này. Nạn nhân là nam giới khoảng 50 tuổi, trở về từ Mexico ngày 23/4 và một tuần sau đó phải nhập viện điều trị ở Massa, gần thành phố Florence.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục