Gặp các cựu chiến sĩ Điện Biên

  • Cập nhật: Thứ năm, 7/5/2009 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - Buổi sớm đầu mùa hè, có một đoàn người cao tuổi mặc quần áo sĩ quan Quân đội Nhân dân Việt Nam, ngực đeo đầy Huân chương, Huy chương Chiến công và Huy hiệu 40, 50 năm tuổi Đảng đến trụ sở Hội Văn học – Nghệ thuật tỉnh Yên Bái. Các cụ là thành viên Câu lạc bộ Cựu chiến sĩ Điện Biên Phủ thành phố Yên Bái được mời dự buổi gặp mặt với văn nghệ sĩ trong tỉnh nhân kỷ niệm 55 năm ngày chiến thắng Điện Biên Phủ.

Năm mươi nhăm năm rồi, người tuổi đôi mươi xưa bây giờ đều đã đầu râu tóc bạc. Ngồi bên lớp con cháu đầu xanh, những câu chuyện về một thời chiến đấu gian lao mà anh dũng cứ tái hiện về qua lời kể, sống động như vừa mới diễn ra ngày hôm qua vậy...

Hơn hai mươi chiến sĩ, họ thuộc đủ các binh chủng: bộ binh, công binh, pháo binh, thông tin liên lạc... và cả thanh niên xung phong. Nhiều người quê Yên Bái, có người ở tận Thanh Hóa, Nghệ An nhưng cùng chung một mặt trận đánh tan tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Con đường hành quân gắn với những địa danh đã đi vào lòng người, ghi trong lịch sử: đèo Lũng Lô, dốc Pha Đin, Ngòi Lao, Tạ Khoa, Cò Nòi, Mường Phăng...

Ông Nguyễn Công Hoan, nguyên pháo thủ số 2 pháo phối hợp đi cùng bộ binh kể: “Đơn vị chúng tôi nhận lệnh hành quân lên Tây Bắc tham gia chiến dịch Trần Đình. Hành quân từ Tuyên Quang sang Yên Bái, qua bến phà Âu Lâu vào đến đèo Lũng Lô, vượt sông Đà ở bến Tạ Khoa đến ngã ba Cò Nòi, Hát Lót thì nhận được tin địch ở Nà Sản (Sơn La) đã rút hết. Đơn vị dừng ở đây nghiên cứu cách bố phòng của cứ điểm địch và hôm sau nhận lệnh hành quân vào Điện Biên Phủ.

Đến nơi được giao phối hợp với một đơn vị của Sư đoàn 308 làm nhiệm vụ pháo đi cùng, thọc sâu vào cứ điểm Mường Thanh. Khi đã chuẩn bị đầy đủ, chờ tấn công thì có lệnh hoãn và lại rút ra chuyển sang chiến đấu giải phóng Bắc Lào. Lúc quay trở lại Điện Biên Phủ phải vượt qua 29 đèo cao, đơn vị được Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Chính ủy Sư đoàn 351 đến động viên, trao lá cờ đơn vị chịu đựng gian khổ khá nhất của Bác Hồ tặng.

Tại đây, cấp trên phân công đơn vị phối hợp với Sư đoàn 304 đánh tiểu khu Hồng Cúm. Riêng khẩu đội tôi đã bắn cháy 2 máy Đa-cô-ta và một máy bay trực thăng khi chúng hạ cánh xuống phân khu này. Rồi cơ động đưa pháo xuống cánh đồng Mường Thanh đã góp phần bắn cháy một xe tăng và một máy ủi của địch, không cho chúng lấp giao thông hào...”.

Ông Vũ Ngọc Cáp ở pháo phòng không cũng say sưa với trận chiến cùng máy bay Pháp: “Cả trận địa như một lưới lửa bao bọc mục tiêu, tốp đi đầu bị diệt, tốp thứ hai thấy vậy liền nâng độ cao và vòng quay trở lại không dám tiến vào nữa. Sau giờ phút máy bay địch rơi, bầu trời Mường Thanh trở lại yên tĩnh. Dưới mặt đất, một không khí sôi động khác thường, bộ đội cùng dân công reo hò: “Hoan hô các đồng chí đã đánh thắng, bắn trúng!”.

Từng bị thương nặng, phải gửi lại một cánh tay ở chiến trường Điện Biên Phủ, cựu chiến binh Phạm Văn Xiển kể về trận đánh cứ điểm 105. Đây là một pháo đài kiên cố nằm ở phía bắc Sân bay Mường Thanh nhằm ngăn chặn từ đầu không cho quân ta tấn công vào khu trung tâm và sở chỉ huy của địch. Giành giật từng tấc đất, chiến sự giữa ta và địch diễn ra gay go, quyết liệt. Rồi căn cứ này cũng bị xóa sổ vào rạng ngày 30 tháng 4 năm 1954 với hơn 600 tên địch bị tiêu diệt và bắt sống.

Trận đánh đồi A1 và giây phút địch kéo cờ hàng cũng được các cựu chiến sĩ Mai Văn Mùi, Đặng Ngọc Chi, Nguyễn Văn Đích... trực tiếp tham gia, chứng kiến, kể lại trong sự xúc động: “...Gần một giờ sau, tất cả các ngách hào, đồn bốt của Pháp cờ trắng rất nhiều, bằng vải dù, bằng cả khăn mặt. Chúng tràn cả lên trên hầm hào, tiến về phía quân ta, thằng nào thằng nấy hốc hác, râu ria xồm xoàm, mặt cúi gầm, miệng lẩm bẩm câu xin tha... xin tha”.

Nghe chuyện mà bên tai như có cả tiếng quân reo, lòng hừng hực với khí thế Điện Biên Phủ và càng tự hào bởi một Việt Nam “từ trong máu lửa/ Rũ bùn đứng dậy sáng lòa”. Cũng tại đây, có những câu chuyện chưa bao giờ kể và hôm nay mới được dịp nói cùng đồng đội. Ông Nguyễn Thiện, vốn là lính thông tin, có kỷ niệm không quên về vị Đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp: “Vào khoảng 4, 5 giờ chiều, tôi đang chuyển điện thì Đại tướng vào hầm.

Cùng đi có anh Mai Huy Đạo - Đài trưởng và một, hai người nữa. Mặc dù biết tôi đang phát điện tín và 2 chiến sĩ đang quay ra-gô-nô (máy phát điện) song anh Đạo vẫn hô: "Nghiêm – Chào”. Hai chiến sĩ đang quay ngừng ngay lại đứng lên giơ tay định chào, tôi quay lại quát: “Quay đi chứ, nghiêm cái gì?”. Thế là hai chiến sĩ lại phải ngồi xuống, tiếp tục quay. Mọi người ngơ ngác cho là tôi làm không đúng nhưng Đại tướng lại ôn tồn nói: “Đồng chí cứ làm việc đi” rồi cùng mọi người ra khỏi hầm. Hết phiên liên lạc, tôi đến hầm chỉ huy để nghe Đại tướng nói chuyện trong tâm trạng lo lắng về việc vừa rồi. Nhưng khi gặp thì ông lại rất vui vẻ, khen tôi làm đúng”.

Còn tại ngầm Ngòi Lao, ông Nguyễn Văn Ngọ không chỉ có vinh dự được gặp nhà điện ảnh lỗi lạc của nước Nga Xô Viết Các-men mà còn có sáng kiến đưa ông cùng các phương tiện quay phim ra chiến trường để làm phim về Điện Biên Phủ. Ông nhớ lại: “Suốt 3 ngày liền, có ngày địch ném bom bắn phá nhiều lần nên ngầm Ngòi Lao xe không thể qua được.

Trên yêu cầu bằng mọi cách đưa được người và dụng cụ quay phim của đoàn vào đến bản Dạ - chân đèo Lũng Lô. Chỉ có một cách là huy động ngựa thồ. Trong khi ngựa của ta nhỏ mà đồng chí Các-men nặng những 92kg. Tôi liền đề xuất, lấy 2 con ngựa đóng sẵn yên cương để đồng chí cưỡi, con này mệt thì chuyển sang cưỡi con khác. Từ ngầm Ngòi Lao đến bản Dạ, đồng chí Các-men phải thay ngựa 3, 4 lần và rồi cũng tới nơi...”. 

Đến với cuộc gặp gỡ hôm nay, không ai quên cái gian khổ “Năm mươi sáu ngày đêm khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt”. Cựu chiến sĩ Điện Biên Phủ - Vũ Xuân Tứ, nguyên Tiểu đội phó - Đại đội 61 thuộc Sư đoàn 308 cảm xúc ghi lại bằng hình tượng Cái lán chiến dịch: “Cái lán làm bằng gỗ, nứa ghép lại; nằm bằng các loại lá rừng, lợp cũng bằng các loại lá rừng. Song nó đùm bọc chiến sĩ ta. Cái lán ấy vui khi các chiến sĩ ra trận trở về, chứng kiến bữa cơm vui và cũng chứng kiến bữa cơm buồn khi có người không bao giờ về nữa”.

Thắng lợi rồi, một số chiến sĩ vẫn ở lại quân ngũ tiếp tục xây dựng quân đội vững mạnh để đánh Mỹ, Ngụy giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc và làm nên một Điện Biên Phủ trên không cùng đại thắng trong Chiến dịch Hồ Chí Minh mùa xuân 1975. Nhiều người ra quân, về các cơ quan dân sự, góp sức mình làm nên nhiều công trình to lớn cho chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc. Và khi về nghỉ, họ vẫn là những tấm gương mẫu mực nêu cao phẩm chất bộ đội Cụ Hồ để lớp con cháu noi theo.

Cũng trong buổi gặp mặt này, hùng khí Điện Biên Phủ còn dư ba mãi, ông Đặng Ngọc Chi – Chủ tịch Câu lạc bộ đứng dậy cầm nhịp hát bài Trên đồi Him Lam của nhạc sĩ Đỗ Nhuận. Quên cả tuổi già, tất cả cùng cất cao giọng: “Hôm qua đánh trận Điện Biên, chiến hào xuất kích đồi Him Lam ta tiến vào đột phá... đánh vào. Đi mở đường thắng lợi, ba tháng đổ mồ hôi ta tới đây, quyết diệt cho hết quân thù”. Lời ca vang xa, vang xa...

T.Q

Các tin khác

YBĐT - Đó là ông Nguyễn Văn Toàn – Chủ tịch ủy ban MTTQ xã Yên Thành (Yên Bình - Yên Bái). Với 95% dân số của xã là đồng bào dân tộc thiểu số, đời sống khó khăn nên việc tuyên truyền, hướng dẫn cho nhân dân hiểu các văn bản pháp luật, quy chế dân chủ ở cơ sở... gặp nhiều vướng mắc. Làm gì để những văn bản đi vào được thực tế đời sống nhân dân, để góp phần giảm thiểu các vụ việc tranh chấp đất đai, đơn thư khiếu nại... luôn là nỗi trăn trở của ông.

Thời tiết giao mùa trẻ em là đối tượng dễ mắc phải các bệnh về đường hô hấp và tiêu chảy.

YBĐT - Tuy mới vào những ngày đầu hè nhưng thời gian qua số trẻ em nhập viện ở Yên Bái liên tục tăng nhanh. Theo các bác sỹ thì nguyên nhân chủ yếu là do sự thay đổi của thời tiết đã ảnh hưởng đến sức khỏe của các cháu.

HS trường THPT Bùi Thị Xuân TP.HCM đang ôn thi

Chỉ còn 3 tuần nữa sẽ diễn ra kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2009, ông Trần Văn Nghĩa - Phó cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ GD-ĐT) đã trả lời Báo Thanh Niên những vấn đề thí sinh còn đang thắc mắc xung quanh kỳ thi này.

Vụ cháy xảy ra tại ga Giáp Bát vào khoảng 17h ngày 6/5.

Khoảng 16h30 ngày 6/5, một vụ cháy lớn đã xảy ra tại nhà kho vận chuyển hàng hóa của ga Giáp Bát (quận Hoàng Mai, Hà Nội). Hiện chưa có số liệu thống kê thiệt hại cụ thể về người và tài sản nhưng đến khoảng gần 20h, đám cháy cơ bản đã được dập tắt.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục