Bệnh viện dã chiến phát huy hiệu quả
- Cập nhật: Thứ bảy, 1/8/2009 | 12:00:00 AM
Trao đổi với báo giới sáng 31-7, BS Nguyễn Văn Châu, Giám đốc Sở Y tế TPHCM, thông báo các chùm dịch cúm A/H1N1 phát sinh trên địa bàn TP đã được ngăn chặn kịp thời. >>>Hà Nội: Cúm A/H1N1 xuất hiện trong trường học.
Dặn dò các nữ sinh Trường THPT tư thục Nguyễn Khuyến (Tân Bình, TPHCM) vừa điều trị khỏi cúm A/H1N1 trước khi các em về nhà.
|
Tại Trường THPT Tư thục Ngô Thời Nhiệm, nơi phát sinh chùm cúm A/H1N1 đầu tiên với gần 100 em bị mắc, được triển khai thành bệnh viện dã chiến đã không còn phát hiện thêm ca mắc mới từ 3 ngày qua.
Sáng 31/7, toàn bộ khu vực trường cũng như phòng học đã được sát khuẩn để trả lại môi trường trong sạch cho nhà trường chuẩn bị khai giảng năm học mới.
Người dân trang bị khẩu trang y tế phòng tránh cúm A/H1N1 |
Theo BS Châu, số học sinh được cách ly điều trị tại đây đã ổn định sức khỏe, chỉ còn 4 học sinh được tiếp tục theo dõi tại các bệnh viện quận huyện. Như vậy, bệnh viện dã chiến phòng chống cúm A/H1N1 đầu tiên đã phát huy hiệu quả đúng như kế hoạch khi số ca mắc không tăng lên nhiều, không lây lan ra khu vực cộng đồng xung quanh.
Trong khi đó, bệnh viện dã chiến tại Trường THPT Tư thục Nguyễn Khuyến (Q.Tân Bình) chỉ còn hơn 10 học sinh được cách ly. Theo BS Trần Quang Minh, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng quận Tân Bình, trong 2 ngày qua không có thêm ca mắc mới. Tình hình sức khỏe của các học sinh được cách ly vẫn ổn định, tâm lý tốt. Nếu không có thêm ca mắc, khoảng 3-4 ngày nữa bệnh viện dã chiến Nguyễn Khuyến cũng được giải phóng để nhà trường tổng vệ sinh chuẩn bị cho khai giảng.
Chiều 31/7, Tổng Giám đốc Trường Đại học RMIT Việt Nam, GS Merilyn Liddell, cũng cho biết sẵn sàng mở cửa hoạt động trở lại Trường Đại học RMIT Nam Sài Gòn (quận 7) sau 1 tuần tạm đóng cửa để phòng ngừa lây lan dịch cúm A/H1N1. Hiện nhà trường đã tiến hành tổng vệ sinh cơ sở và tăng cường các biện pháp ngăn ngừa cúm A/H1N1 cho cộng đồng sinh viên và nhân viên RMIT Việt Nam, để mở cửa trở lại vào ngày 3-8.
Riêng các ca cúm A/H1N1 xuất hiện tại một số trường học, địa điểm khác, theo BS Nguyễn Văn Châu đã được giám sát chặt chẽ và tiến hành các biện pháp kiểm dịch kịp thời và chưa ghi nhận sự lây lan rộng.
Một số trường học ở quận 8 dán thông báo tạm đóng cửa trong vòng nửa tháng. |
Chiều 31-7, có mặt tại quận 8, chúng tôi thấy hầu hết các trường mầm non, tiểu học có học sinh học hè đều dán thông báo tạm đóng cửa từ ngày 3 đến 14-8 hoặc dài hơn là tới ngày 16-8.
Cô Phạm Kim Tuyền, quản lý Trường Mầm non Tư thục Ánh Linh cho biết, trước tình hình cúm A/H1N1 đang “tấn công” vào các trường học, ngày 29-7, Phòng Giáo dục quận 8 đã có công văn yêu cầu trường mầm non, trường tiểu học trên địa bàn tạm đóng cửa, học sinh sẽ tạm nghỉ trong 2 tuần, từ ngày 3 đến hết ngày 16-8. Ngay sau khi nhận được thông báo, trường đã thông báo cho phụ huynh học sinh của trường. “Nếu không có gì xảy ra thì trường sẽ mở cửa trở lại, còn nếu không an toàn thì khả năng tiếp tục đóng cửa…”.
Theo thông tin từ Trường Mầm non 19-5 TP (tổng số 500 HS), từ khi có dịch cúm A/H1N1 trung bình mỗi ngày trường phát hiện 1-3 cháu có dấu hiệu bị ốm, tuy nhiên đến nay vẫn chưa có trẻ nào mắc cúm. Tương tự, tại Trường Mầm non Ánh Linh (quận 8) có khoảng 150 trẻ, từ đầu tháng 7 đến nay mỗi ngày qua sàng lọc cũng có trung bình khoảng 1 cháu có dấu hiệu mắc bệnh và nhà trường đều đã có hướng xử lý tương tự Trường Mầm non 19-5 TP. Theo giáo viên các trường này, nguyên nhân do trẻ có những biểu hiện bệnh là do thời tiết thất thường, trẻ dễ mắc bệnh.
Tuy nhiên, vẫn có không ít ý kiến băn khoăn, đóng cửa các trường mầm non liệu có phải là giải pháp tốt nhất?
Hà Nội: Cúm A/H1N1 xuất hiện trong trường học
Chiều 31-7, Bộ Y tế cho biết, trong ngày, Việt Nam ghi nhận thêm 56 trường hợp dương tính với cúm A/H1N1 (miền Nam 45 ca, miền Bắc 6 ca, miền Trung 4 ca, Tây Nguyên 1 ca), nâng tổng số người mắc lên 850 trường hợp dương tính với cúm A/H1N1 tại 23 tỉnh, thành phố trong cả nước. Hiện nay đã có 452 bệnh nhân ra viện, 398 trường hợp còn lại đang được cách ly, điều trị tại các bệnh viện, cơ sở điều trị, giám sát cộng đồng trong tình trạng sức khỏe ổn định, không có biến chứng nặng.
Theo nhận định của Bộ Y tế, tại Hà Nội cũng đã ghi nhận trường hợp mắc cúm A/H1N1 đầu tiên trong trường học. Bệnh nhân là em Ngô Đại Dương, học sinh lớp 12B Trường THPT Dân lập Lomonoxop (khu đô thị Mỹ Đình 2, Từ Liêm, Hà Nội) dương tính với virus cúm A/H1N1 sau khi đi du lịch Thái Lan.
Hiện em Dương đang điều trị tại Viện Các bệnh truyền nhiễm và nhiệt đới quốc gia. Công tác khử trùng tại Trường Lomonoxop đã được triển khai. Trường cũng tạm ngừng hoạt động đến hết ngày 3-8.
Dịch cúm cũng tiếp tục lây lan trong công sở ở Hà Nội. Tại tòa nhà làm việc của Tổng cục Kỹ thuật Bộ Công an, số 280 Lạc Long Quân, quận Tây Hồ, cũng đã phát hiện 1 trường hợp nghi nhiễm cúm A/H1N1 là cán bộ của đơn vị, đã được chuyển đến điều trị tại bệnh viện.
10 khuyến cáo phòng chống cúm A/H1N1 trong trường học
(Bộ Y tế ban hành ngày 31-7)
1. Cúm A/H1N1 là bệnh nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính do virus cúm A/H1N1 gây ra.
2. Bệnh lây truyền qua đường hô hấp do tiếp xúc với các giọt nước bọt hay dịch tiết mũi họng của người bệnh hoặc với đồ vật bị nhiễm virus rồi đưa lên mũi, miệng.
3. Bệnh lây nhiễm nhanh từ người sang người trong thời gian 1 ngày trước tới 7 ngày sau kể từ khi có triệu chứng bệnh.
4. Những người mắc bệnh mạn tính, phụ nữ mang thai, người già, trẻ em cần tránh tiếp xúc với người nghi ngờ mắc bệnh.
5. Tăng cường vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, che miệng và mũi khi ho, hắt hơi.
6. Học sinh, sinh viên và nhân viên tự theo dõi sức khỏe hàng ngày, nếu có biểu hiện sốt, ho, đau họng… thì thông báo cho ban giám hiệu, y tế địa phương.
7. Tránh tiếp xúc với người bị cúm. Đeo khẩu trang y tế và giữ khoảng cách trên 1m nếu phải tiếp xúc với người bệnh.
8. Vệ sinh và mở cửa thoáng mát nơi ở, lớp học, phòng làm việc; lau chùi bề mặt, vật dụng bằng hóa chất sát khuẩn thông thường.
9. Học sinh, sinh viên, cán bộ và nhân viên có biểu hiện cúm khi đang ở nhà trường thì cần được cách ly và đeo khẩu trang.
10. Không tự ý sử dụng thuốc đặc biệt là thuốc kháng virus như Tamiflu... Việc chỉ định sử dụng phải theo hướng dẫn của thầy thuốc.
(Theo SGGP)
Các tin khác
Chiều 31.7, ông Vũ Văn Luật - Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi và Phòng chống lụt bão tỉnh Lai Châu cho biết, lực lượng chức năng cùng với người dân H.Mường Tè đang nỗ lực tìm kiếm 2 người mất tích do bị lũ quét cuốn trôi và khắc phục hậu quả do mưa và sạt lở đất gây ra.
YBĐT – Trong thời gian qua, Công ty Bảo hiểm Nhân thọ tiếp tục khẳng định vị trí vững chắc trên thị trường bảo hiểm Yên Bái. Chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2009, tổng doanh thu phí bảo hiểm đạt 23.785 triệu đồng đạt 53,77% kế hoạch năm, thu khai thác mới được 5.707 triệu đồng đạt 63,41%, doanh thu phí bảo hiểm đầu tiên được 5.617 triệu đồng, đạt 72,5%, thu phí bảo hiểm năm thứ nhất đạt 7.595 triệu đồng; tỷ lệ thu phí được duy trì ổn định ở mức 97,1%. Mạng lưới khai thác tiếp tục được củng cố và phát triển. Chất lượng phục vụ khách hàng ngày càng được cải thiện.
YBĐT-Nhằm hỗ trợ cho các hộ nghèo về nhà ở theo Quyết định 167/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Yên Bái đã triển khai thực hiện, các địa phương đã tiến hành rà soát, bình xét được 9.001 hộ nghèo thuộc diện được hỗ trợ. Tuy nhiên, trong quá trình thống kê, bình xét, lập danh sách từ cơ sở thiếu nhất quán, không công bằng gây dư luận xấu trong nhân dân.
Từ đầu tuần, các tỉnh miền Bắc liên tục trải qua những ngày thời tiết thất thường. Mưa rào và dông xuất hiện bất chợt trong ngày. Trời nhiều mây.