Kết quả đợt tổng rà soát người nghiện ma túy ở Yên Bái
- Cập nhật: Thứ ba, 4/8/2009 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - UBND tỉnh Yên Bái vừa tổ chức tổng rà soát người nghiện ma tuý trên địa bàn tỉnh. Đây là một chủ trương lớn, thể hiện sự quyết tâm từng bước ngăn chặn, kiềm chế và làm giảm tội phạm về ma tuý trên địa bàn tỉnh. Từ đó sẽ đưa ra các giải pháp hành chính, pháp luật, kinh tế, chuyên môn để giải quyết thực trạng này.
Khám chữa bệnh cho người nghiện tại lớp cai nghiện tập trung xã Xà Hồ, Trạm Tấu.
|
Để tổ chức thực hiện có hiệu quả kế hoạch tổng thể phòng chống ma tuý giai đoạn 2007 - 2010 của Chính phủ và Ủy ban Quốc gia phòng chống ma tuý, làm tiền đề cơ bản cho công tác phòng chống ma tuý những năm tiếp theo, UBND tỉnh chủ trương tiến hành tổng điều tra, rà soát tình hình người nghiện ma tuý trên địa bàn toàn tỉnh Yên Bái theo đúng phương châm “Soát từng nhà, rà từng người, đảm bảo chính xác, không trùng, không sót”. Danh sách người nghiện ma tuý được đưa ra phổ biến công khai, có xác nhận ở tổ dân phố, cụm dân cư, thôn bản, cơ quan, doanh nghiệp, trường học. Tất cả những người nghi nghiện đều phải đưa đến cơ sở y tế để xét nghiệm. UBND tỉnh cũng giao nhiệm vụ cụ thể cho từng ngành, từng cấp.
Sau 6 tháng tổ chức đợt tổng rà soát, tính đến ngày 31/5/2009 trên địa bàn toàn tỉnh có 2548 người nghiện, 1615 người nghi nghiện. Mù Cang Chải có số người nghiện cao nhất (gần 1000 người), số người nghi nghiện ở Mù Cang Chải là trên 100 người. Tiếp theo là thành phố Yên Bái và huyện Văn Chấn, mỗi nơi có trên dưới 500 người nghiện và nghi nghiện. Huyện Lục Yên có số người nghiện và nghi nghiện ít nhất (trên 100 người).
Trong tổng số 2.548 người nghiện thì 400 người trong Trung tâm cai nghiện, 100 người trong Trại tạm giam và khoảng 2000 người ngoài xã hội. Phân tích theo giới tính, người nghiện là nữ chỉ chiếm hơn 100 người. Người nghiện dưới 18 tuổi, từ 18 - 45 tuổi là trên 1600 người, trên 45 tuổi là hơn 900 người.
Gần 950 người nghiện mù chữ. Trình độ văn hoá tiểu học và trung học cơ sở là trên 1200 người, trung học phổ thông có 300 người và gần 20 người có trình độ đại học! Số người nghiện có tiền án, tiền sự là gần 800 người.
Hầu hết người nghiện là lao động tự do và không nghề nghiệp. Thời gian sử dụng ma tuý hơn 5 năm là trên 1800 người; hình thức sử dụng ma tuý “hút” là gần 1400 người, “chích” trên 700 người, “hít” trên 300 người. Về nguyên nhân nghiện, hầu hết do nguyên nhân xã hội (trên 2200 người), sử dụng ma tuý để chữa bệnh (trên 300 người). Trong tổng số 2548 người nghiện thì trên 700 người đã cai tại Trung tâm cai nghiện, trên 700 người cai tại cộng đồng, trên 400 người cai tại gia đình. Tính đến ngày 31/5/2009 trên địa bàn tỉnh Yên Bái có 743 người cai nghiện thành công. Đây thực sự là nguồn động viên cho trên 2500 người nghiện còn lại.
Qua đợt tổng rà soát đã góp phần nâng cao nhận thức, sự hiểu biết và quan tâm của các cấp các ngành cũng như của nhân dân về công tác phòng, chống, kiểm soát ma tuý, làm cho mọi người thấy rõ hơn mức độ nguy hiểm của tệ nạn ma tuý đối với mỗi gia đình, cá nhân cũng như cộng đồng xã hội, tạo khí thế mạnh mẽ đấu tranh phòng, chống tệ nạn ma tuý trên địa bàn trong thời gian tới. Kết quả đã giúp cho tỉnh và các đơn vị xác định sát thực hơn số người nghiện ma tuý, số người nghi nghiện ma tuý và một số vấn đề liên quan đến ma tuý trên địa bàn. Từ kết quả đợt tổng rà soát cho thấy: công tác phòng ngừa người nghiện ma tuý có hiệu quả tích cực (chỉ có một người nghiện dưới 18 tuổi); cần tiếp tục nâng cao trình độ học vấn cho người dân (số người nghiện mù chữ gần 950 người); tạo công ăn việc làm cho người lao động (hầu hết người nghiện là lao động tự do hoặc không nghề nghiệp).
Đại tá Nguyễn Hoàng Hà – Giám đốc Công an tỉnh, Phó trưởng ban thường trực Ban chỉ đạo Tổng rà soát người nghiện ma tuý của tỉnh cho biết: Để đánh giá chính xác hơn nữa tình hình người nghiện ma tuý trên địa bàn tỉnh, phục vụ đắc lực cho công tác chỉ đạo phòng chống tệ nạn ma tuý nói chung, quản lý và giải quyết người nghiện nói riêng, trong thời gian tới, Ban chỉ đạo 138 và Ban chỉ đạo Tổng rà soát người nghiện của tỉnh yêu cầu Ban chỉ đạo 138 và Ban chỉ đạo Tổng rà soát người nghiện các huyện, thị xã, thành phố và các ngành cần tập trung, nghiêm túc thực hiện tốt việc tổ chức tổng kết đánh giá kết quả triển khai thực hiện tổng rà soát người nghiện ma tuý trên địa bàn quản lý; tiếp tục chỉ đạo các đơn vị, lực lượng chức năng phối hợp chặt chẽ, tiến hành các biện pháp vận động người nghi nghiện và gia đình, cơ quan tự khai báo, đồng thời tổ chức cưỡng chế để kiểm tra, xét nghiệm toàn bộ số người nghi nghiện ma tuý trên địa bàn để kết luận chính xác, thống kê, phân loại, đưa vào danh sách chính thức để quản lý và tổ chức cai nghiện, chống tái nghiện có hiệu quả; căn cứ vào kết quả tổng rà soát người nghiện ma tuý, các đơn vị, địa phương tiếp tục xây dựng kế hoạch duy trì việc quản lý chặt chẽ, đầy đủ, thường xuyên, có giải pháp giải quyết tình hình người nghiện ma tuý, tổ chức cai nghiện, quản lý sau cai nghiện phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương và theo đúng quy định của pháp luật.
Nguyễn Chí Dân
Các tin khác
Thay vì đi lên phía bắc và đổ bộ vào tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc), bão số 6 một lần nữa bẻ ngoặt, hướng vào khu vực vịnh Bắc Bộ với sức gió giật tới cấp 10. Các tỉnh miền Bắc từ đêm mai có mưa lớn.
Ngày 3-8, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT đã quyết định thành lập Ban Chỉ đạo công tác y tế trường học của Bộ GD-ĐT.
YBĐT - Năm 1909, thực dân Pháp thành lập Châu Than Uyên bao gồm cả huyện Mù Cang Chải (Yên Bái) ngày nay. Với chính sách bóc lột và sưu cao thuế nặng, thực dân Pháp đã làm cho đời sống của người Mông Mù Cang Chải cũng như cộng đồng các dân tộc vùng Tây Bắc bị đẩy đến cùng cực. Các phong trào chống Pháp của nhân dân Yên Bái theo ngọn cờ của Nguyễn Quang Bích, Nguyễn Văn Giáp, phong trào Cần Vương... xây dựng các căn cứ kháng chiến ở Đại Lịch, Mường Lò, Mường Cơi, Thu Cúc, ngăn cản quân địch chiếm Văn Chấn liên tục nổ ra.
YBĐT - Năm 2009, 18 xã của huyện Văn Yên (Yên Bái) đã tiến hành xây dựng địa bàn lành mạnh, không có tệ nạn xã hội. Đợt một, Văn Yên tập trung xây dựng ở các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và những địa phương có nguy cơ phát sinh tệ nạn xã hội cao.