Chống AIDS ở địa bàn trọng điểm: Phải bắt đầu từ dân

  • Cập nhật: Thứ sáu, 21/8/2009 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - Cấp uỷ, chính quyền cũng như các cơ quan chức năng cho dù có quyết tâm, có mạnh tay đến đâu song không được nhân dân ủng hộ, giúp sức thì cũng không thể đạt kết quả bất kể việc bé hay lớn. “Dễ trăm lần, không dân cũng chịu, khó vạn lần, dân liệu cũng xong”. Nhưng vấn đề chính là ở chỗ “dân liệu” chứ không phải là “quan liệu”. Cuộc chiến chống HIV/AIDS của thành phố Yên Bái (Yên Bái) với trên 900 người nhiễm HIV/AIDS lại càng cần cái sự “liệu” ấy của dân hơn bao giờ hết.

Một buổi sinh hoạt nhóm của các thành viên Câu lạc bộ Đồng Cảm, phường Yên Thịnh, thành phố Yên Bái.
Một buổi sinh hoạt nhóm của các thành viên Câu lạc bộ Đồng Cảm, phường Yên Thịnh, thành phố Yên Bái.

Phải bắt đầu từ dân

Công tác tuyên truyền phòng, chống HIV/AIDS ở tất cả 17/17 xã, phường của thành phố đã chứng minh điều ấy. Người bị nhiễm là dân, người gây nhiễm là dân, người bị ảnh hưởng, bị thiệt hại, thậm chí bị phân biệt, kỳ thị cũng là dân, vậy thì việc đấu tranh phòng, chống HIV/AIDS cũng phải bắt đầu từ dân.

Xác định rõ phương châm đó, những cán bộ y tế phường Nguyễn Thái Học - địa bàn có số người nhiễm HIV cao nhất thành phố đã tập trung hướng mạnh công tác tuyên truyền tới người dân. Tháng 6/2007, phường đã thành lập Ban chỉ đạo phòng, chống HIV/AIDS gồm 13 thành viên. Tiếp theo đó là thành lập một đội tuyên truyền phòng, chống HIV/AIDS, 1 câu lạc bộ phòng, chống ma tuý với kế hoạch truyền thông hàng tháng được xây dựng rất cụ thể, phong phú.

Đội ngũ cán bộ y tế cơ sở, giáo dục viên đồng đẳng và tuyên truyền viên phòng, chống HIV/AIDS của phường thường xuyên tổ chức tuyên truyền công tác phòng, chống HIV/AIDS tới từng khu phố, tổ nhân dân và cả các  trường học trên địa bàn phường để tất cả người dân ở mọi lứa tuổi đều biết cách phòng, chống sự lây nhiễm của căn bệnh AIDS.

Đó là những buổi sinh hoạt được tổ chức lồng ghép với cuộc họp khối quân dân chính hoặc ban dân số, chi hội phụ nữ ở các tổ dân phố, những buổi sinh hoạt ngoại khóa tại các nhà trường giúp học sinh hiểu và nắm được những kiến thức cơ bản về phòng, chống HIV/AIDS. Với cách làm này, trung bình một tháng đội tuyên truyền của phường Nguyễn Thái Học tuyên truyền được từ 2 - 4 buổi ở các khu dân cư và tổ dân phố trên địa bàn. Địa phương còn tuyên truyền về HIV/AIDS trên hệ thống loa truyền thanh của phường, phát gần 500 tờ rơi tuyên truyền tới tận tay người dân.

Em Đỗ Thanh Tùng, học sinh lớp 7c, Trường THCS Lê Hồng Phong tâm sự: “Lúc đầu cả cháu và các bạn đều rất ngại nghe về HIV nhưng khi được các anh, chị trong đội tuyên truyền của phường phân tích mới thấy mình cần phải biết để phòng tránh sự lây nhiễm của HIV”. Bác sĩ Nguyễn Việt Phương, Trưởng Trạm Y tế phường khẳng định: “Muốn chống AIDS trước hết phải bắt đầu từ người dân, từ những bệnh nhân bị nhiễm HIV/AIDS, làm sao để mỗi người trong số họ phải là một hạt nhân tuyên truyền tích cực trong công tác phòng, chống HIV/AIDS”.

Đoàn thành phố Yên Bái đạt giải cao nhất trong cuộc thi tuyên truyền viên giỏi phòng, chống HIV/AIDS khu vực các tỉnh miền núi phía Bắc năm 2008.

Biết lấy dân làm gốc

Quả thực, kể cả những gia đình có người thân mắc nghiện hay bị nhiễm HIV/AIDS thì khi đã được tuyên truyền thấu đáo, đã thông tỏ tất cả các vấn đề trong cộng đồng, họ sẵn sàng hết mình cho việc đấu tranh loại trừ AIDS. Bởi hơn ai hết, họ là những người hiểu được điều sâu xa nỗi đau do AIDS mang lại. Vì thế mà trên địa bàn toàn tỉnh có hàng chục câu lạc bộ phòng, chống HIV/AIDS được thành lập, đã và đang hoạt động rất hiệu quả.

Sự ra đời của Câu lạc bộ Hoa ban trắng, Câu lạc bộ Chia sẻ, Câu lạc bộ Đồng cảm, Câu lạc bộ cha mẹ phòng, chống ma tuý… trên địa bàn thành phố đã chứng minh điều đó. Sinh hoạt trong các mô hình câu lạc bộ ấy, những người cùng cảnh ngộ dễ cảm thông, chia sẻ vui buồn với nhau. Những bệnh nhân không may bị nhiễm HIV/AIDS đã tìm được tiếng nói chung trong cộng đồng, giảm bớt  sự mặc cảm, tự ti trong giao tiếp xã hội.

 Tính đến nay, thành phố Yên Bái có 922 trường hợp nhiễm HIV/AIDS, trong đó có 144 trường hợp chuyển sang giai đoạn AIDS. Trong đó, phường Nguyễn Thái Học có 174 người nhiễm HIV/AIDS, đã chết 12 người do AIDS; phường Yên Ninh có 129 người, đã chết 6; phường Hồng Hà 118 người, đã chết 5; phường Nguyễn Phúc 108 người, đã chết 6; phường Yên Thịnh 88 người, đã chết 4; phường Đồng Tâm 86 người, đã chết 3; phường Minh Tân 59 người; xã Tuy Lộc 36 người, đã chết 3; xã Âu Lâu 30 người, đã chết 2; xã Nam Cường 11 người; còn lại các xã Giới Phiên, Phúc Lộc, Văn Phú và Văn Tiến mỗi xã có từ 2 – 9 người nhiễm.

 Thực tế đã chứng minh, khi công tác phòng, chống HIV/AIDS đang dần được xã hội hoá thì những cán bộ lãnh đạo cao nhất ở mỗi địa phương phải thực sự đi tiên phong trong việc chống phân biệt đối xử, kỳ thị với người có HIV ở khu phố mình. Đây chính là việc mà không phải bất kỳ cán bộ cơ sở nào ở các xã, phường của thành phố cũng làm được.

Bác sĩ Lê Văn Nam, Trạm trưởng Trạm Y tế phường Đồng Tâm cho biết: “Hoạt động tuyên truyền, tọa đàm nhóm của phường được tổ chức thường có các đồng chí là bí thư chi bộ, các đoàn thể và những gia đình có người nhiễm HIV cùng tham dự. Mục đích cao nhất là tất cả cộng đồng cùng chung tay lấp “hố sâu” ngăn cách với những bệnh nhân của HIV/AIDS”. Theo bác sĩ Nam thì chính sự phân biệt, kỳ thị của cộng đồng là những “hố sâu” ngăn cách khiến cho căn bệnh thế kỷ HIV/AIDS ngày càng lây lan rộng.

Làm tốt các hoạt động tuyên truyền, không đối xử, kỳ thị với người có HIV, những cán bộ làm công tác phòng, chống AIDS trên địa bàn của những phường có tỷ lệ người nhiễm HIV cao như: Nguyễn Thái Học, Yên Ninh, Hồng Hà, Nguyễn Phúc, Đồng Tâm… đã được người dân tin cậy. Được các tuyên truyền viên gần gũi, động viên và giúp đỡ, rất nhiều bệnh nhân nhiễm HIV đã tìm đến các trạm y tế tình nguyện đăng ký tham gia hoạt động trong nhóm đồng đẳng viên tuyên truyền phòng, chống HIV/AIDS giúp những người nghiện trên địa bàn cách phòng, chống lây nhiễm HIV.

Gần 145 ngàn chiếc bơm kim tiêm sạch và trên 120 ngàn bao cao su được phát ra, trên 73 ngàn chiếc bơm kim tiêm bẩn được thu gom về là kết quả mà những đồng đẳng viên và đội ngũ tuyên truyền viên phòng, chống HIV/AIDS của thành phố đạt được trong 6 tháng đầu năm 2009. Kết quả đó đã góp phần quan trọng làm giảm thiểu sự lây lan của đại dịch HIV/AIDS trên địa bàn thành phố nói riêng và tỉnh Yên Bái nói chung.

 Và những giải pháp đồng bộ

Hầu hết những cán bộ làm công tác tuyên truyền phòng, chống HIV/AIDS trên địa bàn toàn tỉnh đều có chung một nhận xét rằng con số thực của bệnh nhân HIV/AIDS sẽ còn cao hơn rất nhiều so với con số đã công bố. Bởi theo khuyến cáo của tổ chức Y tế Thế giới (WHO) thì cứ 1 người bị nhiễm HIV trên địa bàn thì sẽ có tới 15 người khác có nguy cơ lây nhiễm. Đây thực sự là tiếng chuông báo động cho toàn xã hội phải chung tay, đồng sức, đồng lòng trong cuộc chiến chống lại căn bệnh HIV/AIDS. Trước hết, công tác tuyên truyền phải được đổi mới theo hướng cụ thể hơn, đa dạng hơn, phù hợp với nhiều lứa tuổi, thành phần trong xã hội. Làm sao để song song với việc chống sự phân biệt đối xử của xã hội thì những người bệnh nhiễm HIV/AIDS tự giác công khai danh tính, sẵn sàng đối mặt với cuộc chiến chống AIDS trong mọi hoàn cảnh.

Mọi đối tượng, thành phần, lứa tuổi trong xã hội đều có nguy cơ nhiễm HIV. Từ thực tế cho thấy HIV/AIDS đang tấn công mạnh mẽ vào đối tượng thanh niên, mà họ là lực lượng lao động chính của gia đình, xã hội, là rường cột, sức sống, tương lai của nước nhà, vì thế mỗi người, mỗi gia đình và xã hội cần có những hành động thiết thực và cụ thể hơn nữa để ngăn chặn căn bệnh này đối với giới trẻ.

Trong điều trị HIV, tuân thủ các quy định là yếu tố quyết định sự thành công. Người bệnh phải thực hiện 3 đúng: đúng thuốc (các loại thuốc kháng virus, thuốc chống nhiễm trùng cơ hội), đúng thời gian (ngày uống 2 lần, cách nhau 12 giờ) và đúng cách (tuân thủ các hạn chế về thức ăn và nước uống để đạt được hiệu quả cao nhất). Nếu quên thuốc quá 3 lần/tháng, điều trị coi như thất bại.

Chống AIDS là cuộc chiến đòi hỏi hơn bao giờ hết sự quyết tâm của những bệnh nhân AIDS, gia đình người bệnh và sự đồng thuận trong công tác phối hợp hoạt động của các cơ quan chức năng. Đấu tranh phòng, chống ma tuý, cũng là một trong những biện pháp hữu hiệu làm giảm thiểu sự lây lan của HIV/AIDS qua con đường tiêm chích ma tuý. Bên cạnh việc đưa công tác phòng, chống HIV/AIDS vào làm tiêu chí, nhiệm vụ trong xây dựng kế hoạch năm, mỗi cơ quan, đơn vị từ tỉnh đến cơ sở cần nêu cao hơn nữa vai trò, trách nhiệm của lãnh đạo cấp uỷ các cấp trong công tác lãnh, chỉ đạo thực hiện đấu tranh phòng, chống HIV/AIDS.

Đồng thời, có tổ chức kiểm tra, giám sát, sơ, tổng kết và khen thưởng kịp thời đối với những tập thể, cá nhân làm tốt công tác phòng, chống HIV/AIDS để nhân rộng điển hình, đặc biệt quan tâm tới những điển hình đấu tranh phòng, chống HIV/AIDS trong nhân dân, thậm chí ở ngay chính những câu lạc bộ của những người có HIV/AIDS - những người đang nỗ lực để được góp sức của mình cho cộng đồng.

Người tốt, việc tốt thì khen thưởng, biểu dương là lẽ đương nhiên, nhưng người chưa tốt (vì những lý do chủ quan, khách quan) mà làm được việc tốt, việc khó nên được biểu dương kịp thời, thiết nghĩ âu cũng là việc đáng làm. Tâm sự đó cũng là nỗi lòng “chưa thể tỏ cùng ai” của thân nhân và cả những người có HIV đang trực tiếp tham gia làm nhiệm vụ tuyên truyền phòng, chống HIV/AIDS trên địa bàn thành phố nói riêng và toàn tỉnh nói chung.

YBĐT

Các tin khác
Mức phạt liên quan đến vi phạm về quy định đội mũ bảo hiểm cũng sẽ tăng.

Ngày 20.8, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đã trình Chính phủ dự thảo Nghị định Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ.

Chiều 20-8, Bộ Công an đã tổ chức lễ công bố “bộ thủ tục hành chính thuộc phạm vi chức năng quản lý nhà nước của Bộ Công an”. Theo công bố, Bộ Công an sẽ quản lý 138 thủ tục hành chính ở bốn cấp, trong đó cấp trung ương (Bộ Công an) 41 thủ tục, cấp tỉnh thành (công an các tỉnh, TP) 60 thủ tục, cấp quận huyện là 19 và xã phường 18.

Gò cọ Đồng Yếng giờ trở thành điểm đến trong hành trình du lịch về Chiến khu Vần lịch sử.

YBĐT - 64 năm qua, người dân nơi đây tự hào về truyền thống lịch sử quê hương, một lòng một dạ theo Đảng, đóng góp sức người sức của vào công cuộc xây dựng đất nước. Cuộc sống của người dân bên Gò cọ Đồng Yếng đã ngày càng khởi sắc. Bà con đã dựa vào tiềm năng của đồng đất mà thâm canh ruộng nước, chăn nuôi gia súc, trồng rừng nguyên liệu, chăm sóc cây chè để bán cho các cơ sở chế biến.

Kiểm tra chiều cao của trẻ tại Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản tỉnh.

YBĐT - Năm 2005, Dự án Việt - Úc “Phòng chống giun móc và thiếu máu thiếu sắt cho phụ nữ lứa tuổi sinh sản” được triển khai tại huyện Yên Bình và Trấn Yên. Năm 2008 – 2009, Dự án tiếp tục được thực hiện trên qui mô toàn tỉnh Yên Bái. Từ thực hiện Dư án, sức khoẻ phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ ở Yên Bái đã và đang có được cải thiện đáng kể.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục