Di dời phòng tránh lũ quét, sạt lở đất ở Bạch Hà: Không thể chậm trễ!

  • Cập nhật: Thứ năm, 3/9/2009 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - Cơn lũ ống, lũ quét gây sạt lở đất, làm thiệt hại lớn về người và tài sản ở xã Bạch Hà, huyện Yên Bình (Yên Bái) đã đi qua hơn một năm. Tuy nhiên, đến bây giờ, 17 hộ dân thuộc diện di dời theo Quyết định 193 của Chính phủ để tránh lũ quét và sạt lở đất vẫn chưa tới địa điểm mới với nhiều lý do khác nhau...

Căn nhà của gia đình anh Bàn Văn Bình ở xóm Tre Ngà, thôn Ngọn Ngòi, xã Bạch Hà nằm chơ vơ giữa lưng đồi.
Căn nhà của gia đình anh Bàn Văn Bình ở xóm Tre Ngà, thôn Ngọn Ngòi, xã Bạch Hà nằm chơ vơ giữa lưng đồi.

An cư cho các hộ dân

Nỗ lực khắc phục hậu quả của trận lũ lịch sử hồi tháng 8 năm 2008, Đảng bộ, chính quyền, các đoàn thể xã Bạch Hà đã vận động nhân dân các thôn chịu ảnh hưởng nặng nề là thôn Ngọn Ngòi, Phai Thao tập trung giúp các hộ gia đình dựng lại nhà ở, nhanh chóng ổn định cuộc sống. Ba gia đình người Dao ở thôn Ngọn Ngòi gồm hộ ông Nguyễn Mạnh Quân, Đặng Văn Kỷ, Bàn Văn Sáng trước đây sinh sống tại bản Cà Lồ sát chân núi, nhà bị đất đá vùi lấp nay được chính quyền xã bố trí đến nơi ở mới, xen ghép với khu dân cư trong thôn. Vậy là chỉ sau vài tháng, có 3 hộ bị sập nhà hoàn toàn của xã Bạch Hà được Bộ Quốc phòng hỗ trợ mỗi gia đình 40 triệu đồng xây dựng 3 ngôi nhà gắn biển “Nhà tình nghĩa” tại thôn Ngọn Ngòi, Phai Thao.

Ông Vũ Nam Bộ sống ven chân đồi thôn 3 Phai Thao bị đất đá lở đè vào nhà, vợ ông - bà Trần Thị Nguyệt được ông cứu thoát nhưng con trai ông - cháu Vũ Văn Minh 14 tuổi bị vùi lấp trong đống đất đá, khi tìm được đã đưa ngay đi cấp cứu nhưng không kịp. Trong căn nhà tình nghĩa, ông Bộ rất yên tâm bởi từ giờ không còn phải lo chuyện nhà cửa khi xảy ra bão lũ. Ở thôn Ngòi Giàng, phần lớn bà con dân tộc Dao định cư nơi ven chân đồi. Sau cơn bão số 4, huyện Yên Bình cùng xã Bạch Hà đã bố trí san tạo mặt bằng, tái định cư cho 10 hộ dân chuyển đến nơi ở mới an toàn.

Vẫn còn đó những nỗi lo...

Chúng tôi đến thôn Ngọn Ngòi là một trong hai thôn vùng 3 của Bạch Hà. Đi qua những ruộng lúa đương thì con gái có thể cảm nhận rõ cuộc sống của 120 hộ đồng bào Dao nơi đây đang hồi sinh. Theo anh Tướng Văn Phương - một người dân trong thôn dẫn đường, chúng tôi lần theo dòng suối nhỏ, lựa từng bước chân trên những viên đá mòn ven rừng chừng 1 km để đến xóm Tre Ngà. Đây là nơi ngụ cư của 8 hộ gia đình với 24 nhân khẩu đều là con, cháu của bà Lý Thị Phận, dân tộc Dao, nay đã vào tuổi 76. Ở đây, duy nhất có căn nhà của bà Phận có thể gọi là nhà, còn lại tất cả đều như những túp lều. Bà Phận giãi bày: “Biết rằng ở đây là khổ rồi nhưng ở ngoài thôn không có đất trồng cấy nên phải vào rừng khai hoang trồng cây sắn, cây ngô để lấy cái ăn thôi. Ở gần rừng thế này, mưa lũ sợ lắm song cũng chẳng biết làm thế nào vì chuyển đến nơi mới thì lại không có tiền làm nhà, mua đất...”.

Còn gia đình anh Bàn Văn Bình mới ra ở riêng được ba năm. Căn nhà tạm chơ vơ giữa lưng đồi và luôn thường trực nỗi đe dọa tính mạng của cả gia đình. Có một con nhỏ 3 tuổi, vợ đang mang thai đứa con thứ hai; đất ruộng không có, quanh đồi chỉ trồng được vài trăm gốc sắn, cuộc sống của cả nhà đều trông chờ vào việc đi làm thuê của anh Bình. Bí thư Chi bộ thôn Ngọn Ngòi - Lý Công Đoàn cho hay: “Những hộ ngụ cư tại xóm Tre Ngà đều thuộc diện nghèo của thôn, thu nhập chủ yếu dựa vào việc đi làm thuê. Xã cũng đã hỗ trợ cho các hộ vay vốn, trợ giúp bò giống để phát triển chăn nuôi.

Trên thực tế, do nơi ở không ổn định, đất canh tác ít, vì thế các hộ không chí thú làm ăn nên lại càng khó có khả năng thoát nghèo. Thôn Ngọn Ngòi đã lập danh sách đề nghị các cấp chính quyền hỗ trợ kinh phí cho 8 hộ ở xóm Tre Ngà cùng 7 hộ ở xóm Cà Lồ đang sinh sống ở sát chân đồi được di chuyển đến nơi ở mới an toàn, tránh nguy cơ lũ quét và sạt lở đất”.

 

Ông Bàn Văn Hiện trong căn lều của mình.

 Ông Bàn Văn Hiện năm nay 50 tuổi, bị tàn tật, không còn sức lao động, đã ra ở riêng hai năm nay. Không có tiền trợ cấp, hàng ngày đến bữa là ông Hiện đi ăn nhờ nay ở nhà em, mai ở nhà cháu. Vật dụng trong nhà có giá trị là chiếc nồi mốc xanh vì không có gạo để nấu. Căn lều lụp xụp, tối tăm không ánh đèn nằm sát bên dòng chảy của con suối nhỏ, nguy cơ mưa lớn cuốn trôi bất cứ lúc nào là điều không tránh khỏi.

 Đến thôn Phai Thao, cách căn nhà của ông Phạm Văn Thành nằm khiêm tốn bên ngoài núi Phó Thái (thuộc diện di dời) khoảng 200 m là nơi quả núi sập đổ một nửa. Tại khu vực này đã xảy ra cái chết thương tâm của cháu Vũ Văn Minh - con ông Vũ Nam Bộ và hai vợ chồng anh Vũ Quốc Đệ, Ngô Thị Sửu. Đi bộ gần 300 m thì đến nhà ông Phạm Văn Cảnh nằm biệt lập bên cánh rừng. Ông Cảnh kể lại: “Hôm đó, rạng sáng ngày 9/8/2008, sau hai ngày trời mưa quá to, núi Phó Thái trữ nhiều nước đã sập đổ một nửa, đất đá tràn xuống lấp hết cả đường đi, 5 sào ruộng, 2 ao cá của gia đình mênh mông nước. Sau đó, nhà tôi đã phải đầu tư trên 5 triệu đồng thuê máy ủi để cải tạo lại”.

Theo tay ông chỉ, cả khu đồi cây sau nhà rộng trên 2 ha đã được ông phủ kín bằng cây trẩu, bạch đàn nhưng cũng chính từ quả đồi đó, khi mưa lớn tạo thành rãnh nước chảy ồ ạt xuống quanh nhà, làm ngập ao. Đất ta-luy gây sạt lấp các công trình phụ của gia đình đã nhiều lần và nơi này đang tiềm ẩn nguy cơ sạt lở lớn bất cứ lúc nào. Thế nhưng hiện nay, các hộ dân vẫn “vô tư” sinh sống sát chân đồi, ta-luy cao, bên dòng chảy các con suối - nơi thiên tai luôn rình rập. Họ cho rằng, đó là đất thổ cư đã gắn bó bao đời nay, chuyển đến chỗ khác xa nơi canh tác, khó làm ăn mà bão lũ thì hàng chục năm mới lặp lại và chuyện sống, chết cũng do số trời định...

Tìm giải pháp cho tái định cư

Ông Phạm Đình Huân - Phó bí thư Thường trực Đảng ủy xã Bạch Hà cho biết: “Đến thời điểm này, địa phương còn 17 hộ dân nằm trong vùng thiên tai đe dọa, phải di dời tới địa điểm tái định cư mới theo Quyết định 193/2006/QĐ-TTg ngày 24/8/2006 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt giai đoạn 2006 - 2010 và định hướng 2015. Cho đến nay, các hộ này đều chưa có điều kiện để di dời. Xã sẽ tiếp tục vận động, lồng ghép bố trí dân cư khi có nguồn vốn hỗ trợ theo Quyết định 193. Bên cạnh đó, giải pháp trước mắt của xã là phối hợp với chính quyền thôn vận động anh em, dòng họ nhường đất; vận động các tổ chức xã hội giúp đỡ xây dựng nhà ở cho các hộ đặc biệt khó khăn. Khó khăn nhất của Bạch Hà hiện nay là bố trí các hộ dân cần thiết phải di chuyển ở thôn Ngọn Ngòi đến địa điểm mới. Nơi đây, quỹ đất dân cư không có, trong khi phần lớn bà con dân tộc thiểu số mong muốn vừa có đất sản xuất lại vừa có đất ở ngay tại thôn”.

 Vẫn biết, việc tuyên truyền, cảnh báo và vận động di dời tránh lũ quét, sạt lở đất đối với các hộ dân trong vùng nguy hiểm là việc làm thường xuyên của chính quyền các cấp. Tuy nhiên, ý thức và điều kiện kinh tế của 17 hộ dân ở Bạch Hà nằm trong vùng phải di dời còn hạn chế, đặc biệt nhiều gia đình thờ ơ, không chủ động phòng tránh trong khi thiệt hại về người, tài sản có thể xảy ra bất cứ lúc nào bởi thiên tai, bão lũ rất khó lường. Bằng mọi biện pháp tích cực, chủ động và nỗ lực phòng tránh thiên tai là việc cần làm ngay ở Bạch Hà.

Quỳnh Nga

Các tin khác

Để điều trị kịp thời, Bộ Y tế cho biết với các trường hợp nghi ngờ, khi triệu chứng lâm sàng đã rõ thì không nhất thiết phải chờ kết quả xét nghiệm, thậm chí không cần xét nghiệm vẫn phải điều trị theo phác đồ như bệnh nhân cúm A/H1N1> Cao điểm cúm A/H1N1 cận kề, nhiều người dân vẫn thờ ơ

Ban tổ chức Hội thi giáo viên dạy giỏi trung cấp chuyên nghiệp (TCCN) toàn quốc lần thứ 8 cho biết có 255 người đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi toàn quốc, trong đó có 33 giải nhất, 63 giải nhì, 107 giải ba và 52 giáo viên được cấp giấy chứng nhận.

Bác Đặng Nho Minh giới thiệu với cán bộ xã Viễn Sơn một trong những cây quế lớn trong vườn.

YBĐT - Vùng đất ấy đã bao năm nổi tiếng với sản phẩm quế lừng danh, nổi tiếng với truyền thống yêu quê hương, đất nước... Về thăm lại xã Viễn Sơn, huyện Văn Yên (Yên Bái), chúng tôi cảm nhận được sự đổi thay, sự phát triển khá toàn diện trên các lĩnh vực của vùng đất này.

YBĐT - 867/930 hộ gia đình của 2 xã Bản Mù và Trạm Tấu - huyện Trạm Tấu đã ký cam kết thực hiện 3 nội dung “làm hố xí, nhà tắm, công trình nước sạch; chuyển chuồng gia súc ra xa nhà, làm hố chứa rác; thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, bài trừ các hủ tục lạc hậu”. Đó là kết quả ban đầu với 2 xã được giao trực tiếp phụ trách mà ngành văn hóa, thể thao và du lịch đã đạt được sau 3 tháng triển khai thực hiện Nghị quyết 03-NQ/TU của Tỉnh ủy về phát triển kinh tế – xã hội huyện Trạm Tấu giai đoạn 2006-2010.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục