Mai Sơn nỗ lực thoát nghèo

  • Cập nhật: Thứ năm, 7/7/2011 | 3:32:23 PM

YBĐT - Để tạo bước đột phá, Đảng bộ và chính quyền xã Mai Sơ, huyện Lục Yên (Yên Bái) đang tích cực vận động nhân dân áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trồng trọt, chăn nuôi.

Một giờ học của cô và trò Trường Mầm non xã Trung Tâm (Lục Yên). (Ảnh: Q.N)
Một giờ học của cô và trò Trường Mầm non xã Trung Tâm (Lục Yên). (Ảnh: Q.N)

Là xã vùng 2 của huyện Lục Yên, những năm trước đây, đời sống của 6 dân tộc ở Mai Sơn còn nhiều khó khăn. Giúp nhân dân xóa đói giảm nghèo bền vững, Đảng bộ, chính quyền nơi đây tập trung huy động mọi nguồn lực đầu tư từ các chương trình, dự án; phát huy nội lực, vận động nhân dân tích cực chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, mở mang ngành nghề...

Đặc thù kinh tế địa phương là thuần nông, để tạo bước đột phá, Đảng bộ và chính quyền xã Mai Sơn tích cực vận động nhân dân áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trồng trọt, chăn nuôi.

Từ năm 2000, xã đã dần loại bỏ các giống lúa dài ngày, năng suất thấp và thực hiện gieo cấy trên 95% diện tích là các giống lúa lai, lúa thuần có khả năng kháng bệnh, cho năng suất, chất lượng cao. Vụ đông xuân, diện tích gieo cấy là 147 ha, vụ mùa là 166 ha và năng suất bình quân 5 năm gần đây (2005 - 2010) đạt 98,5 tạ/ha.

Cùng với thâm canh cây lúa, xã vận động nhân dân trồng ngô hàng năm đạt gần 300 ha, đỗ tương gần 200 ha, sắn và các loại cây rau màu khác 70 ha. Thực hiện chủ trương của huyện đẩy mạnh trồng cây vụ ba trên đất hai vụ lúa, nhân dân ở 8 thôn tích cực thâm canh, diện tích gieo trồng đạt từ 120 - 130 ha/năm, góp phần đưa tổng sản lượng lương thực hàng năm đạt 2.667 tấn. Hiện nay, lương thực bình quân của địa phương đạt 700 kg/người/năm.

Ở Mai Sơn đã và đang xây dựng được nhiều diện tích đất trồng cây ba vụ, giá trị sản xuất đạt từ 50 - 60 triệu đồng/năm. Đây là bước khởi đầu khá thuận lợi để xã nhân rộng mô hình này. Ngoài thế mạnh về trồng trọt, địa phương có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển chăn nuôi.

Hàng năm, xã phối hợp với Trạm Khuyến nông huyện mở các lớp chuyển giao khoa học kỹ thuật về khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư và phòng chống rét, tổ chức tiêm phòng cho gia súc, gia cầm. Vì vậy, đàn trâu, bò và đàn gia cầm tăng đáng kể với tổng đàn trâu, bò hiện có trên 900 con, đàn lợn 3.500 con, gia cầm các loại 18.580 con.

Nhiều hộ đăng ký thực hiện dự án nuôi 100 con lợn, 1.000 con gà kết hợp với mô hình chăn nuôi thủy sản, hàng năm cho thu nhập từ 30 - 50 triệu đồng. Mai Sơn đang từng bước chuyển đổi từ các mô hình chăn nuôi nhỏ lẻ sang sản xuất hàng hóa; sản phẩm thịt gia súc, gia cầm cung ứng trên địa bàn, các địa phương lân cận đạt doanh thu hàng tỷ đồng mỗi năm.

Ở Mai Sơn, các tổ chức đoàn thể của xã đã có nhiều đóng góp trong việc cùng nhân dân tham gia phát triển kinh tế địa phương. Điển hình trong phong trào này là Hội Phụ nữ xã với 755 hội viên.

Hàng năm, chị em đóng góp 1.000 ngày công giúp đỡ các gia đình hội viên có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn vươn lên phát triển kinh tế và trung bình mỗi năm, có 30 - 40 gia đình hội viên thoát nghèo bền vững. Tạo điều kiện cho chị em phát triển kinh tế, Hội đứng ra ủy thác vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội huyện trên 4 tỷ đồng cho hơn 300 chị em vay vốn để phát triển sản xuất.

Hội Nông dân xã thường xuyên phối hợp với Trạm Khuyến nông huyện mở nhiều lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật về trồng trọt, chăn nuôi cho hội viên; đứng ra tín chấp qua hệ thống ngân hàng giúp các hội viên vay vốn phát triển kinh tế hộ. Hội Cựu chiến binh làm tốt công tác tuyên truyền các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước tới hội viên và thành lập 6 tổ tín chấp với tổng dư nợ trên 3 tỷ đồng cho hội viên vay vốn phát triển mô hình kinh tế trang trại, chăn nuôi thủy sản...

Ủy ban Mặt trận Tổ quốc xã với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, cuộc vận động “Ngày vì người nghèo” từ năm 2005 - 2010 đã xây dựng được 7 nhà "Đại đoàn kết", xây dựng và ra mắt 4 làng văn hóa.

Đoàn Thanh niên tổ chức các phong trào thanh niên tình nguyện, “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, hàng năm huy động đoàn viên thanh niên làm đường giao thông nông thôn, nạo vét kênh mương nội đồng... đã góp phần tích cực phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân xã Mai Sơn không ngừng được cải thiện và nâng cao, nhiều hộ xây nhà mới khang trang, đường giao thông nông thôn đến các thôn, bản ngày càng thuận lợi.

Đảng bộ, chính quyền xã phấn đấu, thu nhập bình quân giai đoạn 2010 - 2015 đạt 12 triệu đồng/người/năm, giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống dưới 5%, trên 95% số hộ có phương tiện nghe nhìn. Với một tập thể Đảng bộ đoàn kết, chắc chắn Mai Sơn sẽ gặt hái được nhiều thành công  hơn nữa trên con đường công nghiệp hóa - hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.

Thái Hưng

Các tin khác
Chất lượng dân số Việt Nam còn thấp.

Các chỉ tiêu về chất lượng dân số của Việt Nam xếp thứ 108 trong 177 nước.

Đợt 1 kỳ thi tuyển sinh Đại học năm 2011, tỷ lệ thí sinh dự thi đạt 76,92%. Trong ảnh thí sinh vừa hoàn thành đợt 1 kỳ thi Đại học - Cao đẳng năm 2011.

Bộ Giáo dục - Đào tạo vừa có báo cáo kết quả kỳ thi đại học đợt 1 (khối A và V) năm 2011.

Cán bộ TAND thị xã Nghĩa Lộ thường xuyên trao đổi nâng cao nghiệp vụ.

YBĐT - Những năm qua, Tòa án nhân dân thị xã Nghĩa Lộ (Yên Bái) luôn hoàn thành tốt các chỉ tiêu công tác, đảm bảo đúng pháp luật trong hoạt động xét xử và thi hành án dân sự.

Căn phòng nội trú chật hẹp của các học sinh trường Mù Cang Chải.
(Ảnh: Dân Trí)

YBĐT - Ngày 30/6, UBND tỉnh Yên Bái ban hành Quyết định về việc phê duyệt mức hỗ trợ học bổng cho học sinh là người dân tộc thiểu số học trung học phổ thông và bổ túc trung học phổ thông tại 2 huyện Trạm Tấu và Mù Cang Chải.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục