Nâng cao chất lượng dân số đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực
- Cập nhật: Thứ hai, 11/7/2011 | 9:50:28 AM
YBĐT - Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết, chính sách Dân số-KHHGĐ ở Yên Bái đã thực sự đi vào cuộc sống và đạt được những kết quả quan trọng.
Phụ nữ huyện Lục Yên tham gia đăng ký sử dụng các biện pháp tránh thai hiện đại.
|
Tháng 1/1993, Hội nghị lần thứ 4 Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa VII đã ban hành Nghị quyết về chính sách Dân số - KHHGĐ nhằm giải quyết cơ bản vấn đề dân số, tiến tới ổn định quy mô dân số của nước ta. Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết, chính sách Dân số-KHHGĐ đã thực sự đi vào cuộc sống và đạt được những kết quả quan trọng.
Tuy nhiên từ năm 2003 đến 2004 tỷ lệ phát triển dân số, tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên tăng mạnh trở lại, đặc biệt là đội ngũ cán bộ, đảng viên sinh con thứ 3 ngày một tăng ở hầu hết các địa phương… Để tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chính sách DS-KHHGĐ, ngày 22/3/2005, Ban chấp hành Trung ương Đảng ra Nghị quyết 47-NQ/TW về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chính sách DS-KHHGĐ với mục tiêu nhanh chóng đạt mức sinh thay thế trên phạm vi toàn quốc, tiến tới ổn định quy mô dân số và nâng cao chất lượng dân số Việt Nam…
Đánh giá việc triển khai Nghị quyết số 47 tại Yên Bái, phóng viên YBĐT đã có cuộc trao đổi với đồng chí Nông Thuỵ Sỹ, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy như sau:
P.V: Xin đồng chí cho biết Yên Bái đã đạt được những kết quả gì trong quá trình thực hiện Nghị quyết số 47-NQ/TW của Trung ương về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chính sách DS-KHHGĐ?
Đồng chí Nông Thụy Sỹ: Sự chỉ đạo sâu sát của các cấp ủy Đảng, chính quyền và sự tham gia phối hợp chặt chẽ của các ban, ngành, đoàn thể với sự hưởng ứng tích cực của người dân, chính sách DS-KHHGĐ đã thu được nhiều kết quả quan trọng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong những năm qua.
Trước hết, đó là nhận thức của nhân dân về DS-KHHGĐ có sự chuyển biến tích cực, quy mô gia đình ít con ngày càng được chấp nhận rộng rãi, phong trào thi đua xã, phường, thôn, bản không có người sinh con thứ 3 trở lên được duy trì, nhân rộng tăng lên hàng năm. Đến năm 2008, toàn tỉnh có 14 xã không có người sinh con thứ 3 trở lên, năm 2009 có 20 xã, năm 2010 cơ 26 xã, phường, thôn, bản không có người sinh con thứ 3 trở lên. Đồng thời có hàng trăm thôn, bản duy trì nhiều năm liền không có người sinh con thứ 3 trở lên; nhiều địa bàn ở thành phố, thị xã, vùng thấp đã đạt mức sinh thay thế hoặc tiệm cận mức sinh thay thế.
Kết quả Tổng điều tra Dân số và Nhà ở 1/4/2009 cho thấy, quy mô dân số tỉnh ta là 740.397 người, năm 2010 là 751.000 người (trong khi mục tiêu của Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 47-NQ/TW là 778.000 người); tỷ lệ tăng dân số bình quân là 0,9%/năm, giảm mạnh so với thời kỳ 1989-1999 là 1,7%/năm. Giai đoạn 10 năm trước, mỗi năm tỉnh Yên Bái tăng trên 10.000 người, thì đến giai đoạn vừa qua, mỗi năm tỉnh Yên Bái tăng trên 6.000 người.
Tình trạng gia tăng dân số nhanh đã được kiểm soát. So với mục tiêu đề ra, chúng ta đã tránh sinh được 27.000 trường hợp. Kết quả này góp phần nâng mức thu nhập bình quân đầu người từ 2,42 triệu đồng/người/năm 2000 lên 10,75 triệu đồng/người/năm 2010. Tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 11,74%. Chất lượng chăm sóc sức khoẻ sinh sản - kế hoạch hoá gia đình được cải thiện đáng kể, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.
Có thể nói, chúng ta đã đạt được các mục tiêu cơ bản về DS-KHHGĐ. Kết quả đó góp phần không nhỏ trong công cuộc xoá đói, giảm nghèo, cũng như góp phần hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong giai đoạn vừa qua.
- Để các hoạt động dân số cũng như việc thực hiện tốt chính sách DS-KHHGĐ tại Yên Bái, thời gian tiếp theo tỉnh cần tập trung vào những giải pháp cơ bản nào, thưa đồng chí?
Mặc dù chúng ta đã đạt được những kết quả quan trọng trong công tác DS-KHHGĐ. Song, thực trạng công tác DS-KHHGĐ ở tỉnh ta đang còn có những tồn tại, khó khăn và phải đối mặt với những nguy cơ, thách thức mới.
Trước hết, đó là mức sinh cao, có sự chênh lệch lớn giữa các vùng trong tỉnh. Ở vùng cao, vùng sâu có mức sinh cao gấp khoảng 2 lần so với vùng thấp, thị xã, thành phố.
Tình trạng sinh con thứ 3 trở lên còn khá phổ biến, có nơi tỷ lệ sinh con thứ 3 còn trên 40%, còn nhiều cán bộ đảng viên sinh con thứ 3 trở lên. Kết quả giảm sinh ở vùng thấp chưa bền vững, còn nhiều nguy cơ tăng sinh trở lại.
Tình trạng cán bộ đảng viên, công chức, viên chức sinh con thứ 3 trở lên gây ảnh hưởng lớn đến phong trào nhân dân hưởng ứng thực hiện chính sách DS-KHHGĐ; tỷ số giới tính khi sinh theo hướng thừa nam thiếu nữ tăng nhanh trong những năm vừa qua và xu hướng tiếp tục tăng trong những năm tới; chất lượng dân số thấp, thu nhập thực tế bình quân đầu người thấp so với nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước, kể cả so với các tỉnh miền núi khu vực phía Bắc.
Trong tình trạng chung của cả nước, chúng ta đang bước vào giai đoạn cơ cấu dân số vàng. Số người trong độ tuổi lao động chiếm tỷ lệ cao nhất, điều này đồng nghĩa với số người trong độ tuổi sinh đẻ sẽ tăng cao trong những năm tới.
Đến giai đoạn 2015-2020, số phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ sẽ cao gấp khoảng 1,3 lần so với hiện nay. Do đó theo đà dân số tiếp tục tăng trong những năm tới và nguy cơ tăng sinh trở lại còn rất lớn.
Trước thực trạng công tác DS-KHHGĐ của tỉnh, để phát huy những kết quả đã đạt được, đồng thời giải quyết những tồn tại, khắc phục khó khăn, thách thức trong thời gian tới, chúng ta cần tập trung ưu tiên một số vấn đề sau:
Tiếp tục thực hiện mục tiêu giảm tỷ lệ sinh đối với vùng có mức sinh cao, có tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên còn cao; duy trì kết quả đối với vùng đã đạt mức sinh thay thế; từng bước khống chế tốc độ gia tăng nhanh tỷ số giới tính khi sinh; tận dụng tốt lợi thế cơ cấu dân số vàng, bảo đảm an sinh xã hội, chăm sóc sức khoẻ người cao tuổi; nâng cao chất lượng chăm sóc sức khoẻ sinh sản-kế hoạch hoá gia đình, góp phần nâng cao chất lượng dân số, đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực xây dựng tỉnh Yên Bái phát triển toàn diện.
Để tổ chức thực hiện tốt các nội dung trên, chúng ta cần tiếp tục quán triệt thực hiện Nghị quyết số 47-NQ/TW về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chính sách DS-KHHGĐ. Đồng thời các cấp ủy Đảng từ tỉnh tới cơ sở cần cụ thể hoá quan điểm chỉ đạo, mục tiêu, chỉ tiêu DS-KHHGĐ theo Nghị quyết Đại hội lần thứ XVII của Đảng bộ tỉnh.
Xây dựng chương trình hành động thực hiện công tác DS-KHHGĐ cho giai đoạn tới; ban hành nghị quyết của địa phương, đơn vị mình cho phù hợp với đặc điểm vùng miền, để chỉ đạo tổ chức thực hiện công tác DS-KHHGĐ; quan tâm củng cố kiện toàn, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ làm công tác DS-KHHGĐ các cấp, để thực hiện tốt chức năng tham mưu cho cấp ủy Đảng, chính quyền về công tác DS-KHHGĐ, đặc biệt ưu tiên cán bộ ở cấp xã, cấp thôn, tạo điều kiện để đội ngũ này yên tâm công tác lâu dài. Các cơ quan, đoàn thể ở các cấp cần có sự phối hợp chặt chẽ trong công tác tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện chính sách DS-KHHGĐ; lồng ghép nội dung công tác DS-KHHGĐ trong kế hoạch hàng năm của cơ quan, đơn vị. Đẩy mạnh hơn nữa việc xã hội hóa công tác DS-KHHGĐ.
Chỉ đạo tổ chức thực hiện và quản lý hiệu quả công tác DS-KHHGĐ theo chương trình mục tiêu được giao hàng năm. Tăng cường kiểm tra, giám sát của cấp ủy, chính quyền đối với việc thực hiện công tác DS-KHHGĐ.
Ngọc Sơn (thực hiện)
Các tin khác
Từ ngày 1-8-2011, các đối tượng trong diện trợ giúp pháp lý (bao gồm người nghèo, người có công với cách mạng, người tàn tật, trẻ em…) sẽ được Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước và các chi nhánh của trung tâm giúp đỡ về mặt pháp lý khi khiếu nại các quyết định hành chính, hành vi hành chính.
Do ảnh hưởng của hiệu ứng phơn nên các tỉnh ven biển từ Nghệ An đến Phú Yên tiếp tục có nắng nóng trên diện rộng. Nhiệt độ cao nhất phổ biến 35 – 37 độ, có nơi trên 38 độ. Dự kiến, tình trạng nắng nóng này sẽ còn kéo dài trong vài ngày tới.
Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết: 23 học sinh xuất sắc thuộc 5 đội tuyển của Việt Nam đã sẵn sàng tham dự các kỳ olympic quốc tế các môn: vật lý, toán học, hóa học, sinh học, tin học trong tháng 7-2011.
Hôm nay, thí trên cả nước bước vào môn thi đầu tiên của các khối B, C, D và các khối thi năng khiếu của đợt thi thứ 2, kỳ thi tuyển sinh ĐH-CĐ năm 2011.