Hát từ trái tim về Bác

  • Cập nhật: Thứ sáu, 16/5/2014 | 2:51:23 PM

YBĐT - Nghệ sĩ Nhân dân Thanh Huyền sinh năm 1942 tại Hà nội. Mười hai tuổi, chị là “chim họa mi hay hót" của Cung thiếu nhi Hà Nội. Mười bốn tuổi (1956), lần đầu Thanh Huyền được vào Phủ Chủ tịch biểu diễn bài Ai yêu Bác Hồ Chi Minh hơn thiếu niên nhi đồng của nhạc sĩ Phong Nhã.

Nghệ sĩ nhân dân Thanh Huyền và tác giả Hà Lâm Kỳ (1998).
Nghệ sĩ nhân dân Thanh Huyền và tác giả Hà Lâm Kỳ (1998).

Ấn tượng sâu sắc của tôi về nghệ sỹ Thanh Huyền là sau giao thừa năm 1973, giữa rừng Trường Sơn, trong lúc sốt rét nặng không sao chợp mắt, dù chính trị viên đại đội đã vặn nhỏ máy thu thanh, vậy mà khi giọng hát của ca sỹ Thanh Huyền cất lên: ...”Trông cây tôi lại nhớ Người, rừng bao nhiêu cây mọc thì tôi ơn Người bấy nhiêu...” tự nhiên nước mắt tôi trào ra, mồ hôi sau cơn sốt và nước mắt nhớ nhà, nhớ Bác ướt đẫm ngực áo. Tôi gượng dậy bò sang võng chính trị viên xin được ngồi bên để nghe thật rõ bài hát và lời hát Thanh Huyền, ca sĩ mà tôi ngưỡng mộ.

Nghệ sĩ Nhân dân Thanh Huyền sinh năm 1942 tại Hà nội. Mười hai tuổi, chị là “chim họa mi hay hót" của Cung thiếu nhi Hà Nội. Mười bốn tuổi (1956), lần đầu Thanh Huyền được vào Phủ Chủ tịch biểu diễn bài Ai yêu Bác Hồ Chi Minh hơn thiếu niên nhi đồng của nhạc sĩ Phong Nhã. Thật lạ, lúc đầu run là thế nhưng lấy giọng rồi, Thanh Huyền thấy mình tự tin, thoải mái. Khi hát đến câu “Bác chúng em mắt như sao, râu hơi dài...” thì Bác Hồ cười. Hát xong, Bác đưa tay đón cô bé lại gần, hôn lên má và cho kẹo. Nghệ sỹ Thanh Huyền dẫn tôi vào phía trong phòng khách. Nơi ấy, trên bức tường vẫn treo tấm ảnh Bác Hồ đang mỉm cười vỗ tay cho ca sĩ măng non Thanh Huyền biểu diễn.

Thanh Huyền rất ít nói về mình. Nghe tôi đề nghị, chị bảo: “Mình đã làm được đâu mà viết hồi ký!" Chị kể: “Bài Trông cây lại nhớ đến Người tôi không phải là người hát đầu tiên. Muốn hiểu bài này gặp nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, con trai cố nhạc sĩ Đỗ Nhuận. Có lẽ chị Song Thao ở Đoàn ca múa Quân khu IV là người hát trước nhất. Khi nghe Song Thao hát, tôi xúc động thật sự. Thế là tôi tự tập, tập được rồi mà khi biểu diễn, lòng thương nhớ Bác cứ trào lên, đến nỗi, nhiều lần trước đông đảo người xem, nhất là đồng bào quê Bác, tôi phải ngừng lại giữa chừng".

Theo nhạc sỹ Đỗ Hồng Quân, cố nhạc sỹ Đỗ Nhuận nói, cuối tháng 9/1969, khi đi thực tế ở Nghệ An, ông đã được nghe bà con quê Bác hát ví dặm. Cảm xúc đến và ngay đêm đó, ông viết xong bài Trông cây lại nhớ đến Người, sáng hôm sau vào đàn cho nhạc sỹ Nhật Lai nghe. Nhật Lai nghe hết, khẽ gật đầu mà không thêm bớt gì.

Dịp 3/2/1970, được biểu diễn phục vụ các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các vị khách quốc tế, chị hát Trông cây lại nhớ đến Người xúc động tới mức Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã quay mặt đi lấy khăn lau mắt. Cứ thế, Thanh Huyền cùng ca khúc nổi tiếng ấy của Đỗ Nhuận đã đến mọi nơi trên đất nước, đến bên mâm pháo trong mười hai ngày đêm "Điện Biên Phủ trên không" ở Hà Nội, đến với bạn bè năm châu trong suốt những năm tháng đánh Mỹ.

Nhạc sỹ Trọng Loan nhận xét: Thể hiện những ca khúc về Bác Hồ, tới hôm nay có lẽ chưa ai hơn Thanh Huyền. Ông nhắc đến ý thức trách nhiệm và tính thận trọng của Thanh Huyền khi thu băng bài Lời ca dâng Bác của ông. Đài Tiếng nói Việt Nam (TNVN) giao phần thể hiện Lời ca dâng Bác cho Thanh Huyền (khi đó chị ở Đoàn Ca múa Nhân dân Trung ương). Thu thanh lần thứ nhất chưa yên tâm, lần thứ hai thu xong vài ngày, Thanh Huyền đến gặp nhạc sỹ Lê Lôi, Trưởng ban ca nhạc của Đài, đề nghị được ghi lại, và lần ghi âm thứ ba ấy, Thanh Huyền hát mà ngỡ mình đang đứng bên Bác Hồ, nghe Bác nói về đồng bào Nam Bộ.

Với Thanh Huyền, chất dân ca và dân tộc trong phong cách biểu diễn nhuần nhuyễn đến mức khó có thể phân biệt. Hai bài hát Từ làng Sen và Suối Lê - nin là thí dụ.

Nhạc sỹ Phạm Tuyên tâm sự: Khi viết xong Từ làng Sen, ca khúc hát ví theo lối kể chuyện, ông nghĩ ngay đến người lĩnh xướng là Thanh Huyền với chất giọng đượm chất dân ca, khác hẳn với giọng ca kịch, nếu lĩnh xướng thành công sẽ chuyển được cái "thần" của bài hát đến với người nghe.

Bài Từ làng Sen  được phát trên Đài TNVN không ngờ gây xúc động lớn với đồng bào cả nước, nhất là đồng bào quê Bác và kiều bào ở nước ngoài. Nhạc sỹ Phạm Tuyên kể, tháng 5/1970, sau chuyến đi Cao Bằng, ông bắt gặp bài thơ Suối Lê - nin của Trần Văn Loa đăng trên báo Nhân dân. Lời bài thơ mộc mạc, giản dị làm nhạc sĩ nghĩ tới làn điệu then, chất then của dân ca Tày nhưng ông chỉ dựa theo âm điệu dân gian cổ truyền để sáng tạo chứ không "nhại" lại. Khi viết xong, Đài TNVN dàn dựng và chọn Thanh Huyền "nhập vai".

Và chỉ sau một lần dựng, Suối Lê-nin đã nhanh chóng đến với đồng bào cả nước. Với các ca khúc Từ làng Sen, Suối Lê - nin, nhạc sĩ Phạm Tuyên đã nhận được hàng trăm lá thư chúc mừng của mọi lứa tuổi ở cả trong và ngoài nước và gần như thư nào cũng nhắc đến giọng ca trong sáng, dịu ngọt của Thanh Huyền. Có lẽ vì thế mà những lần Thanh Huyền về Cao Bằng biểu diễn bài Tiếng hát giữa rừng Pác Bó của nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ hay phục vụ cán bộ miền Nam tập kết với bài Hoa sen Tháp Mười của nhạc sĩ Trương Quang Lục thì đồng bào các dân tộc lẫn cán bộ miền Nam đều thương nhớ Bác không cầm được nước mắt.

Có thể nói những tác phẩm âm nhạc lấy đề tài Bác Hồ làm âm hưởng chủ đạo qua sáng tạo nghệ thuật của Nghệ sĩ nhân dân Thanh Huyền đã làm rung động trái tim của hàng triệu con người.

Tôi đến thăm, chị bùi ngùi nhắc lại lần cuối cùng gặp Bác vào cuối tháng 6/1969, sau khi đoàn ca nhạc Việt Nam đi biểu diễn một tháng ở nước ngoài về. Nghe Thanh Huyền và một số diễn viên xuất sắc vào báo cáo kết quả, Bác đã yếu nhưng vẫn tươi cười hỏi vui:

- Tiếng hát của cháu có làm cho họ hiểu thêm về đất nước mình không?

Nghệ sĩ Thanh Huyền xúc động trả lời:

- Thưa Bác, chúng cháu đã cố gắng ạ!

Ca sĩ Thanh Huyền vinh dự được nhận tấm Huy hiệu từ tay Người.

Hà Lâm Kỳ

Các tin khác

Do Nhà hát giao hưởng nhạc vũ kịch (HBSO) phối hợp với Liên hiệp các hội văn học nghệ thuật Tp.HCM tổ chức nhân dịp kỷ niệm 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ và 124 năm ngày sinh nhật Bác, chương trình “Vinh quang Điện Biên” diễn ra tại Nhà hát Thành phố Hồ Chí Minh vào ngày 19/5.

Các thí sinh tham dự liên hoan.

Đêm 15-5, tại Nhà hát truyền hình HTV diễn ra vòng chung kết Liên hoan toàn quốc lần thứ 4 Tiếng hát người làm báo 2014 do Hội Nhà báo Việt Nam ủy quyền cho Hội Nhà báo TP.Hồ Chí Minh phối hợp với công ty Tincom Media và công ty CP Người Làm Báo tổ chức.

 

Trong các sáng tác của mình, các nhà thơ Yên Bái đã dành một tình cảm lớn viết về Bác.
(Ảnh: Thanh Ba)

YBĐT - Ở Yên Bái, Vũ Chấn Nam được coi là người viết nhiều nhất về Bác Hồ. Ông có cả tập thơ viết về lãnh tụ. Nhiều lần đến với lán Nà Lừa ở Tuyên Quang hay lên Cao Bằng thăm Pác Bó, lần nào cũng có thơ.

Một tiết mục trong chương trìng của đoàn nghệ thuật Young Ambassadors.

Đoàn nghệ thuật “Những đại sứ trẻ” của Mỹ sẽ có hai đêm diễn tại hai thành phố của Việt Nam là TP Hồ Chí Minh (16/5) và Hà Nội (19/5).

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục