Ý nghĩa trong những bài hát quan làng
- Cập nhật: Thứ bảy, 7/4/2007 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Từ xa xưa, trong các đám cưới của dân tộc Tày vùng sông Chảy Thác Bà đều nhờ đến ông quan làng và hát quan làng. Hát quan làng là lối hát đối đáp nhau giữa đại diện họ nhà trai và họ nhà gái từ lúc đón dâu đến lúc đưa dâu giao nộp cho họ nhà trai.
Họ hát đối nhau lúc đoàn họ nhà trai đến đón dâu gặp ở ngõ từ trà tre, lụa chắn lối; bước lên cầu thang thì gặp cặp bếp, gộc củi, chổi quét, nắn đo cá. Bước vào nhà thì gặp chiếu chưa trải, trải trái v.v… Rồi hát mừng nhà, mời trầu, mời nước, mời rượu, chào xuân họ. Rồi quan làng xưng danh nộp lễ, xin đưa rể vào lễ tổ, kể sự tích của đèn, của hương, hát xin dâu. Bên nhà gái hát trả ơn quan làng, ơn phù rể, ông quan làng hát trả ơn, chối rượu, hát tạm biệt xuân họ.
Kể về công ơn sinh thành dưỡng dục của cha mẹ, giờ con đã khôn lớn đi xây dựng gia đình, trong bài Lễ cha mẹ sinh có đoạn: "…Giờ xin lễ cha mẹ sinh thành/ Dẫu có cả bác, anh, cô chú/ Lúc nhỏ được dạy dỗ cưu mang/ Giờ đây lễ đền công trả nghĩa/Lễ cha mẹ mong để dài lâu/ Con giờ con trong nhà/ Cháu giờ cháu xuân họ/ Cha mẹ gọi là dạ, là vâng/ Mới được ở bình yên tốt đẹp/ Công nuôi con bao xiết hàn cơ/ Mưa nắng người lại lo đau ốm/ Thuở nuôi con mấy bận ăn ngon/ Giờ con đã lớn khôn bằng bạn…".
Trong bài hát Mời tổ tiên xuống chứng kiến việc hôn lễ của hai cháu có đoạn: "…Tổ phù hộ hai bên khang thái/ Vợ chồng là ăn nói thuận nhau/ Vợ có nhỡ nặng câu chồng nhịn/ Chồng có chửi vợ nín lặng thinh/ Thôi đoạn lại cùng mình thỏ thẻ/ Bắc nồi lên nhóm lửa nấu cơm/ Ăn xong cùng lo toan mọi việc/ Mới phải phép vợ chồng…". Trong bài hát Giao dâu của đại diện họ nhà gái có đoạn: "Thưa cùng đôi quan làng người ơi/ Sang sông rồi lội suối/ Leo đồi đội nắng xối giữa trưa/ Lễ vật người đã đưa đến đủ/ Rượu, chè, bánh kính tổ vẹn toàn/ Bàn cỗ họ tôi ăn/ Vụng dại chả có văn đáp lễ/ Ông bà chả chê dại, chê ngu, tôi gả/ Em tôi còn nhỏ dại vụng về/ Chửi vợ đừng có chửi đến quê/ Lúc đó lại bị chê lời độc/ Đánh vợ đừng gậy gộc, roi to/ Gãy chân chết, ai lo sớm tối… Nước cạn còn về giếng/ Dâu hư đưa tiếng đến ông bà/ Đừng cho ăn lá ngón thành ma bến nước/ Công ông bà lo được bạc tiền/ Trồng chuối đợi có buồng/ Theo chồng mong trông cậy người ơi !...".
Hạ mình và nâng phía đối đáp mình lên, sự khiêm tốn vốn có còn thể hiện trong bài Mời trầu: "…Năm ngoái trời nắng nhiều/ Năm nay trời nắng hạn/ Trầu nhà trồng hai búi chết sương/ Cau tôi trồng hai buồng rụng quả/ Đành lên rừng hái lá trầu hôi/ Cau khỉ tìm khắp nơi, khắp búi/ Khách lạ hôm nay tới cửa nhà/ Lời nói tựa như hoa cao giá/ Mời người ăn tạm quả cau rừng…". Bên nhà trai, ông quan làng hát: "… Mừng trầu người đem ra mời khách/ Trầu người trồng ven núi tốt thay/ Búi liền búi ở ngay vườn trước/… Của này của đất trời tạo đặt/ Gái cùng trai tìm gặp nên duyên…". Trong bài nộp lễ "lằm khấư" (ướt khô) có đoạn: "… Bên ướt mẹ để nằm/ Bên khô dành con ngủ/ Công đẻ nuôi nhọc khó biết bao/ Lễ vật này xin trao tới mẹ…".
Trong bài Quan làng chối rượu: "…Ơn người đã đem dâng rượu quý/ Ngàn vạn lý khó để chối từ/ Uống vào say lắc lơ vấp ngã/ Què chân tay xấu hổ lắm thay/ Xin người xét sự này cho tỏ/ Rượu này rượu quý họ trường sinh/ Vạn phúc xin được nâng lấy lệ…". Lúc tạm biệt họ nhà gái, ông quan làng hát: "…Giơ tay lên ngang trán trình người/ Ngửa tay lên thành tâm trình bản/ ơn người sắm bàn cỗ tôi ăn/ Nhà người có lòng nhân phú quý/ Nuôi tôi như nuôi chú gà rừng/ Giờ tôi xin hồi quân cất bước/… Chim đầy diều chim về làm tổ/ Nước cạn cá về ở biển khơi/ Đợi có dịp mong trời mưa lớn/ Cá sẽ về tìm bạn lại nguồn/ Hoa nở đẹp tỏa hương khoe sắc/ Ong bướm sẽ có lúc tìm về/ Giờ tôi xin hồi quê biệt bạn…".
Hát quan làng là lối diễn bằng thơ dùng để đón đưa dâu. Ý nghĩa của các bài hát suốt quá trình là sự trân trọng với công sinh thành của tổ tiên, ông bà, cha mẹ; là sự răn dạy con cháu sống sao cho phải đạo dâu hiền rể thảo. Những giá trị đó xin được trân trọng giữ gìn cho muôn đời con cháu hôm nay và mai sau.
Hoàng Tương Lai
Các tin khác
YBĐT - Tháng 8 năm Nhâm Ngọ, con trai cả Nguyễn Quang Bích (còn gọi Ngô Quang Bích) là Ngô Quang Đoan, tự là Chương Phủ, hiệu là Tượng Phong có viết về tiểu sử và công trạng của cha với tiêu đề Ngư Phong tướng công hành trạng bằng chữ Hán để lại cho con cháu và hậu thế.
YBĐT - Một số nhà khảo cổ học đã phát hiện được tại di chỉ Hang Hùm nằm bên lưu vực sông Chảy thuộc địa phận huyện Lục Yên những dấu vết của người Việt cổ sống cách đây hàng nghìn năm. Trong vùng lòng Hồ Thác Bà khi chưa ngập nước, các nhà nghiên cứu cũng phát hiện được nhiều di vật công cụ thời kỳ đá mới.
YBĐT - Việc nghiên cứu về luật tục, cũng như duy trì và ứng dụng nó là phương cách tốt nhất để gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trong việc xây dựng đời sống văn hóa, xây dựng bản làng vùng đồng bào thiểu số ở Yên Bái hiện nay.
YBĐT - Chào mừng và hưởng ứng Chương trình Du lịch về Cội nguồn của ba tỉnh Yên Bái, Phú Thọ, Lào Cai, Câu lạc bộ Thơ Người cao tuổi tỉnh Yên Bái cho ra mắt tập thơ - nhạc Cội nguồn (Nhà xuất bản Hội Nhà văn - 2006).