Trào lưu văn hoá đáng báo động
Vừa qua, trên mạng xã hội đã lan truyền nhóm bạn trẻ hoá trang Halloween với hình ảnh máu me, băng bó khắp nơi bước xuống từ chiếc xe tang, sau đó được nhóm người kéo trên một chiếc băng ca y tế kèm thùng phúng điếu rồi di chuyển trên phố đi bộ Nguyễn Huệ, thành phố Hồ Chí Minh. Ngay sau khi đoạn clip đăng tải đã nhận được sự quan tâm của dư luận với đa số cho rằng hành động này quá rùng rợn và phản cảm.Bà Nguyễn Thị Lan ở phường Hồng Hà, thành phố Yên Bái chia sẻ: "Tôi không thể hiểu nổi những văn hoá dị hợm của giới trẻ hiện nay. Việc lấy bệnh tật ra đùa giỡn là điều rất kiêng kỵ, không thiếu gì cách để vui chơi mà lại làm theo cách đó. Tôi là người lớn nhìn vào còn thấy rùng mình huống hồ trẻ nhỏ. Quả thực, lớp trẻ đang đón nhận những nét văn hoá mới một cách bản năng, trào lưu, bỏ qua những ý nghĩa nhân văn của lễ hội. Tôi thấy rất phản cảm!”.
Halloween là lễ hội hóa trang của các nước phương Tây mới du nhập vào Việt Nam trong vài năm gần đây. Thông điệp mà ngày lễ này mang lại là sống không nên tham lam, keo kiệt; phải có lòng bác ái, biết giúp đỡ những người khó khăn, không nên lừa lọc, đe dọa, làm cho người khác sợ hãi. Thế nhưng, khi vào nước ta, lễ hội này đã bị biến tướng bởi nhận thức không đầy đủ của một bộ phận giới trẻ. Họ cho rằng Halloween là phải mặc những trang phục kinh dị, hù dọa nhau để đem lại tiếng cười mới thật sự là tinh thần của lễ hội. Anh Hoàng Kim Chung ở phường Đồng Tâm, thành phố Yên Bái nhìn nhận: "Tôi rất lo lắng nếu con mình những thấy những hình ảnh này. Mọi người đều chụp ảnh, cười cợt, tỏ ra hào hứng. Liệu những việc này có phải là tiền đề tạo nên lối sống vô cảm và thói quen "sống ảo” của giới trẻ không? Tôi hi vọng cơ quan chức năng sớm có biện pháp ngăn chặn vì hành động này đi ngược lại thuần phong mỹ tục”.
Không chỉ lễ hội Halloween, hiện nay trên cả nước có khoảng 10 lễ hội du nhập từ nước ngoài, nhất là các nước phương Tây. Các lễ hội này được du nhập theo lẽ tự nhiên khi thế giới không còn bức tường ngăn cách về văn hóa với những đón nhận cởi mở, tạo nên sự phong phú cho đời sống văn hoá tinh thần của người Việt. Đặc biệt có 3 lễ hội được giới trẻ nhiệt tình hưởng ứng và xem như là một phần đời sống tinh thần vào dịp cuối năm cũ đầu năm mới, đó là: lễ hội Halloween, Noel - Lễ Giáng sinh, Valentine - Lễ tình nhân.Sẽ chẳng có gì đáng nói nếu giới trẻ tiếp thu những nét văn hoá "Tây phương" theo đúng ý nghĩa nhân văn vốn có. Tuy nhiên, một bộ phận giới trẻ lại biến tướng, hoà mình vào các lễ hội theo phong cách khác người, chủ yếu để tỏ ra mình thời thượng, khoe mẽ, thể hiện bản thân. Thay vì tận hưởng cảm giác nhẹ nhàng, ấm áp bên một nửa yêu thương vào những dịp lễ Noel, Vanlentine thì nhiều bạn trẻ lại thực hiện việc tỏ tình ồn ào trước đám đông tại những nơi đông người, sang trọng với những bó hoa và hộp chocolate khổng lồ, rất lố...!
Chắc hẳn chưa ai trong chúng ta có thể quên được thảm họa giẫm đạp của những người tham gia lễ hội Lễ hội Halloween trong con phố Itaewon ở thủ đô Seoul, Hàn Quốc ngày 29/10/2022. Những hình ảnh được lan truyền trên mạng xã hội đã khiến dư luận bức xúc bởi 159 người đã thiệt mạng khi tham gia vui chơi trong lễ hội Halloween lần đầu tiên sau 2 năm bị hạn chế bởi đại dịch Covid-19 mà nhiều người trong số họ là nữ giới tuổi đôi mươi. Đến nay, tròn 1 một năm sau thảm họa, Hàn Quốc đang hạn chế tổ chức Halloween. Đây là bài học cảnh tỉnh cho một bộ phận giới trẻ thiếu kiến thức khi tiếp nhận không đầy đủ những nét văn hoá của nước ngoài.
Ngôn ngữ "lai căng” xâm lấn
Trong khoảng 5 năm trở lại đây, cùng với sự bùng nổ của những trang mạng xã hội như Facebook, Zalo, Tiktok và những video ngắn quảng cáo phim được dịch sang tiếng Việt thì đã có rất nhiều từ ngữ mới được du nhập vào Việt Nam và được giới trẻ ưa thích. Đơn giản có thể nhắc tới từ "Goodnight" được các bạn trẻ viết tắt là "G9" mang ý nghĩa chúc ngủ ngon. Ngoài ra, cùng với sự phát triển của mạng xã hội thì cũng xuất hiện rất nhiều những thuật ngữ được giới trẻ đón nhận và có tần suất sử dụng cao trong thời gian gần đây như: livestream (truyền hình trực tiếp); check-in (chụp ảnh), chill (thư giãn), S.O.S (giải cứu)… Truy cập một số trang mạng xã hội, có thể thấy rất nhiều bài viết chứa yếu tố ngôn ngữ "lai căng”, chủ yếu là ghép tiếng Anh vào tiếng Việt như: "Lập team đi qua Tà Xùa ngắm bình mình”; "Bún đậu full topping siêu đỉnh”; "Săn sale giá rẻ - gói combo dành cho các bạn học sinh, sinh viên, ai cần inbox mình nhé”…
Những từ như team, topping, combo, inbox, sale... với ý nghĩa đội, nhóm, loại thức ăn đặt trên thức ăn/uống khác, hình thức mua sắm kết hợp nhiều mặt hàng trong cùng một gói sản phẩm, hoạt động trao đổi trực tuyến, bán hàng giảm giá… đã được nhiều người dùng các từ tiếng Anh tương đương để thay thế. Chị Nguyễn Thuỳ Liên ở phường Pú Trạng, thị xã Nghĩa Lộ cho biết: "Tin nhắn của bọn trẻ nhắn cho nhau giờ khó hiểu lắm, nửa tây nửa ta, không biết chúng đang nói gì”.Trong thời đại toàn cầu hóa, mở rộng giao lưu quốc tế, khó tránh khỏi sự xâm nhập của các nền văn hóa nói chung, ngoại ngữ nói riêng vào tiếng Việt. Tuy nhiên, không nên lạm dụng việc chêm ngoại ngữ vào tiếng mẹ đẻ khi giao tiếp. Ngôn ngữ là vỏ của tư duy, nên đặc tính tư duy của mỗi dân tộc thể hiện thành những đặc điểm ngôn ngữ của mình.
Đừng làm mất đi bản sắc văn hoá!
Thực tế cho thấy hiện nay, giao lưu văn hoá giữa các quốc gia, dân tộc là một xu thế tất yếu, đó vừa là cơ hội để làm phong phú hơn đời sống văn hóa tinh thần của người dân trong nước vừa là điều kiện để giới trẻ tiếp thu những tinh hoa văn hoá từ bên ngoài. Tuy vậy, việc giao lưu văn hoá và hội nhập không có nghĩa là du nhập văn hoá ngoại lai một cách tuỳ tiện, thiếu chọn lọc. Bởi lẽ nếu chúng ta không có bản lĩnh vững vàng, không có hướng phát triển văn hoá đúng đắn thì nguy cơ đánh mất bản sắc văn hoá dân tộc sẽ luôn hiện hữu. Cô giáo Phạm Thị Mỹ Lan - Phó Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Du, thành phố Yên Bái cho biết: "Bên cạnh việc giáo dục cho học sinh thấy được cái đẹp, cái tinh tế và bản sắc của văn hoá truyền thống thì các thầy cô giáo phải là tấm gương trong việc thực hiện nhiệm vụ đó. Mỗi thầy cô phải chuẩn mực, phù hợp với quy tắc giao tiếp, ứng xử hàng ngày. Để hạn chế những tiêu cực trong tiếp nhận, sử dụng cần có sự tham gia của toàn xã hội, trong đó gia đình và các tổ chức đoàn thể xã hội đóng vai trò quan trọng”.
Ông Nguyễn Ngọc Bái – nguyên Giám đốc Sở Văn hoá - Thể thao và Du lịch tỉnh cho rằng, Yên Bái đang làm rất tốt việc gìn giữ và phát huy những giá trị văn hoá bản sắc của đồng bào các dân tộc để các thế hệ trẻ ngày nay hiểu hơn và trân trọng những giá trị đó. Nhiều CLB truyền dạy hát then, khắp; CLB múa xoè; dạy chữ Thái cổ… trong sinh hoạt văn hóa của người dân và cả trong trường học đã được duy trì thường xuyên. Các lễ hội văn hoá truyền thống cũng được phục dựng và tổ chức thường niên, không những quảng bá văn hoá của địa phương mình mà còn giúp lan toả đến mọi tầng lớp nhân dân. "Tôi cho rằng đây là một trong những yếu tố quan trọng để hình thành nhân cách cho thế hệ trẻ biết trân quý những giá trị truyền thống", ông nói.
Hội nhập quốc tế là xu thế tất yếu của thời đại, song trong quá trình hội nhập văn hoá, tiếp thu tinh hoa trí tuệ nhân loại, Việt Nam cũng đang phải đối mặt với tình trạng "nhập siêu” văn hoá. Cùng với cái hay, cái tốt, chúng ta cũng hứng cả những "luồng gió độc" từ văn hóa ngoại lai, những "rác” văn hoá hết sức nguy hại cho nền văn hoá của dân tộc, nói cách khác đố là sự "xâm lăng văn hóa". Mất văn hoá là mất tất cả. Bởi vậy bên cạnh sự quản lý, kiểm soát, chấn chỉnh, định hướng các hoạt động văn hoá, lễ hội của các cơ quan chức năng thì rất cần ý thức tự giác, tinh thần tự tôn dân tộc trong mỗi bạn trẻ khi tiếp nhận văn hoá nước ngoài.
Thu Trang
(Bài dự thi "Vì một Yên Bái phát triển "Xanh, hài hòa, bản sắc và hạnh phúc” lần thứ III năm 2023 – 2024)