Giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống
Trong ngôi nhà sàn 5 gian, với tổng diện tích 180 m2 được xây dựng theo Dự án công trình bảo tồn làng truyền thống dân tộc Xa Phó, xã Châu Quế Thượng, huyện Văn Yên, Nghệ nhân ưu tú Ðặng Thị Thanh say sưa chia sẻ với chúng tôi về văn hóa truyền thống của dân tộc Xa Phó.
Theo bà Thanh, nghệ thuật dân gian của người Xa Phó rất phong phú và đa dạng về hình thức thể hiện như: âm nhạc, múa, hát... Trong đó, âm nhạc của họ nổi bật nhất là hai loại nhạc cụ sáo "cúc kẹ" (sáo mũi) và khèn ma nhí. Cùng với âm nhạc là các điệu múa truyền thống dân tộc, diễn tả khung cảnh tăng gia sản xuất và đời sống sinh hoạt hàng ngày; các điệu múa được lưu truyền từ đời này sang đời khác, theo phương pháp truyền dạy.
"Hiện nay ở địa phương còn rất ít người biết thổi sáo mũi nên tôi quyết tâm truyền dạy tiếng sáo, điệu múa xòe, mừng cơm mới, những làn điệu hát ru… cho thế hệ con cháu để có thể lưu giữ những nét văn hóa truyền thống quý báu đó.” - bà Thanh tâm sự.
Văn Yên là huyện miền núi với đông đồng bào dân tộc cùng chung sống. Mỗi dân tộc có nét văn hóa đặc sắc riêng từ kiến trúc nhà ở, phong tục, tập quán đến các loại hình văn hóa truyền thống nên việc bảo tồn các loại hình văn hóa, nghệ thuật, nhất là bảo tồn, phát huy di sản văn hóa truyền thống vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) đã được huyện chú trọng.
Nhiều năm qua, Nghệ nhân ưu tú Đặng Nho Vượng đã dành nhiều thời gian để truyền dạy cho thế hệ trẻ hát, múa, sử dụng nhạc cụ của người Dao. Ông luôn trăn trở làm sao để bảo tồn kho tàng văn hóa dân tộc khi tiếng nói, chữ viết cũng như các nghi lễ của người Dao rất ít người biết và có nguy cơ thất truyền.
Ông Vượng chia sẻ: Là nghệ nhân ưu tú loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian, tôi đã nỗ lực hết mình để truyền dạy cho thế hệ trẻ những nét văn hóa truyền thống của dân tộc Dao. Bản thân đã dàn dựng nhiều tiết mục để biểu diễn tại các ngày lễ lớn của địa phương như: múa rùa, trích đoạn cấp sắc… Qua đó, góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp dân tộc Dao".
Những năm qua, ngành văn hóa huyện đã tổ chức định kỳ 15 hội diễn nghệ thuật quần chúng các dân tộc. Thông qua tổ chức hội diễn nghệ thuật quần chúng các dân tộc đã huy động trên 12.000 lượt người tham gia. Đặc biệt, năm 2023, huyện đã tổ chức giải thể thao các dân tộc lần thứ nhất trên địa bàn, giúp khơi dậy một số môn thể thao mà từ lâu chưa được nhắc đến như chơi cù quay, chơi đi cà kheo…
Huyện còn bảo tồn tồn và phát huy các loại hình văn hóa như:
hát chầu văn, hát then, múa then, múa xòe cổ, hát khắp và các tiết mục văn hóa, văn nghệ đặc sắc khác của người Tày các xã: Đông Cuông, Tân Hợp, Phong Dụ Thượng, Ngòi A,...; hát páo dung, múa rùa, múa gông, múa chuông, múa cầu mùa, nhảy lửa, lễ cấp sắc và các tiết mục văn hóa văn nghệ đặc sắc khác của người Dao các xã: Đại Sơn, Viễn Sơn, Mỏ Vàng, Xuân Tầm, Phong Dụ Thượng, Ngòi A, Quang Minh, ...; múa xòe, sáo cúc kẹ và các tiết mục văn hóa văn nghệ đặc sắc khác của người Xa Phó xã Châu Quế Thượng; múa khèn, múa Mông, múa gậy sênh tiền và các tiết mục văn hóa, văn nghệ đặc sắc khác của người Mông xã Nà Hẩu…
Ông Hà Trung Kiên - Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Văn Yên cho biết: Hàng năm, trên địa bàn huyện diễn ra rất nhiều lễ hội truyền thống ở các di tích lịch sử, văn hóa cấp quốc gia, cấp tỉnh. Qua đó, các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao, các trò chơi dân gian truyền thống được bảo tồn và phát triển như: kéo co, đẩy gậy, bắn nỏ, ném còn, đu tiên, bịt mắt bắt vịt, đi cà kheo, đánh quay, vật dân tộc, thi đấu bóng chuyền, bóng đá, các điệu múa then, hát then, hát giao duyên, thổi sáo mũi, khèn lá…
Phát huy giá trị văn hoá truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số
Đẩy mạnh bảo tồn giá trị văn hoá truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) gắn với phát triển du lịch là hướng đi chính để Văn Yên phát huy, giới thiệu, quảng bá rộng rãi về những điệu xòe, điệu múa sạp và các phong tục, tập quán, tín ngưỡng đặc sắc của đồng bào Dao, Tày, Mông, Cao Lan, Xa Phó… cũng như phát triển các loại hình nghệ thuật dân tộc đặc sắc như trình diễn xòe Then của người Tày xã Đông Cuông, trình diễn sáo mũi và khèn bè của người Xa Phó, xã Châu Quế Thượng…
Những giá trị văn hóa truyền thống tiêu biểu của các dân tộc được các địa phương trên địa bàn Văn Yên tập trung khai thác gắn với phát triển du lịch cộng đồng. Qua đó, tạo ra những sản phẩm du lịch đặc trưng, thu hút du khách.
Huyện cũng đồng thời thành lập các câu lạc bộ để bảo tồn giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc tại các xã trên địa bàn do các nghệ nhân truyền dạy như hát giao duyên, dạy tiếng nói, chữ viết dân tộc, dạy hát then, đàn tính dân tộc Tày, dạy dệt may, thêu thùa trang phục truyền thống của dân tộc… Đến nay, Văn Yên có 185 đội văn nghệ, câu lạc bộ văn nghệ quần chúng đang hoạt động hiệu quả góp phần đẩy mạnh công tác bảo tồn văn hóa các dân tộc gắn với phát triển du lịch.
Ông Lưu Quang Lợi - Trưởng phòng Giáo dục - Đào tạo huyện Văn Yên chia sẻ: Thời gian qua, cùng với thực hiện các phong trào thi đua xây dựng "Trường học hạnh phúc”, các nhà trường trên địa bàn đã chú trọng thành lập các câu lạc bộ trong nhà trường để gìn giữ, bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc. Tiêu biểu là các trường ở xã Nà Hẩu đã kết hợp việc gìn giữ bảo tồn các giá trị văn hóa gắn với phát triển du lịch.
"Văn Yên đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ, học sinh trong các nhà trường học tập, gìn giữ tiếng nói, chữ viết, trang phục của dân tộc mình; tìm hiểu về bản sắc văn hóa dân tộc, phát huy các giá trị di sản văn hóa vật thể, phi vật thể tại địa phương; giữ gìn, giáo dục nét đẹp văn hoá, những thuần phong mỹ tục và bài trừ những hủ tục lạc hậu, mê tín, dị đoan…” - ông Hà Trung Kiên cho biết thêm.
Bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp các dân tộc gắn với phát triển du lịch, thúc đẩy kinh tế - xã hội của địa phương, thời gian tới, Văn Yên sẽ đầu tư các sản phẩm du lịch liên vùng, chuỗi giá trị các địa phương; quan tâm tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, kiến thức pháp luật cho đội ngũ nhân lực làm công tác văn hóa, cung cấp dịch vụ du lịch để từng bước nâng cao chất lượng phục vụ du khách.
Xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý về bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, phát triển du lịch; phát huy vai trò của cộng đồng DTTS với tư cách là chủ thể sáng tạo, gìn giữ và phát huy giá trị văn hoá gắn với phát triển du lịch; khuyến khích sự tham gia của cộng đồng, cư dân vào hoạt động bảo tồn, phát huy giá trị văn hoá.
"Trong khai thác giá trị văn hoá, Văn Yên sẽ tập trung nâng cao nhận thức của đồng bào DTTS trong giữ gìn, bảo tồn và phát huy giá trị văn hoá, lịch sử, truyền thống bản địa. Đặc biệt, quan tâm và đặt cộng đồng dân cư ở vị trí trung tâm các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội, phát triển du lịch, góp phần tạo thêm việc làm, tăng thu nhập, cải thiện đời sống vật chất và tinh thần thực chất, bền vững cho người dân…” - bà Lã Thị Liền - Phó Chủ tịch UBND huyện Văn Yên cho biết.
Thành Trung