Phóng viên (P.V) Báo Yên Bái đã có cuộc trao đổi với đồng chí Lê Thị Thanh Bình - Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) tỉnh về vấn đề này.
P.V: Đồng chí đánh giá như thế nào về tầm quan trọng của số hóa di sản đối với công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa Yên Bái?
Đồng chí Lê Thị Thanh Bình: Trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ 4 chuyển đổi số (CĐS) đang là xu hướng tất yếu với tất cả các lĩnh vực. Đối với di sản, số hóa tiến tới CĐS di sản được xem là giải pháp căn cốt, một bước tiến quan trọng để lưu giữ, bảo tồn di sản, đem lại những thay đổi tích cực trong việc quảng bá di sản văn hóa hướng tới phát triển du lịch thông minh, đưa di sản đến gần hơn với công chúng. Các hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin trong trưng bày, kết nối du khách với hiện vật, các di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh, các điểm du lịch được thực hiện thông qua các nền tảng công nghệ như: app hướng dẫn tham quan, ứng dụng công nghệ trải nghiệm thực tế ảo, quét mã QR code…
Nhờ đó, giúp du khách có những trải nghiệm khác biệt, tương tác chân thực hơn so với việc xem hình ảnh hay đọc thông tin trên sách giáo khoa, tạo cầu nối để đưa những thông tin, giá trị di sản đến gần hơn với du khách và người dân, giúp mở rộng không gian tương tác của di sản, gia tăng hiệu quả bảo tồn, khai thác bền vững giá trị di sản phát triển Yên Bái "Xanh, hài hòa, bản sắc, hạnh phúc”.
P.V: Có thể thấy, số hóa di sản đã và đang trở thành một xu thế tất yếu quan trọng. Xin đồng chí cho biết, để bắt kịp xu thế này, Yên Bái đã triển khai những hoạt động gì?
Đồng chí Lê Thị Thanh Bình: Để bắt kịp xu thế số hóa di sản, Sở VH-TT&DL đã chủ động phối hợp với các sở, ngành, địa phương tham mưu với UBND tỉnh ban hành Quyết định số 1648/QĐ-UBND ngày 15/9/2023 về việc phê duyệt Đề án "Bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa vật thể, phi vật thể trên địa bàn tỉnh Yên Bái gắn với phát triển du lịch giai đoạn 2022 - 2030", trong đó chú trọng các nhiệm vụ về CĐS di sản. Sở cũng đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc triển khai hiệu quả công tác CĐS trong lĩnh vực quản lý di sản và đã đạt nhiều kết quả tích cực.
Cụ thể, thời gian qua, Bảo tàng tỉnh đã khảo sát, số hóa hơn 1.000 tài liệu, hiện vật theo 5 chủ đề trưng bày thường trực của Bảo tàng để xây dựng cơ sở dữ liệu 3D. Thu thập, chuẩn hóa dữ liệu hình ảnh của 560 hiện vật giấy và 300 phim ảnh tư liệu. Cung cấp phiếu thông tin mô tả tư liệu lịch sử giấy, phim âm bản để làm cơ sở dữ liệu xây dựng phần mềm quản lý và sử dụng, khai thác các tư liệu lịch sử; Trung tâm Quản lý di tích và Phát triển du lịch đã: cập nhật hồ sơ di sản văn hóa phi vật thể đã được đưa vào danh mục phi vật thể cấp quốc gia và hồ sơ di tích các cấp trên trang thông tin
http://dsvhpvt.dsvh.gov.vn/Home.aspx và http://ditich.dsvh.gov.vn/login của Cục Di sản văn hóa. Tiến hành số hóa các hồ sơ khoa học di sản và kết quả kiểm kê di sản văn bằng hình thức scan để lưu trữ trên phần mềm Google driver.
Đến nay, Trung tâm lưu trữ số được 134 hồ sơ di tích được xếp hạng các cấp và gần 71 hồ sơ di sản văn hóa phi vật thể được bảo tồn các cấp trên máy tính. Trung tâm còn ứng dụng công nghệ thông tin vào việc xác định tọa độ số, xây dựng bản đồ khoanh vùng các khu vực bảo vệ di tích trên các phần mềm quản lý chuyên dụng; Thư viện tỉnh đã phục chế sách cổ của các dân tộc, số hóa, tạo lập cơ sở dữ liệu, xây dựng bộ sưu tập số để lưu giữ và đưa ra phục vụ bạn đọc tại địa chỉ website:
Thuvientinhyenbai.gov.vn, trong đó đã số hóa 143 tài liệu với 9.695 trang, kịp thời phục vụ bạn đọc với 2 bộ tài liệu Hán Nôm và chữ Thái cổ.
P.V: Thưa đồng chí, thách thức lớn nhất khi triển khai số hóa di sản văn hóa Yên Bái hiện nay là gì và trước thách thức này, Sở VH-TT&DL đã có những giải pháp nào để đẩy mạnh số hóa di sản, gìn giữ, phát huy, biến di sản văn hóa thành tài sản, trở thành nguồn lực nội sinh cho sự phát triển của tỉnh trong thời gian tới?
Đồng chí Lê Thị Thanh Bình: Bên cạnh những kết quả đã đạt được, quá trình số hóa di sản ở Yên Bái hiện đang đối mặt với không ít khó khăn, thách thức như việc nguồn nhân lực cho công tác CĐS còn yếu và thiếu; không có viên chức chuyên trách, 100% là kiêm nhiệm, chưa được tập huấn, hướng dẫn cụ thể việc chuyển đổi số di sản; việc CĐS đòi hỏi thời gian, công sức lớn để nhập liệu toàn bộ hiện vật vào phần mềm quản lý. Ngoài ra, việc đầu tư đồng bộ về vật tư, máy móc hiện đại để đáp ứng yêu cầu lưu trữ, quản lý, tích hợp các nội dung số hóa, phục vụ công tác CĐS còn gặp nhiều khó khăn.
Để khắc phục tình trạng này, thời gian tới, Sở VH-TT&DL sẽ tiếp tục làm tốt công tác tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành, địa phương đẩy mạnh số hóa một cách đồng bộ các di sản văn hóa trên địa bàn toàn tỉnh nhằm đạt mục tiêu chung trong Chương trình Số hóa di sản văn hóa Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030. Quan tâm ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động quảng bá di sản văn hóa gắn với xây dựng thương hiệu du lịch của tỉnh, góp phần giới thiệu rộng rãi hệ thống di sản văn hóa vật thể, phi vật thể của tỉnh đến với đông đảo du khách trong và ngoài nước. Tiếp tục cử công chức, viên chức tham gia tập huấn, nâng cao trình độ công nghệ thông tin, ứng dụng công nghệ số trong giải quyết các nhiệm vụ chuyên môn.
P.V: Xin trân trọng cảm ơn đồng chí!
Lê Thương (thực hiện)