Phát huy yếu tố nội lực để bảo tồn và phát triển văn hoá dân tộc thiểu số trong vùng Tây Bắc
- Cập nhật: Thứ tư, 24/10/2007 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Ngày 24/10, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch phối hợp với UBND tỉnh Yên Bái tổ chức Hội thảo với chủ đề: "Giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá truyền thống, tinh thần thượng võ các dân tộc vùng Tây Bắc thời kỳ hội nhập".
Toàn cảnh hội thảo.
|
Tới dự có các đồng chí: Lê Tiến Thọ - Thứ trưởng Bộ Văn hoá - Thể thao và Du lịch; Hoàng Thị Hạnh - Phó chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái; đại diện Ban Dân vận Trung ương, Uỷ ban Dân tộc Chính phủ, lãnh đạo ngành văn hoá thông tin, thể thao các tỉnh: Yên Bái, Lào Cai, Điện Biên, Lai Châu, Hoà Bình và Sơn La.
Trong đề dẫn của cuộc hội thảo nêu những thuận lợi và thách thức đối với bản sắc văn hoá truyền thống vùng Tây Bắc trong thời kỳ hội nhập. Theo đó, từ lâu đời Tây Bắc là vùng đất cư trú của gần 30 dân tộc anh em, lịch sử Tây Bắc đã có hàng vạn năm với nền văn hoá Sơn Vi. Đồng bào các dân tộc Tây Bắc có tinh thần yêu nước, có truyền thống đoàn kết, cần cù sáng tạo và giàu lòng nhân ái.
Tuy nhiên, hiện nay Tây Bắc vẫn là khu vực chậm phát triển của đất nước. Văn hoá Tây Bắc phải chịu ảnh hưởng của sự phát triển kinh tế thị trường với nhiều tác động không lành mạnh lên những giá trị truyền thống, các sinh hoạt văn hoá, nghệ thuật và lễ hội dân gian đặc sắc vốn có độ bền vững lâu đời nay lại đang bị bỏ rơi chìm vào quên lãng.
Mặt trái của kinh tế thị trường ảnh hưởng không nhỏ đến việc làm biến dạng các giá trị văn hoá vật chất, làm hạn chế khả năng sử dụng tiếng nói, chữ viết của đồng bào, văn hoá tâm linh tín ngưỡng cũng đứng trước nhiều vấn đề phức tạp. Chợ vùng cao vốn là chợ văn hoá nhưng dưới sự tác động của kinh tế thị trường giờ đây chợ vùng cao chỉ còn những quan hệ thương mại thuần tuý. Việc chạy theo nền kinh tế hàng hoá đã phá vỡ một số ưu thế của tập quán canh tác dẫn đến huỷ hoại tài nguyên môi trường, cảnh quan, không gian văn hoá Tây Bắc…
Một cảnh trong lễ rước dâu ngày cưới của dân tộc Dao tỉnh Lào Cai.
Trước những vấn đề được đặt ra cho việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá vùng Tây Bắc, các đại biểu, các nhà nghiên cứu tham gia hội thảo đã tham gia nhiều tham luận với những nội dung như: Công tác tư tưởng với việc bảo tồn, phát huy bản sắc văn hoá các dân tộc Tây Bắc; Bảo tồn và phát triển các trò chơi vận động dân gian và các môn thể thao dân tộc Việt Nam thời kỳ hội nhập; Phát triển văn hoá nghệ thuật vùng Tây Bắc từ thực trạng đời sống văn hoá xã hội của nhân dân các dân tộc vùng Tây Bắc…
Để giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá truyền thống, tinh thần thượng võ các dân tộc vùng Tây Bắc trong thời kỳ hội nhập, nhiều ý kiến tham luận cho rằng cần phải phát huy yếu tố nội lực trong đồng bào các dân tộc Tây bắc để bảo tồn, phát huy và phát triển văn hoá dân tộc thiểu số trong vùng; Nhà nước, các cấp cần có những cơ chế, chính sách phù hợp để tôn vinh, phát triển bản sắc văn hoá Tây Bắc hiện tại và tương lai, trong đó, có chính sách đầu tư, hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực, nghiên cứu lồng ghép các chương trình văn hoá với các chương trình phát triển kinh tế - xã hội; Cần khai thác có hiệu quả các giá trị văn hoá, thể thao, du lịch để khơi dậy các tiềm năng, các nguồn lực làm cho văn hoá Tây Bắc trở thành nền tảng, động lực xây dựng Tây Bắc ngày càng giàu đẹp.
Khánh Linh
Các tin khác
YBĐT - Chung chăn đệm - “sú phả” là một nét đẹp có tự ngàn xưa của người Thái Mường Lò được tổ chức ở nhà gái sau khi người con trai đã vượt qua được những thử thách của thời kỳ ở rể. Từ đây, đôi người yêu nhau được hai gia đình và cộng đồng công nhận là vợ chồng.
YBĐT - Ngày 24/10, Ban tổ chức Ngày hội văn - hoá thể thao các dân tộc vùng Tây Bắc tổ chức khai mạc triển lãm văn hoá các dân tộc Tây Bắc và Hội trại văn hoá.
YBĐT - Từ đầu tháng 5 đến tháng 7/2007, được sự chỉ đạo của UBND tỉnh Yên Bái và Sở VH-TT, Bảo tàng tỉnh Yên Bái đã tổ chức khai quật thành công di tích khảo cổ học Bến Lăn (Tân Lĩnh, Lục Yên).
YBĐT - Theo điều tra dân tộc học gần đây, tỉnh Yên Bái có khoảng 30 dân tộc chung sống. Hầu hết cộng đồng dân tộc thiểu số thường cư trú ở những triền núi, hay những vùng đất bằng ven chân núi. Mỗi dân tộc cơ bản vẫn giữ được nét đặc thù riêng về văn hóa tộc người, trong đó có văn hóa trang phục.