Sông Hồng trong thơ Nguyễn Quang Bích
- Cập nhật: Thứ sáu, 23/11/2007 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Sông Hồng. Biết bao thi sĩ đã viết và không mấy ai không nói về sắc đỏ, sắc hồng của sông Hồng với một đặc điểm thật riêng biệt. Thế mà Nguyễn Quang Bích viết đến 4 bài thơ về sông Hồng với cách quan sát, nhận xét thật cụ thể, tinh tế.
Đỏ tím chiều sông Hồng. Ảnh MQ
|
Chẳng hạn ở bài "Hồng Giang" (Sông Hồng) thứ nhất, ông miêu tả sông Hồng dài một dải, nước đục, láng như bùn, có thác lớn và sự đi lại bằng thuyền được tính toán khá chi li, cụ thể: "Hồng giang nhất đái thủy như nê/Than thủy huyền lương dũng hạ đê/Khứ lộ bằng phong tam nhật viễn/Quy châu nhật ảnh vị hàm tê (tây)".
Dịch nghĩa:
Nguyễn Quang Bích sinh ngày 7.5.1832 tại làng Trình Phố, phủ Kiến Xương, tỉnh Nam Định (nay là tỉnh Thái Bình). Ông là một danh tướng trong phong trào Cần Vương. Ông từng lãnh đạo nghĩa quân đóng đại bản doanh ở Nghĩa Lộ - Yên Bái. Không những thế, ông còn là một nhà thơ tiên phong về Tây Bắc. Xin giới thiệu những bài thơ của ông viết về sông Hồng.
"Sông Hồng một dải, nước láng như bùn/Thác đổ dốc như từ trên mái nhà giội xuống/Đường đi thuận gió cũng phải mất hơn ba ngày/Thế mà khi cập bến, phía tây mặt trời chưa gác núi".
Dịch thơ:
"Sông Hồng dài một dải/Nước đục tựa bùn pha/Thác trên cao đổ xuống/Dốc đứng như mái nhà/Kéo buồm lên đón gió/Đi mất ba ngày xa/Thuyền về thuận dòng nước/Mặt trời chưa xế tà".
Ở bài "Hồng Giang" (Sông Hồng) thứ hai, ông tập trung miêu tả cảnh sắc của sông Hồng, lấy cái "son thắm" của sông Hồng để tạo tứ thơ, phát triển ra toàn bài, tạo ra nét khác biệt với mọi sông suối khác:
"Vạn phái thanh khê thử độc thù/Hồng giang giang thượng thủy như châu/Duyên giang lưỡng ngạn sa giai xích/Ao chử tuyền lưu, nhất dạng câu".
Dịch nghĩa:
"Hàng vạn dòng khe đều trong, riêng dòng này là khác hẳn/Sông Hồng, nước sông sắc thắm như son/Dọc theo đôi bờ, toàn là cát đỏ/Vũng, bãi, suối và nhánh cũng đều một màu như thế".
Dịch thơ:
"Vạn suối trong, riêng khác một dòng/Nước như son thắm gọi sông Hồng/Dọc bờ cát mịn màu tươi đỏ/Bến bãi sông ngòi cũng sắc chung". (Trà Hải dịch)
Rõ ràng, cảnh "Hồng giang" này xem ra là đẹp hơn, thơ mộng và tươi thắm với hình ảnh nước thắm như son, dọc đôi bờ cát đỏ, bến bãi cũng vậy, chất phù sa thật màu mỡ, khác hẳn với màu nước đục "láng như bùn", có thác lớn dữ dằn như ở bài "Hồng giang" trước.
Ở bài "Quá Thao hà thượng lưu cảm tác" (Qua thượng lưu sông Thao, cảm tác), Nguyễn Quang Bích viết về một khúc sông Hồng từ Việt Trì trở lên gọi là sông Thao, ông cũng có nói đến dòng nước đỏ và một con thuyền đi xuôi, nhưng không còn là miêu tả sông nước một cách thuần túy nữa. Ta thấy dòng sông, con thuyền đã gợi nỗi nhớ quê nhà da diết khiến cho lòng dạ ông nôn nao, bối rối, mang tâm trạng "muôn vàn chua xót":
"Cổn cổn hồng lưu chú hải nam/Nhất bồng phi hạ đáo gia am/Như kim hồi thủ thiên biên ngoại/Trường sử chinh nhân vạn bất kham".
Dịch nghĩa:
"Dòng nước đỏ cuồn cuộn đổ ra biển phương Nam/Một lá thuyền con xuôi như bay vụt đến quê nhà/Đến nay ngoảnh đầu nhìn lại cõi ven trời/Còn mãi mãi khiến kẻ chinh nhân muôn vàn chua xót".
Dịch thơ:
"Cuồn cuộn dòng sông rót biển đông/Về quê muốn thả một mui bồng/Bên trời ngoảnh lại xa xôi quá/Khiến khách chinh nhân cũng rối lòng". (Trần Huy Liệu dịch)
Bài thứ tư: "Tái quá Hồng giang thủy trướng bất năng độ" (Lại đi qua sông Hồng, nước to không sang được), ông kể chuyện:
"Nhất độ kinh qua, nhất độ sầu/Thao thao giang thủy trướng hồng lưu/Vị năng thử nhật quy châu phóng/Hựu thả hành gian ngại khứ lưu".
Dịch nghĩa:
"Một lần đi qua là một lần buồn sầu/Nước sông cuồn cuộn dâng lên một dải đỏ/Ngày hôm nay chưa chắc đã giong buồm trở về được/Huống chi trong cuộc hành trình, việc qua lại còn có trở ngại".
Dịch thơ:
"Mỗi độ qua sông mỗi độ sầu/Sông Thao cuồn cuộn đỏ dòng sâu/Thuyền về chưa hẳn buồm giong gió/Qua lại nơi này ngại bấy lâu". (Trà Hải dịch)
Vẫn là con sông màu đỏ, nhưng lúc này là cảnh nước lên to, cuồn cuộn chảy xiết, cản trở con thuyền qua lại, làm chậm trễ cho cuộc hành trình của ông, khiến cho lòng ông buồn, ông sầu, ông ngại vì sông nước đầy hiểm nguy đe dọa.
Như vậy, ta thấy, sông Hồng trong thơ ông bên cạnh sự nhất quán miêu tả về những đặc điểm riêng biệt, ở từng góc độ, từng lúc đi lại khác nhau, ông cũng có những cảm nhận khác nhau với tâm trạng, tình cảm khác nhau. Ta thấy lòng ông dạt dào cảm xúc với sông nước, nhưng sông nước cũng đem lại bao nỗi nhớ quê nhà, bao khó khăn cản trở trên con đường hoạt động kháng chiến, là nơi gian lao, thử thách tấm lòng trung dũng, yêu dân yêu nước của kẻ chinh nhân.
Hoàng Việt Quân
Các tin khác
YBĐT - Xưa kia, người Khơ Mú khi làm nương rẫy đều "cầu xin" sự phù hộ của trời đất, các ma sông, ma suối, ma nương rẫy, tổ tiên như mọi nhóm dân tộc sinh sống bằng trồng trọt khác.
YBĐT - Với 56 bài thơ cho một tập thơ, dung lượng vừa phải nối tiếp từ “Lâu đài mái cọ” (2002), “Mùa nhãn đợi” (2003), “Tình không cô đơn” (2004), “Nhẹ như tiếng khèn” (2005) và “Thao thức một vầng trăng” (2006) - Đinh Hội viết đều đặn, khỏe khắn, cần mẫn, đam mê của người làm thơ.
YBĐT - Nhà sàn của người Thái - hướn hạn phủ táy là một công trình kiến trúc tài hoa, hòa đồng với thiên nhiên, đất trời cùng vạn vật. Từ kiến trúc xây dựng đến nghệ thuật trang trí đều bắt nguồn từ thực tế cuộc sống khách quan được cách điệu hóa đạt tới trình độ thẩm mỹ cao.
YBĐT - Thế đấy, mùa đông lại tự tin khoác áo bông trở lại. Buồn nhìn xóm trọ nhỏ nơi cuối phố, dưới ánh đèn heo hắt qua ô cửa sổ, không biết giờ này mẹ đã ngủ chưa? Sáng mai là phiên chợ quê cũng là một ngày bận rộn của mẹ.