Chiêm ngẫm của nỗi niềm

  • Cập nhật: Thứ tư, 21/11/2007 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - Với 56 bài thơ cho một tập thơ, dung lượng vừa phải nối tiếp từ “Lâu đài mái cọ” (2002), “Mùa nhãn đợi” (2003), “Tình không cô đơn” (2004), “Nhẹ như tiếng khèn” (2005) và “Thao thức một vầng trăng” (2006) - Đinh Hội viết đều đặn, khỏe khắn, cần mẫn, đam mê của người làm thơ.

Bạn yêu thơ trân trọng trước “Vũ môn” thơ anh: có giọng điệu riêng; càng viết càng trải nghiệm tinh tế, chắc chắn. Đến tập “Thao thức một vầng trăng”, “ngón mới” trong thi pháp xuất hiện với thể thơ Đường thất ngôn tứ tuyệt (“Vô kế khả thi”, “Xuân đáo trung thiên”), ngũ ngôn tứ tuyệt (“Vấn kỷ cương”). Phải chăng, nếu có thêm lời dịch hoặc thơ dịch và trình bày hợp lý có lẽ toàn bích hơn?

“Thao thức một vầng trăng” - tên của bài thơ đã phản ánh phần nào thần thái cho cả tập thơ. Bút lực thơ tập trung diễn tả nỗi niềm trước sự biến động, đổi thay của cuộc sống, của con người với từng cảnh ngộ, thân phận cụ thể; ở ước mơ khát vọng cháy bỏng vì cuộc sống, vì con người. Vầng trăng tròn rồi khuyết và khuyết lại đến tròn theo vòng tuần hoàn của dương gian tạo hóa - trăng khi khuyết thì đau đáu gánh hai đầu chia ly, xa cách, chờ đợi và khát khao sum họp hội ngộ; khi đầy tròn tưởng viên mãn lại cô lẻ hưu quạnh, khát vọng sẻ chia cho nỗi niềm xa xôi.

“Bâng khuâng nỗi nhớ bến bờ” - đó là sự chiêm ngẫm của thi nhân trước số phận, cảnh ngộ... của con người, của cuộc đời hy hữu cho sự phồn sinh. Thi nhân sử dụng hình tượng thơ từ cõi nhân sinh của tạo hóa (“Viên đá hình trái tim”, “Cây mít na”, “Xương rồng”, “Đi tìm hoa bất tử”...) đến cảnh trí, cảnh ngộ (“Vào khe Sến”, “Bên cối nước”, “Thế đứng”, “Mênh mang tháng Chạp”, “Trận tuyến chống trời”, “Tượng ba người”, “Bình minh Nha Trang”, “Xa nhớ Vũng Tàu ơi”...); hướng về cõi người ở thế giới tâm linh (“Thăm nhà mồ người Ê đê”...); thi hứng, cảm xúc chủ đạo trong tập thơ tập trung vào thân phận, số phận, bổn phận của từng cảnh ngộ cụ thể (“Bé tặng hoa”, “Vuốt ve”, “Đi tìm nỗi nhớ”, “Thằng cu”, “Bố ơi...”

Thế giới tự nhiên, con người đều có tình huống: yên ả, an bài hoặc cuộn nổi trào sôi. Nhà thơ trữ tình đã diễn tả, gửi gắm, thổ lộ, tri âm tri kỷ, suy ngẫm... Đó cũng chính là thi tứ, lối cảm, cách nghĩ thể hiện trong hồn thơ Đinh Hội.

Trong các bài, độ đậm nhạt, nông sâu ở nhiều cấp độ khác nhau - ta tìm được vàng ròng trong kho báu với câu hay trong bài và bài đọc được trong toàn tập. Đây cái “Vuốt bầu má sữa con ơi!/ Mong cho con lớn giữa trời đầy trăng”, “Vuốt lên từ những gai chông/ Ngón tay rớm máu chạnh lòng xót xa” (Vuốt ve); hay những câu thơ tinh tế, gợi cảm, giàu ý tưởng: “Ngọn đèn chong suốt đêm mơ/ Màn buông con ngủ, ngồi chờ trăng lên/ Thiu thiu giấc ngủ bên thềm/ Tự nhiên trang giấy “cái đêm chờ chồng...” (Chiều chồng); “Đám cưới chiều đông ấy/ Đẹp duyên đôi chúng mình/ Lập lòe hoa chuối nở/ Đỏ trên nền trời xanh” (Lập lòe hoa chuối).
Bạn thơ mong đợi ở Đinh Hội có thêm nhiều bài giàu chất suy tưởng, giàu “trầm tích” trong thơ như bài “Nhân tình thế thái”:

“Thế mới biết nhân tình thế thái
Nụ cười đâu phải thật lòng vui
Thế mới tỏ lẽ đời khôn dại
Tay xòe ra đâu phải lời mời”.

Hay bài “Thế đứng”: “Không phải/Cứ lều tranh là đã trái tim vàng/ Cũng không phải/ Cứ cao tầng bỗng hóa thành cao thượng/ Phải chăng tất cả tùy thế đứng...

Tuy nhiên, một số bài, một số câu cần trau chuốt, chặt chẽ ở ý tứ, câu chữ hơn. Có lẽ không tránh khỏi sự dễ dãi trước yêu cầu “Quý hồ tinh, bất quý hồ đa”. Thơ lục bát tưởng dễ viết nhưng dễ sa vào nôm na, sáo mòn. Ta cần một Đinh Hội trau chuốt và “khó tính” hơn. “Lời vàng non nước còn ghi/ Có dân có Đảng sợ chi hiểm nghèo/ Để cho đời bớt gieo neo/ Kết đoàn một khối sớm chiều tăng gia” - e rằng đã lọt vào ống ngắm của nhà sưu tầm, “thơ ca quần chúng” đâu đó từ thời xa xưa!

Bạn thơ trân trọng hình tượng thơ: “trăng” xuyên suốt cả tập thơ, từ “trăng đợi”, “trăng thức” và “chờ trăng” đến “Thao thức một vầng trăng” và gửi gắm tâm hồn thơ Đinh Hội. Thơ Đinh Hội sẽ đi vào cõi lòng người yêu thơ bởi thơ anh cất lên từ cuộc sống và khát vọng làm đẹp, làm giàu cuộc sống bằng chính mình. Như vần thơ anh đã viết: “Muốn cho dao thật sắc/ Tìm chỗ nháp mà kỳ/ Muốn cho đời vững chắc/ Phải vượt khó mà đi”.

Lê Văn Lộc

Các tin khác

YBĐT - Nhà sàn của người Thái - hướn hạn phủ táy là một công trình kiến trúc tài hoa, hòa đồng với thiên nhiên, đất trời cùng vạn vật. Từ kiến trúc xây dựng đến nghệ thuật trang trí đều bắt nguồn từ thực tế cuộc sống khách quan được cách điệu hóa đạt tới trình độ thẩm mỹ cao.

YBĐT - Thế đấy, mùa đông lại tự tin khoác áo bông trở lại. Buồn nhìn xóm trọ nhỏ nơi cuối phố, dưới ánh đèn heo hắt qua ô cửa sổ, không biết giờ này mẹ đã ngủ chưa? Sáng mai là phiên chợ quê cũng là một ngày bận rộn của mẹ.

Ảnh: MQ

YBĐT - Nhiều người trong lớp hậu sinh chúng tôi lấy cụ làm tấm gương soi sáng cho đời mình, vô cùng đau xót phải vĩnh biệt một người vừa là bậc cha anh, vừa là đồng chí, vừa là thi hữu thân yêu - một khoảng trống không gì khỏa lấp được.

YBĐT - Khi đứa con chào đời, đó là kết tinh của tình yêu và là hạnh phúc vô bờ bến của mỗi gia đình, đồng thời là niềm hy vọng lớn lao, mong cho con sẽ chăm ngoan, tài giỏi và có cuộc sống ngày một ấm no, hạnh phúc.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục