Nhà sàn của người thái Tây Bắc
- Cập nhật: Thứ bảy, 17/11/2007 | 12:00:00 AM
YBĐT - Nhà sàn của người Thái - hướn hạn phủ táy là một công trình kiến trúc tài hoa, hòa đồng với thiên nhiên, đất trời cùng vạn vật. Từ kiến trúc xây dựng đến nghệ thuật trang trí đều bắt nguồn từ thực tế cuộc sống khách quan được cách điệu hóa đạt tới trình độ thẩm mỹ cao.
Nhà sàn của người Thái Tây Bắc là một công trình kiến trúc đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc
Nhà sàn của người Thái bao giờ cũng làm số gian lẻ, hai đầu hồi - tụp cống khum khum như mai rùa, gắn với truyền thuyết về thuở khai thiên lập địa, thần rùa Pua tấu dạy cho người Thái biết cách làm nhà theo hình rùa đứng.
Người Thái có câu: Khửn song phái/ cái song đay - tức là mở hai cửa/ đi hai đường. Nhà người Thái cổ bao giờ cũng có hai cầu thang: Tang chan và Tang quản. Tang chan ở cuối nhà, bên trái dành cho phụ nữ lên xuống. Chan là phần sàn nhà được nối dài ra ngoài trời. Đây là nơi các mẹ, các chị, các em... thường ngồi chơi lúc nhàn rỗi, thêu thùa... Cầu thang này bao giờ cũng mang số lẻ, thường là 9 bậc, ứng với 9 vía. Cầu thang dành riêng cho nam giới - tang quản ở đầu nhà, thường có 7 bậc ứng với 7 vía.
Nhà sàn của người Thái cổ có hai bếp lửa - Chík pháy. Bếp lửa phía tang quản dành cho người già, bếp chính ở phía tang chan dành cho nữ giới. Giữa núi rừng trùng điệp, bếp lửa hồng trên nhà sàn như trái tim hồng, sưởi ấm và nuôi dưỡng cả về vật chất và tinh thần cho mỗi con người.
Từ bếp dành cho người già đến hết cầu thang dành cho nam giới gọi là quản. Đây là nơi dành riêng cho đàn ông, phụ nữ không được đến khu vực này, trừ một số trường hợp đặc biệt. Nơi đây có gian thờ tổ tiên - hỏng hóng và cột thiêng - sau hẹ. Trên cột thiêng treo hình thần rùa bằng gỗ, ba bông hoa - sam huống khẩu và ba nhánh rau thì là - sam hóm chík... Ngoài ý nghĩa có tính biểu tượng của tô tem giáo thì còn mang bóng dáng của thuyết thiên - địa - nhân.
Ngôi nhà sàn của người Thái vừa trang nhã, vừa chắc chắn: hướn đi tẳng cang tèn/ hướn én tẳng cang vên/ lốm luông pặt bấu chại/ lốm hại pặt bấu pay - nghĩa là: Nhà tốt dựng nơi cao ráo/ nhà đẹp dựng giữa mường/ gió to thổi không xiêu/ bão lớn không lay động.
Nhà sàn được trang trí nhiều hoa văn, họa tiết tinh xảo trên bậu cửa sổ, trên các tấm ván hình răng cưa làm chấn song cửa sổ, trên khau cút của nhà người Thái đen. Khau cút vẽ vân sen/ đầu kèo vẽ vân én/ mái nhà xén bằng dui - khau cút tẻm lai bua/ sinh dua tẻm lai én/ nhả ca bén tin con, đã trở thành tiêu chí về vẻ đẹp của ngôi nhà sàn người Thái đen Tây Bắc.
Khau cút là hai tấm ván đóng chéo nhau hình chữ X trên đòn nóc - tiêu bôn, trước hết để chắn gió - pảy lốm cho mái tranh hai đầu hồi nhà. Những gia đình quý tộc xưa còn làm thêm bông sen cách điệu ở giao điểm hai tấm ván và tám hình trăng khuyết hướng vào nhau so le trên khau cút. Giải thích về biểu tượng khau cút có nhiều ý kiến khác nhau như: đó là cặp sừng trâu cách điệu, biểu tượng của một nền văn minh lúa nước, hoặc đó là những búp cây guột - cút lo ngong có nhiều ở Tây Bắc, hay gắn với cuộc thiên di tìm miền đất hứa của người Thái, anh em luôn nhớ về nhau... Dù có cách giải thích thế nào thì khi bắt gặp hình khau cút trên nóc nhà sàn là mỗi người Thái đen Tây Bắc lại thêm ấm lòng, nhớ về anh em, bản mường yêu dấu.
Trên bậu cửa sổ thường chạm hình đôi thuồng luồng - tô ngựa, linh vật làm chủ sông, suối, biểu tượng của sức mạnh và gia đình hạnh phúc. Trên các chấn song cửa sổ chạm các hoa văn, họa tiết mô phỏng thiên nhiên theo hình đối xứng hoặc lặp lại. Đó là những hình thoi như quả trám, hoa ban - bók ban, búp cây guột - cút lo ngong... Nhà sàn người Thái trắng - Táy khao thường có lan can xung quanh hoặc trước nhà rất đẹp. Thiên nhiên được phản ánh một cách sống động, thể hiện tinh tế quan điểm về vũ trụ, âm dương ngũ hành và ý nghĩa nhân sinh cao đẹp.
Nhà sàn của người Thái Tây Bắc là nơi hội tụ những giá trị vật chất và tinh thần
Đây là nơi chứng kiến buồn vui của bao thế hệ để rồi mỗi người hiểu thêm về quá khứ, hiện tại và tương lai, trân trọng, nâng niu những tài sản vô giá cả về vật chất và tinh thần đã trở thành truyền thống tốt đẹp và phấn đấu vì một ngày mai tươi sáng hơn.
Quanh bếp lửa hồng, đã bao lần gia đình, họ tộc quây quần nghe người già hát, ngâm, kể - khắp những điều răn dạy về đạo lý làm người, cùng nồng say trong các điệu xòe ngày mừng cơm mới, lên nhà mới, hội cưới, ngày xuân...
Nhà sàn còn là nơi con trai đan lát, thổi khèn, pí...; con gái quay xa, dệt vải, thêu thùa... đã được khái quát trong câu thơ: Trai biết đan chài/ gái biết dệt vải - Nhinh hụ tháp phải/ trái hụ san he.
Các bản Thái thường quần tụ ven suối, chân đồi. Những ngôi nhà sàn bình dị, ấm cúng, khói lam thơm thoảng gió đồng, lách cách tiếng thoi đưa, đâu đây da diết một điệu khèn câu khắp, lốc cốc tiếng mõ trâu đàn về bản... Tất cả làm nên một vẻ đẹp trong sáng, đậm tình như một bức tranh sơn thủy, dân dã, nguyên sơ của một nền văn hóa.
Trần Vân Hạc
Các tin khác
YBĐT - Thế đấy, mùa đông lại tự tin khoác áo bông trở lại. Buồn nhìn xóm trọ nhỏ nơi cuối phố, dưới ánh đèn heo hắt qua ô cửa sổ, không biết giờ này mẹ đã ngủ chưa? Sáng mai là phiên chợ quê cũng là một ngày bận rộn của mẹ.
YBĐT - Nhiều người trong lớp hậu sinh chúng tôi lấy cụ làm tấm gương soi sáng cho đời mình, vô cùng đau xót phải vĩnh biệt một người vừa là bậc cha anh, vừa là đồng chí, vừa là thi hữu thân yêu - một khoảng trống không gì khỏa lấp được.
YBĐT - Khi đứa con chào đời, đó là kết tinh của tình yêu và là hạnh phúc vô bờ bến của mỗi gia đình, đồng thời là niềm hy vọng lớn lao, mong cho con sẽ chăm ngoan, tài giỏi và có cuộc sống ngày một ấm no, hạnh phúc.
YBĐT - "Khửn cẩu" là phong tục từ ngàn xưa để lại của đồng bào dân tộc Thái đen Tây Bắc. Đây là nét đẹp văn hoá truyền thống độc đáo trong đời sống giao tiếp xã hội và là khuôn phép, lối sống đạo đức để bảo vệ hạnh phúc, hôn nhân và gia đình của tộc người Thái đen.