Những nghi lễ liên quan đến nông nghiệp của người Khơ Mú
- Cập nhật: Thứ sáu, 23/11/2007 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Xưa kia, người Khơ Mú khi làm nương rẫy đều "cầu xin" sự phù hộ của trời đất, các ma sông, ma suối, ma nương rẫy, tổ tiên như mọi nhóm dân tộc sinh sống bằng trồng trọt khác.
Đánh cồng khai mạc lễ hội “Cầu mưa” ở xã Nghĩa Sơn, Văn Chấn.
|
Ở tỉnh Yên Bái, các dân tộc có rất nhiều nghi lễ, kiêng kỵ, vay mượn của nhau đến mức không thể suy đoán là bắt nguồn từ nhóm dân tộc nào. Ví như lễ hội "Lồng tồng" (hội xuống đồng), lễ hội "Xên lẩu nó", lễ hội "Cầu đông" v.v…
Riêng đồng bào Khơ Mú ở xã Nghĩa Sơn, huyện Văn Chấn có những nghi lễ, kiêng kỵ riêng và cũng rất độc đáo chỉ người Khơ Mú có và tin theo. Ấy là lễ hội "Cầu mưa", lễ hội rước "Hồn lúa" (mạhngọ), lễ rước "Khoai sọ, bầu bí", lễ hội "Mùa măng mọc"… Những nghi lễ ấy liên quan đến nông nghiệp, trồng trọt. Những nghi lễ đi cùng là hội tổ chức ở cộng đồng.
Xin được giới thiệu tóm tắt những nghi lễ trên để bạn đọc tham khảo, nghiên cứu.
Thứ nhất là lễ nghi "Cầu mưa". Người Khơ Mú sợ nhất là mùa nương rẫy mà hạn hán. Cách "cầu mưa" của họ không chỉ là các hình thức ma thuật, bắt chước, diễn lại hiện tượng mưa rơi (vảy nước, tuốt lá thể hiện tiếng mưa, mà còn là làm các điều "xúi quẩy" để "chọc tức" trời hay ma hạn hán (hrôi nhan) bực mình mà đổ mưa xuống. Ví dụ: lấy vỏ bưởi vứt quanh nương; lấy nước ngâm măng với gio hoặc máu trâu, bò phun vào chỗ linh thiêng ở nương (Knưm hrế), thậm chí cho phụ nữ có kinh đi vòng quanh nương…
Ý nghĩa nghi lễ "cầu mưa" chỉ có thế, vì người Khơ Mú chỉ tin các loại "ma" trên, hay là trời góp phần chi phối quá trình sản xuất, giúp lao động có kết quả. Còn năng suất của các loài cây trồng lại phụ thuốc vào "hồn" của loài cây đó. Ví như lúa có nhiều bông, nhiều hạt là nhờ "hồn lúa" phù hộ mà có. Bởi thế đồng bào mới có nghi lễ "Rước hồn lúa" (mạhngọ), nhằm biết ơn "hồn lúa" và làm lễ giải, trong đó phải thờ một biểu tượng của âm dương vào một cụm lúa, ý là làm tăng sức trả bù "âm dương" cho hồn lúa, mong muốn vụ trồng tới thu hoạch sẽ nhiều hơn, cao hơn.
Nghi lễ "Rước hồn lúa" thể hiện ở chỗ "hồn" nhập vào bà chủ gia đình, tức là "Mẹ lúa" (ma hngọ). Mẹ lúa tượng trưng cho hồn lúa chủ trì việc gieo cũng như gặt. Bà ta trong quá trình làm "Mẹ lúa" phải câm như thóc. Mặc diện theo lối cổ truyền dân tộc. Tay mang ống nước, tay xách túi trong đựng các "vật thiêng". Mẹ lúa phải được mọi người tôn trọng. Bản thân Mẹ lúa phải chịu theo một số điều kiêng kỵ nhất định như 3 ngày làm "mẹ" không được gặp ai, không được nói. Suốt năm phải kiêng ngày sấm động, sợ "hồn lúa" sẽ chết. Mọi người không nói tới chim chóc, kẻ thù của lúa với mục đích sợ "hồn lúa" chạy mất. Ai xúc phạm đến Mẹ lúa, sinh thực khí của mình sẽ bị đau. Người Khơ Mú cho rằng, chỉ có vậy "hồn lúa" mới được yên, mới giúp "hồn lúa" sinh sôi, nảy nở sau này.
Nghi lễ thứ ba liên quan đến nông nghiệp là lễ rước "khoai sọ, bầu bí". Xưa người Khơ Mú quan niệm, hồn lúa muốn sinh sôi, nảy nở phải được tiếp sức bằng những tinh linh của hoa màu đã có mặt ở trên nương rẫy trước lúa. Đây chính là nguyên nhân khoai sọ là "bạn tình" của lúa. Lúa là yếu tố cái. Khoai sọ là yếu tố đực. Việc trồng một cách bắt buộc có ý nghĩa tôn giáo là phải có vài khóm khoai sọ ở cạnh lều nương, chỗ được coi là liêng thiêng.
Ở đây, khoai sẽ tác động, hỗ trợ lúa. Người mẹ lúa mang hồn lúa khi gặt tới đây phải giả vờ vấp vào khóm khoai sọ, hàm ý mong khoai tác động để sang năm lúa sinh sôi, nảy nở được nhiều. Vì thế, khi rước mẹ lúa nhất thiết phải rước khoai sọ, bầu bí đi theo. Người Khơ Mú gọi đây là rước hoa màu (ma grơ, grơ tức là củ). Trong lễ rước này, họ bôi bầu bí, khoai sọ vào người nhau, vê xôi vào tóc, ý muốn cho bầu bí, khoai sọ và lúa kết họ. Cuối cùng, gọi hồn lúa về và treo bông lúa vào bịch trên khoai sọ, bầu bí.
Ngoài những nghi lễ trên, người Khơ Mú còn có hội "Mùa măng mọc". Trung tâm của lễ hội là "Cây quấn hoa". Một cây chuối treo cắm nhiều loại hoa. Cùng với hoa là các con giống làm bằng nan tre nứa nhuộm màu, các hạt ngũ cốc như ngô, đỗ, thóc… Nguồn gốc của cây quấn hoa - một loại cây vũ trụ - là sức mạnh của con người muốn chính mình chiếm lĩnh cả thiên nhiên đang nảy nở, cả ánh sáng mặt trời, cả đất đai đang hồi sinh. Sau những nghi lễ là hội vui như múa, hát của thanh niên nam nữ quanh cây quấn hoa…
Với tộc người Khơ Mú, nếu như việc cúng ma mường, ma bản, thờ cúng tổ tiên nhằm củng cố quan hệ xã hội thì những nghi lễ liên quan đến lao động sản xuất, đặc biệt đến trồng trọt là nhằm "cầu xin" thành quả, để con người được đủ đầy, no ấm.
Tùy tính chất và nhu cầu, đặc điểm, thời gian mà những lễ nghi được tổ chức thích hợp. Ví như trước mùa nương rẫy, bà con mở hội "Cầu mưa"; sau khi thu hoạch là tổ chức nghi lễ rước "Mẹ lúa", rước "Bầu bí, khoai sọ". Mùa xuân, khi cây cối đâm chồi nảy lộc là mở hội "Mùa măng mọc".
Đến với những nghi lễ liên quan đến nông nghiệp nói chung, cũng là đến với những sinh hoạt văn hóa của một tộc người nói riêng, ở đây là dân tộc Khơ Mú, càng thấy rất đáng nghiên cứu và trân trọng.
Bùi Huy Mai
Các tin khác
YBĐT - Với 56 bài thơ cho một tập thơ, dung lượng vừa phải nối tiếp từ “Lâu đài mái cọ” (2002), “Mùa nhãn đợi” (2003), “Tình không cô đơn” (2004), “Nhẹ như tiếng khèn” (2005) và “Thao thức một vầng trăng” (2006) - Đinh Hội viết đều đặn, khỏe khắn, cần mẫn, đam mê của người làm thơ.
YBĐT - Nhà sàn của người Thái - hướn hạn phủ táy là một công trình kiến trúc tài hoa, hòa đồng với thiên nhiên, đất trời cùng vạn vật. Từ kiến trúc xây dựng đến nghệ thuật trang trí đều bắt nguồn từ thực tế cuộc sống khách quan được cách điệu hóa đạt tới trình độ thẩm mỹ cao.
YBĐT - Thế đấy, mùa đông lại tự tin khoác áo bông trở lại. Buồn nhìn xóm trọ nhỏ nơi cuối phố, dưới ánh đèn heo hắt qua ô cửa sổ, không biết giờ này mẹ đã ngủ chưa? Sáng mai là phiên chợ quê cũng là một ngày bận rộn của mẹ.
YBĐT - Nhiều người trong lớp hậu sinh chúng tôi lấy cụ làm tấm gương soi sáng cho đời mình, vô cùng đau xót phải vĩnh biệt một người vừa là bậc cha anh, vừa là đồng chí, vừa là thi hữu thân yêu - một khoảng trống không gì khỏa lấp được.