Lễ hội Chá Chiêng của người Thái

  • Cập nhật: Thứ năm, 29/11/2007 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - Lễ hội Chá Chiêng là một hình thức sinh hoạt văn hóa tâm linh của đồng bào Thái ở huyện Mai Châu - tỉnh Hòa Bình. Lễ hội được hình thành từ xa xưa do việc có nhiều bà con trong cộng đồng chịu ơn với ông Mùn trong bản.

Một cảnh trong lễ hội Chá Chiêng của người Thái (Mai Châu - Hoà Bình).
Một cảnh trong lễ hội Chá Chiêng của người Thái (Mai Châu - Hoà Bình).

Theo suy nghĩ của bà con trong bản thì ông Mùn là một người hiểu biết, có khả năng giao tiếp với thần linh và thế giới siêu nhiên, có pháp thuật để chữa bệnh trên thân thể và trong cả tư tưởng con người. Trong điều kiện xã hội xưa còn nghèo nàn, lạc hậu, trình độ hiểu biết của người dân còn chưa cao, việc xuất hiện ông Mùn với những khả năng trên khiến ông Mùn trở thành nhân vật quan trọng, có vị trí đặc biệt và được bà con rất coi trọng.

 

Khi gia đình có người ốm đau, mắc bệnh lâu ngày không khỏi, người ta thường gọi ông Mùn tới để xem bệnh, dùng pháp thuật để trừ tà ma giúp người khỏi bệnh, khỏe mạnh. Những người được chữa khỏi bệnh coi ông Mùn là ân nhân cứu mạng và được coi là Lúc Điểng (con nuôi) của ông Mùn. Và cứ mỗi dịp đầu xuân, họ lại mang lễ vật đến tạ ơn ông Mùn.

 

Lễ hội Chá chiêng được tổ chức vào dịp lá mạ non (một loại cây mọc ven suối, có hoa từng chùm, màu vàng) buông rũ xuống mượt mà, đó thường là  dịp tháng giêng, tháng hai âm lịch. Ngày làm lễ do ông mùn chọn, tránh những ngày xấu (thường là ngày 5, 14 và 23).

 

Địa điểm tiến hành lễ là ngôi nhà sàn của chính ông Mùn, lúc đó ngôi nhà được trang trí bằng những tấm vải thổ cẩm. ở chính giữa nhà đặt cây hoa chá  (tên của thứ hoa được làm từ thân gỗ mềm và nhuộm các màu xanh, đỏ, tím, vàng để trang trí).- cây hoa trung tâm của lễ hội.

 

Từ sáng sớm, những người đến mừng ông Mùn gồm có những người được ông Mùn chữa khỏi bệnh và cả những người bà con họ mạc chòm xóm gần gũi, tuỳ theo khả năng và điều kiện của mình mà họ mang đến chai rượu hay cân gạo, riêng những "Lúc Điểng" thì họ mang theo một con gà cùng một số hoa quả và một cành hoa Chá. Cành hoa này sẽ được "Lúc Điểng" thành kính cắm lên thân cây hoa đặt giữa nhà tạo thành một cây hoa Chá. Cây hoa Chá còn được trang trí thêm các con giống như ve sầu, chim, chim, cá, ếch, nhái, cái bừa, cái trống, con dao… biểu tượng cho sự sống sinh sôi và nảy nở ở trần gian.

 

Mâm cỗ cúng được đặt trước bàn thờ gồm một con gà luộc, xôi, quả trứng, đĩa trầu cau, rượu và các đồ cúng khác của ông mo.

 

Lễ hội được bắt đầu khi mọi người đã tề tựu đông đủ. Trước khi làm lễ, một ông già bản điều khiển mọi người vào sắp đặt lễ, chuẩn bị nơi cúng, chỗ ngồi cho ông Mùn, sửa sang lại các cành hoa Chá. Xong xuôi, già bản mời ông Mùn vào làm phần lễ.

 

Khi ông Mùn bước đi các Lúc Điểng cung kính chào theo nghi thức của người Thái, đi theo ông Mùn còn có người phụ việc là ông thổi Pí Mùn (một loại sáo nhỏ, có lưỡi gà bằng đồng hay bằng bạc). Ông Mùn ra kiểm tra đồ lễ xong, ông đội khăn vào đầu rồi tự tay châm nến, xúc miệng bằng rượu và bắt đầu khấn gọi các quân binh ở mường Mùn cùng các Lúc Điểng của ông đến cùng làm lễ. Ông Mùn hát bài mo làng bản, làng mường (xua đuổi ma quỷ, điều xấu, điều ác ra khỏi bản mường)..

 

Lời khấn: "Hỡi quân binh, quân pháp hai mường, ba mường, các Lúc Điểng ở mường gần, mường xa, mường trên, mường dưới hãy nghe Mùn mời gọi lời hay, lời phải, Mùn gọi đến tai phải hãy đến, gọi đến tai trái cùng về… Mùn yêu, Mùn quý thì Mùn mới mời, mời về đây cùng vui hội Chá Chiêng với Mùn, với bản".

 

Sau đó, ông Mùn sửa sang lại khăn áo, lúc này ông thổi Pí Mùn bắt đầu dạo để ông Mùn "khắp ối" gọi vía của các "Lúc Điểng".

 

(Khắp ối):

"Ôi vía đừng chơi với bọn ma xấu vía ơi

 Vía đừng đi ưỡn ẹo với bọn ma chết vía nhé…..

Lời Mùn dặn thì đừng quên, nếu sợ quên thì hãy "đan go" để lại, nếu sợ quên thì để vào trong tay nải làm gối vía ơi

Lời Mùn dặn đã đủ lời, đủ ý hãy nhớ vào lòng vía ơi"

 

Ông Mùn gọi vía xong bắt đầu đứng lên và đi quanh cây hoa Chá để "kếp boóc" (hái hoa) và khắp, chỉ vào từng hoa bằng cây kiếm, các chàng trai, cô gái đi theo sau cùng nhìn vào các bông hoa mà ông Mùn chỉ.

 

Dịch ý lời Kếp boóc:

 

"Hoa này là hoa gì?

Hoa này là hoa Xổ, thấy người vào bản thì phải biết hỏi thăm mà làm bạn, đừng nói lời xấu để mắt lòng nhau. Có người lạ đến nhà phải biết nói lời chào và hỏi thăm sức khoẻ…

Con này là con gì?

Con này là con ếch, con nhái, ếch nhái nó biết ăn sâu bọ, nó có ích cho người, ta mang về thả quanh nhà…"

 

Nhiều trò chơi cùng lúc hoà nhịp với lời của thầy mo. Ông Mùn mời mọi người mường trên, bản dưới và các Lúc Điểng uống rượu cần và múa chá chiêng. Uống rượu cần đang vui thì ông bắt đầu hát khắp có đệm pí mùn, một số người đập bóng mù để làm nhịp múa (bóng mù được làm bằng ống tre to từ 6 đến 7 cm, dài khoảng 20 đến 30 cm). Các cô gái múa khăn gọi là múa "Xai hảng", các thanh niên thì múa kiếm làm các động tác chém, chặt, xẻo thịt (ý thể hiện sức mạnh của con người doạ đánh ma, bọn ma đừng có đến quấy rầy con người).

Sau những phần diễn trên là phần hát nhặt hoa. "Nào già trẻ gái trai muôn nơi, nào bản trên, mường dưới hãy cùng nhau nhảy múa chá chiêng làm vui bản vui mường, hãy chúc cho nhau một năm mới ai cũng khoẻ mạnh để xây dựng bản mường của ta ngày càng đẹp hơn. Không có bệnh tật đến Mường, không có con ma xấu tới bản. Đời người ta chỉ sống co một lần, hãy để lại tiếng thơm cho con cháy noi theo, cho muôn đời".

 

Cuộc nhảy múa không dành riêng cho ai, mọi người có thể nhảy múa càng nhiều người càng vui, khí thế càng tưng bừng.

 

Lễ hội Chá Chiêng của đồng bào Thái tỉnh Hoà Bình mang ý nghĩa cộng đồng đã tạo được không khí náo nức và phấn chấn cho mọi người trong bản, trong mường. Ngày nay, với sự tiến bộ về y học nên việc chữa trị bệnh của ông Mùn không còn tồn tại nữa mà nó chỉ còn là di sản văn hoá tâm linh, còn những nhịp điệu của lễ hội Chá Chiêng cũng đã dần trở thành nét đặc trưng trong vũ điệu dân gian của đồng bào Thái nói chung và của đồng bào Thái Mai Châu (tỉnh Hoà Bình) nói riêng.

 

Linh Trang

Các tin khác
Lễ cưới của dân tộc Dao đỏ (Lao Cai).

YBĐT – Là tỉnh có 25 dân tộc anh em chung sống, nhiều năm qua Lào Cai đã chú trọng tới công tác bảo tồn và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc. Trong thời kỳ đổi mới gắn với việc thực hiện có hiệu quả Nghị quyết TƯ 5 (khoá VIII) về “Xây dựng và phát triển nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”, sự nỗ lực của ngành Văn hóa – Thông tin cùng sự quan tâm của tỉnh đã góp phần làm nên bản sắc riêng của Lào Cai.

Giáo sư Phan Huy Lê - Chủ tịch Hội khoa học lịch sử Việt Nam xem hiện vật tại trung tâm văn hóa huyện Lục Yên.

YBĐT - Ngày 26/11, tại huyện Lục Yên, UBND tỉnh Yên Bái phối hợp với hội khoa học lịch sử Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học giá trị lịch sử - văn hóa di tích Hắc Y. Đồng chí Hoàng Thị Hạnh - Phó chủ tịch UBND tỉnh; Giáo sư Phan Huy Lê - Chủ tịch Hội khoa học lịch sử Việt Nam chủ trì hội thảo.

Đỏ tím chiều sông Hồng. Ảnh MQ

YBĐT - Sông Hồng. Biết bao thi sĩ đã viết và không mấy ai không nói về sắc đỏ, sắc hồng của sông Hồng với một đặc điểm thật riêng biệt. Thế mà Nguyễn Quang Bích viết đến 4 bài thơ về sông Hồng với cách quan sát, nhận xét thật cụ thể, tinh tế.

Đánh cồng khai mạc lễ hội “Cầu mưa” ở xã Nghĩa Sơn, Văn Chấn.

YBĐT - Xưa kia, người Khơ Mú khi làm nương rẫy đều "cầu xin" sự phù hộ của trời đất, các ma sông, ma suối, ma nương rẫy, tổ tiên như mọi nhóm dân tộc sinh sống bằng trồng trọt khác.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục