Miền quê thương nhớ

  • Cập nhật: Thứ tư, 5/12/2007 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - Đó là một miền quê như bao miền quê khác trên dải đất Việt Nam thân yêu này nhưng lại mang những nét đặc trưng riêng của miền quê đồng bằng Bắc Bộ với chiếc cổng làng mà những người phụ nữ xưa ở quê tôi ít khi có dịp bước qua; là lũy tre xanh xào xạc những trưa hè; là con đường làng xếp gạch quanh co do những người dân quê tôi đóng góp mà làm nên và là tất cả những gì mà mỗi khi nhớ lại, tôi đều thấy thân thương quá đỗi.

(Ảnh: Lê Tuấn)
(Ảnh: Lê Tuấn)

"Quê hương là gì hả mẹ

Mà cô giáo bảo phải yêu?

Quê hương là gì hả mẹ

Ai đi xa cũng nhớ nhiều?"

 

Từ ngày còn nhỏ xíu, tôi đã được nghe cô giáo đọc những câu thơ này, và ngay trong bài giảng của cô, tôi đã hiểu rằng, mỗi người đều có một quê hương. Đó là nơi ta được sinh ra, khôn lớn, trường thành, nơi lưu giữ biết bao kỷ niệm đẹp đẽ, hồn nhiên thời thơ ấu và cũng là nơi tiếp thêm cho ta nguồn sức mạnh để vững vàng hơn khi bước vào cuộc sống. Với riêng tôi - một người con xa quê - quê hương còn là cả một miền thương, một miền nhớ, nơi tôi khát khao trở về để tìm lại những cảm xúc ngọt ngào tuổi ấu thơ mà tôi đã có lần vô tình đánh rơi...

 

Đó là một miền quê như bao miền quê khác trên dải đất Việt Nam thân yêu này nhưng lại mang những nét đặc trưng riêng của miền quê đồng bằng Bắc Bộ với chiếc cổng làng mà những người phụ nữ xưa ở quê tôi ít khi có dịp bước qua; là lũy tre xanh xào xạc những trưa hè; là con đường làng xếp gạch quanh co do những người dân quê tôi đóng góp mà làm nên và là tất cả những gì mà mỗi khi nhớ lại, tôi đều thấy thân thương quá đỗi. Bố mẹ tôi đều sinh ra và lớn lên ở đó. Họ là những người bạn thời chăn trâu cắt cỏ, lớn lên thì thành vợ thành chồng. Lấy nhau được ít lâu, bố mẹ tôi cùng lớp thanh niên thời đó xung phong lên Tây Bắc lập nghiệp và sinh hạ 4 anh em chúng tôi ở miền quê mới.

 

Những ngày còn đi học, cứ dịp nghỉ hè, bố mẹ lại cho 4 anh em tôi xuôi tàu về quê thăm ông bà, họ hàng đôi bên nội ngoại. Dù không được sinh ra và lớn lên ở đó nhưng tôi vẫn thấy miền quê ấy gần gũi, ấm áp và thân thương đến lạ kỳ. Nhà bà nội tôi ở ngay đầu làng, cách chân đê có vài trăm bước chân. Đó là một ngôi nhà gỗ 3 gian, lợp mái ngói (quê tôi hầu như nhà nào cũng làm bằng gỗ, lợp mái ngói, thông thường là 3 gian, nhà nào khá giả thì 5 gian). Trước nhà là sân gạch rộng rãi đủ để cho lũ trẻ chúng tôi thả sức chơi đùa. Góc sân, một cây rơm sừng sững như một cái nấm khổng lồ mà bà vẫn ra tuốt từng nắm to để thổi cơm, những lúc rảnh việc đồng áng thì đem ra bện chổi. Lần nào về quê, tôi cũng thích cùng lũ trẻ trong xóm chạy nhảy quanh đống rơm cho đến khi mồ hôi túa ra nhễ nhại mới thôi. Khát nước thì đã có cả chum nước mưa, cứ việc lấy gáo dừa múc lên tu ừng ực. Trong mọi thứ nước mà tôi được uống, chưa có loại nước nào tôi thấy ngọt và mát như nước mưa, những giọt nước trong lành như ngấm vào từng đường gân thớ thịt, giúp chúng tôi thỏa cơn khát giữa những ngày hè nóng nực.

 

Ngày đó, ông nội tôi chưa già lắm nhưng đôi mắt đã lòa và không còn nhìn thấy gì nữa. Đi đâu ông cũng phải mang theo một cây gậy nhưng dường như tôi không thấy ông ra khỏi nhà bao giờ. Tuy mắt đã lòa nhưng ông vẫn nhận ra mọi người qua tiếng bước chân, giọng nói và cả mùi mồ hôi nữa, nhất là những đứa cháu của ông, ông bảo không thể lẫn vào đâu được bởi cái mùi mồ hôi lúc nào cũng khen khét, nồng nồng. Ông nội tôi ít nói, hiền từ như một ông tiên trong chuyện cổ tích vậy. Bà tôi thì nhanh nhẹn, tháo vát, nhất là trong chuyện chợ búa. Thế nên bà mới có thể nuôi 7 người con (bố tôi là thứ 4) trưởng thành. Trong bảy người con của ông bà, có tới 6 người thoát ly đi công tác và đều sinh tới 4 - 5 người con, chỉ còn bác cả ở lại với ông bà để lo việc hương hỏa cho dòng họ Nguyễn nhà tôi. Vợ chồng bác hiếm muộn nên chỉ sinh được hai người con: chị Tý, anh Tẹo và cũng chỉ hơn tôi có vài tuổi.

 

Tuy đông con nhiều cháu là thế nhưng ông bà tôi cũng chỉ được gặp con cháu vào dịp hè hoặc tết Nguyên đán. Vì vậy, mỗi lần chúng tôi về, ông bà rất đỗi vui mừng và thường tỏ ra chiều chuộng chúng tôi hơn chị Tí, anh Tẹo, có cái gì ngon cũng để dành phần chúng tôi. Nhưng tôi thích nhất là những đêm trăng sáng, bà mang chiếu ra trải giữa sân. Tay bà phe phẩy chiếc quạt nan, miệng bỏm bẻm nhai trầu, bà kể cho chúng tôi những câu chuyện cổ tích xa xưa. Tôi mải mê ngắm bầu trời đêm lồng lộng, tâm hồn như lạc vào thế giới thần tiên cùng những câu chuyện của bà. Thỉnh thoảng lại có làn gió nhè nhẹ thổi đưa hương thơm của những bông hoa sen từ đầm sen trước nhà lan tỏa khắp không gian - cái hương thơm dìu dịu, tinh khiết nhưng cũng vô cùng quyến rũ làm tôi chỉ muốn mở toang lồng ngực để hít hà. Trong mênh mông bao la của đất trời, tôi chìm vào giấc ngủ no say. Chỉ khi nghe tiếng gà gáy râm ran noài ngõ, tôi mới tỉnh giấc. Ông bà nội tôi cũng đã dậy và chuẩn bị bữa sáng từ bao giờ... Tôi chạy ra sân, hít thở không khí trong lành buổi sớm. Những bông hoa sen trước nhà chúm chím, khẽ đung đưa trong gió, tỏa hương ngào ngạt. Mấy cô thôn nữ chèo thuyền thúng hái hoa sen cười nói ríu rít, tiếng nói tiếng cười lao xao cả mặt nước.

 

Mới sáng tinh mơ mà trong nhà đã vắng tanh, hai bác tôi vác cuốc ra đồng từ bao giờ, lũ trẻ trong xóm thì gọi nhau í ới. Thấy chị Tí, anh Tẹo cưỡi trâu ra ngõ, tôi vớ mấy củ khoai, nhét vào mồm nhai nhồm nhoàm rồi vội vàng chạy theo. Chị Tí cho tôi cùng ngồi vắt vẻo trên lưng trâu với chị. Chúng tôi đi ra chân đê, chọn bãi cỏ ngon nhất thả trâu ở đó rồi chạy ào lên trên đê để hóng mát. Mùa hè, những ngọn gió sông Hồng phóng khoáng thổi dào dạt làm nghiêng ngả cả bờ tre. Tôi đứng trên đê, mải miết ngắm dòng sông Hồng cuồn cuộn đỏ. Dòng sông chia làng tôi thành bên lở, bên bồi. Bên lở là nơi người dân quê tôi trú ngụ, còn bên bồi là những bãi phù sa màu mỡ, tốt tươi, xanh mát những luống ngô, luống khoai, làm ấm bụng người dân quê tôi những ngày giáp hạt. Mấy chị em tôi cùng lũ trẻ trong làng thỏa sức chơi đùa cho đến khi ông mặt trời đã khuất sau rặng tre mới thủng thẳng dắt trâu về nhà. Chị Tí buộc trâu vào gốc cây xoan sau nhà rồi xắn quần ra cầu ao khỏa nước. Chị lấy cây sào gạt đám bèo sang một bên rồi lấy hai tay múc từng vốc nước táp vào mặt. Anh Tẹo thì chả cần ý tứ, cứ thế cởi quần áo rồi nhảy tùm xuống ao. Tắm xong, chúng tôi ào vào mâm cơm đã được bác cả dọn sẵn. Bữa cơm nào cũng vậy, chỉ có vài con cá rô phi kho mặn và bát canh cua đồng, vậy mà chúng tôi vẫn xì xụp húp ngon lành.

 

Qua tuổi học trò, tôi không còn có những kỳ nghỉ hè dài nên những lần về quê cũng thưa dần. Nhất là khi đi làm, rồi có gia đình, tôi lại càng ít về thăm quê hơn, nhưng dù ở đâu, làm gì, trong tôi vẫn vẹn nguyên một miền thương, một miền nhớ. Nơi ấy là quê hương tôi!

 

Mai Phương

Các tin khác
Một cảnh trong lễ hội Chá Chiêng của người Thái (Mai Châu - Hoà Bình).

YBĐT - Lễ hội Chá Chiêng là một hình thức sinh hoạt văn hóa tâm linh của đồng bào Thái ở huyện Mai Châu - tỉnh Hòa Bình. Lễ hội được hình thành từ xa xưa do việc có nhiều bà con trong cộng đồng chịu ơn với ông Mùn trong bản.

Lễ cưới của dân tộc Dao đỏ (Lao Cai).

YBĐT – Là tỉnh có 25 dân tộc anh em chung sống, nhiều năm qua Lào Cai đã chú trọng tới công tác bảo tồn và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc. Trong thời kỳ đổi mới gắn với việc thực hiện có hiệu quả Nghị quyết TƯ 5 (khoá VIII) về “Xây dựng và phát triển nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”, sự nỗ lực của ngành Văn hóa – Thông tin cùng sự quan tâm của tỉnh đã góp phần làm nên bản sắc riêng của Lào Cai.

Giáo sư Phan Huy Lê - Chủ tịch Hội khoa học lịch sử Việt Nam xem hiện vật tại trung tâm văn hóa huyện Lục Yên.

YBĐT - Ngày 26/11, tại huyện Lục Yên, UBND tỉnh Yên Bái phối hợp với hội khoa học lịch sử Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học giá trị lịch sử - văn hóa di tích Hắc Y. Đồng chí Hoàng Thị Hạnh - Phó chủ tịch UBND tỉnh; Giáo sư Phan Huy Lê - Chủ tịch Hội khoa học lịch sử Việt Nam chủ trì hội thảo.

Đỏ tím chiều sông Hồng. Ảnh MQ

YBĐT - Sông Hồng. Biết bao thi sĩ đã viết và không mấy ai không nói về sắc đỏ, sắc hồng của sông Hồng với một đặc điểm thật riêng biệt. Thế mà Nguyễn Quang Bích viết đến 4 bài thơ về sông Hồng với cách quan sát, nhận xét thật cụ thể, tinh tế.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục